Trĩu nặng những gánh hàng rong ngày cuối năm

22:38 | 24/01/2020

Hà Nội những ngày cuối năm, gió Đông Bắc tràn về len lỏi trên từng con phố. Dưới ánh đèn đêm, bóng những người hàng rong đổ dài trên mặt đường. Gánh hàng lỉnh kỉnh kĩu kịt trên đôi vai gầy guộc của họ. Dường như càng gần Tết, những gánh hàng lại thêm phần trĩu nặng, bởi nó cõng thêm trên mình cả những nỗi ưu tư.  


Bước chân lầm lũi đêm đông

Những ngày cuối đông trời rét cắt da thịt, sau chầu ốc luộc, trà nóng hàn huyên đủ chuyện trên đời tôi và cô bạn chí cốt rủ nhau đi thăm lại mấy chỗ quen cũ. Vốn là dân văn nên ngày sinh viên chúng tôi có nhiều sở thích mơ mộng đến kì lạ trong mắt người đời.

Cận Tết, sau khi bỏ lỡ chuyến xe cuối cùng về quê, chúng tôi lại lang thang khắp các con phố Hà Nội, lê la trò chuyện, tán gẫu với những người vô gia cư trong công viên, dưới gầm cầu, hay đi theo những gánh hàng rong ra tận chợ Long Biên rồi lại lẽo đẽo theo họ về nhà trọ ngủ nhờ một đêm như những kẻ lang thang thực thụ.

Gần 12 giờ đêm con ngõ nhỏ Nguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa, Đống Đa), vẫn đông người qua lại. Thời điểm này, những người bán hàng rong mới lũ lượt trở về khu nhà trọ sau một ngày dài vất vả.

Đi cùng chúng tôi là một chị gái tên Hằng, người cao gầy với gương mặt khắc khổ. Ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp, chị lôi từ trong túi bóng ra một chiếc bánh mì chỉ còn phân nửa rồi vừa ăn vừa trò chuyện: “Lặn lội cả ngày trời chỉ bán được dăm, ba quả xoài, không đủ tiền mua suất cơm. Hôm ni ế hàng nên chỉ ăn bánh mì thôi hai đứa ạ. Bánh mì mua của một ông lão cũng bán hàng rong. Khổ thân, già lắm rồi vẫn lọ mọ rao mời khắp phố. Trời thì lạnh, dạo một vòng bánh nguội ngắt rồi mấy ai mua”. Ăn xong mẩu bánh mì, uống thêm vào ngụm nước, chị giục chúng tôi lên giường nằm cho ấm.

Cận kề Tết những người bán hàng rong vẫn mệt mài mưu sinh (Ảnh: Lê Thắm)

Chị Hằng kể, năm nay là năm thứ 3 chị xa nhà. Chị quyết định lên Hà Nội, bởi nhà chị trong quê nghèo lắm, quanh năm 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mấy năm trước người ta mở con đường cắt ngang qua, được đền bù cho ít tiền, nhưng không còn ruộng để cày cấy.

Mất ruộng, mọi người đổ dồn sang làm công nhân, thế nhưng công ty chỉ tuyển đám thanh niên khỏe mạnh, còn những người có tuổi như chị, người ta chẳng nhận. Vậy là chị lại phải phiêu dạt lên thành phố bán hàng rong. Những ngày cuối năm nhớ nhà, nhớ con lắm nhưng chị vẫn ý thức được rằng phải cố hơn ngày thường, phải toan tính làm sao để có thêm tiền cho gia đình “gọi là có Tết” với người ta.

Trong dãy trọ nhỏ, chật chội, xuống cấp, khoảng vài chục phụ nữ bán hàng rong hầu hết quê đều ở Nghệ An, Thanh Hóa. Một người phụ nữ tầm trung niên, trở mình nhìn thấy chúng tôi bỗng nhiên bật khóc, chị bảo, cuộc sống ngày càng khó khăn vì người bán dạo từ quê vào thành phố đông hơn, cánh rong nhiều lúc cũng bị biến tướng đi nhiều khiến cho người ta không mấy thiện cảm, làm ăn trở nên ngày một khó khăn.

“Hai đứa ni mặt nhìn hao hao giống hai đứa con nhà mình ở quê. Bọn hắn sắp thi đại học rồi, cố qua Tết ni về chăm hắn thi” – người phụ nữ có gương mặt khắc khổ thổn thức. Hỏi ra mới biết, trong cái xóm nhỏ hàng rong ấy mỗi người mỗi cảnh vất vả, éo le. Phần nhiều trong số đó sẽ đón năm mới trong gian trọ nhỏ này.

Tết chỉ còn là miền nhớ

Tết Nguyên đán gần kề, công nhân vào mùa tăng ca, các gánh hàng rong cũng tự tăng ca. Trong số phụ nữ mưu sinh xa quê ấy có những người mỗi ngày chỉ ngả lưng 3-4 tiếng bởi phải “tăng ca” rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Thành. Chị Hòa, quê Văn Giang, Hưng Yên người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết: “Năm hết Tết đến, muốn cho con có manh áo mới thì phải chịu khó đi làm thêm. Sáng chưa bảnh mắt đã bước ra khỏi nhà, đêm khuya mới chịu về nghỉ. Buồn nhất là những hôm đi rã hết cả chân mà chẳng ăn thua gì…”.

Giữa trưa ngày 30 tôi gặp chị Lan quê Thanh Hóa. Chị Lan không ngần ngại ngồi ngay dưới gốc cây trứng cá trước cổng ký túc xá Học viện Báo chí & Tuyên truyền đếm tiền. Những tờ 1.000, 2.000 đồng cũ mèm bị vo tròn trong túi được đếm kỹ và vuốt phẳng phiu. “Sáng nay mấy cô cậu trong ký túc xá mang giày dép ra đánh để về chơi tết đấy cô. Cuối năm còn kiếm được trăm bạc. Mấy hôm nữa về quê mua được cho thằng cún ở nhà tấm áo mới rồi – chị hồ hởi khoe.

Mấy ngày này vào các xóm trọ, nơi ngụ cư của những thân phận mưu sinh nơi đất khách quê người, tôi đã thấy cái cảnh chộn rộn của ngày Tết. Dường như ai cũng gấp gáp hơn, căng sức ra nhiều hơn và ai cũng có dự định riêng.

Tết chỉ còn là miền nhớ trong những người bán hàng rong xa quê (Ảnh: Lê Thắm)

Sáng nay, lướt Facebook, nhìn thấy người ta chia sẻ ảnh một cụ già bóc bạc phơ ngồi bán hàng rong đoạn vòng xuyến ngã tư Thanh Xuân tôi lại nhớ đến cụ Tốn. Cụ Tốn là một bà cụ đã 80 tuổi, những ngày cận Tết năm ngoái vẫn hay bán rau dưa trên đường Xuân Thủy, cạnh trường Đại Học quốc gia, đoạn gần cầu vượt Vành Đại 3. Cũng không biết cụ Tốn quê ở đâu, bán hàng rong ở đấy từ bao giờ, tôi chỉ vô tình gặp cụ sau lần đi xem phim tới tận nửa đêm mới về.

Giữa những giọt mưa xuân rét mướt, cụ Tốn ngồi trên tấm bạt, xung quanh là mấy mớ rau có phần héo rũ, mấy củ cà rốt, xu hào, vài củ khoai, chục trứng gà. Đứa cháu nhỏ nằm gối đầu trên đùi bà, ngủ co ro, chập chờn. Hỏi cụ sao Tết đến nơi rồi không về quê? Cụ cười món mém. Có quê đâu mà về, nhà giờ chỉ còn hai bà cháu, cố bán thêm chút rau dưa, Tết mua cho thằng cháu thêm tấm áo. Ngỏ lời muốn gửi cụ ít tiền tiêu, cụ lắc đầu từ chối: “Trời thương cho sức khỏe, tôi vẫn còn sức lao động kiếm tiến. Cô có mua cho mớ rau thì mua chứ cho tiền bà không lấy”.

Những đêm mùa đông sau đấy, tôi vẫn ra mua hàng giúp cụ. Bẵng đi một thời gian sau khi về quê ăn Tết, trở lại chốn cũ chẳng còn thấy cụ đâu. Không biết cụ đã chuyển đi nơi khác hay dịp Tết đã có nơi để về.

Với đôi quang gánh trên vai, sức khoẻ và sự nhẫn nhịn, những con người nhỏ bé đã gánh cả cuộc đời và gia đình họ trên đôi vai mình. Ngày này qua ngày khác, họ tích cóp mồ hôi và nước mắt để mái nhà ở quê thêm lành lặn, bát cơm trong ngày Tết của con cái họ được đầy hơn.

Đêm về khuya. Mưa lất phất âm thầm đưa mùa xuân đến thật gần. Lác đác bóng dáng những người đàn bà bán rau đang gồng mình trên những chiếc xe đạp thồ để chạy đua với Tết. Có lẽ giờ này, Chị Hằng, cụ Tốn cũng như nhiều người ngoại tỉnh về Hà Nội để kiếm sống nhờ những món hàng nho nhỏ. Họ vẫn chưa ngủ. Họ ngong ngóng về gánh hàng rong bán đắt, buôn may ngày mai.

 

Theo Laodong

 

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI