Nỗi buồn cựu binh trong trận chiến chống Trung Quốc ở pháo đài Đồng Đăng

21:31 | 13/02/2019

Cựu binh Nguyễn Duy Thực ngậm ngùi, dù đã 40 năm trôi qua, ông chưa một lần được gặp lại 2 đồng đội đã cùng ông mở đường máu, ôm súng lao mình ra khỏi pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào tháng 2.1979 lịch sử đó.


Cựu binh Nguyễn Duy Thực trầm ngâm nhớ lại giây phút cùng đồng đội chiến đấu trên pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn). (Ảnh: N.M)

Trận chiến sinh tử ở pháo đài 

Một buổi chiều đầu năm 2019, trong tiết trời se lạnh chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Thực (SN 1960, Việt Hưng, Long Biên, Hà  Nội) – người cựu binh của Đại đội 42, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3 đóng quân tại Lạng Sơn và là một trong 3 người sống sót trong trận chiến lịch sử ở pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) năm 1979.

Sau lời chào, ông Thực mời chúng tôi ngồi uống nước. Có ngồi gần ông, chúng tôi mới nhìn thấy trên gương mặt  ông vẫn in hằn vết sẹo có từ thời chiến tranh.

Ông giải thích: “Tôi bị thương nhiều lắm, vết sẹo ở mặt là một trong những vết đó thôi. Tay tôi nữa, trái gió trở giời là lại đau nhức”.

Hướng ánh nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, ông Thực nói thừ người nói: Chiến tranh đã qua đi 40 năm nhưng những ký ức của một thời lửa đạn đó trong tôi vẫn như mới xảy ra hôm qua vậy.

“Những người không được chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng thời điểm đó sẽ không thể nào hiểu hết được sự tàn khốc của chiến tranh là thế nào. Chỉ có sự may mắn và điều thần kỳ, tôi và hai đồng đội mới an toàn thoát khỏi pháo đài Đồng Đăng. Còn tất cả đồng đội đều nằm lại đó“, ông Thực ngậm ngùi.

 

Từ trong pháo đài Đồng Đăng nhìn ra bên ngoài qua lỗ châu mai. (Ảnh: Lê Hữu Thọ)

Ngồi dựa lưng vào tường, người cựu binh nhớ lại: Vào khoảng 5h sáng ngày 17.2.1979, khi mọi người đang chuẩn bị tập thể dục buổi sáng thì bất ngờ từ bên kia biên giới (cách chỗ lán trại chúng tôi đang đóng quân vài cây số) pháo bắn nổ đùng đoàng. Rồi sau đó, liên tiếp những quả đạn vượt qua pháo đài rơi xuống thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Lúc này, chúng tôi không ai bảo ai, đồng thanh hô to: “Tàu đánh rồi”, “Tàu đánh rồi”. Mọi người chỉ kịp vớ vội cái áo rồi chạy nhanh ra kho quân khí, mỗi người 1 khẩu súng rồi chốt giữ tại các chốt phòng thủ.

Quân từ Trung Quốc tràn sang đông đặc như kiến. Đi đầu là xe tăng, theo sau là quân lính đủ loại, đi bộ, chạy ngựa, ngồi trên xe quân sự… Đủ hết. Tất cả hò nhau tràn lên, thi nhau nã đạn như mưa về phía pháo đài.

Quân ta từ các điểm chốt, chờ cho đám lính đầu tiên tiến gần đến pháo đài, gần đến mức nhìn rõ mặt mũi mới phóng đạn B40 vào thẳng giữa đám đông.

Những tên lính vẻ mặt vẻ kinh hoàng sau loạt đạn đầu của ta bắt đầu sợ hãi, chần chừ không dám tiến lên. Ngay tức khắc có tiếng súng vang lên từ phía sau lưng chúng. Đã có những tên lính gục xuống bởi chính những phát đạn từ chỉ huy.

Trong thế tiến thoái lưỡng nan, bất chấp hỏa lực của ta, đám quân Trung Quốc đành phải ùn ùn tiến lên phía trước hòng chiếm pháo đài Đồng Đăng. Lớp quân trước ngã xuống lớp sau lại đạp lên xác xông lên trong nỗi khiếp hãi đến tuyệt vọng.

Nằm trên một ngọn đồi phía Nam thị trấn Đồng Đăng, pháo đài Đồng Đăng là một hệ thống lô cốt vững chắc do Pháp xây dựng trước năm 1945 để khống chế một vùng biên giới. Mái lô cốt bị quân Trung Quốc đánh sập. (Ảnh: Lê Hữu Thọ).

Ông Thực ngưng lại chút để lấy hơi rồi kể tiếp: Chúng tôi bắn như vãi đạn, bắn không cần ngắm, bắn đến toét cả nòng súng nhưng cũng không xuể trước “biển người” của quân Trung Quốc. Dần dà với ưu thế áp đảo về quân số, quân Trung Quốc đã giành được một số điểm chốt của ta…

Sau đó, ông Thực và các đồng đội phải rút vào pháo đài Đồng Đăng để cầm cự. Tại đây, theo trí nhớ của ông Thực, quân số Đại đội Công an vũ trang Lạng Sơn của ta có khoảng hơn 100 người cùng đoàn vũ trang Thanh Xuyên và đại đội dã chiến của thị trấn Đồng Đăng cùng khoảng 5-6 gia đình người dân sống ở khu vực quanh chân pháo đài.

“Khi vào trong pháo đài, không còn đường rút nữa, chúng tôi tập hợp, củng cố lực lượng và bàn bạc với nhau để phối hợp tác chiến một cách hiệu quả nhất. Kết quả là chúng tôi đã giữ vững pháo đài Đồng Đăng được 5 ngày, từ ngày 17 cho tới ngày 22.2.1979”, ông Thực tự hào kể lại.

Ngày cuối cùng, ngày 22.2.1979, quân Trung Quốc dùng loa gọi quân ta đang cố thủ trong pháo đài Đông Đăng đầu hàng, nhưng chúng ta vẫn hết sức kiên cường chống trả, không một ai bước ra.

Biết không thể lay chuyển nổi ý chí của quân và dân trong pháo đài, kẻ thù đã dùng bộc phá đánh sập cửa hầm, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, chất hóa học vào trong pháo đài với mục đích tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta đang cố thủ trong đó.

Ông Thực ngậm ngùi kể: Khi quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập cửa hầm và bắt đầu thả hóa chất độc vào pháo đài, một số người dân địa phương cho biết pháo đài còn một cửa thoát hiểm nhìn ra phía ga Đồng Đăng.

Không ai bảo ai, tất cả cùng di chuyển ra phía cửa thoát hiểm – lúc này đã bị đất đá bị chặt. Rồi dùng tay, cuốc, xẻng để bới từng viên đá, cào từng xẻng đất tìm lối thoát. Ngay khi cửa thoát hiểm được mở cũng là lúc quân Trung Quốc phát hiện ra, đạn bay tới xối xả, lựu đạn quăng vào cửa thoát hiểm.

Phát hiện cửa hầm thoát hiểm, quân Trung Quốc dùng lựu đạn cay thả xuống, dùng súng phun lửa phun vào các ngách hầm. (Ảnh: Lê Hữu Thọ)

“Chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu ngay tại cửa thoát hiểm khiến quân Trung Quốc buộc phải rút lên nóc pháo đài. Khi đó, khói trong pháo đài ngày một nhiều. Tôi và đại đội phó cùng đồng chí Ngọc – một chiến sĩ lực lượng vũ trang quê Bắc Ninh liều mình ôm súng lao ra cửa thoát hiểm, cuộn người lăn tròn xuống chân đồi. Trong một khoảnh khắc, tôi chỉ kịp ngoái lại và nhận ra chỉ có 3 chúng tôi kịp lao ra khỏi cửa. Tất cả mọi người đều kẹt lại trong pháo đài.

Khi ba người lao ra khỏi cửa thoát hiểm, quân Trung Quốc phát hiện ra và truy kích quyết liệt. Nhưng chỉ có sự may mắn kỳ lạ mới giúp cho cả 3 người được an toàn. Riêng ông Thức, khi xuống chân đồi, ông liền nấp vào 1 lò nung vôi của người dân và đứng ở đó trong tư thế trực chiến với AK đạn lên nòng. Chỉ chờ quân Trung Quốc xuống là bắn. 

Rất may, quân Trung Quốc không xuống dưới chân đồi truy kích nữa nên tôi tiếp tục băng qua đường mòn rồi lao xuống suối. Tại đây, tôi gặp được đại đội phó cùng đồng chí Ngọc. Chúng tôi nấp ở đây đến tận tối mịt mới dám đi vạch rừng, men theo suối để về thành phố Lạng Sơn bây giờ (quãng đường hơn 10km). Tôi bị thương ở đầu và tay nhưng vẫn dìu anh Ngọc (bị thương ở đầu). Đại đội phó cũng bị thương nhưng tự vận động về tuyến sau”, ông Thực kể

Nỗi niềm từ cuộc hội ngộ sau 40 năm

Về đến trạm đón tiếp thương binh ở đầu thành phố Lạng Sơn, ông Thực và ông Ngọc gặp lại đại phó. Ôm nhau mừng mừng tủi tủi, cả 3 không ngăn được những dòng nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Thương các đồng đội và bà con đã vĩnh viễn nằm lại ở pháo đài dưới làn đạn quân thù.

Niềm vui, hạnh phúc sau 40 năm gặp lại giữa những người lính và người dân đã cưu mang mình. (Ảnh: NVCC)

“Sau lần gặp cuối cùng, 40 năm trôi qua, ba người chúng tôi không một lần được gặp lại nhau”, ông Thực buồn bã thông tin…

Ông Thực cho biết, tháng trước, vợ chồng ông cùng 2 gia đình và một đồng đội lấy vợ ở Lạng Sơn đã quay lại pháo đài Đồng Đăng để thắp hương cho những đồng đội và bà con đã hy sinh ở đây. Rồi cả đoàn về thăm người dân, thăm lại nơi đã cưu mang mình trong những ngày không thể quên 40 năm về trước.

Ông Thực cùng đồng đội về thăm bà con dân làng nơi ông và đồng đội đóng quân ngày trước. (Ảnh: NVCC)

Nói đến đây, ông Thực đứng dậy, bước đến mở cánh tủ và lấy ra một túi nilon. Vừa cầm ông vừa vỗ vỗ vào túi rồi nói: “Trong này có nhiều bức ảnh ghi lại hình ảnh tôi và đồng đội lên pháo đài Đồng Đăng thắp hương cho mọi người và về bản làng nơi đã cưu mang anh em chúng tôi suốt những ngày chiến đấu đó”.

Lấy từng bức ảnh, ông thuyết minh cho chúng tôi về nội dung, khung cảnh nơi đó. Có bức ảnh ông và đồng đội chụp ở cửa hầm pháo đài Đồng Đăng nơi bị quân Trung Quốc đánh sập.

Có bức ảnh do chính vợ ông chụp khi ông đứng thắp hương cho đồng đội, nơi có tấm bia ghi lại thông tin về trận chiến đấu anh dũng tại pháo đài Đồng Đăng đầu năm 1979.

“Cậu này ôm chầm lấy tôi sau 40 năm gặp lại. Thời tôi ở đây, cậu ấy còn bé lắm. Nhiều kỷ niệm lắm, lần này tôi và đồng đội về gặp người dân rất mừng, vui và phấn khởi. Cuộc sống của người dân đã thay đổi, khá giả lên rất nhiều nhưng những con người thì còn đó, vẫn tình cảm, những cái ôm ấm áp sau 40 năm gặp lại”, ông Thực tâm sự.

Nhưng trong ông vẫn phảng phất nỗi buồn. Điều ông đau đáu tâm niệm bây giờ là có điều kiện trong một ngày gần nhất, ông sẽ phải tìm lại bằng được 2 người đồng đội đã cùng ông thoát khỏi pháo đài Đồng Đăng vào cái ngày định mệnh 40 năm về trước. Cả 3 sẽ cùng gặp nhau, về lại pháo đài để ôn lại kỷ niệm và cùng thắp những nén hương để tưởng nhớ tới những đồng đội và bà con nhân dân đã ngã xuống trong cuộc chiến bi tráng và oai hùng để bảo vệ từng tất đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Theo Danviet

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”