Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Nếu mỗi nền văn hóa lâu đời đều gắn liền với những bảo vật linh thiêng. Nếu như Nhật Bản có “Tam Chủng Thần Khí”, Trung Hoa có “Trấn Quốc Chi Bảo”, Triều Tiên có “Thiên Phù Tam Ấn”, thì Việt Nam cũng tự hào nhắc đến bốn báu vật thần thánh – “An Nam Tứ Đại Khí”.
An Nam Tứ Đại Khí còn được gọi là Nam Thiên Tứ Bảo Khí, hay Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí, gồm có: tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Ngân Thiên (có tài liệu nói là chuông Quy Điền), và vạc Phổ Minh. Đây được coi là 4 kỳ quan, 4 quốc bảo, 4 công trình nghệ thuật dưới thời Lý, Trần.
Vậy thì, vì sao chúng được tôn vinh là “đại khí”, “bảo khí”, hay “thần khí” – nghĩa là những báu vật có thể chấn hưng cả một quốc gia, quyết định đến sự phồn vinh hay suy vong của cả một dân tộc? Chắc hẳn câu trả lời sẽ không chỉ giới hạn ở mức độ bề thế của quy mô, mức độ tinh xảo của nghệ thuật, hay mức độ vĩ đại của tinh hoa và văn hoá. Mà sâu xa hơn, nó còn ẩn chứa nhiều bí mật của cả 4.000 năm lịch sử.
Và nếu nhìn lại những “bộ tứ” của Đại Việt, ta có thể thấy tất cả đều là những bậc thánh thần. Ví như An Nam Tứ Bất Tử thờ 4 vị thánh linh thiêng; Hoa Lư Tứ Trấn thờ bốn vị thần trấn giữ các hướng đông, tây, nam, bắc của vùng đất cố đô; hay Thăng Long Tứ Trấn là 4 ngôi đền thiêng thờ các vị đại thần bảo vệ cho kinh thành.
Phải chăng An Nam Tứ Đại Khí cũng cần mang trong mình những yếu tố linh thiêng và cao quý nhường ấy, mới có thể được coi là vật báu chấn hưng dân tộc Việt?
Nhưng có lật giở cả Đại Việt sử ký toàn thư cũng không tìm được lời giải thích cho sự ra đời của tứ đại khí này. Có chăng, thì những cái tên như tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, hay chùa Quỳnh Lâm chỉ lác đác xuất hiện đôi lần như một công trình nghệ thuật hay một di tích bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính sử dường như vẫn luôn tránh né những câu chuyện mang yếu tố thần thoại, trong khi huyền sử lại chỉ được chắp nối qua những lưu truyền và ghi chép dân gian.
Bởi vậy, để tìm lời giải thích cho bốn báu vật nói trên, chúng ta hãy lần theo những truyền thuyết xưa còn để lại. Cho dù nó mang sắc màu huyền thoại, cho dù nó có những yếu tố tâm linh khó giải thích bằng lời, thì dẫu sao đó vẫn là một phần của lịch sử mà dân gian vẫn gìn giữ cho chúng ta đến ngày hôm nay.
Câu chuyện bắt đầu từ thời vua Thần Nông khoảng 5.000 năm trước đây. Sau khi thống nhất sơn hà, Thần Nông làm phép thu linh khí Hoa Hạ xuống núi Thái Sơn, khiến đồng đen trong lòng núi Thái Sơn kết tinh thành trâu vàng của Trung Hoa. Khi thiên hạ thanh bình hoặc khi có chúa thánh ra đời, thì vào những đêm trăng sáng, trâu vàng lại ra khỏi núi, bay lơ lửng trên không trung, toả sáng cả một vùng.
Núi Thái Sơn vốn là nơi có mỏ đồng đen quý hiếm. Các thầy phong thuỷ Trung Hoa cho rằng đồng đen là mẹ của vàng, bởi vậy các đời vua đều thu thập đồng đen ở Thái Sơn đem cất vào kho, rồi làm phép cho trâu vàng không được rời khỏi núi.
Thời nhà Đường, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền sang làm tiết độ sứ tại nước ta. Cao Biền sớm nhận thấy linh khí phương nam cường thịnh nên đã trấn yểm các thế đất, thu tất cả tinh hoa linh khí của Đại Việt vào bụng 36 con trâu vàng rồi đem về giam dưới núi Thái Sơn cùng với con trâu vàng của Hoa Hạ.
Đến đời vua Tống Thái Tông, sau khi bại trận trước quân ta ở Chi Lăng và Bạch Đằng, vua Tống sai đào trâu mang về yểm ở hoàng cung, trong đó có cả con trâu vàng Trung Hoa và 36 con trâu vàng giữ linh khí Đại Việt.
Sau đó, khi hai vị thánh tăng của Đại Việt là Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh vân du đến Trung thổ, các vị đã giúp nhà Tống trừ tà tại hoàng cung nên được vua Tống ban thưởng đồng đen. Hai vị thánh tăng đã làm phép thu hết cả kho đồng đen, đồng thời lấy lại 36 con trâu vàng có chứa tinh anh của dân tộc Việt. Từ đó, linh khí Đại Việt lại rực sáng cả trời nam.
Sau khi trở về, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh đã dùng số đồng đen thu được đúc thành bốn bảo khí giữ nước, được gọi là Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí.
Bởi vì đồng đen là tinh hoa trên núi Thái Sơn, mang trong mình linh khí của trời đất, vậy nên tứ bảo khí của Đại Việt, một cách tự nhiên, đã mang trong mình một sức mạnh thần kỳ.
Bảo khí thứ nhất: Đỉnh tháp Báo Thiên
Chùa Báo Thiên được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông. Vào niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình (1056), vua ngự thuyền ra hồ Tây thưởng ngoạn. Bỗng đâu xuất hiện một người lạ trách mắng vua rằng: “Nhà ngươi làm chúa trời Nam, sao không lo tu đức, sửa sang chính sự mà lại rong chơi? Như vậy vua làm gương cho kẻ xấu, cho bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá hà hiếp dân lành. Ta là thần giữ việc mưa gió vùng này. Nay thấy dân khổ nên báo cho vua hay”, nói xong bèn biến mất.
Vua Lý Thánh Tông vội trở về kinh, chấn chỉnh lại triều chính, đồng thời sai người xây chùa để tạ ơn Trời Phật, vì vậy chùa mới có tên là “Báo Thiên”. Sang năm sau, nhà vua lại cho dựng một toà tháp cao 20 trượng (40m) gồm 12 tầng.
Đến đây, hai vị thánh tăng lại dùng đồng đen để đúc nên đỉnh tháp (tầng thứ 13). Cũng kể từ đó những vì tinh tú trên thiên hà đều hướng về phương nam, đêm đêm toả hào quang chiếu sáng đất Thăng Long.
Bảo khí thứ hai: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm
Bức tượng tại chùa Quỳnh Lâm không chỉ được chế tạo từ đồng đen, mà bên trong còn lưu giữ 18 viên xá lợi của các vị bồ tát Đại Việt, lại thêm 360 viên đá linh khí từ các đền thờ chư thánh và anh hùng của Đại Việt. Bởi chứa tinh anh của dân tộc, nên đây là bức tượng linh thiêng vào bậc nhất cõi trời Nam. Có câu nói rằng, chỉ cần pho tượng vẫn còn thì Trung Nguyên mãi mãi không thể xâm phạm bờ cõi An Nam.
Bảo khí thứ ba: Vạc Phổ Minh
Vạc đặt trong chùa Phổ Minh ở Nam Định. Theo mô tả, vạc nặng ba vạn cân, bên ngoài có hình rồng uốn lượn và hình chim âu đang bay, trên thành có 100 lỗ hình quả trứng tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên. Trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng để tích tụ linh khí của dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của dân tộc, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến vua Lý Thánh Tông.
Tục truyền rằng, ngay sau khi vạc được an trí, trên không có tiếng nhạc vang lừng, rồi hàng vạn con hạc từ đâu về bay lượn. Hào quang từ trong vạc phát ra sáng chói một vùng. Ngài Minh Không thấy vậy mới nói rằng: “Không ngờ linh khí tụ nhanh đến vậy. Sau đây trên trăm năm sẽ có giặc phương Bắc, thiên hạ không ai địch nổi. Nhưng nơi đây một vị đại thánh sẽ giáng trần phá tan giặc đó”.
Quả nhiên, mảnh đất ấy là nơi phát tích ra nhà Trần sau này. Còn người anh hùng đó chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Bảo khí thứ tư: Chuông Ngân Thiên
Khi nhắc đến thần khí thứ tư, có ý kiến cho rằng đó là chuông Quy Điền ở chùa Một Cột. Nhưng chuông Quy Điền không phải do hai vị thánh tăng đúc nên, hơn nữa cũng không thể hiện được ý nghĩa linh thiêng như ba thần khí còn lại. Bởi vậy, giả thiết này e rằng không hợp lý.
Nói về chuông Ngân Thiên, sở dĩ có tên gọi như vậy là vì tiếng chuông vang rền lên tận trời xanh.
Chuông Ngân Thiên gắn liền với sự tích con trâu vàng dưới lòng Hồ Tây. Chuyện kể rằng, sau khi đúc, chuông được đưa lên đỉnh tháp Báo Thiên. Lúc ấy thần linh đều tụ về nơi này, hai vị thánh tăng mới bắt đầu đánh chuông. Tiếng chuông vang rền, ngân tới tận Trung Hoa. Vì đồng đen là mẹ của vàng, con trâu vàng Hoa Hạ ngỡ là tiếng mẹ gọi bèn vùng lên chạy về đất Thăng Long, rồi sau được trấn yểm dưới lòng Hồ Tây. Gần nơi trâu trầm xuống được dựng đền thờ, gọi là đền Kim Ngưu, nghĩa là đền Trâu Vàng. Người dân Thăng Long vẫn đồn đại rằng, những đêm trời đẹp trâu vàng lại nổi lên mặt Tây Hồ, có lẽ là vì vậy.
Lại nói về quả chuông Ngân Thiên, hai vị thánh tăng cho rằng thần linh Đại Việt tuy nhiều nhưng quỷ ma cũng không thiếu. Trải qua các cuộc chiến tranh, rất nhiều hồn phách của binh sĩ Trung Hoa bỏ mình trên đất Việt vẫn thường quấy nhiễu nhân gian. Bởi vậy, hai vị đã chiêu hồn họ để làm chày giải oan. Với những binh hồn không thể siêu thoát, hai vị lại thu hồn phách của họ vào chuông Ngân Thiên rồi thả xuống sông Lục Đầu. Nơi quả chuông rơi xuống còn được gọi là “đoạ chung lại”, tức vũng chuông rơi.
***
Đến đây ta có thể thấy những yếu tố linh thiêng làm nên Tứ Đại Khí của mảnh đất An Nam. Nó thần thánh, bởi nó được tạo nên từ hai vị thánh tăng bất tử của Đại Việt – Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh. Nó thần thánh, bởi nó hội tụ tất cả linh khí và tinh hoa của 4.000 năm lịch sử dân tộc. Và nó thần thánh, bởi đó là những pháp khí gắn liền với Phật và Thần.
Trải qua bao phong ba tuế nguyệt, An Nam Tứ Đại Khí đã chứng kiến những trang sử hào hùng của hai thời Lý, Trần. Người ta nói Lý-Trần là hai thời đại huy hoàng của Đại Việt bởi đây là những triều đại tôn vinh Phật Pháp, coi Phật giáo là quốc pháp cai trị đất nước, và ngay cả nhiều vị vua cũng xuất gia tu hành. Đây cũng là thời kỳ mà những bậc anh tài đã xuất hiện làm rạng rỡ non sông, như Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, v.v. Có lẽ cũng còn một lý do để tin rằng, trang sử huy hoàng đó có đóng góp không nhỏ của 4 bảo khí đất An Nam…
Tham khảo:-
– Ghi chép về “An Nam Tứ Đại Thần Khí” của Yên Tử cư sỹ Trần Đại Sỹ
– Thiền uyển tập anh
Theo ĐKN