Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bầu cử tại Pháp, Australia, Hàn Quốc, Philippines và Brazil…nằm trong số các cuộc bầu cử đáng chú ý trên thế giới năm 2022.
Hiện không loại trừ khả năng cuộc bầu cử ngày 8/11/2022 sẽ chứng kiến sự đổi chủ của ít nhất một viện, thậm chí là lưỡng viện Mỹ. Lịch sử cho thấy các cuộc bầu cử giữa kỳ thường mang lại kết quả không tốt cho đảng cầm quyền, đặc biệt là tại Hạ viện.
Trong 7 thập niên qua, đảng của Tổng thống đương nhiệm thường đánh mất trung bình 20 ghế tại bầu cử giữa kỳ, thậm chí lớn hơn trong một vài trường hợp. Năm 2010, đảng Dân chủ mất tới 63 ghế sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hạ viện. Điều chỉnh về mặt địa chính của các quận từ năm 2020 cũng tạo ưu thế nhất định cho đảng Cộng hòa.
Hiện đảng Dân chủ đang nắm quyền tại Hạ viện với 8 ghế nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi vượt lên xu thế của lịch sử trong bầu cử giữa kỳ, đảng này vẫn có thể đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện. Các cuộc đua giả định mới đây đã cho thấy các ứng viên đảng Cộng hòa đang có lợi thế tới 10 điểm so với đối thủ ở đảng Dân chủ.
Tại Thượng viện, cuộc chiến sẽ có phần cam go hơn, khi 20/34 ghế tranh cử thuộc về phe Cộng hòa và không có ghế của phe Dân chủ nằm ở các bang ông Donald Trump từng thắng năm 2020. Tuy nhiên, sự phân hóa nội bộ giữa phe trung dung và phe cấp tiến của đảng Dân chủ, cùng tỷ lệ ủng hộ thấp của Tổng thống Joe Biden sẽ tác động đáng kể tới cơ hội chiến thắng của các ứng viên đảng này tại Thượng viện.
Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát một viện, sự phân hóa quan điểm về chính sách sẽ trở lại, gây nên tình trạng bế tắc sâu sắc hơn trước cho tới năm 2024. Đó là chưa kể tới viễn cảnh Hạ viện đảng Cộng hòa bổ nhiệm ông Donald Trump làm Chủ tịch Hạ viện, do Hiến pháp Mỹ không yêu cầu Chủ tịch Hạ viện phải là thành viên Hạ viện.
Người Pháp nhiều khả năng sẽ có hai cơ hội để lựa chọn Tổng thống trong năm 2022. Nếu không ứng cử viên nào đạt đủ đa số trong vòng đầu ngày 10/4, hai ứng cử viên có nhiều số phiếu nhất sẽ đối đầu trực tiếp ở vòng tiếp theo hai tuần sau đó.
Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của đảng trung dung Tiến bước! dự kiến sẽ tham gia tranh cử để tiếp tục nắm quyền, dù ông vẫn chưa chính thức công bố. Ông từng đánh bại ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen để chiến thắng trong vòng thứ hai của cuộc bỏ phiếu vào năm 2017. Giờ đây, lợi thế một lần nữa đang nghiêng về đương kim Tổng thống khi tỷ lệ ủng hộ ông vài tháng qua đã đạt mức hơn 40%, tương đối cao so với các nhà lãnh đạo Pháp khác cuối nhiệm kỳ.
Trong khi đó, sau thất bại năm 2017, bà Le Pen, người có lập trường chống Liên minh châu Âu (EU), đã trở lại cuộc đua. Tuy nhiên, chính trị gia này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhà báo thiên hướng cực hữu Eric Zemmour, hay “Donald Trump của nước Pháp” và bà Valérie Pécresse, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Pháp bảo thủ, cựu Bộ trưởng Ngân sách.
Khảo sát hiện nay cho thấy ông Macron nhận được 25% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen, bà Pécresse và ông Zemmour ở mức 15%. Các ứng viên còn lại từ các đảng truyền thống, đặc biệt là đảng Xã hội, chỉ có tỷ lệ ủng hộ chưa đầy hai con số.
Với nhiều người, cuộc bầu cử ngày 9/5 tại Philippines chẳng khác nào kịch bản hoàn hảo cho những bộ phim truyền hình dài tập gay cấn ở Mỹ.
Theo Hiến pháp nước này, Tổng thống chỉ có thể đảm đương một nhiệm kỳ 5 năm duy nhất và không thể tái cử. Năm qua, ông Duterte đã nhiều lần đề cập việc từ giã chính trường, song đã đột ngột chuyển hướng khi quyết định tranh cử Thượng viện. Có nhiều đồn đoán cho rằng ông muốn dọn đường cho con gái Sara Duterte tranh cử Tổng thống và qua đó, ông có thể trở thành phó tướng. Tuy nhiên, đến phút cuối, bà Sara đã lựa chọn phương án an toàn khi chỉ tuyên bố theo đuổi vị trí Phó Tổng thống.
Tuy nhiên, hậu thuẫn chính trị vững chắc từ người cha quyền lực khiến bà nhanh chóng được mời gọi tham gia chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống phe đối lập, ông Ferdinand Marcos Jr., con trai của nhà lãnh đạo Ferdinand Marcos Sr.
Liên minh chính trị kỳ lạ này được cho là sẽ tiếp tục khuynh đảo Manila thời gian tới, dù đối thủ của họ có là Thượng nghị sĩ, cựu vô địch quyền Anh thế giới Manny Pacquiao, Thị trưởng Manila Isko Moreno hay Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson. Khảo sát mới đây cho thấy gần 70% cử tri được hỏi ủng hộ ông Marcos, trong khi con số này dành cho người đứng thứ hai chỉ vỏn vẹn 11%.
Chờ đợi người kế nhiệm ông Duterte sẽ là hàng loạt thách thức sống còn với quốc gia Đông Nam Á này như dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế, đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng, hay lập trường quyết liệt của Trung Quốc về Biển Đông.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định Tổng thống có một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm. Như vậy, thời gian cầm quyền của ông Moon Jae-in sẽ kết thúc vào tháng 5 năm nay, song nhân vật thay thế ông sẽ chỉ lộ diện trong 2 tháng tới.
Ông Moon rời nhiệm sở trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đang có chiều hướng suy giảm. Đảng trung tả cầm quyền Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) đã thất bại, trước Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) bảo thủ trong bầu cử thị trưởng tại Seoul và Busan, hai thành phố lớn và quan trọng nhất của Hàn Quốc. Uy tín của DPK đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể hoàn thành lời hứa như xây dựng lại quan hệ liên Triều hay ổn định giá nhà cửa, vốn đã tăng tới 58% kể từ khi ông Moon lên nắm quyền.
Trong bối cảnh đó, người được DPK lựa chọn tranh cử năm 2022 là ông Lee Jae-myung, một luật sư dân sự, cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi với ưu tiên về giải quyết vấn đề xã hội như cam kết thiết lập hệ thống thu nhập cơ bản hay cung cấp 1 triệu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Về chính sách đối ngoại, ông nhận mình là người “thực dụng” và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai, dù đó là Mỹ hay Trung Quốc.
Đối thủ của ông Lee là cựu công tố viên Yoon Seok-youl của PPP, người từng khiến truy tố một Bộ trưởng dưới quyền ông Moon tham nhũng. Ông cho rằng mình là người “thực dụng” và gọi đối thủ là “dân túy”. Tuy nhiên, chính trị gia này có quan điểm đối ngoại ít nhiều tương đồng với ông Moon và từng kêu gọi “đẩy nhanh quá trình triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc phòng trường hợp khẩn cấp”.
Dù vậy, như thường lệ, các vấn đề đối nội được cho là sẽ định đoạt kết quả của cuộc bầu cử lần này. Hiện ông Yoon đang có lợi thế, dù là không nhiều, trước ông Lee.
Theo Hiến pháp Australia, bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra muộn nhất là vào ngày 21/5. Cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu bình chọn 151 ghế tại Hạ viện và 40/76 ghế tại Thượng viện. Hiện lãnh đạo đảng Tự do trung hữu, Thủ tướng Scott Morrison vẫn chưa đề cập cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều khả năng các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào mùa Xuân. Australia chưa bao giờ tổ chức bầu cử toàn quốc vào tháng 1 và tháng 2. Luật pháp nước này cũng quy định chính phủ cần dành từ 33 – 58 ngày cho hoạt động vận động tranh cử.
Hiện liên minh Tự do – Quốc gia cầm quyền đang kỳ vọng sẽ chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, Công đảng của ông Anthony Albanese mong muốn nắm quyền sau gần 10 năm trắng tay. Hy vọng của Công đảng là có cơ sở, khi liên minh cầm quyền đang chịu nhiều chỉ trích do chính sách tiêm chủng thiếu hiệu hiệu quả. Tỷ lệ ủng hộ ông Morrison rơi xuống mức kỷ lục từ tháng 3/2020, khi Canberra phản ứng chậm trước các đám cháy rừng, gây nên “mùa hè đen”. Giới theo dõi cho rằng biến đổi khí hậu sẽ là lĩnh vực quan trọng với cả hai phe trong bầu cử lần này.
Cử tri Brazil sẽ bầu Tổng thống, Phó Tổng thống và Quốc hội tháng 10 tới.
Ông Jair Bolsonaro được cho là sẽ sớm khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Năm 2019, ông đã rời khỏi đảng phái chính trị đưa mình đến chiếc ghế quyền lực. Tuy nhiên, do Hiến pháp Brazil quy định ứng viên Tổng thống phải là người của một đảng phái chính trị, hồi tháng trước, ông đã gia nhập đảng Tự do trung dung.
Dù vậy, điều này không có nghĩa rằng lập trường của ông về các vấn đề lớn có sự thay đổi. Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Jair Bolsonaro đã chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khiến ít nhất 620.000 người thiệt mạng, đồng thời bị các nhà bảo vệ môi trường cáo buộc có động thái ủng hộ việc phá hoại rừng rậm Amazon.
Đối thủ của ông Jair Bolsonaro sẽ là cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người từng bị truy tố vì tham nhũng năm 2017. Tuy nhiên, sau đó hầu hết các cáo buộc chống lại ông đều đã được bãi bỏ.
Các khảo sát mới đây cho thấy ông Lula đang dẫn điểm. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Bolsonaro đã tăng trưởng lại sau khi ông ủng hộ đề xuất tăng hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo, dù điều này có thể tổn hại nghiêm trọng, thậm chí gây vỡ nợ ngân sách quốc gia.
Ông cũng lên tiếng chỉ trích hệ thống bỏ phiếu điện tử của Brazil thiếu minh bạch dù không có bằng chứng và khẳng định chỉ có ba kết quả cho tương lai của mình sau cuộc bầu cử lần này: bị bắt giữ, bị ám sát hoặc tái cử nhiệm kỳ thứ hai.
Năm 2022 sẽ là quãng thời gian bận rộn với cử tri Colombia khi họ sẽ phải bỏ phiếu bầu Quốc hội và Tổng thống kế nhiệm. Bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra tháng 3, nơi các cử tri sẽ bỏ phiếu bầu 166 Hạ nghị sĩ và 102 Thượng nghị sĩ.
Bên cạnh đó là “tham vấn trong đảng”, nhằm chọn ứng viên Tổng thống trong nội bộ các đảng. Theo dự kiến, sẽ có ba cuộc tham vấn nhằm chọn ứng cử viên đại diện cho ba trường phái chính trị khác nhau – thiên tả, thiên hữu và trung dung. Vào tháng 5 sẽ diễn ra vòng đầu tiên của bầu cử tổng thống. Nếu không có người đạt đủ đa số, các ứng cử viên sẽ tham gia vòng tiếp theo, dự kiến vào một tháng sau đó.
Hiến pháp Colombia quy định Tổng thống chỉ có nhiệm kỳ 5 năm duy nhất. Do đó, ông Ivan Duque phải kết thúc thời gian cầm quyền vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, với người kế nhiệm ông, đó sẽ là khởi đầu cho hàng loạt thách thức như tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng gia tăng và phân hóa chính trị ngày một rõ nét.
Hiện ứng cử viên số một trong cuộc bầu cử tới là Thượng nghị sĩ Gustavo Petro, cựu du kích chống chế độ Pinochet và từng về nhì sau ông Duque năm 2017. Ông đang có tỷ lệ ủng hộ nhỉnh hơn các ứng viên khác như cựu Thống đốc Sergio Fajardo, cựu Thượng nghị sĩ Juan Manuel Galán, cựu Bộ trưởng Y tế Alejandro Gaviria, cựu Thị trưởng Federico Gutierrez hay doanh nhân Rodolfo Hernández.
Bầu cử Hạ viện Hungary tháng 4/2022 cũng là một sự kiện đặc biệt và dự kiến sẽ tác động đáng kể tới số phận của đất nước Đông Âu nói chung và châu Âu nói riêng.
Kể từ khi cầm quyền từ năm 2010, Thủ tướng Viktor Orban của đảng cực hữu Fidesz đã khiến Liên minh châu Âu (EU) nhiều phen bối rối. Một mặt, ông muốn Hungary duy trì tư cách thành viên của EU. Mặt khác, ông tiếp tục chỉ trích khối này vì “xâm phạm” chủ quyền của Hungary. Thủ tướng Orban cũng đối mặt với sự phản đối từ các nhà hoạt động về vấn đề người di cư, cũng như từ cộng đồng người LGBTQ+.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi năm 2022 khi lần đầu tiên sau gần một thập niên, ông sẽ phải đối mặt với thử thách thực sự. Sáu đảng đối lập đã nhất trí hợp lực dưới đảng Phong trào vì một Hungary cho tất cả (MMM) để hạ bệ ông Orban. Người được lựa chọn là ông Peter Marki-Zay, chính trị gia trung hữu và Thị trưởng thị trấn Hodmezovasarhely ở Đông Nam Hungary. Hiện ông Fidesz đang có lợi thế dẫn trước ứng viên MMM 2 điểm, song khoảng cách này có thể bị san lấp bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, bên cạnh việc bổ nhiệm 199 nghị sĩ quốc hội và theo đó là Thủ tướng, cử tri Hungary cũng bỏ phiếu 4 cuộc trưng cầu ý dân về giảng dạy các vấn đề liên quan đồng giới và chuyển giới trong nhà trường. Thái độ cử tri với đề xuất được ông Orban ủng hộ sẽ quyết định thành bại của chính trị gia này tại cuộc bầu cử trong 3 tháng tới.
Cuộc bầu cử vào tháng 8/2022 tới là lần thứ hai cử tri nước này thực hiện quyền công dân sau khi cựu Tổng thống José Eduardo dos Santos từ giã chính trường năm 2017 sau 38 năm cầm quyền với tư cách lãnh đạo đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA). Người kế nhiệm ông dos Santos, đương kim Tổng thống João Lourenço, sẽ tham gia tranh cử để kéo dài thời gian cầm quyền của mình.
Theo Hiến pháp Angola, Chủ tịch đảng có nhiều phiếu nhất tại Quốc hội sẽ là Tổng thống. Đảng MPLA đã nắm quyền kể từ khi Angola giành độc lập năm 1975. Đảng Đảng Liên minh quốc gia vì nền độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA), lực lượng đối lập lớn nhất, đang mong muốn chấm dứt điều này khi bắt tay với hai đảng khác để thành lập Mặt trận Ái quốc, liên minh “của những người Angola mong muốn thay đổi”. Ứng cử viên của họ sẽ là ông Adalberto Costa Júnior, Chủ tịch đảng UNITA.
Tuy nhiên, ông Lourenço chắc chắn sẽ không phải là một đối thủ dễ dàng cho ông Costa Júnior. Với cam kết chống tham nhũng và giảm đói nghèo, đương kim Tổng thống từng mạnh tay giải quyết nhiều vụ án nghiêm trọng dính líu nhiều quan chức cấp cao, thậm chí là các thành viên gia đình ông dos Santos.
Tuy nhiên, Angola vẫn chìm trong suy thoái kéo dài, với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Phe đối lập cũng cho rằng ông Lourenço muốn thay đổi Hiến pháp để có thể dễ dàng giành chiến thắng trong bầu cử tới. Đây là điểm yếu phe đối lập có thể khai thác, hướng tới chấm dứt gần 50 năm cầm quyền của MPLA.
Cử tri Kenya sẽ bầu Quốc hội và Tổng thống mới năm 2022. Đương kim Tổng thống Uhuru Kenyatta đã cầm quyền đủ hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục tham gia tranh cử. Do đó, Phó Tổng thống William Ruto, thành viên đảng cầm quyền Jubilee, đã tham gia tranh cử và được cho là người sẽ kế nhiệm ông Kenyatta. Tuy nhiên, hai nhân vật này lại bất đồng quan điểm trong nỗ lực hàn gắn chia rẽ sắc tộc tại Kenya.
Kể từ khi mô hình đa đảng xuất hiện năm 1992, xuất thân và sắc tộc, thay vì ý thức hệ đã định đoạt nền chính trị tại đất nước này. Năm 2017, bạo lực sắc tộc nghiêm trọng từng khiến chính phủ phải tổ chức lại cuộc bầu cử Tổng thống. Sau cuộc bầu cử đó, ông Kenyatta đã làm hòa với đối thủ chính trị Raila Odinga, thành viên của cộng đồng người Luo, đồng thời đề xuất thay đổi Hiến pháp nhằm tăng cường chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc đối lập. Tuy nhiên, mới đây, Tòa án tối cao Kenya đã phủ quyết đề xuất trưng cầu ý dân để thay đổi Hiến pháp của ông Kenyatta.
Thêm vào đó, đầu tháng 1/2022, đương kim Tổng thống từng cho rằng các lãnh đạo của Kenya luôn là người của tộc Kikuyu hoặc Kalenjin và khẳng định “đã đến lúc các sắc tộc khác tham gia vào quá trình lãnh đạo”. Tuyên bố này khác hẳn với thỏa thuận của ông Kenyatta 8 năm về trước, khi ông được cho là đã cam kết ủng hộ ông Ruto, người Kalenjin, trở thành Tổng thống Kenya sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ.
Theo khảo sát mới nhất, ông Ruto đang dẫn ông Odinga 15 điểm. Người kế nhiệm ông Kenyatta sẽ gặp thách thức để khôi phục sự ổn định cho đất nước: Khảo sát tháng 11/2021 cho thấy chỉ 19% người tin rằng Kenya đang phát triển đúng hướng.
Theo Thế giới & Việt Nam