Trước thềm đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, một số công chứng viên có đơn gửi tới các cơ quan chức năng phản ánh việc sắp đặt nhân sự chưa minh bạch, trong đó có một số cá nhân không đủ trình độ, uy tín, phẩm chất… nhưng cũng được cơ cấu làm lãnh đạo Hiệp hội công chứng Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Điển hình cho sự việc này là trường hợp ông Trần Quốc Khánh – Trưởng Văn phòng công chứng Lạc Việt.
Theo phản ánh, ông Khánh thành lập và làm Trưởng Văn phòng công chứng Lạc Việt từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn tham gia HĐQT của Công ty Cổ phần Đấu giá Lạc Việt, do đó đã vi phạm Điều 7 của Luật Công chứng 2014.
Một số công chứng viên cho rằng, cho dù hiện nay ông Khánh đã rút khỏi chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đấu giá Lạc Việt để đối phó hay chưa thì cũng không đủ uy tín, phẩm chất để làm lãnh đạo Hiệp hội.
Mặt khác, xét về mặt đạo đức hành nghề thì ông Khánh cũng vi phạm. Thêm nữa, “ông Khánh còn có nhiều tai tiếng khác mà giới công chứng đều biết” – một số công chứng viên khẳng định.
Ngoài ra, các công chứng viên còn phản ánh, ông Nguyễn Vĩnh Huy- đại biểu Hội Công chứng tỉnh Bình Phước (người được cơ cấu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội) nhưng thực tế ông Huy không có thành tích nào trong hoạt động công chứng của tỉnh ngoại trừ việc đóng tiền cho Ban vận động. Theo tin từ giới công chứng Sài Gòn thì ông Huy làm chủ nhiều tổ chức liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp như thừa phát lại, luật sư... Do đó, những công chứng viên này có ý kiến đề nghị cần xác minh thêm về ông Huy để đảm bảo sự khách quan bởi đối chiếu với tiêu chuẩn của chức danh Phó Chủ tịch Hiệp hội thì ông Huy không đủ tiêu chuẩn và không xứng đáng.
Một nhân sự nữa mà những công chứng viên có ý kiến đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Thơ, đại biểu của TP.Hà Nội. Bà Thơ được Bộ Tư pháp cơ cấu vào Ban Thường vụ Hiệp hội nhưng cá nhân bà không có uy tín trong giới công chứng Hà Nội, minh chứng là 2 lần tham gia ứng cử vào Ban Chấp hành đều trượt. Những công chứng viên này lý giải, bà Thơ chỉ đóng góp tiền cho Ban vận động thành lập Hiệp hội, do đó được cơ cấu vào vị trí Ban Thường vụ.
Từ những lý do trên, những công chứng viên cho rằng, ông Trần Quốc Khánh, ông Nguyễn Vĩnh Huy, bà Nguyễn Thị Thơ được Bộ Tư pháp cơ cấu vào chức vụ lãnh đạo cao của Hiệp hội công chứng là không khách quan, không đảm bảo tiêu chuẩn, có dấu hiệu không bình thường – mà một trong những nguyên nhân là những người này có quan hệ “đặc biệt” với lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Được biết, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành. Hiêp hội có nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Hội Công chứng viên thành viên, các công chứng viên; duy trì các chuẩn mực đạo đức hành nghề công chứng. Vì vậy, để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, dân chủ, đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ điều mà dư luận đang có ý kiến về những nhân sự dự kiến cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo Hiệp hội Công chứng Việt Nam.
BOX:
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:
l) Công chứng viên tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, giao dịch mà mình nhận công chứng;
(Điều 7 của Luật Công chứng 2014)
Nhóm PV/VHVN