Nhân ngày lễ ông Công, ông Táo và ngày lễ tạ cuối năm đang đến gần: Trò chuyện với nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh về ý nghĩa của các nghi thức tâm linh trong tháng Chạp và tháng Giêng.
Chúng ta đang bước vào những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm Tân Sửu. Chỉ còn ít ngày nữa, người dân cả nước lại nao nức đón Xuân Nhâm Dần. Tháng Chạp và tháng Giêng là hai tháng đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Bởi có rất nhiều nghi thức tâm linh diễn ra như lễ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp, lễ tạ tổ tiên ngày 30 Tết, lễ cúng giao thừa, lễ dâng sao giải hạn, lễ rằm tháng Giêng… Với người Việt Nam, đây là những nghi lễ đặc biệt quan trọng, đã diễn ra từ ngàn năm. Song ý nghĩa của những nghi lễ này thế nào, phương pháp thực hiện ra sao cho hiệu quả, hiện không phải ai cũng hiểu, cũng biết, nhất là thế hệ trẻ. Để giúp quý bạn đọc có cái nhìn sâu sắc về những nghi thức tâm linh đặc biệt này, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã thực hiện cuộc trò chuyện với nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.
KỲ 1: LỄ NGHI TỐT NHẤT Ở TÂM
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Xin được mở đầu cuộc trò chuyện với bà về lễ cúng ông Công, ông Táo. Hàng năm, theo quan niệm của người Việt Nam thì đúng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình của gia chủ cho Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Theo tôi được biết, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa thành sự tích “hai ông một bà”, là vị thần Đất, thần Nhà và vị thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt, xấu của mọi người nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Bà nghĩ gì về phong tục này?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Ngày 23 tháng Chạp thực sự đã ăn sâu bám rễ vào nếp sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ ngàn năm nay. Chúng ta là sản phẩm của thiên nhiên. Thổ Thần, Thổ Địa và Thổ Kỳ là nguồn năng lượng cho mỗi chúng ta và mỗi gia đình. Thổ Công mang năng lượng khí thiên tiên. Thần linh mang năng lượng âm tính còn Táo quân vua bếp là năng lượng dương tính. Trong vòng tròn đạo có cả âm và dương. Khí thiên tiên điều hòa âm dương. Nếu trong một gia đình, 3 lượng khí này, 3 ông thần thổ công, thần linh và Táo quân vua bếp cân bằng hài hòa thì ngôi nhà ấy âm dương đươc cân đối, chính khí được điều hòa, rất tốt.
Theo quan niệm của tổ tiên chúng ta, các vị thần tại gia ấy sẽ thay mặt “Mẹ thiên nhiên”, thay mặt các vị trời và thần theo dõi những việc chúng ta đã làm trong năm để ghi công và ghi tội. Nếu gia chủ sống đúng quy luật trời đất, mang đạo trời thế, tích phúc tích đức, họ sẽ được ghi công. Nếu gia chủ sống trái quy luật càn khôn trời đất, tạo ra những nghiệp xấu, tạo ra những tội lỗi, các vị thần sẽ ghi tội.
Thổ công, thần linh và Táo quân Vua bếp là những vị thần của vũ trụ nên ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, dù gia chủ có thực hiện lễ cúng hay không thì nhiệm vụ của các vị thần tại gia vẫn phải thăng thiên về trời. Cổ xưa các cụ gọi là “lên dâng trà” để dâng công, xưng tội về toàn bộ thiện nghiệp và ác nghiệp của chúng ta tạo tác ra trong năm để mẹ thiên nhiên, để càn khôn vũ trụ thấu tỏ. Kiến giải bằng ngôn ngữ hiện đại, chúng ta nên hiểu rằng, nếu công đức của mỗi gia đình là nguồn năng lượng tích cực, an vui thì nguồn năng lượng lành ấy sẽ thăng hoa tạo quả ngọt. Nếu tạo ra năng lượng tiêu cực, chúng ta sẽ mất đi cơ hội “đức năng thắng số”.
Luật của càn khôn, luật của trời đất rất công bằng. Con người là sản phẩm của thiên nhiên. Chúng ta có bổn nhiệm tìm hiểu quy luật của thiên nhiên, quy luật khách quan và sống hòa thuận với thiên nhiên để trở thành con người thiện lương. Đó là sinh linh cao cấp nhất trên hành tinh này, bảo vệ muôn loài, trưởng dưỡng cho vạn vật có mặt trên trái đất này. Vì ý nghĩa linh thiêng đó, theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, chúng ta chuẩn bị chăm lo tất cả những nghi thức để làm lễ Tết tiễn ông Công, ông Táo về trời. Những gia đình nào có điều kiện, giữ được nề nếp gia phong theo Đạo học, những gia đình ấy sẽ làm những quả lễ trang nghiêm, trân trọng dâng cúng các vị thần vào ngày 23 tháng Chạp.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Trong nghi thức cúng ông Công, ông Táo, cá chép là lễ vật bắt buộc phải có, không thể thiếu. Vì sao phải là cá chép mà không phải các loài cá khác?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng: Con số 7 là con số vũ trụ, con số 3 là con số của trái đất. Thống nhất mà đối lập, có âm, có dương, có khí thiên tiên. Có đời sống vật chất, đời sống tinh thần và có cả đời sống tâm linh.
Nam chủ về dương. Nữ chủ về âm. Cho nên tạo hóa sinh ra 3 vị thần bếp. Chủ dương là hai ông thần và một cụ bà mang điện tích âm. Tất cả các loài bơi dưới nước cũng mang điện tích âm. Vì thế, khi cúng ông Táo, bà Táo, người ta cúng cá chép. Các vị thần chủ dương kết hợp với một vật dẫn mang điện tích âm – cá chép vượt vũ môn và tốc độ của các vị thần sẽ đến cõi trời rất nhanh. Bên cạnh đó, việc cúng cá chép còn có hàm nghĩa: Con người tu, vạn vật cũng tu. Tất cả các sinh vật, những loài chạy, loài nhảy, loài bơi, hiện hữu trên trái đất này, đều có ý nghĩa, có khả năng trưởng dưỡng cho nhau. Không chỉ con người chúng ta mà cả những vị thần cũng được thụ hưởng những nguồn năng lượng cao quý đó. Cho nên khi lễ ông Công ông Táo, chúng ta dâng cá chép cũng là khát vọng của muôn loài vươn tới cảnh giới tốt đẹp, năng lượng cao quý.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Cùng với lễ cúng ông Công, ông Táo, trong tháng Chạp, người Việt Nam còn có một nghi thức đặc biệt quan trọng. Đó là cúng cơm tất niên, lễ tạ tổ tiên vào chiều 30 Tết. Đây thực sự là cuộc hội tụ đoàn viên không chỉ của những người còn sống –ở cõi dương mà còn lạ cuộc hội tụ với tổ tiên, ông bà đã mất – những người ở cõi âm. Bằng chứng là trước ngày 30 Tết, con cháu thường ra mộ thắp hương kính mời những người đã khuất về nhà ăn Tết. Việc làm đó có phải là mê tín không, thưa bà?!
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Đây là một nghi thức tín ngưỡng âm dương, là nề nếp gia phong, tinh hoa vốn quý của tổ tiên ông bà để lại. Chúng ta – những người đang sống giống như là cái thân, cái cành, cái lá, cái hoa, cái quả. Còn tổ tiên là gốc, là nguồn cội. Cây có cội, nước có nguồn. Có kết nối được với tổ tiên, chúng ta mới có hiện tại vững chãi và tương lai tốt đẹp. Khi thắp hương chắp tay đứng trước mộ, khấn mời các cụ về nhà ăn Tết, đôi khi, chúng ta nghĩ: các cụ có nghe tiếng chúng ta nói không? Chúng ta làm các công việc hiếu nghĩa, các cụ có thấu tỏ không? Tôi xin thưa: các cụ nghe thấy hết.
Tín ngưỡng dân gian quan niệm: người chết đi rồi còn lại linh hồn. Phật đạo quan niệm người chết đi rồi còn lại nghiệp lực. Năng lượng không mất, chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Cái khó là sau giây phút cận tử, người chết sẽ đi về đâu? Về cõi sáng hay cõi tối? Về đất Phật hay về sáu nẻo luân hồi?
Tôi thấy, một kiếp làm người gồm có 3 giai đoạn:
– Kể từ khi thụ phấn khai hoa đến lúc bé ra đời là giai thứ nhất.
– Từ khi ra đời, sinh trưởng, thụ tàn đến giây phút cận tử là giai đoạn thứ hai.
– Từ giây phút cận tử cho tới khi đến một nơi nào đó trong các cõi là giai đoạn thứ ba, mới kết thúc một kiếp nhân sinh làm người.
Ở giai đoạn thứ 3, gọi là nghiệp, hay linh hồn, tùy duyên anh và quý bạn đọc suy tưởng.
Vì vậy, khi chúng ta mời, các cụ nghe tiếng. Còn bao nhiêu cụ về được thì các nhà ngoại cảm cũng không đếm được. Ta chỉ biết, các cụ có về bên con, bên cháu. Với những người có cấu trúc năng lượng sinh học đặc biệt được khai mở, được tu dưỡng rèn luyện, sẽ được cộng hưởng với nguồn năng lượng của tổ tiên ông bà. Chúng ta cũng có thể làm được, có thể tiệm cận được với nguồn năng lượng đó nếu chúng ta có đức tin, có công đức tu tập.
Khi chúng ta có đức tin, thành tâm thỉnh mời, các cụ sẽ về bên con bên cháu trong 3 ngày Tết, đến ngày hạ cây nêu các cụ sẽ đi. Trước đây cổ xưa, ngày Tết, mùng 7 mới hạ cây nêu. Khi về ăn Tết với con cháu, các cụ vui hay buồn sẽ phụ thuộc vào đạo của con cháu, phụ thuộc vào con cháu có tâm, có hiếu, có hạnh, có nhân, có nghĩa hay không? Tất cả các nghi thức đều có lý, có lẽ, chỉ có điều ta hiểu về nó còn quá đơn sơ.
Nhìn vào ban thờ là có thể đánh giá gia đình nào biết thừa kế tinh hoa, phúc ấm của tiên tổ. Khi nghiêm ngắn chuẩn bị những phẩm vật, mâm cúng và ban thờ ngày Tết sẽ giúp cho thế hệ trẻ biết trân trọng quá khứ, huyết thống, biết hướng về tinh hoa của tổ tiên.
Khi mời các cụ về hưởng Tết là ta mời các cụ hưởng những năng lượng thanh lành: Bông hoa có năng lượng, mâm ngũ quả có năng lượng, mâm cỗ cúng mời 30 Tết có năng lượng. Khi các cụ hưởng năng lượng dâng cúng Tết là lúc gia đình được âm dương hợp nhất, làm không khí trong gia đình đầm ấm. Vì vậy, lễ tất niên vô cùng quan trọng. Ngược lại, nếu chúng ta sống trái đạo, trái luật, làm hao phúc, làm tổn đức, các cụ sẽ buồn. Các nghĩa lý mang tính chân gốc này mong anh và quý bạn đọc cùng suy ngẫm để chúng ta có cái nhìn gặp nhau ở một điểm: tất cả những nghi thức tín ngưỡng tâm linh, nếu không có người kiến giải, trao đổi đàm đạo, ta dễ đi vào mê tín dị đoan.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Trong đời sống tâm linh người Việt từ ngàn đời nay, không chỉ chiều 30 Tết mà ngày mồng Một, ngày Rằm, ngày giỗ, ngày gia đình có việc đại sự như hiếu hỉ, ma chay, chúng ta cũng thắp hương thỉnh mời, kính báo với tổ tiên. Vậy lễ thỉnh mời chiều 30 Tết có gì khác với các ngày kia không?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Trước khi trả lời câu hỏi này của anh, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Trong một gia tộc, theo nề nếp gia phong, người nào nhập vai con trưởng, trưởng họ, chúng ta sẽ giữ lễ đến 5 đời (ngũ đại). Từ các cụ đời thứ 6 trở lên, chúng ta kính các cụ về với Mẹ thiên nhiên, mong các cụ hiển thần, hiển thánh.
Khi lễ, chúng ta thỉnh đến Cửu huyền thất tổ. Đây là trường hợp vừa cá biệt, vừa hi hữu. Vì thông thường, các cụ rất có thể đã siêu thoát. Cho nên có rất nhiều dòng họ có một ngày ấn định là ngày giỗ Tổ hoặc 7 đời, 15 đời hoặc 19 đời. Hậu sinh kế thừa để giữ ngày đó làm ngày giỗ Tổ. Theo tôi, việc làm đó thật minh triết. Bởi người được ấn định ngày giỗ Tổ ấy công đức phải vô lượng. Cụ đó là gương sáng cho các con cháu noi theo thì tổ tiên sẽ chọn ngày nhật kỵ của cụ là ngày Giỗ Tổ của một dòng họ để quay trở về. Nếu các cụ đã đi đầu thai, sự linh thiêng không còn nhưng giá trị tinh thần và gương sáng của cụ sẽ sống mãi trong tâm khảm hậu thế. Công đức của cụ đã kết tinh thành chữ phúc âm để cho con cháu.
Trong ngày giỗ, ngày Tết, mẹ thiên nhiên ban cho người đã ra đi một quyền: Khi nhận được “tín hiệu” của con cháu thỉnh mời, đều được về bên con cháu. Trong những ngày rằm, mùng một là những ngày năng lượng thiêng trong trời đất vận hành thì chúng ta cũng có thể thỉnh mời các cụ. Ở một cảnh giới nơi các cụ đang ngự trị, nếu các cụ nhận được tín hiệu và không bận việc trời, các cụ sẽ có thể về được bên con cháu. Các cụ là ông, bà, cha, mẹ của ta, khi trở về với thiên nhiên, dù cụ về bất kỳ một cảnh giới nào cũng phải tuân thủ một định luật của càn khôn, quy luật của trời đất.
Nếu được phép của trời đất, khi về bên con cháu, các cụ sẽ sắm 2 vai. Một vai là người trong huyết tộc, một vai là thiên sứ của trời đất, về để cứu độ, tiếp sức, khai mở, phù hộ cho con cháu. Nếu không, chúng ta sẽ loạn khí mà chết. Quy luật, sự vận hành của thiên nhiên vô cùng nghiêm khắc và chặt chẽ. Nương nhờ phúc âm, chúng ta được trợ đỡ, người ốm đau gặp thầy hợp thầy, gặp thuốc hợp thuốc.
Kiếp nhân sinh chúng ta có 3 phần, trong đó 30% là do nghiệp lực, 30% là nhờ phúc âm và 30% là nhờ đức năng thắng số. Kinh sách đã có câu: “Trùng trùng duyên khởi”. Vì vậy, đứng trước tai nạn, ta đừng ỷ lại vào việc xin cứu độ phù hộ để thành mê tín. Các cụ càng thương con cháu, càng mong con cháu sống trật tự, giữ gìn nề nếp gia phong trong gia đạo. Ngay cả khi các cụ biết trước con cháu sắp gặp một hạn ách (nghiệp lực dẫn dắt), kể cả trong gia tộc có liệt sĩ linh thiêng, nếu không được phép của các vị thần, các cụ cũng không được phủ trần để cứu độ (lúc này ta không được phúc âm cứu độ). Hạn ách này do nhân quả đã ấn chứng, do tội, nghiệp đã phê, người sống phải gánh hạn. Lúc này phải nhớ một điều: chúng ta còn có thể tự giải tự cứu ta bằng 30% đức năng thắng số.
Bản thể của mỗi chúng ta là một tiểu vũ trụ, chứa đựng cả những hạt sáng, hạt thiện lương cao quý, nhưng trong con người chứa đựng cả những hạt tối ma quỷ đang tàng ẩn và đang hoành hoành thành bệnh tật. Việc chúng ta cần làm là: phải có niềm tin, phải sống trật tự đúng quy luật. Chúng ta phải công phu tu tập cái tâm. Chuyển hóa từ cái tâm bản năng, cái tâm rất thô thành cái tâm thanh tịnh như lời Phật dạy. Muốn vậy, chúng ta phải nhận diện được bản tính của ta, đâu là cái tốt, đâu là cái xấu. Chúng ta phải công phu tu tập để làm mới mình, để thói hư tật xấu tan dần thì mẹ thiên nhiên mở rộng cửa, các vị thiện thần mở rộng cửa. Nguồn năng lượng tích cực hiện hữu, nội lực hiện sinh, chính thắng tà, bệnh tan, nạn hết.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Theo bà, điều gì là quan trọng nhất trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, trời đất?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Theo tôi, có hai việc quan trọng nhất.
Thứ nhất, việc lễ nghi tốt nhất ở tâm. Tâm phải sạch. Tâm sạch là trong tâm ấy phải chứa đựng đức tin. Tin có trời, tin có nguồn năng lượng tích cực và không tích cực vận hành xung quanh ta. Đó là thiện thần và hung thần. Và đặc biệt, đức tin rằng tổ tiên vẫn còn, tổ tiên chưa hết. Từ đó, chúng ta phải sống như thế nào để phần dương, mọi người tin mình, để phần âm, các cụ phải hoan hỉ. Nếu con người quậy phá, mất trật tự, quả lễ sẽ không thiêng.
Việc thứ 2, ban thờ là chốn đi về của tổ tiên. Ban thờ trước hết phải thanh cao, sau đó là trang nghiêm. Tất cả các vật lễ, phụ thuộc vào duyên cảnh, phụ thuộc vào phước lộc, tài chính, vào nề nếp gia phong, vào tính nết của con cháu. “Giàu thì làm kép, hẹp thì làm đơn”. Thực tế tôi thấy có những người mua bông hoa cúng lễ. Đến khi hoa héo, nước hôi mới thay thì bản tính của người này cần phải điều chỉnh, phải thay đổi, không được phép như vậy. Ban thờ không phải là nơi để chúng ta tùy tiện bày. Một bông hoa phải tươi, một trái quả phải tươi. Hồn hoa. Hoa có hương là hồn. Khói hương. Hương là vật dẫn để truyền tải những ý nghĩ, lời nói, thông điệp, những mong cầu, lời hứa của chúng ta đến tổ tiên ở các chiều không gian và ở các cảnh giới khác nhau. Bởi vậy, lễ không được phép tùy tiện. Khi chúng ta làm mâm cỗ tất niên hoặc đầu xuân năm mới, theo truyền thống tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam, phải là mâm cỗ cổ, tức là nhìn vào mâm cỗ phải thanh, sạch, đẹp và tròn. Hiện nay, có nhiều người cúng lấy lệ, làm cho xong chuyện. Việc này phải thay đổi.
Theo tôi, lễ được xếp vào thể tĩnh, không nằm trong thể động. Vì thế, khi ta sắm sửa, thực hành lễ nghi phải trang nghiêm, thanh tịnh. Khi các bậc cha mẹ làm được việc này sẽ là gương sáng để các con cháu noi theo. Vì vậy, cổ nhân mới có câu “Tiên học lễ”. Lễ có nghĩa. Nghĩa có lý. Nội dung của lễ, gồm có 4 phần.
Phần thứ nhất, chúng ta tri ân trời Phật, tổ tiên đã cho chúng ta được mạnh khỏe, trí tuệ sáng suốt để gánh công, lo việc nước, việc nhà, việc đời, việc đạo, muôn việc gần xa trong một năm. Tạ ơn thế giới vô hình đã cho chúng ta trí tuệ để đối mặt với biết bao nhiêu chướng ngại trong một năm. Đến thời khắc này, gia đình con được hai chữ bình an, con xin lễ tạ.
Phần thứ hai, chúng ta dâng vật lễ. Mâm lễ chính là thành quả lao động của các con các cháu trong một năm dâng kính tổ tiên.
Phần thứ ba, trong giây khắc linh thiêng, trước tổ tiên, chúng ta lắng tâm, chí thành nhìn vào mình, nhìn vào nhà mình để chúng ta sám hối. Bởi tôi tin, một năm làm được bao nhiêu công việc, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu cờ khó. Nhiều khi chúng ta mất kiểm soát thân tâm để cho cái tham, cái sân, cái si, cái nghi, cái kiến thủ, kiến chấp đồng hành bên ta. Chỉ cần lơi đi một chút là chúng ta bị nghiêng ngả. Vì vậy ta hãy sám hối. Lời sám là nhận khuyết điểm. Lời hối là hứa với các cụ con không sai phạm. Hứa với tổ tiên đoạn tuyệt thói hư tật xấu, làm mới chính ta.
Phần thứ tư, mời các cụ luôn đồng hành bên con cháu. Phúc âm chúng ta được hưởng, tổ tiên luôn ở bên ta để chỉ đường dẫn lối, chứ không làm hộ ta, không làm thay ta. Nhiều khi chúng ta sính lễ, bao nhiêu mong muốn, bao sự mong cầu, nhờ các cụ làm giúp, cầu xin các cụ ban cho, chuyện này là mê lạc.
(Còn nữa)
Nhà báo Hoàng Anh Sướng thực hiện