Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ảnh hưởng tầm quốc tế

9:49 | 02/09/2019

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc bản Di chúc lịch sử, trong đó, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt về tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Từ tư tưởng và khát khao tìm kiếm hạnh phúc và tự do cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và xây dựng tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của nhân dân Việt Nam với dân tộc thế giới, hướng tới sự phát triển hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11/1964. Ảnh tư liệu

Tinh thần quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình thương yêu đối với con người; vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại tự do và bình đẳng thực sự cho con người.

Những người bạn thân thiết của Việt Nam

Raymond Aubrac (1914-2012) được biết đến qua mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đóng góp của ông đối với nền hòa bình của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam cũng như trong việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt-Pháp.

Ông Raymond Aubrac là người đã giúp đỡ ký kết Bản Thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (1967); kêu gọi chấm dứt việc ném bom xuống các đê sông Hồng (1972). Sau cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, ông Aubrac với vai trò là đại diện cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã thực hiện chương trình trợ giúp cho Việt Nam thống nhất (năm 1976), yêu cầu Mỹ chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (năm 1979) và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giúp Việt Nam của Liên Hiệp quốc và của tổ chức Lương nông thế giới (FAO).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với gia đình ông bà Raymond Aubrac (7/1946). Ảnh tư liệu

Hay Henri Martin và bà Raymonde Dien, hai đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã từng đứng lên đấu tranh chống lại cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam. Ngày 23/2/1950, bà Raymond Dien – người con gái 17 tuổi – đã từng nằm trên đường ray xe lửa tại nhà ga Saint Pierre des Corps (thành phố Tours) để chặn đoàn tàu chở vũ khí và xe tăng sang phục vụ cuộc chiến của thực dân Pháp tại Việt Nam. Còn ông Henri Martin, một người lính hải quân Pháp, đã rải truyền đơn cho người dân nước Pháp cùng chống lại cuộc chiến phi nghĩa của quân đội Pháp tại Việt Nam.

Bà Raymond Dien bị bắt giam gần 1 năm. Ông Henri Martin cũng bị bắt và tòa án xử 5 năm tù. Tiếp tục ủng hộ Việt Nam, tại Hội nghị Paris về Việt Nam ông cũng đóng góp nhiều cho việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam (từ 13/5/1968 – 27/1/1973). Còn bà Raymond Dien, ra tù lại tiếp tục tham gia đấu tranh cho hòa bình của Việt Nam. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, những mỗi khi có điều kiện, bà lại tham gia các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độïc da cam của Việt Nam do Hội Hữu nghị Pháp – Việt tổ chức.

Và như tình bạn, tình anh em sâu sắc giữa Bác Hồ và lãnh tụ Wilhelm Pieck đã làm cho hai dân tộc Việt – Đức dù cách xa nhau hàng vạn dặm đã sớm hiểu biết nhau, đoàn kết gắn bó cùng nhau trong cuộc chiến đấu lâu dài vì lý tưởng chung. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Wilhelm Pieck, một phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã được phát động và phát triển ngày càng sâu rộng từ những năm đầu nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Wilhelm Pieck, nhiều cán bộ y tế, văn hóa, báo chí của Cộng hòa Dân chủ Đức đã sang giúp đỡ Việt Nam ngay sau ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Có thể kể ra rất nhiều những tấm lòng bè bạn quốc tế như vậy. Trong cuộc đời bôn ba hoạt động của mình Bác Hồ đã kết bạn với rất nhiều người, tạo được sự đồng cảm ủng hộ của rất nhiều người cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam. Đó là những con người yêu hòa bình, chuộng tự do, dân chủ, giữa họ và Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó bằng tình bạn thủy chung, nồng hậu suốt cuộc đời. Và họ đã trở thành những người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.

Tinh thần quốc tế trong sáng

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản, thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Tháng 6/1919, khi gửi tới Hội nghị “hòa bình” Versailles “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài quốc tế, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng sát cánh cùng các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho sự bình đẳng, hợp tác quốc tế. Mười năm vận động, trải nghiệm ở nhiều nước, Hồ Chí Minh đã sớm xác định, cuộc đấu tranh của Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.

Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập của mình, Bác Hồ đã luôn hết sức chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Á, Phi, Mỹ Latinh, để mở rộng quan hệ quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đồng thời Bác luôn nhắc nhở nhân dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mình, vừa quan tâm giúp đỡ những dân tộc này giành độc lập.

Có thể nói tinh thần quốc tế trong sáng trong đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình thương yêu đối với con người; vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại tự do và bình đẳng thật sự cho con người. Từ chủ nghĩa quốc tế trong sáng đó, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và xây dựng nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, góp phần vào những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Di chúc Hồ Chí Minh và những ảnh hưởng tầm quốc tế

Là người sáng lập Đảng và đồng thời là lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến khi viết Di chúc trong những năm 60 thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc trên tinh thần truyền thống ấy mà trọng tâm là những căn dặn của Người chủ yếu giành cho Đảng ta về những việc Đảng phải làm để thực hiện được mục tiêu vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh tư liệu

Ngoài việc căn dặn Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam thì Bác Hồ còn lo lắng về phong trào cộng sản thế giới. Người viết: “Về phong trào cộng sản thế giới – là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!”

Người bày tỏ qua di chúc: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Ngay từ khi chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930 tại Hương Cảng – Trung Quốc), Người đã xác định rất rõ nhiệm vụ quốc tế của cách mạng Việt Nam “là một bộ phận khăng khít của các Đảng Cộng sản trên thế giới”. Vì thế, trong suốt hành trình đấu tranh tìm đường cứu nước, Người không chỉ phấn đấu giành độc lập cho dân tộc mình, giành tự do cho nhân dân mình mà còn vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Trong Di chúc cũng như trong suy nghĩ của Người, nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bầu bạn thế giới luôn kết thành một khối. Thành quả của cách mạng là tổng hợp sức mạnh nội lực và sức mạnh của tình đoàn kết, tương trợ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh, với dự cảm và tầm nhìn vượt thời đại, luôn tin tưởng chắc chắn sẽ đến ngày “Mỹ cút, ngụy nhào” và ngay từ khi viết Di chúc, Người đã bày tỏ sự ghi nhận và biết ơn những đóng góp to lớn, quý báu cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất.

Cảm phục tầm vóc trí tuệ và tâm hồn cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên báo Quyền lợi đỏ (Praha, Tiệp Khắc) ngày 9/9/1989, tác giả I Liu Sitlich có bài viết nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”.

 

Theo Thoidai

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia