Hồ Núi Cốc – Từ huyền thoại đến đời sống

11:20 | 30/12/2020

 

Hồ Núi Cốc là một hồ nước ngọt nhân tạo tại thành phố Thái Nguyên. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi gắn với huyền thoại của nàng Công và chàng Cốc. Như bức tranh nghệ thuật nhiều màu sắc, hồ Núi Cốc vẫn êm đềm qua tháng năm, mặc cho thời thế xoay vần, hồ với núi vẫn thủy chung như tình cảm bao đời của người dân ở đây.


Khung cảnh mênh mông trời nước tuyệt sắc của hồ Núi Cốc.

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên theo tỉnh lộ Đán – Tân Cương – Núi Cốc, trên con đường nhựa uốn lượn ôm ấp sườn núi, lướt qua những quả đồi phủ xanh cây rừng, những nương chè xanh mướt của xã Tân Cương, hồ Núi Cốc dần hiện ra thật rõ nét.

Hồ rộng mênh mông, hút hết tầm mắt chỉ là trời nước cùng những đảo lớn nhỏ. Xung quanh là đồi núi trập trùng, những nương chè như một tấm chăn khổng lồ màu xanh ôm trọn lòng hồ. Đến hồ Núi Cốc ta như đang lạc vào tiên cảnh, xua tan khung cảnh ồn ào nơi phố thị.

Chúng tôi đi thăm hồ Núi Cốc vào ngày chớm đông, tuy đây không phải là mùa cao điểm du lịch nhưng nó cũng có những cái thú vị riêng.

Để khám phá trọn vẹn cảnh sắc cùng những câu chuyện huyền thoại về hồ Núi Cốc, chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Ngọc Sơn, một trong những người làm nghề chèo lái thuyền lâu đời ở đây. Đón chúng tôi là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, nhìn bên ngoài có thể thấy thời gian và sự vất vả đã bào mòn một người đàn ông khiến anh có vẻ hơi già so với tuổi. Thế nhưng nhìn những động tác chạy thuyền của anh, ngay sau đó tôi đã phải thừa nhận mình đã đánh giá sai về một người qua vẻ bề ngoài của anh ta.

Rất nhanh, chỉ trong ít phút, thuyền của chúng tôi đã ra giữa hồ. Xung quanh là mênh mông nước bạc, con thuyền chạy đến đâu, làn nước yên ả khẽ khàng rẽ ra để lại sóng nước lăn tăn. Vừa chạy, anh Sơn trò chuyện với chúng tôi, mắt vẫn không rời mũi thuyền. Anh Sơn cho biết, hồ Núi Cốc rộng đến 25km2, với tổng cộng 89 đảo lớn nhỏ, nếu chạy một ngày thăm thú các đảo ở đây thì không thể hết được. Hồ Núi Cốc nguyên là một đoạn của sông Công, một trong các chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi đất có tên là núi Cốc. Đập Núi Cốc được khởi công xây dựng đầu năm 1972, nhưng do Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc mà mãi đến năm 1982 mới hoàn thành.

Anh Đỗ Ngọc Sơn sống ở khu vực hồ Núi Cốc gần nửa đời người, am hiểu tất cả những câu chuyện huyền thoại của hồ này.

Không chỉ là một nơi với cảnh sắc tuyệt vời, vùng hồ in bóng dãy núi Tam Đảo này còn lưu truyền một câu chuyện tình đẹp từ xa xưa. Chuyện xưa kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, thủy chung, nhưng vì chàng trai quá nghèo nên không được sự chấp thuận của cha mẹ cô gái vốn là một gia đình quan lang giàu có. Mọi sự ngăn cản, cấm đoán cũng chỉ khiến đôi trai gái thêm quyết tâm mong ngóng chờ đợi nhau. Tiếng sáo của chàng Cốc không còn vọng đến nàng Công. Nước mắt chỉ mình nàng Công biết. Nhớ thương tuyệt vọng, chàng Cốc héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sững giữa trời. Suốt bốn mùa, gió man mác trong cây lá như tiếng sáo xa xăm vọng về. Còn nàng Công, trong buồng giam nhớ thương chàng Cốc không nguôi. Nàng khóc ngày đêm, cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Những giọt nước mắt yêu thương thủy chung qua năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc. Mỗi năm khi mùa hè đến, trên núi Cốc và đôi bờ sông Công nở đầy hoa sim tím, như thầm nhắc đến chuyện tình thuở ấy. Nàng Công quặn mình đau đớn, uất hận khao khát. Đó là những ngày mưa lũ, nước sông Công dâng ào ạt để gần núi Cốc hơn.

Mải cuốn theo những câu chuyện huyền thoại thú vị, thuyền của chúng tôi đến hòn đảo đầu tiên. Anh Sơn cho biết, người dân nơi đây gọi là đảo hoa, bởi trên đảo này có hàng trăm loại hoa khác nhau, sặc sỡ với đủ màu sắc chủng loại. Khung cảnh thơ mộng như một bức tranh nghệ thuật khiến cho chúng tôi như lạc vào chốn thần tiên. Trên một lùm cây thâm thấp, một đàn chim đang kiếm ăn thoáng thấy bóng người thảng thốt bay đi. Bên thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, trước mặt nước phẳng lặng, mùi hương thơm thoang thoảng từ những bông hoa rực rỡ cuộn vào trong gió, cảm xúc dâng trào thư thái đến kỳ lạ.

Đảo hoa thơm ngát với hàng trăm loài hoa khác nhau.

Rời đảo hoa, chúng tôi tiếp tục khám phá những hòn đảo khác. Lần này anh Sơn dẫn chúng tôi qua một hòn đảo nằm giữa hồ, trên đó có một ngôi đền cổ thờ bà Chúa Thượng Ngàn. Anh Sơn cho biết, trước đây, ngôi đền này chìm sâu dưới nước cả mấy chục mét, đến khoảng năm 1975 thời điểm đắp đập Núi Cốc, ngôi đền này mới được đưa lên bờ. Cùng với đó, những pho tượng cổ bị ngâm dưới lòng hồ không biết từ bao giờ cũng được đưa lên đền này. Kể từ đó, nhân dân ở vùng này hương hỏa, trở thành địa điểm du lịch tâm linh rất linh thiêng. Anh Sơn cho biết, những ngày rằm và mồng Một, anh thường chở khách ra đền này rất đông, có những ngày phải chở hàng chục chuyến qua lại.

Trên hồ Núi Cốc còn hàng chục đảo lớn nhỏ có thể khám phá mà du khách không hề thấy nhàm chán như đảo Cái, đảo Khỉ, đảo Rắn, đảo Chim… Mặc dù có những đảo chỉ còn là tên gọi xa xưa, giờ không còn động vật nữa, nhưng cảnh sắc trên đảo vẫn nguyên sơ, mang nét đẹp thuần túy từ thiên nhiên, mà không hòn nào giống hòn nào.

Hồ Núi Cốc có hàng chục đảo lớn nhỏ, mỗi đảo một cảnh sắc được ví như ‘Vịnh Hạ Long’ của Thái Nguyên.

Lênh đênh trên mặt nước ngắm cảnh đến nửa ngày, những cơn gió đông đầu mùa bắt đầu thổi mạnh hơn, chúng tôi cũng quyết định lên bờ thưởng thức những món ăn đặc sản vùng này.

Nghỉ chân tại nhà hàng của chính gia đình anh Sơn, chúng tôi bất ngời vì không chỉ là một người chèo lái thuyền cực giỏi mà trong vai một đầu bếp anh cũng cực kỳ điêu luyện. Anh chia sẻ, nhà hàng nhỏ này là nơi anh thường đón khách du lịch đến thưởng thức đặc sản của địa phương, chủ yếu là các loại hải sản. Những ngày đông khách, vợ con anh thường phụ giúp nhưng mùa này vắng khách nên vợ con phải đi làm thêm ở ngoài để kiếm thêm thu nhập, nên lúc này chỉ có một mình anh phụ trách nhà hàng, vừa làm ông chủ, vừa làm đầu bếp.

Bên nồi cá lăng nghi ngút khói, chén rượu như ấm thêm tình người, anh Sơn đượm giọng kể thêm về những câu chuyện huyền thoại hồ Núi Cốc. Những câu chuyện về đánh bắt ‘thủy quái’ trên hồ nặng đến 40kg, những câu chuyện linh thiêng về đền thờ bà Chúa, đến những câu chuyện thời thiếu niên thách đố bơi ra đảo cả kilomet, cứ mờ ảo hấp dẫn người nghe đến kỳ lạ. Chúng tôi cứ thế đắm chìm vào quên cả thời gian…

Hoàng hôn buông xuống lòng hồ Núi Cốc tựa như một điều kỳ diệu, mặt hồ phản chiếu sắc vàng đỏ ấm áp rực rỡ cả một vùng trời. Những làn sương mờ vờn trên mặt nước như du ngủ một huyền thoại, trả lại không gia tĩnh mịch sâu thẳm. Đằng xa, những dãy núi nhấp nhô trùng điệp đang dõi theo mặt hồ, che chở và bảo vệ đến muôn đời.

Ngày 25/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố quy hoạch vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 cho các doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng.

Toàn bộ vùng du lịch này được chia thành 5 khu chức năng bao gồm: Du lịch, thể thao, thương mại dịch vụ tổng hợp với số vốn đầu tư 850-900 tỷ đồng; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái vốn đầu tư 8.100-8.300 tỷ đồng; Trung tâm hành chính mới vốn đầu tư 450-500 tỷ đồng; Khu đô thị và dịch vụ du lịch – Thị trấn Quân Chu.

Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt; năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

 

 

Đình Tuyến – Quang Tới

Video hay

Cùng chuyên mục

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới