10 bài thơ thiền, đọc xong tăng cảnh giới, tâm hồn thêm tiêu diêu

9:50 | 06/07/2022

Nhân sinh có ba cảnh giới: Có thời nhìn núi thấy là núi, có khi nhìn núi không phải là núi, lại có lúc nhìn núi vẫn chỉ là núi. Đi qua ba cảnh giới, bước qua ba giai đoạn, dần dần từng bước tiến gần đến chữ Thiền, cuối cùng mới thấu hiểu ý nghĩa nhân sinh.


Nhân sinh như mộng, ai có thể ngộ được Đạo để trở về đây? – Ảnh: Internet

Dưới đây là 10 bài thơ vừa đậm đà thiền vị lại tràn đầy ý thơ, mở ra trước mắt chúng ta cánh cửa giác ngộ về nhân sinh

1. Thân như cây Bồ Đề, tâm như đài gương sáng

Thân thị bồ đề thụ,Tâm như minh kính thai. Thì thì cần phất thức,Mạc sử nhạ trần ai – Thần Tú đại sư, “Tu hành kệ tụng”.

Dịch thơ:

Thân là cây Bồ Đề, Tâm như đài gương sáng. Thời thời lau phủi sạch, Chớ để bụi trần ai.

Đại sư Thần Tú là vị cao tăng mở đầu cho Thiền Tông Bắc phái. Bài kệ của ông là hình tượng cô đọng ba giai đoạn trong Phật giáo: Giới – Định – Huệ, ba giai đoạn này thể hiện thế giới quan của giáo lý nhà Phật.

Trong bài kệ gửi cho Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, ông đã ví thân và tâm với cây Bồ Đề và đài gương sáng. Nhân thân vốn là Phật thân, tâm tính vốn dĩ thanh tịnh, nhưng do các chủng dục vọng và chấp trước mà khởi lên tạp niệm, khiến tâm ý vấy bẩn bụi trần.

Muốn giữ tâm thuần tịnh thì cần phải “thời thời lau phủi sạch, chớ để bụi trần ai”, thông qua quá trình tu dưỡng kiên trì và bền bỉ mới có thể dần dần lĩnh ngộ Phật lý, cuối cùng giác ngộ, trở thành Phật Đà.

2. Thú vui chỉ có một mình mình hay

Trung thế phả hiếu đạo/Vân gia Nam sơn thuỳ/Hứng lai mỗi độc vãng/Thắng sự không tự tri/Hành đáo thuỷ cùng xứ/Toạ khan vân khởi thì/Ngẫu nhiên trị lâm tẩu/Đàm tiếu vô hoàn kỳ – Vương Duy “Chung Nam biệt nghiệp”

Dịch thơ:

Mùi thiền đứng tuổi mới ham/Về già ở cạnh núi Nam tu hành/Hứng đi lủi thủi vong tình/Thú vui chỉ có một mình mình hay/Ngồi nhìn những lúc mây bay/Đi theo suối nước tới ngay chỗ cùng/Đường rừng chợt gặp lão ông/Vui cười trò chuyện quên không trở về. (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Thơ từ và hội họa của Vương Duy thấm đẫm chất thiền, ông được giới văn chương ca ngợi gọi là “Thi Phật”. Bài thơ khắc họa hình ảnh một lão nhân tu luyện nơi núi sâu rừng già.

Một ngày trên núi Nam, lão nhân lội ngược dòng suối tìm đến nơi đầu nguồn, men theo dòng chảy cho đến khi không còn thấy gì nữa. Lão nhân ngồi xuống, nhàn nhã ngắm trời đất, thấy trên đỉnh núi từng áng mây tuôn ra như suối chảy.

Thì ra nước dưới đất chỉ là nước, nhưng khi lên trời sẽ biến thành mây, mây lại rơi xuống trở thành mưa, mưa biến suối khô thành dòng nước, nước ấy lại lên trời thành áng mây bay… Cuộc đời là một vòng tuần hoàn, đông đi xuân đến, khổ qua rồi sẽ là niềm vui phấp phới. Đời người vốn dĩ là vậy, hà tất phải tuyệt vọng làm chi?

Cảnh giới nhân sinh cũng như thế: Quá trình từ nước thăng hoa thành mây bay, sau đó lại làm mưa rơi xuống cũng giống như trên bước đường tu hành, người tu luyện sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách: Khi là nghiệp bệnh trên thân thể, khi là chướng ngại trong tâm, lại có khi là trở ngại từ ngoại cảnh… Nhưng đừng để ngoại cảnh bào mòn ý chí, hãy đưa suy nghĩ trở lại cái tâm ban đầu.

Tâm thuở ban đầu không có chướng ngại, cứ một mạch thẳng tiến, cứ phăng phăng bước đi mà không thấy đâu là điểm dừng. Hồi tưởng lại lúc đó rồi nhìn lại hiện tại, thì cho dù hiện tại có nghiệt ngã bao nhiêu, chẳng phải chúng ta đã đi được một đoạn đường rất dài rồi sao?

3. Xuân có trăm hoa, thu có trăng

Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt/Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết/Nhược vô nhàn sự quái tâm đầu/Tiện thị nhân gian hảo thời tiết – Huệ Khai thiền sư, “Tụng bình thường tâm thị đạo”

Dịch:

Xuân có trăm hoa, thu có trăng/Hạ về gió mát, tuyết đông giăng/Ví lòng thanh thản không lo nghĩ/Ấy buổi êm đềm chốn thế gian. (Bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh).

Những câu thơ trên vừa có cảnh sắc của cao sơn lưu thủy, lại vừa có hương vị của tuyết nguyệt phong hoa. Người tu luyện nơi thâm sơn cùng cốc, thân ở giữa thiên nhiên, nhàn nhã ngắm mây trời, chẳng vướng bận chuyện thế gian tục sự. Còn người bình thường giữa chốn phàm gian, tìm đâu ra phút giây bình lặng? Ngay cả khi nhàn rỗi thì trong lòng cũng có phiền tâm!

Mùa xuân có trăm hoa, mùa hạ có gió mát, mùa thu có trăng sáng, mùa đông có tuyết trắng. Phong, hoa, tuyết, nguyệt, vào mỗi thời mỗi khắc đều có thể khiến tâm cảnh rộng mở, ấy là vì người khai ngộ có thể bảo trì được sự điềm đạm và bình tĩnh lâu dài.

Người tu luyện cho dù thân đang lặn lội giữa hồng trần, dạt trôi giữa dòng đời điên đảo, thì vẫn có thể đạt đến cảnh giới của gió, tuyết, trăng, hoa. Hay nói cách khác, nếu tâm cảnh rộng mở, an hòa, thì tâm sẽ không rối loạn vì những chuyện nhỏ nhặt, vậy thì thời thời khắc khắc đều trọn vẹn niềm vui.

4. Đời người như quán trọ, ta là khách qua đường

Nhân sinh như nghịch lữ, ngã diệc thị hành nhân – Tô Thức “Lâm giang tiên – Tống tiễn Mục phụ”

Dịch thơ: Đời người như quán trọ/ Ta là khách qua đường

Nhân sinh như quán trọ, ta là khách qua đường! – Ảnh: Internet

Nhân sinh như quán trọ, người sống trên đời chỉ ký thác tấm thân vào chốn hồng trần. Trong “Xuân dạ yến tòng đệ đào hoa viên tự”, Lý Bạch viết: “Trời đất là quán trọ của vạn vật; quang âm là khách qua đường của trăm năm”.

Mà kiếp phù sinh như mộng, lúc vui được bao?. Giữa trời đất bao la này, người người đều là khách qua đường, hà tất phải tính toán những chuyện hợp tan, xuôi ngược?

Tô Thức đã gửi lòng mình vào thi phẩm, từng câu từng chữ đều thấm đượm tiếng lòng của nhà thơ. Tô Thức cả đời ra vào chốn quan trường, đã từng có hoài bão và lý tưởng chính trị cao đẹp.

Ông hết mình vì sự nghiệp công danh, nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng tâm thiền, tâm Đạo, hành sự theo tư tưởng Lão – Trang, sống thuận theo giáo lý nhà Phật. Mỗi khi quan trường có điều thất ý, rơi vào cảnh ngộ éo le, ông lại giữ cho mình tâm thái “du ư vật chi ngoại” (vượt ra ngoài vạn vật), “vô sở vãng nhi bất lạc” (không gì không thấy vui).

Lấy thái độ điềm đạm tự an, nhàn nhã tự thích để đối đãi với cái ưu lo bộn bề của thế gian, thể hiện một phong thái khoáng đạt, tiêu sái, tùy ngộ mà an.

5. Mọi ân ái trên đời đều vô thường chóng phai

Nhất thiết ân ái hội/Vô thường nan đắc cửu/Sinh thế đa úy cụ/Mệnh nguy ư thần lộ/Do ái cố sinh ưu/Do ái cố sinh bố/Nhược ly ư ái giả/Vô ưu diệc vô bố – “Diệu Sắc vương cầu Pháp kệ”

Dịch thơ:

Mọi ân ái đời này/Đều vô thường chóng phai/Cõi thế nhiều khổ não/Đời người như sương mai/Do ái sinh sợ hãi/Do ái sinh ưu phiền/Kẻ nào lìa chữ ái/Tâm mới được an nhiên.

Nam nam nữ nữ, đại đa số đều vướng mắc trong cái tình nhân thế, khó rời khỏi hai chữ yêu và hận. Nhưng con người lại vì yêu mà sợ hãi, vì yêu mà phiền não, chẳng có được một phút giây tĩnh tại.

Phật giáo giảng về con đường tu luyện, giảng về thất tình lục dục và tham sân si của con người. Chỉ khi buông bỏ được hận và yêu, cái tâm kia mới có thể tĩnh lại, lòng mới thấy được an nhiên. Phật giáo chú trọng tự phản tỉnh bản thân, thông qua thiền định mà đạt đến giác ngộ.

6. Hái cúc dưới giậu đông, thơ thơ nhìn núi Nam

Kết lư tại nhân cảnh/Nhi vô xa mã huyên/Vấn quân hà năng nhĩ/Tâm viễn địa tự thiên/Thái cúc đông ly hạ/Du nhiên kiến Nam sơn/Sơn khí nhật tịch giai/Phi điểu tương dữ hoàn/Thử hoàn hữu chân ý/Dục biện dĩ vong ngôn – Đào Uyên Minh “Ẩm tửu – kỳ 5”

Dịch thơ:

Nhà cỏ giữa nhân cảnh/Không thấy ồn ngựa xe/Hỏi ông: “Sao được vậy?”/Lòng xa, đất tự xa/Hái cúc dưới giậu đông/Thơ thới nhìn núi Nam/Khí núi ánh chiều đẹp/Chim bay về từng đàn/Trong cảnh có thâm vị/Muốn tả đã quên lời.

(Bản dịch Nguyễn Hiến Lê)

Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, tĩnh tâm lắng nghe trái tim mình, thưởng thức tách trà tươi vào buổi sớm! – Ảnh: Internet

Giữa hồng trần cuồn cuộn, có những lúc chúng ta nên để thân và tâm lắng lại, tránh xa những danh lợi, vật chất và truy cầu nơi thế tục. Được như vậy, tâm tình sẽ bình yên thư thái, quan hệ giữa người với người cũng trở nên chân thành.

Bằng những câu thơ tự nhiên như ngọc phác, Đào Uyên Minh đã thẳng thắn bộc lộ những suy nghĩ trong lòng: Một gian nhà cỏ, một mái nhà tranh, thảnh thơi thơ túi rượu bầu, chẳng cầu tước vị, chẳng cầu công danh.

Đó là người có thể giữ được tâm thái ung dung nhàn nhã, tránh xa chốn thế tục xô bồ, làm một bậc tao nhân mặc khách. “Hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam”, đây quả là ý cảnh mà người hiện đại cả đời truy cầu nhưng vĩnh viễn không cách nào đạt được.

7. Người toan bận rộn, ta thời thong dong

Đãn nguyện lão tử hoa tửu gian/Bất nguyện cúc cung xa mã tiền/Xa trần mã túc quý giả thú/Tửu trản hoa chi bần giả duyên/Nhược tương phú quý tỉ bần giả/Nhất tại bình địa nhất tại thiên/Nhược tương bần tiện tỉ xa mã/Tha đắc khu trì ngã đắc nhàn/Biệt nhân tiếu ngã thái phong điên/Ngã tiếu tha nhân khán bất xuyên/Bất kiến Ngũ Lăng hào kiệt mộ/Vô hoa vô tửu sừ tác điền – Đường Bá Hổ, trích đoạn trong “Đào hoa am ca”

Dịch thơ:

Chốn ngựa xe chẳng cần luồn cúi/Ước nguyền rằng chết với rượu hoa/Bụi xe dấu ngựa cao xa/Cành hoa chén rượu cùng ta duyên nghèo/Đem phú quý so đo đạm bạc/Một đất bằng một ngất trời xanh/Ngựa xe đem sánh thanh bần/Người toan bận rộn, ta phần thong dong/Người cười ta cuồng ngông khờ khạo/Ta cười người điên đảo ngược xuôi/Ngũ lăng phần mộ san rồi/Không hoa không rượu cũng thời ruộng sâu.

(Bản dịch của Hạt Cát)

Bần hàn đem so với phú quý thì cũng giống như đất bằng muốn với tới trời cao. Nếu như “bụi xe vó ngựa” là thú vui của kẻ giàu, thì cỏ hoa rượu nhạt đã định là duyên phận của người nghèo. Nếu dùng kim tiền và vật chất để đo lường thì hai kiểu người, hai loại cuộc sống ấy tự nhiên đã khác nhau một trời một vực.

Nhưng nhìn từ một góc độ khác lại thấy, những kẻ hào phú kia luôn phải sống trong căng thẳng, âu lo, làm việc gì cũng phải thận trọng từng chút từng chút một như đi trên băng mỏng. Trong khi đó, người nghèo lại được sống ung dung nhàn hạ, tâm không lo thế sự, lòng không hối hả đua chen.

“Người cười ta cuồng ngông khờ khạo, còn ta, ta cười người điên đảo ngược xuôi”. Chẳng lẽ các ngài đã quên rồi sao: Những bậc quân vương xưa kia, những bậc tướng lĩnh lẫy lừng đã từng một thời quyền cao chức trọng, gọi gió hô mưa, vậy mà nay đâu rồi?

Hoa sen từ bùn lầy mà vươn lên tinh khiết! người trong nghịch cảnh mới rũ sạch được bụi trần! – Ảnh: Internet
Chẳng những thân thể không còn, mà đến nay quyền uy cũng không có, ngay cả những thứ không đáng để ý đến như hoa tươi rượu nhạt thì nay cũng trở thành mong ước xa vời, thậm chí, một khi nhắm mắt xuôi tay thì ngay cả mộ phần cũng không giữ được.

Thế mới biết, cuộc đời này đâu cần ngựa xe xuôi ngược, đâu cần chức trọng quyền cao, chỉ cần một cành hoa tiêu sái, một chén rượu thong dong là đã đủ cất tiếng cười vang giữa vạn dặm sơn hà.

8. Linh Sơn chính ở tại tâm ta

Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu/Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu/Nhân nhân hữu tọa Linh Sơn tháp/Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu

– Ngô Thừa Ân, “Tây Du Ký”, bài kệ của Ô Sào thiền sư

Dịch:

Phật ở Linh Sơn chẳng ở xa/Linh Sơn chính ở tại tâm ta/Mọi người đều có Linh Sơn tháp/Cứ hướng Linh Sơn tháp mà tu

(Bản dịch của Dương Đình Hỷ)

Chính Pháp và chính Đạo vốn là nhất thể. “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Nếu trong tâm không có Đạo, ​​bỏ gốc lấy ngọn, bỏ cái chính yếu lấy cái phụ thì dẫu tìm kiếm khắp nơi cũng hoài công vô ích.

Trong “Lục tổ đàn kinh”, đại sư Huệ Năng từng giảng một câu: Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, ngu nhân cầu Phật chẳng cầu tâm. Truy cầu những thứ bên ngoài thì vĩnh viễn không thể gặp Phật, chỉ có bản tính thuần chân mới chính là Phật.

Tu tốt tâm mình, có suy nghĩ thanh tịnh chính trực, có ngôn hành thiện lương, có tâm thái biết đủ thường vui, thì cuộc sống của chúng ta sẽ an ổn tường hòa, hạnh phúc khoái lạc.

9. Lục căn thanh tịnh là tu Đạo, lui bước hóa ra là tiến lên

Thủ bả thanh ương sáp mãn điền/Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên/Lục căn thanh tịnh phương vi Đạo/Thoái bộ nguyên lai thị hướng tiền – Bố Đại hòa thượng, “Thoái bộ”

Tạm dịch:

Tay cầm mạ non cấy khắp đồng/Cúi đầu đáy nước hiện bầu không/Lục căn thanh tịnh là tu Đạo/Lui bước hóa ra là tiến lên

Giữa dòng đời hối hả, ai cũng bon chen muốn tiến lên phía trước mà quên mất rằng: Đôi khi cần phải lùi lại phía sau, lui bước chính là tiến lên.

Con người, điều gì cũng dễ học, nhưng thứ khó học nhất lại chính là khoan dung. Giữa người với người va va chạm chạm, đấu đấu tranh tranh, rất nhiều việc đều là phát sinh hữu ý hoặc vô ý, rất nhiều phiền não như sóng cuộn triều dâng. Nhưng nếu có thể giữ được tấm lòng bao la như biển rộng dung nạp trăm sông thì thực là quý nhân vậy.

Đương nhiên, khoan dung không phải là phó mặc cho số phận, cũng không phải là hèn nhát sợ hãi, phóng túng buông xuôi. Nhẫn nhượng hoàn toàn không phải là không cần tôn nghiêm, mà là thành thục, điềm tĩnh, lý trí, là biểu hiện của tấm lòng phóng khoáng.

Có câu cổ ngữ rằng: “Cật khuy giả trường tại, năng nhẫn giả tự an” (Người chịu thiệt sống lâu, người nhẫn nhịn tự an). Nhẫn, không phải là ngậm bồ hòn làm ngọt, ấm ức nuốt giận vào lòng, mà là bao dung đại độ. Thoái, không phải là vì sợ mà lùi bước, mà là khiêm nhượng, khoan dung.

10. Bồ Đề khi nào đắc chứng quả, mới tỉnh ra rằng ta là ta

Bình sinh bất tu thiện quả/Chỉ ái sát nhân phóng hoả/Hốt địa đốn khai kim thằng/Giá lý xả đoạn ngọc toả.
Di!
Tiền Đường giang thượng triều tín lai/Kim nhật phương tri ngã thị ngã.

– Thi Nại Am, “Thủy Hử”, bài kệ của Lỗ Trí Thâm

Dịch:

Bình sinh chẳng tu thiện quả/Chỉ thích sát nhân phóng hoả/Chợt tỉnh tháo tung dây vàng/Tới đây giật phăng khoá ngọc
Ôi!
Tiền Đường nghe sóng triều vang dội/Mới tỉnh ra rằng ta là ta.

Đây là bài kệ của hòa thượng Lỗ Trí Thâm trước giờ ngộ Đạo. Trong đời mình ông từng làm nhiều chuyện sát nhân, phóng hỏa, sau vì nhân duyên đưa đẩy nên mới miễn cưỡng đặt chân vào cửa Phật. Làm hòa thượng nhưng ông vẫn ăn thịt, uống rượu, vẫn hung hãn đánh người. Mãi đến phút cuối cùng ông mới đột nhiên giác ngộ, chứng đắc quả Bồ Đề, mới nhận ra rằng “ta là ta”.

“Mới tỉnh ra rằng ta là ta”, ấy là khi đã buông bỏ hết thảy, phóng hạ các chủng chấp trước, dục vọng, thậm chí ngay cả ý niệm cũng không khởi lên. Đến lúc này tâm sẽ hiển lộ ra bản tính thanh tịnh vốn có, ấy chính là Phật tâm, là Chân Như Phật tính.

***
Người vốn là người, hà tất phải chuyên tâm đi làm người; Đời vốn là đời, không cần phải lo toan đi xử thế. Cuộc sống nhân sinh, quan trọng không phải làm người hay xử thế, mà là cảnh giới.

Nhân sinh có ba cảnh giới:

Cảnh giới thứ nhất là: Nhìn núi thấy là núi, nhìn sông thấy là sông.

Cảnh giới thứ hai là: Nhìn núi không phải là núi, nhìn sông không phải là sông.

Cảnh giới thứ ba là: Nhìn núi vẫn là núi, nhìn sông vẫn là sông.

Trong quá trình nhân sinh, ba giai đoạn ấy đan xen nhau, có lúc nhìn núi là núi, có lúc nhìn núi không phải là núi, lại có lúc nhìn núi vẫn là núi. Suy nghĩ lại, cuối cùng minh bạch nhân sinh chính là một quá trình trải nghiệm, thăng hoa, cuối cùng giác ngộ.

 

Theo NTDVN (Minh Hạnh)

https://www.ntdvn.net/van-hoa/10-bai-tho-thien-doc-xong-tang-canh-gioi-tam-hon-them-tieu-dieu-351164.html

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

NEU INTERNSHIP DAY 2024: TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC TẬP CHO CÁC BẠN SINH VIÊN

NEU INTERNSHIP DAY 2024: TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC TẬP CHO CÁC BẠN SINH VIÊN

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Chàng trai 2k3 thắng giải của Apple với ứng dụng về rối loạn tăng động

Chàng trai 2k3 thắng giải của Apple với ứng dụng về rối loạn tăng động