Có hay không chuyện Đào Tấn sửa tuồng Nguyễn Diêu?

22:38 | 16/10/2018

Hơn trăm năm nay, cụ Nguyễn Diêu đã được coi là một nhà soạn tuồng lớn của đất nước. Đặc biệt nhà soạn tuồng lớn này còn là thầy dạy chữ và dạy nghề của một nhà soạn tuồng lớn khác còn lớn hơn cả mình, người được giới tuồng cả nước tôn vinh là bậc hậu tổ của nghề tuồng, cụ Đào Tấn.

Nguyễn Diêu.

Nhưng có hai điều lạ về mối quan hệ của hai thầy trò đồng hương lừng danh này. Thứ nhất là không thấy lưu truyền chuyện thầy Diêu đã dạy trò Tấn thế nào mà chỉ lưu truyền giai thoại trò Tấn đã sửa lớp tuồng “Địch Thanh qua ải” trong bộ tuồng nổi danh của thầy Diêu, bộ tuồng “Ngũ hổ Bình Liêu” để lớp tuồng bị coi là chưa thật “thấu tình đạt lý” ấy trở nên “thấu tình đạt lý”. Thứ hai, khi nói đến vở tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” của Nguyễn Diêu, người ta hay nhắc đến nhất 3 câu hát nam của hai nhân vật Trại Ba – Địch Thanh: “Rượu vơi vơi nâng chuốc chén vàng/Chân rén rén dìu đưa người ngọc/Rén rén dìu đưa người ngọc/Kể khôn cùng, chân tóc, kẽ răng/Anh hùng nước bước còn săn/Đừng dun mày liễu, mà quằn ruột lan”, nhưng theo giai thoại trên, cả 3 câu hát này đều không phải do Nguyễn Diêu viết mà do Đào Tấn viết thêm khi sửa tuồng Nguyễn Diêu. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn còn cho biết trong học lâm Bình Định xưa nay người ta còn bình phẩm về quan hệ hai thầy trò Diêu – Tấn rằng “Thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam” nghĩa là màu xanh từ màu chàm mà ra nhưng lại đẹp hơn màu chàm.

Từ lâu, tôi đã cảm thấy trong những chuyện này có gì đó quá bất công vô lý với cụ Nguyễn Diêu. Nguyễn Diêu được coi là nhà soạn tuồng lớn chắc hẳn không chỉ vì ông đã có một học trò lớn như Đào Tấn và nói về tuồng cụ Diêu chẳng lẽ không có gì đáng nhắc hơn 3 câu hát nam được cho là của cụ Đào viết thêm vào? Rồi việc ví cụ Nguyễn như màu chàm và cụ Đào như màu xanh để nói màu xanh là từ màu chàm mà ra nhưng đẹp hơn màu chàm thì nghe thật khó lọt tai. Màu chàm là màu chàm, màu xanh là màu xanh, có thể có quan hệ với nhau nhưng mỗi màu có một cái đẹp riêng, sao lại dám nói liều rằng xanh đẹp hơn chàm?

Hơn nữa, trong cái giai thoại cụ Đào chữa tuồng cụ Nguyễn tôi cũng ngờ ngợ có cái gì đó không thật ổn. Nếu quả thật cụ Đào phát hiện ra có điều chưa thấu tình đạt lý trong tuồng của thầy mình thì ông có thể chỉ cần vái lạy thầy xin bổ sung cần gì đến cái chuyện giết cả một con heo để có mâm cao cỗ đầy cúng thầy dường như là một hành động bố cáo cho thiên hạ biết chuyện trò sửa tuồng thầy. Một nhân cách lớn như Đào Tấn khó có thể hành động như thế. Tuy nhiên, đấy chỉ là những ý nghĩ thoáng qua và rồi cũng như mọi người tôi đã hồn nhiên coi giai thoại trên như một ví dụ sinh động về tình thầy trò và yêu cầu “thấu tình đạt lý” không những của nghệ thuật tuồng mà còn của văn chương nghệ thuật nói chung.

Nhưng bây giờ sau nhiều năm tìm hiểu con người tác phẩm Đào Tấn và sau khi được đọc trực tiếp các tác phẩm của Nguyễn Diêu từ bộ sách của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, để thấy rõ ràng rằng với ba vở tuồng được giới thiệu trong đó là “Ngũ hổ bình Liêu”, “Liệu đố”, “Tiết Giao đoạt ngọc”, cụ Nguyễn là bậc thầy luôn “thấu tình đạt lý” từ nhiều góc độ trong soạn tuồng, đặc biệt là sự “thấu tình đạt lý” tuyệt diệu trong nghệ thuật diễn tả những mâu thuẫn xung đột tinh tế, khó diễn tả nhất của tâm hồn con người, một sự “thấu tình đạt lý” mà có lẽ đến cả người học trò thiên tài của cụ, “hậu tổ tuồng” Đào Tấn, cũng chỉ có thể cúi mình thán phục, ngưỡng mộ, học hỏi chứ không thể có chuyện dám động bút thêm bớt, tôi đã vỡ ra điều mình từng ngờ ngợ là vô lý bất ổn ở cái giai thoại Đào Tấn sửa tuồng Nguyễn Diêu là gì.

Giai thoại kể rằng, sau khi cụ Nguyễn qua đời đã khá lâu, trong một dịp nhân đọc lại tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” cụ Đào phát hiện ra đoạn tuồng Địch Thanh qua ải, thầy Nguyễn của mình xử lý chi tiết kịch còn chưa “thấu tình đạt lý”. Nguyên là lúc đuổi kịp Địch Thanh khi ông nguyên súy nhà Tổng trốn vợ đi bình Liêu nhằm gỡ tội phản quốc để cứu mẹ, Trại Ba đã lệnh cho tưởng Cap Man đóng của thành cẩn mật phòng Địch Thanh trốn qua. Đến khi vợ chồng giải tỏa được mọi oan tình nghi ngại thì Trại Ba cứ rớm lệ đưa tiễn chồng ra đi mà không hề nhớ phải lệnh cho Cap Man mở lại cửa thành.

Nguyên tác của Nguyễn Diêu như sau:

Trại Ba:                         

Chưa lạt rượu giao hoan một chén

Đã xem hình vĩnh biệt ngàn trùng

Khó theo chân thảo tặc (với) nguyên nhung

Xin soi dạ tư phu thục nữ

Soi dạ tư phu thục nữ

Đoạn thâm tình, nhất khứ, nhất lưu    

Địch Thanh:                     

Ruột dường dao cắt chín chiều

Sương sa trước mặt, gió hiu bên đường

Trại Ba:                         

Mối duyên Chức nữ – Ngưu lang

Cầu Ô đã bắc lại toan dứt cầu

Địch Thanh:                     

Dùng dằng nghĩa trước, tình sau

Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang

Trạị Ba – Địch Thanh (cùng hát):      

Dứt tình một khúc Dương Quan

Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về

Để khắc phục cái sơ sót đã ra lệnh đóng cửa mà không có lệnh mở cửa thành cho chồng đi của Trại Ba trong lớp tuồng trên của thầy mình, cụ Đào phải thịt một con heo làm lễ vật mang đến nhà thờ cụ Nguyễn vái lạy thầy xin phép thêm vào một đoạn tuồng bắt đầu bằng câu “Truyền Cáp Man mở ải/Cho ta đưa nguyên soái lên đàng” cùng một đoạn nói lối và 3 câu hát nam nối vào câu nam “Dây phiền đó buột, chuỗi sầu đây mang” trước câu nam kết“Dứt tình một khúc Dương quan/Tây Liêu anh tới Đơn bang em về”.

Đào Tấn.

Toàn bộ đoạn thêm vào của Đào Tấn như sau:

Trại Ba:   

Cáp Man!   

Truyền Cáp Man mở ải

Đặng cho ta đưa nguyên soái lên đàng

Phu quân ôi!

Song lụy san san

Thốn tâm cảnh cảnh

Hồn ly biệt dường mê, dường tỉnh

Mối ân tình khó dứt, khó chia

Cõi Tây Liêu hiểm trở sơn khê

Còn Tinh La Hải (nó) cao cường pháp thuật

Sợ khó nỗi bêu đầu ác tặc

Mẹ, mẹ ơi! Biết bao giờ thấy mặt từ nhan    

Phu quân ôi!

Rượu vơi vơi nâng chuốc chén vàng

Chân rén rén dìu đưa người ngọc

Rén rén dìu đưa người ngọc

Kể khôn cùng, chân tóc, kẽ răng

Địch Thanh:

Thôi, em ở lại, sương sa hoa nở, mẹ tròn con vuông rồi anh sẽ về

Anh hùng nước bước còn săn

Đừng dun mày liễu, mà quằn ruột lan

Đọc kỹ lại toàn bộ nguyên tác của cụ Nguyễn và đoạn viết thêm được cho là của cụ Đào ta thấy chỉ duy nhất một bổ sung cần thiết cho lớp tuồng này, đó là câu ra lệnh: “Truyền Cap Man mở cửa, để cho ta đưa nguyên soái lên đàng”. Đoạn nói lối thì có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Còn lại, tâm trạng ngổn ngang phức tạp thương giận hờn lo của Trại Ba đã được cụ Nguyễn diễn tả rất mộc mạc mà rất hay rất cô đọng qua những câu nói lối và hát nam như: Chưa lạt rượu giao hoan một chén/Đã xem hình vĩnh biệt ngàn trùng/Khó theo chân thảo tặc (với) nguyên nhung/Xin soi dạ tư phu thục nữ/ Soi dạ tư phu thục nữ/Đoạn thâm tình, nhất khứ, nhất lưu…/Mối duyên Chức nữ – Ngưu lang/Cầu Ô đã bắc lại toan dứt cầu, và sự lưu luyến của Địch Thanh đã quyết ra đi cứu mẹ dù phải phiền lụy vợ thì chỉ cần hai câu nam: Ruột dường dao cắt chín chiều/Sương sa trước mặt, gió hiu bên đường,  Dùng dằng nghĩa trước, tình sau/Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang cùng câu nam kết hát chung với Trại Ba: Dứt tình một khúc Dương Quan/Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về  là vừa đủ, là đã trọn vẹn.

Nên nhớ rằng trong cả hồi hai của bộ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” mang tên “Địch Thánh ly Thợn” cuộc đuổi trốn giữa Trại Ba – Địch Thanh đã kéo dài từ lớp “Trại Ba lăn trướng” qua lớp “Gặp nhau giữa đường” đến lớp “Địch Thanh qua ải”, những lớp được coi là hay nhất trong hồi này, nếu diễn trên sân khấu phải non tiếng đồng hồ, mối quan hệ trớ trêu của vợ chồng Trại Ba – Địch Thanh đã được cụ Nguyễn thể hiện không thể “thấu tình đạt lý” hơn. Từ sự bàng hoàng của Trại Ba với những lời oán trách, căn vặn “Bạc ơi quá bạc/chồng hỡi là chồng”, “Bỏ vợ không hề mừ hử/giận gẫm hết khôn/mất chồng quá đỗi bôn chôn/thương đà hóa dại”, “Nghĩa phụ đã ra quả phụ/Hữu phu mà hóa vô phu” đến quyết tâm “Đó thà đành phụ nghĩa/Đây há dám vong tình” hay sự phân vân của Địch Thanh giữa “nghĩa phu phụ tương giao tương hảo” với “ơn quốc quân như địa như thiên” để phải cam đành “Đoạn chút tình với mặt thuyền quyên/Tròn chữ hiểu giải nghèo cho từ mẫu” đều đã được diễn tả bằng rất nhiều câu hát nam tuyệt hay, với Địch Thanh là “Ngập ngừng một bước giang sơn/Kẻ vui mở mặt/người buồn chia tay”, “Tình bơ thờ trăng gió nửa rèm/Bước quày quả nước non ngàn dặm”, với Trại Ba là “Hữu tình mà hóa vô tình/Bơ vơ phận thiếp linh đinh nỗi chàng”, “Thờ chồng đạo muốn vuông tròn/Dẫu cho uống tuyết cũng ngon tấm lòng”, “Thề lòng nguyện với cao xanh/Xin cho găp mặt mới đành dạ đây”…Đó là chưa kể đến chi tiết Trại Ba bụng mang dạ chửa bị Lưu Khánh, thuộc tướng của Địch Thanh, hai lần hạ nhục hết mức rồi bị đạp ngã mà nàng vẫn “Giận Lưu Khánh tấm lòng bực tức/Thương Nguyên nhung tấc dạ bàng hoàng” để tỉnh táo nhận ra phải quấy: “Giận trò chẳng lẽ giận thầy/Có quấy cũng khi có phải/Nếu cầm chân nguyên soái/Khó che miệng thế gian/Cắn răng mà chịu chữ đoạn tràng/Nhắm mắt lại chờ ngày tái hiệp”.

Tuồng Ngũ hổ bình Liêu.

Tôi bắt buột phải dài dòng trích dẫn để thấy cụ Nguyễn đã “thấu tình đạt lý” thế nào và 3 câu hát nam viết thêm trên là thừa, trùng lặp với những gì cụ Nguyễn đã viết, chỉ có tác dụng làm mùi mẫn lê thê thêm lớp tuồng một cách không cần thiết.

Đáng trách nhất là sự văn hoa, quý phái, điệu đà trong hai câu hát nam “Rượu vơi vơi nâng chuốc chén vàng/Chân rén rén dìu đưa người ngọc/Rén rén dìu đưa người ngọc/Kể khôn cùng chân tóc kẽ răng” có thể là rất hay khi đặt vào một nhân vật khác trong một hoàn cảnh khác nhưng những “vơi vơi, ren rén” đầy yểu điệu thục nữ ấy không phù hợp chút nào với cái chất thô tháp bộc trực cả quyết của nàng Trại Ba dũng lược xuất chúng, chí tình chí nghĩa do cụ Nguyễn sáng tạo. Lại nữa, hai vợ chồng Trại Ba – Địch Thanh gặp nhau là sau cuộc trốn đuổi dài trên đường biên ải, chẳng phải trong một dinh thự sang trọng nào đó để có thể sẵn mỹ tửu chén vàng để “vơi vơi nâng chuốc” và “rén rén dìu đưa” như một cặp tài tử giai nhân chia tay nhau giữa chốn phồn hoa đô hội. Rồi câu hát nam hơi lên giọng “Anh hùng nước bước còn săn/Chớ dun mà liễu mà quằn ruột lan” cũng rất không phù hợp với Địch Thanh trong tình cảnh này. Địch Thanh có thể lên giọng anh hùng với ai khác chứ nhất quyết không thể với Trại Ba, người đã hàng phục chàng và ngũ hổ tướng lừng danh của Tồng trào dễ như bỡn.

Như thế, đoạn viết thêm vào lớp tuồng đã không những làm lớp tuồng thêm dài dòng, trùng lặp, tan loãng mà còn đầu ngô mình sở, chẳng thể làm lớp tuồng “thấu tình đạt lý” hơn mà hoàn toàn ngược lại. Liệu Đào Tấn có thể làm một việc ngớ ngẩn như thế và lại làm với một tác phẩm đã thành kinh điển của thầy mình?

Câu trả lời: chắc chắn là không!.

Khảo sát, so sánh các câu hát nam của Đào Tấn trong các vở tuồng do ông sáng tác nhuận sắc cũng như thơ và từ của ông cũng không thấy có chút gì gần gũi với các câu hát nam với những vơi vơi, rén rén, chén vàng, người ngọc, chân tóc, kẽ răng, chúng ta càng có căn cứ để kết luận tác giả của đoạn viết thêm vào lớp tuồng “Địch Thanh qua ải” không thể nào là của một bậc đại bút như Đào Tấn. Văn chương Đào Tấn chẳng bao giờ có thể màu mè, điệu đà đến vậy.

Từ đó, mọi việc dần rõ: giai thoại trên có thể chỉ là chuyện đùa dai từ một bậc túc nho mê tuồng giấu tên nào đó, trong lúc nhàn cư đọc tuồng cụ Nguyễn chợt nhận ra một chút sơ sót ở chỗ đóng mở cửa thành đã thừa cơ thêm một đoạn văn mùi mẫn ông ta tâm đắc rồi tinh quái bịa ra cả một câu chuyện trò sửa tuồng thầy để lỡm chơi hậu thế.

Phải nói là người sáng tạo giai thoại này rất cao tay nên mãi đến nay chúng ta mới có thể nhận ra sự vô lý của nó sau khi ngót trăm năm qua nhờ cái uy của cụ Đào không những các đoàn tuồng khắp nước đã diễn “Địch Thanh qua ải” của cụ Nguyễn có đoạn thêm thắt của ông ta với những khen tặng nức nở mà cả các bậc thức giả nhiều thế hệ cũng từng coi đây là một bài học lớn về tình thầy trò và về văn chương chữ nghĩa. Bậc túc nho quái quỉ kia quả rất biết lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của thiên hạ.

Dù đã muộn, nhưng cần chính thức tuyên bố khai tử cái giai thoại tai hại này để trả lại chân giá trị của tuồng cụ Nguyễn và nhất là tránh cho hậu tổ tuồng Đào Tấn một nỗi oan chết người: vì quá ngạo mạn, nông cạn mà đã dám chữa và đã chữa rất sai tuồng của thầy mình.

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ