Thông thường nếu là người xuất gia thì trước tiên phải từ bỏ những vui thú, sở thích thế tục, nhưng Khuy Cơ sau khi xuất gia thì lúc nào cũng có 3 cỗ xe lớn đi theo sau, một cỗ chở rượu ngon, một cỗ chở mỹ nữ, còn một cỗ chở kinh Phật, nghênh ngang đi lại trên đường phố…
Trong những nhân tài chuyên nghiệp tinh thông ngoại ngữ thuộc giới dịch thuật cổ đại thì tăng nhân chiếm tỷ lệ rất lớn. Cao tăng Đại Đường là Huyền Trang đi Tây Trúc (Ấn Độ cổ), trên đường du học, đã trải qua 17 năm. Đến khi trên đường quay trở về Đại Đường thì ông đã thông thạo năm ngôn ngữ của các quốc gia ở Tây Trúc. Khả năng ngoại ngữ của Huyền Trang lúc đó có thể đọc chữ Phạn như chữ Hán, không gặp một chút trở ngại nào. Đường Tăng đem trên 600 bộ kinh văn trở về, để dịch nhanh nhất những kinh điển này, Hoàng thượng Đường Thái Tông đã đặc biệt tuyển chọn những nhân tài trí tuệ có khả năng ngoại ngữ và tinh thông kinh điển nhà Phật, bất kể là tăng nhân hay người thường, quan lại hay bình dân, mục đích là dốc toàn sức trợ giúp Đường Tăng biên dịch số kinh văn kể trên ra chữ Hán.
Thời bấy giờ, có một thiếu niên quý tộc là Khuy Cơ được Đường Tăng toàn tâm dạy dỗ, cũng trở thành một cao thủ của Phiên dịch viện. Cậu công tử xa hoa phóng túng trước đây, nhân duyên gì lại bước vào Phật môn? Đó là một câu chuyện hết sức thú vị.
Khuy Cơ – cao tăng triều Đường chính là con trai của Uất Trì Cung – danh tướng Đại Đường. Mẫu thân của Khuy Cơ là Bùi thị, khi có thai đã từng mộng thấy trong tay mình có đỡ một vầng trăng tròn trắng ngần tinh khiết. Bà hiếu kỳ nâng cao vầng trăng lên, ngửa mặt nhìn, không ngờ đã nuốt vầng trăng vào bụng. Sau khi đủ tháng, Bùi thị sinh một bé trai. Tả Kim Ngô Tướng quân Uất Trì Tông đặt tên cho cậu bé là Uất Trì Khuy Cơ, tên chữ là Hồng Đạo.
(Theo: “Tống Cao tăng truyện” – quyển 4).
Khuy Cơ sinh ra trong gia đình vương hầu quý tộc, thuở thiếu niên cũng rất xa hoa. Một hôm cậu cùng những anh em quý tộc cưỡi ngựa đến ngoại thành Trường An dạo chơi. Không ngờ con ngựa mà Khuy Cơ cưỡi phi như bay thẳng về phía một vị tăng nhân. Cậu thiếu niên kinh sợ kéo căng dây cương, hòa cùng tiếng hí của ngựa, thét lên một tiếng vang trời. Bất thần ngựa chồm hai vó trước, dùng toàn lực hất mạnh chủ nhân. Cậu thiếu niên từ trên mình ngựa ngã nhào xuống, vừa đúng rơi ngay trước mặt tăng nhân. Vị tăng nhân này chính là pháp sư Huyền Trang. Huyền Trang nhìn thấy cậu thiếu niên, trong tâm bỗng chấn động, như dường như đã gặp ở đâu rồi.
Khuy Cơ tuy xuất thân trong gia đình quý tộc võ tướng, nhưng từ nhỏ đã theo cha mẹ lễ Phật, do đó rất kính trọng tăng nhân. Cậu chắp tay hợp thập đảnh lễ với Huyền Trang. Cao tăng mỉm cười hỏi: “Cậu là tiểu công tử nhà ai?”
Khuy Cơ nói cậu là con trai của Tả Kim Ngô Tướng quân Uất Trì Tông. Huyền Trang mặc dù cảm giác thấy cậu bé rất thân quen, nhưng nhất thời không nghĩ ra là đã từng gặp ở đâu rồi, thế là pháp sư vẫy vẫy tay ra hiệu để cậu bé rời đi.
Về đến chùa, Huyền Trang ngồi nhập tĩnh đả tọa mới biết rõ cậu bé này rốt cuộc là ai.
Huyền Trang trên đường đi Tây Trúc, đến miền Bắc Ấn Độ và chuẩn bị vượt qua dãy Tuyết Sơn. Chính ở nơi băng tuyết bao phủ kín đất trời, không một dấu vết con người này, ông đã phát hiện ra có một lão tăng nhập định rất sâu. Do thời gian nhập định của lão tăng đã quá lâu rồi, khiến trên thân ông ta bám đầy lớp bụi rất dày. Sau khi làm sạch lớp bụi này cho lão tăng, Huyền Trang lấy ra một cái khánh rồi gõ bên tai ông ta.
Tiếng nhạc khánh linh dị khiến lão tăng đang trong định tỉnh lại. Lão tăng hỏi Huyền Trang tại sao lại quấy rối ông ta tu hành. Huyền Trang nói: “Vãn bối là tăng nhân từ Đông Thổ Đại Đường, đến Thiên Trúc để cầu kinh Phật của Phật Thích Ca Mâu Ni”.
Lão tăng vừa nghe xong, bỗng mắt sáng long lanh, kinh ngạc nói: “Lẽ nào Phật Thích Ca Mâu Ni đã xuất thế rồi?”
Lúc này đến lượt Huyền Trang kinh ngạc và nói: “Phật Thích Ca đã viên tịch hơn 1000 năm rồi”.
Lão tăng nuối tiếc nói: “Tôi là tỳ kheo ở thời đại Phật Ca Diếp. Vì biết trước Phật Thích Ca sẽ giáng thế nên đã nhập định để chờ đợi Ngài. Nhưng thật không ngờ đã bỏ lỡ, đã qua hơn 1000 năm rồi”.
Thế là lão tăng lại chuẩn bị nhập định tiếp, vì muốn đợi Phật Pháp của Phật Di Lặc. Huyền Trang lo lắng ông ta sẽ lại lần nữa để tuột mất cơ duyên, thế là kiến nghị với ông ta rằng: “Tốt nhất hiện nay là đến Đại Đường đầu thai. Đợi đến khi vãn bối lấy kinh trở về thì có thể truyền lại cho tiền bối, như vậy mới không uổng phí thời gian chờ đợi cả ngàn năm”.
Lão tăng đồng ý. Huyền Trang dăn dặn thêm: “Nhất định phải đến chuyển sinh ở ngôi nhà vàng có ngói lưu ly”. Ngụ ý là để lão tăng đến hoàng cung Đại Đường chuyển sinh, kết duyên với Đường Thái Tông. Lão tăng nhận lời đồng ý.
Ở nước Đại Đường, quan văn võ tướng nhiều như mây trời, họ theo Thái Tông kiến công lập nghiệp, được phong vương phong hầu. Một số tư dinh của những vương hầu khanh tướng cũng lợp ngói lưu ly. Lão tăng không xem xét kỹ chi tiết này, trông thấy một ngôi nhà lớn màu vàng có mái ngói lưu ly, ông bèn tung thân nhảy xuống chuyển sinh vào trong phủ của tướng quân Uất Trì.
Thế là có màn hội ngộ ở ngoài thành Trường An, con ngựa của Khuy Cơ có linh tính, trực tiếp đem Khuy Cơ phi thẳng đến chỗ Huyền Trang. Đây có lẽ chính là nhân duyên.
Huyền Trang lựa thời gian đích thân đến bái kiến phủ tướng quân Uất Trì. Sau khi Đường Tăng từ Thiên Trúc trở về, mọi người trong thành Trường An, cả tăng nhân lẫn người thường đều vô cùng kính trọng ông. Tướng quân Uất Trì nghe nói có Đường Huyền Trang đến thăm thì vui mừng đích thân đến tận cổng nghênh đón.
Trong lúc trò chuyện, Huyền Trang nói: “Tiểu công tử nghi biểu đường đường, khí vũ bất phàm, nếu xuất gia làm tăng thì tương lai nhất định sẽ là long tượng trong Pháp”. (Long tượng: chỉ người xuất sắc trong hàng La Hán – ND).
Tướng quân Uất Trì nói: “Khuyển tử tính tình thô lỗ, hành vi hung hãn, chỉ sợ pháp sư khó mà giáo hóa nó được”. (Khuyển tử: nghĩa là ‘chó con’, một cách khiêm xưng về con cái mình – ND)
Huyền Trang nói: “Nếu không phải do tướng quân sinh ra thì công tử cũng không có được khí độ như thế này. Nếu không phải gặp bần tăng thì cũng không có ai có thể phát hiện ra tăng tài của công tử”.
Pháp sư Huyền Trang lúc nhàn cư thì cử chỉ thanh tĩnh trang nhã, hễ mở miệng là xuất khẩu thành chương, thao thao bất tuyệt. Năm Trinh Quán thứ 16 (năm 642) ở Thiên Trúc, Huyền Trang đã dùng tiếng Phạn giảng luận biện luận về Đạo, khẩu chiến với chúng tăng 5 nước Thiên Trúc, trở thành người chiến thắng của Vô Giá Đại Hội (Đại hội biện luận của tăng lữ khắp nơi, 5 năm tổ chức 1 lần – ND), danh tiếng chấn động khắp 5 nước Thiên Trúc. Sau khi Huyền Trang đàm đạo cùng tướng quân Uất Trì, Uất Trì Tông đã vui mừng thành kính cho phép Khuy Cơ xuất gia.
Nhưng Khuy Cơ lại phản đối mãnh liệt. Cậu nói: “Nếu muốn con xuất gia thì phải đồng ý 3 việc, đó là không đoạn tuyệt tình dục, không đoạn tuyệt rượu thịt, sau giờ Ngọ vẫn được ăn”.
Vì để giáo hóa cậu, Huyền Trang đã tạm thời đồng ý những yêu cầu của công tử Khuy Cơ.
Thông thường người xuất gia thì trước tiên phải từ bỏ những vui thú, sở thích thế tục, nhưng Khuy Cơ sau khi xuất gia thì lúc nào cũng có 3 cỗ xe lớn đi theo sau, một cỗ chở rượu ngon, một cỗ chở mỹ nữ, còn một cỗ chở kinh Phật, nghênh ngang đi lại trên đường phố, rất thu hút ánh mắt mọi người. Trường An là đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế đương thời, phồn hoa phú lệ. Người dân Trường An cũng đã quen với rất nhiều tăng nhân, Đạo sĩ của rất nhiều nước khác nhau, cũng đã được nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ. Nhưng phương thức xuất gia như Khuy Cơ kể trên đã trở thành đề tài nóng hổi, được mọi người bàn tán sôi nổi khắp các quán trà quán rượu trong thành Trường An. Mọi người gọi Khuy Cơ là “Hòa thượng 3 cỗ xe”.
(Theo: “Tống Cao tăng truyện” – quyển 4).
Một hôm, Khuy Cơ phụng mệnh đi Thái Nguyên truyền Pháp. Trên đường, một lão ông thấy 3 cỗ xe vô cùng hoa lệ bèn hỏi: “Đây là xe của ai vậy?”
Có người trả lời rằng: “Đó là xe của một hòa thượng xuất gia, đem theo gia quyến tùy tùng”.
Lão ông than rằng: “Ta chưa từng thấy người xuất gia tinh thông Phật Pháp nào còn đem theo gia quyến. Việc này sao có thể là hành vi của đệ tử của Phật Đà được!”
Khuy Cơ nghe thấy vậy bỗng tỉnh ngộ, bèn vứt bỏ xe lại, một mình vân du đi Thái Nguyên. Từ đó trở đi, cậu nghiêm cẩn giữ gìn giới luật, dũng mãnh học tập Phật Pháp, và được Huyền Trang truyền thụ lại kỹ năng ngôn ngữ của 5 quốc gia Thiên Trúc. Năm 25 tuổi, Khuy Cơ phụng chiếu chỉ hoàng đế trợ giúp Huyền Trang phiên dịch kinh Phật, và trở thành một vị cao tăng đức lớn một thời.
Theo Epochtimes.com