Nghệ nhân giữ hồn thiêng đất Mường

9:11 | 10/06/2020

 Một ngày đầu tháng 6, về với mảnh đất Hòa Bình – miền di sản hào hùng của người Mường – Việt cổ, tôi đã có dịp gặp Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Khẩn, người được dân bản xứ Mường Bi gọi với cái tên thân thuộc là “Người giữ hồn thiêng đất Mường”.


Ông Khẩn tự hào chia sẻ về bộ lịch đoi – niềm tự hào của con người đất Mường Bi.

Gìn giữ những nét xưa

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Khẩn, 68 tuổi sống tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ gia đình ông có truyền thống làm thầy mo, ông là đời thứ 7 mang trọng trách gánh vác, chăm sóc phần tâm linh cho gia đình và bà con dân tộc Mường xứ Mường Bi.

Trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Mường, thầy mo có vai trò rất quan trọng. Theo ông Khẩn, mo Mường là tinh hoa hội tụ toàn bộ phong tục tập quán của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng của con người. Thầy mo thay mặt nhân dân tiến hành những nghi lễ tâm linh, cầu khẩn cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong đời sống người Mường có rất nhiều lễ cúng như: Cúng bản, cúng Mường, cúng đưa hồn người qua đời vào Mường Ma, cúng lên nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới, cúng vía… Mỗi loại hình sẽ có các bài cúng, yêu cầu chuẩn bị đồ cúng tế khác nhau.

Trong các buổi lễ, thầy mo phải đọc cúng các câu văn vần một cách thuần thục, toàn bộ nội dung các bài cúng được cha ông truyền thụ lại bằng cách truyền miệng, người học phải ghi nhớ mà hoàn toàn không có ghi chép bằng sách vở.

Không chỉ thực hiện các nghi lễ, ông Khẩn còn truyền dạy cho rất nhiều người trong làng bản biết cúng bái. Không chỉ giúp đỡ mọi người ông còn không ngần ngại chia sẻ những giá trị tinh hoa mà tổ tiên để lại cho người khác. Qua đó góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của người Mường.

Lan tỏa giá trị văn hóa của người Mường cổ

Không chỉ am hiểu về các nghi lễ cúng bái của mo Mường, nghệ nhân Bùi Văn Khẩn còn đọc rộng, hiểu nhiều. Trong căn nhà sàn cổ của mình, ông còn lưu giữ rất nhiều đồ dùng của người Mường cổ như cối giã gạo, khung dệt vải. Đối với ông, được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường Bi là niềm tự hào.

Người xưa thường có câu: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Câu nói kể đến 4 xứ Mường nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, đứng đầu là Mường Bi. Đây được coi là nơi lưu giữ lại những nét văn hóa của người Mường cổ như nhà sàn, trang phục, ẩm thực…

Theo ông Khẩn, dù trải qua bao thế hệ, đến nay mỗi ngôi nhà sàn của người Mường Bi ở Hòa Bình vẫn giữ được đầy đủ những đặc điểm kiến trúc cổ xưa, thể hiện được dáng dấp của một nền văn hóa có từ lâu đời. Bởi mỗi ngôi nhà sàn là minh chứng rõ nét nhất về cuộc sống và những phong tục, tập quán của người Mường Bi.

Nhà sàn được làm bằng gỗ, nền nhà lát bằng những phên tre, nứa được đập dập. Theo ông Khẩn, nhà sàn làm theo hình dáng mái rùa, tương truyền từ thời Lang Đá Cần (vị lang đầu tiên cai quản đất Mường) đi bẫy và bắt được một con rùa, chính con rùa đó đã hướng dẫn lang cách xây dựng nhà sàn.

Cấu trúc ngôi nhà sàn thường có một gian hai chái, được chia làm 3 phần, phần cao nhất sát với mái nhà để làm nơi cất giữ lương thực, đồ dùng trong gia đình, tiếp đến là sàn nhà, nơi mọi người trong gia đình sinh hoạt, nghỉ ngơi, gầm nhà sàn là nơi cất giữ các dụng cụ lao động, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bên cạnh nét đặc sắc về không gian sinh sống là nhà sàn, ông Khẩn cho biết, người Mường Bi còn lưu giữ những tinh hoa trong trang phục của mình. Trang phục truyền thống chủ yếu có hai màu sắc chính là nâu và trắng. Áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn.

Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Phần này thường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau.

Bằng khen Nghệ nhân Ưu tú được ông Khẩn treo trang trọng trong căn nhà sàn cổ của mình.

Đi đôi với váy là bộ tênh, thường bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy. Bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước.

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường – chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Qua bộ trang phục truyền thống xưa kia cũng thể hiện rõ được gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường.

Ngày nay, đời sống đã tiến bộ, trang phục cũng có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tuy nhiên những dịp quan trọng như hội làng, khai hạ, khai xuân, cưới xin vẫn sử dụng trang phục của người dân tộc Mường.

Trong dòng hồi ức hào hùng của mình khi kể về quê hương Mường Bi, ông Khẩn đặc biệt kể chi tiết về Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Theo ông, Lễ hội Khai hạ Mường Bi còn gọi là Lễ Xuống đồng, Lễ Mở cửa rừng, được tổ chức vào ngày 8 tháng giêng, tức mùng 7 âm lịch của người Mường.

Đây là lễ hội dân gian, hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, người có công gây dựng mảnh đất Mường Bi, người đã chỉ dạy người dân ở đây biết cách trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải…

Một điều đặc biệt nữa mà ông Khẩn ấp ủ muốn chia sẻ chính là về lịch đoi, bộ lịch hội tụ những tri thức dân gian của người Mường Bi. Ông Khẩn cho biết người Mường sử dụng lịch đoi, dùng que nứa để xem ngày tháng, mỗi que nứa tượng trưng cho 1 tháng, 1 bộ lịch sẽ có 12 que tượng trưng cho 12 tháng. Đầu năm của người Mường là tháng 4 âm lịch, khi vào vụ mùa người dân sẽ sử dụng lịch đoi để xem mùa vụ, đoán định thời tiết, đoán định ngày tốt xấu.

Theo ông, sở dĩ gọi là lịch đoi vì lịch này phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao đoi. Hàng năm, các thầy mo sẽ vận dụng khả năng chiêm tinh để biết năm đó hạn hán, mưa gió ra sao sau đó sẽ làm thành bộ lịch hoàn chỉnh. Trên mỗi thẻ tre được khắc 30 vạch, mỗi vạch tượng trưng cho một ngày. Tuy nhiên, trong số 30 vạch đó có vạch ngắn, vạch dài, vạch hình mũi tên, vạch có một hoặc hai dấu chấm ở trên…

Nghệ nhân Bùi Văn Khẩn chia sẻ, bản thân hiện nay tuổi đã cao, bởi vậy ông luôn mong muốn có thể truyền thụ không chỉ cách thức để thực hiện các nghi lễ cúng bái của người Mường mà còn muốn lan tỏa những giá trị văn hóa của người Mường cổ tới thật nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để tiếp tục gìn giữ phát huy những giá trị của di sản văn hóa Mường.

Ông mong muốn những thứ thuộc về cội nguồn, những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông sẽ được những lớp người sau trân trọng, làm cho nó ngày càng phổ biến thu hút được nhiều sự quan tâm, đó là cách để tinh hoa văn hóa của dân tộc không bị mai một mà trường tồn mãi mãi với thời gian.

Góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng 

Được biết, với những đóng góp trong việc lưu truyền, gìn giữ những nét đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Mường, tháng 5/2019, ông Khẩn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Chia sẻ niềm vui được ghi nhận, ánh mắt ông Khẩn rực lên một niềm tự hào, ông nói với giọng điệu phấn khởi và hào hứng, đối với ông đây là một vui, niềm hạnh phúc lớn lao. Những đóng góp của ông trong việc truyền thụ, vận dụng trong văn hóa tâm linh vào trong đời sống tín ngưỡng của người dân đã được công nhận.

Ông nói: “Bản thân được ăn học từ bé, có tri thức và tiếp nối truyền thống gia đình, suốt nhiều năm qua tôi chỉ thực hiện các lễ cúng về mặt tín ngưỡng liên quan đến thổ công, thần đất, thần nước, cầu thần may mắn, cầu lộc, cầu tài, trấn an tinh thần, hoàn toàn không đưa bất kỳ yếu tố mê tín dị đoan nào vào, tôi muốn trở thành thầy mo văn minh, đi theo đường lối chính sách của Đảng”.

 

Theo Báo Pháp Luật

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024