Xuân Trường thu lợi ở khu di sản Tràng An ra sao, đóng thuế thế nào?

10:48 | 19/03/2019

Thu vé cao hơn Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt, nhưng đơn vị bán vé khẳng định đúng luật, không sai.


 

Báo Ngày Nay đăng phát biểu của ông Bùi Văn Mạnh – Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Năm 2018, tổng số lượng lượt khách đến toàn tỉnh là 7,3 triệu, trong đó lượng khách đến Tràng An và Bái Đính chiếm 80% toàn tỉnh và 70% trong số khách đó đến Bái Đính”; “Cụ thể, lượng khách đổ về tăng đều khoảng 8-10%, có năm thì tăng hơn 10% và vẫn giữ nhịp tăng 2-3% trong dịp đầu năm”.

Theo ông Mạnh: “Sức chứa ở Tràng An hiện này một ngày đón tối đa 25 đến 26 nghìn lượt khách. Trước đây vào ngày cao điểm lượng khách đổ về có thể lên đến 30 nghìn lượt và thường quá tải vào những ngày cuối tuần”; “Riêng tại chùa Bái Đính, có những ngày cao điểm đón tiếp khoảng 18 vạn lượt khách, ở đó có bãi xe rất rộng, sắp xếp bố trí đường ra đường vào không bị xung đột về giao thông nên không có tình trạng tắc nghẽn”.

Hàng trăm ki – ốt được cho thuê trong khu vực bãi trông xe xung quanh chùa Bái Đính mới. Ảnh: Tùng Dương

Như vậy nếu đúng như trả lời của Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình trên tờ Ngày Nay, với lượng khách 7,3 triệu lượt đến Ninh Bình thì có đến gần 6 triệu lượt khách đến khu Tràng An và Bái Đính, trong đó chiếm 70% lượt khách đến Bái Đính tương đương hơn 4 triệu và Tràng An là hơn 1,5 triệu.

Với số lượng du khách lớn như vậy, các dịch vụ mà doanh nghiệp Xuân Trường đang khai thác có thể thu được nhiều tỷ đồng, bắt đầu từ dịch vụ gửi xe (40 nghìn đồng/lượt ô tô, 15 nghìn đồng/lượt xe máy).

Và với cách bố trí điểm đỗ xe cách khá xa chùa Bái Đính (gần 4km), hầu hết du khách sẽ phải lựa chọn dịch vụ xe điện có mức giá 60 nghìn đồng cho hai chiều.

Nếu có hơn 4 triệu khách du lịch đến Bái Đính sử dụng dịch vụ này thì mỗi năm doanh nghiệp thu được bao nhiêu tiền? Hàng năm, doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu?

Một điểm nữa đáng chú ý là du khách vào Bảo tháp lễ phật phải mua vé với giá là 50 nghìn đồng, gọi là “Vé thu tiền phí tham quan bảo tháp”. Vậy hàng năm, doanh nghiệp Xuân Trường thu được bao nhiêu tiền từ việc bán vé?

Bên cạnh đó còn có dịch vụ khách sạn chùa Bái Đính (mức giá phòng thấp nhất là gần 1,2 triệu đồng/phòng/1 ngày đêm; cao nhất gần 11 triệu đồng/phòng/1 ngày đêm); hàng trăm ki-ốt bán hàng… những dịch vụ ấy đem lại nguồn lợi ra sao cho doanh nghiệp?

Ngoài ra, thông tin trên trang trangangroup.vn cho biết Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An là công ty thành viên của Doanh nghiệp Xuân Trường, có chức năng khai thác dịch vụ sân Golf Tràng An, Khu danh thắng Tràng An, khách sạn Bái Đính… và chùa Bái Đính.

Như vậy việc quản lý, vận hành, bán vé đò thăm khu Tràng An, nhà hàng bến đò Tràng An cũng thuộc đơn vị này.

Vé bán cho du khách đi đò thăm di sản Tràng An với giá 200 nghìn đồng. Ảnh: Tùng Dương.
Ảnh chụp trang Web của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An. 

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIV, kì họp thứ 3 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thì mức phí tham quan được áp dụng đối với khu du lịch Tràng An là:

Mức 80 nghìn đồng/1 lượt/1 người lớn và 40 nghìn đồng/1 lượt/1 trẻ em. Mức vé đi đò được phê duyệt là 70 nghìn đồng/1 lượt/1 người lớn. Theo nghị quyết này thì tổng mức phí bao gồm đò và thắng cảnh được phê duyệt là 150 nghìn/1 lượt /1 người lớn và 110 nghìn đồng với trẻ em.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã khảo sát thực tế tại bến đò thì giá vé bán tại đây là 200 nghìn đồng cho 1 khách cao trên 1mét, với tuyến tham quan Tràng An đường thủy đi thuyền dọc theo dòng sông Sào Khê, qua 12 hang động và 3 điểm tâm linh theo một lộ trình vạch sẵn. Mỗi thuyền chở 6 người, chuyến đi kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ.

Giá vé đi thuyền tham quan Tràng An không bao gồm đi thăm khu du lịch Tràng An cổ. Muốn tham quan khu Tràng An cổ, khách phải trả thêm 45 nghìn đồng cho 1 người.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gọi điện vào số Hotline: 0229 3620 335 của Văn phòng kinh doanh khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An thì được trả lời: “Chúng tôi thu trọn gói 200 nghìn đồng cho 1 người lớn và 100 nghìn đồng cho trẻ em đã bao gồm cả vé đò và vé thắng cảnh”.

Như vậy với mức thu này cao hơn mức phí được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt là 50 nghìn đồng/1 lượt/1 người.

Đò đưa khách đi tham quan di sản Tràng An. Ảnh: Tùng Dương.

Trả lời trên Báo Đất Việt về việc thu quá giá quy định, người đại diện truyền thông của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An cho biết: “Vé thăm quan bán tại di sản Tràng An do chúng tôi tự in ấn, đã được Chi cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Bộ Tài chính cho phép, không có chuyện sai phạm và thu sai quy định.

Sở dĩ có sự chênh lệch 50 nghìn đồng so với Nghị quyết mà Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành năm 2016 là do trượt giá.

Mức phí năm 2016 mà Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt không còn phù hợp với điều kiện thực tế khi mà các chi phí hoạt động, cải tạo, nâng cấp khuôn viên di sản tăng cao nên chúng tôi phải nâng giá vé để duy trì, phục vụ khách du lịch”.

Khi được hỏi Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An có đơn xin điều chỉnh tăng giá thu phí gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình hay không thì vị này im lặng.

Dựa trên các con số về khách du lịch mà ông Bùi Văn Mạnh – Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết ở trên thì có thể thấy lượng khách một năm đến Tràng An là hơn 1,5 triệu người.

Chỉ tính nguyên nguồn bán vé thăm quan và vé đò cho hơn 1,5 triệu lượt khách trong năm 2018 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An đã thu về nhiều tỷ đồng (số tiền chênh nhờ thu vé cao hơn so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng lên tới hàng tỷ đồng).

Cũng theo báo Ngày Nay thì số liệu từ Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho thấy, công ty này đến năm 2018 vẫn báo lỗ và chỉ đóng về ngân sách tỉnh một khoản duy nhất là thuế môn bài có giá trị là 3 triệu đồng.

Trước thông tin này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, làm rõ. Nếu doanh nghiệp làm sai phải xử lý nghiêm khắc. Nếu thông tin này không đúng cũng cần công bố, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Khách du lịch tại bến đò Tràng An – Khu di sản Tràng An. Ảnh: Tùng Dương.

Một cán bộ Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết, Ban quản lý chung cả khu vực quần thể Tràng An hơn 12.000 héc-ta chứ không phải là đơn vị bán vé thu tiền.

Hoạt động trong di sản hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang khai thác nhưng lớn nhất vẫn là doanh nghiệp Xuân Trường.

Đối với chùa Bái Đính mới hay bến đò Tràng An thì doanh nghiệp Xuân Trường đã lập dự án và họ sẽ phải thực hiện đúng với giấy phép.

Ban quản lý chỉ tiếp nhận quản lý về mặt nhà nước khu chùa Bái Đính mới và khu di sản Tràng An từ năm 2014 sau khi cả vùng này được công nhận di sản chứ không quản lý mức thu cũng như thu các dịch vụ trong chùa hay bến đò.

Câu hỏi đặt ra là với rất nhiều dịch vụ đang khai thác tại khu di sản Tràng An, hàng năm doanh nghiệp Xuân Trường thu lợi ra sao, có giúp ích gì cho nhân dân địa phương và có đóng góp gì cho nhà nước?

Tài liệu tham khảo:

https://ngaynay.vn/van-hoa/doanh-nghiep-tu-y-tang-gia-de-tan-thu-o-di-san-trang-an-141731.html

https://ngaynay.vn/special-today/chua-bai-dinh-thieu-tien-hoat-dong-nen-doanh-nghiep-phai-dai-tho-141278.html

http://trangangroup.vn/

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/map-mo-gia-ve-trang-an-nhieu-ty-dong-di-dau-3376188/

 

Theo GDVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024