“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu nói vô cùng quen thuộc, mà đôi khi chúng ta thậm chí đã quên mất xuất xứ của nó. Ngày nay, một số bạn trẻ yêu thích thể loại truyện mang bối cảnh cổ xưa, kiếm hiệp, tiên hiệp, v.v. còn thường xuyên dùng câu nói ấy với hàm nghĩa lãng mạn hiện đại. Tuy nhiên hàm nghĩa của câu nói ấy hoàn toàn khác, và xung quanh câu nói ấy có thật nhiều điều đáng phải suy ngẫm.
“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” xuất phát từ bài thơ đầu tiên của Kinh Thi thuộc Tứ thư Ngũ kinh của Nho gia, nằm trong thiên Quan thư, chương thứ nhất:
Quan thư
Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Dịch nghĩa là:
Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử.
Dịch thơ:
Quan quan kìa tiếng thư cưu,
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.
U nhàn thục nữ thế này,
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.
Chương thứ nhất nói riêng, và thiên Quan thư nói chung, nếu đặt riêng lẻ khỏi Kinh Thi thì hẳn là sẽ không ít người nghĩ rằng nó nói về tình yêu nam nữ phàm tục thông thường. Tuy nhiên đặt trong toàn bộ Kinh Thi thì người ta mới hiểu được thiên Quan thư này một cách trọn vẹn.
Từ toàn bộ nội dung Kinh Thi mà xét, thì chương này có nguồn gốc như sau:
“Quân tử” trong bài là chỉ vua Văn Vương nhà Chu. Vua sinh có thánh đức, nên cần tuyển chọn người vợ trinh thục để phối với bậc chí tôn, làm chủ tế tông miếu.
Từ “nữ” trong bài thơ là con gái chưa gả chồng, ý nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ. Nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo, dục vọng không lẫn vào nghi dung, ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ.
“Hảo” là đẹp lành, “Cầu” nghĩa là đôi lứa. Những người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch nhàn nhã và trinh chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cưu nghe hót quan quan, đang ứng họa với nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu nầy há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao?
Đó là có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hòa vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.
“Thư cưu” là loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình trạng giống như chim phù y, trong khoảng Trường giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim nầy sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách cổ nói rằng: đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính nó như thế.
“Quan quan” là tiếng chim trống chim mái ứng họa nhau, ý chỉ tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.
Như vậy chương thứ nhất của thiên Quan thư tỏ rõ cho hậu nhân rất nhiều vấn đề trong hôn nhân. Đó là cái đức của người nữ cần trinh thục, u nhã; đức của người nam cần là bậc quân tử; dẫu là trong hôn nhân thì nam nữ cũng rất mực giữ gìn, không lả lơi, buông thả; có vậy mới đạt được phu xướng phụ tùy, tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.
Vậy mới thấy rằng “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” của cổ nhân so với quan niệm “lãng mạn” ngày nay thì quả là khác rất xa.
Như vậy “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu trong chương thứ nhất thiên Quan thư của Kinh Thi. Chương thứ nhất đã tỏ rõ cho hậu nhân những quan niệm về hôn nhân rất khác của người xưa. Chương thứ hai của thiên này lại tập trung vào sự trăn trở của vua Văn vương khi chưa cầu được nàng Thái Tự, còn chương thứ ba thì nói đến niềm sung sướng của vua khi cầu được nàng.
Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Mạnh Tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, nhấn mạnh vào cái đức của nàng Thái Tự. Tại sao thiên Quan thư lại quan trọng đến như vậy?
Văn vương trằn trọc bồi hồi
Chương thứ hai:
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngộ mỵ cầu chi.
Cầu chi bất đắc,
Ngộ mỵ tư bặc.
Du tai! du tai!
Triển chuyển phản trắc.
Dịch nghĩa:
Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau,
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Khi thức khi ngủ đều lo cầu cho được nàng.
Nếu cầu mà không được,
Thì khi thức khi ngủ đều tưởng nhớ.
Tưởng nhớ xa xôi thay! Tưởng nhớ xa xôi thay!
Vua cứ lăn qua trở lại mãi nằm không yên giấc.
Dịch thơ:
So le rau hạnh lơ thơ,
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên.
U nhàn thục nữ chính chuyên,
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.
Nếu cầu mà chẳng được người,
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương.
Xa xôi trông nhớ đêm trường,
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.
Chương thứ hai này vẫn có cấu trúc như chương thứ nhất. Trước tiên nêu lên sự vật, rồi từ đó mà ví von với hoàn cảnh của Văn vương. Vào lúc chưa cầu được nàng Thái Tự, Văn vương trằn trọc không sao ngủ được, hết xoay bên này lại xoay bên kia, cũng như người đi hái rau hạnh ở hai bên dòng nước hết qua bên tả lại qua bên hữu vậy. Trằn trọc ấy lại không phải vì tình cảm bứt rứt, dục vọng không yên, mà bởi vì nàng Thái Tự với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Nếu cầu nàng mà không được thì không có ai phối, hợp với vua, để thành việc nội trị hoàn mỹ. Cho nên vua lo nghĩ sâu xa không xiết đến thế ấy. Đó chính là “buồn mà không thương tâm” (Khổng Tử) vậy.
Niềm sung sướng của Văn vương
Chương thứ ba:
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thể chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt hữu chi.
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ,
Chung cổ lạc chi.
Dịch nghĩa:
Rau hạnh so le không đều nhau,
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái lấy.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải đánh đàn cầm đàn sắt mà thân ái nàng.
Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau,
Phải nấu chín mà dâng lên ở hai bên.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải khua chuông đánh trống để thể hiện điều mừng vui.
Dịch thơ:
Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.
Cầu được nàng Thái Tự rồi, thì Văn vương vui mừng khôn xiết. Đó lại không phải bởi vì thỏa được cái dục rồi mà hoan hỉ, mà bởi vì có được người đức hạnh giúp vua nội trị, nên vua tỏ ý mừng vui khôn xiết. Vậy nên mới lấy cầm sắt tâm giao, mới lấy trống chuông đánh lên mà tỏ nỗi lòng. Dẫu mừng vui thì vẫn thanh cao với rau hạnh. Đây chẳng giống như Khổng Tử nói, “vui mà không dâm” hay sao?
Thiên Quan thư này tỏ rõ trong hôn nhân: đức hạnh như chim thư cưu, tình chí thiết đậm đà mà vẫn giữ gìn cách biệt; khi cầu người thục nữ thì cũng là thức ngủ lăn qua trở lại vì lo không có được người đức hạnh dường ấy; đánh đàn cầm đàn sắt, khua chuông đánh trống, niềm vui buồn đã tột bực mà đều không quá khuôn khổ phép tắc. Hơn thế nữa, ẩn đằng sau những vui buồn đó lại là tâm tư của Văn vương, lo không có người đức hạnh để trợ giúp mình nội trị, sâu xa hơn cũng chính là lo cho con dân, cho quốc thổ. Từ đó có thể thấy sự đoan chính của cổ nhân trong quá trình tìm hiểu lẫn trong hôn nhân.
Khuông Hành nói rằng: “Phối hợp thành vợ chồng là mối đầu của việc phồn sinh của dân chúng, là nguồn cội của vạn phúc. Nghi lễ của hôn nhân được chính đáng thì về sau phẩm vật thoả thuận và thiên mệnh mới hoàn toàn.” Điều này so với cách nói ngày nay, cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, cũng là đi trước nhiều lắm. Bởi vì cổ nhân nói về “đức hạnh” của hôn nhân, còn người hiện đại chỉ biết nói về tầm quan trọng của hai chữ “gia đình”.
Mạnh Tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, ý nói rằng trên hơn hết là bực cha mẹ dân, đức hạnh của bà Hậu phi phu nhân nếu chẳng ngang bằng với trời đất, thì không lấy gì mà thờ phụng thần linh để điều hoà sự thích nghi của vạn vật. Từ đời trước trở lại, việc hưng phế của ba đời Hạ, Thương, Chu chưa có bao giờ không do ở đấy vậy. Điều Mạnh Tử nói lại càng cho thấy sự quan trọng của người phụ nữ trong Nho gia, điều mà không phải ai cũng hiểu cho được cặn kẽ.
Minh Nhật
Dựa theo cuốn Kinh Thi tập truyện, NXB Đà Nẵng, 2003.