Đã quá nửa năm từ khi phát hiện “sự cố” tủ kính bảo quản hai pho tượng trong chùa Đậu (Hà Nội) có côn trùng xâm nhập, nhưng đến nay, việc khắc phục vẫn chưa được thực hiện. Thủ tục hành chính quan liêu, nhiêu khê… liệu có đáp ứng được công tác bảo tồn những di vật quý, cần xử lý khẩn cấp?
Chờ và… chờ
Đầu năm 2022, trong khi tiến hành bao sái, quét dọn tủ kính bảo quản pho tượng táng thiền sư Vũ Khắc Minh, các nhà sư ở chùa Đậu phát hiện có xác côn trùng trong tủ kính. Giật mình kiểm tra kỹ, nhà chùa phát hiện một số nút bằng keo silicon bịt lỗ khoan (được cho là lỗ dẫn khí nitơ vào và đưa không khí ra) đã bị bật ra khỏi kính, khả năng là những con côn trùng đã chui vào tủ qua những nút này.
Pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường.
Sự việc được cấp báo đến chính quyền và cơ quan chức năng huyện Thường Tín. Xã, huyện cử người về và ghi nhận có xác tò vò, xác ong ở trong tủ. Ngoài ra, trong tủ kính bảo quản tượng táng thiền sư Vũ Khắc Trường cũng có biểu hiện bị côn trùng xâm nhập.
Theo Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu, năm 2003, Nhà nước đã thực hiện dự án bảo quản hai pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Theo đó, hai pho tượng được đặt trong trong hộp kính đã rút hết không khí và bơm khí nitơ để bảo quản, phía ngoài tủ kính có thêm khám thờ bằng gỗ mít.
“Bằng mắt thường cũng có thể thấy, các ngài đã không được bảo quản bằng khí nitơ theo như dự án ban đầu năm 2003”, Đại đức Thích Quang Minh nói đồng thời cho rằng, việc kiểm tra chất lượng bảo quản và xử lý sự cố côn trùng lọt vào trong tủ kính là việc “cấp thiết”.
Thế nhưng, phải đến giữa tháng 6/2022, Sở Văn hóa – Thể thao TP. Hà Nội mới có văn bản gửi UBND huyện Thường Tín về việc kiểm tra, rà soát hai pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Và hơn 2 tháng sau, ngày 22/8, UBND huyện Thường Tín mới triệu tập cuộc họp với thành phần gồm đại diện Sở Văn hóa – Thể thao, Cục Di sản, chính quyền địa phương, nhà khoa học, đơn vị tư vấn, nhà chùa… để thống nhất phương án xử lý.
Mặc dù vậy, tiến độ triển khai vẫn rất chậm. Theo ông Đặng Hữu Hiệp – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Tín, cho đến nay, huyện mới đang lập hồ sơ trình xin ý kiến Sở và Bộ.
“Sau khi có ý kiến của Sở và Bộ, chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn và cùng PGS.TS Nguyễn Lân Cường lập hồ sơ bảo quản trình các cơ quan liên quan duyệt rồi mới triển khai. Chúng tôi đang cố gắng để làm xong trong năm nay”, ông Hiệp cho biết.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam (người chủ trì dự án trùng tu, bảo quản hai pho tượng chùa Đậu năm 2003), trong lần này, các nhà khoa học dự kiến thay tủ kính bằng loại kính khác để đảm bảo khi bị va chạm kính cũng không vỡ vụn ra, thay van khóa dẫn khí bằng kim loại, không sử dụng van nhựa nữa đồng thời lắp thêm hệ thống máy đo nồng độ khí nitơ trong tủ. Phía đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và cung cấp thiết bị cũng đã được lựa chọn. “Hiện chúng tôi đang chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến”, ông Cường cho hay.
Bảo vật bị “bỏ quên”?
Sau khi báo chí đăng tải có việc côn trùng lọt vào tủ kính bảo quản nhục thân hai thiền sư, nhiều người dân trong khu vực chùa Đậu tỏ ý sốt ruột. Người dân cho rằng, công tác triển khai xử lý “sự cố” quá chậm, dù việc này phải theo quy trình, thủ tục đầy đủ vì hai pho tượng là bảo vật quốc gia. Lẽ ra, mọi việc phải được thực hiện quyết liệt, ráo riết hơn.
“Rõ ràng việc bảo quản chưa ổn, nhưng hiện nay tình trạng hai pho tượng như thế nào không ai biết vì không được mở tủ kính ra kiểm tra. Chúng tôi mong các cấp xử lý nhanh việc này vì nếu để lâu không ai biết chuyện sẽ đi đến đâu”, ông Trung – một người dân ở xã Nguyễn Trãi nói.
Pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh hiện vẫn đặt trong tủ kính.
Còn theo Đại đức Thích Quang Minh, từ năm 2003, sau khi dự án bảo quản kết thúc, không có bất kỳ ai đến khảo sát, kiểm tra nồng độ khí nitơ trong tủ kính. Thực chất, hiện nay hai pho tượng đang được bảo quản trong môi trường không khí bình thường nhưng với tình trạng tủ kính kín, điều kiện thông khí kém, đây sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển, gây ra phản tác dụng. Vì vậy, mặc dù gần đây phát hiện thêm một số xác côn trùng xâm nhập, song nhà chùa vẫn không dám bịt các lỗ hổng này lại.
Vị trụ trì chùa Đậu cũng nêu vấn đề, trước khi được bảo quản bằng khí nitơ, hai pho tượng đã có lịch sử vài trăm năm tồn tại, vậy có cần thiết bảo quản bằng cách để pho tượng vào hộp kín hay không…
“Chúng tôi đồng ý bảo quản bằng khoa học nhưng các nhà khoa học phải chứng minh rằng việc bảo quản khí nitơ trong hộp kính tốt hơn ở ngoài không khí. Dự án năm 2003 làm xong bỏ bẵng suốt gần 20 năm không kiểm tra, không hỏi han gì đến. Từ đầu năm 2004 đến năm 2022 này không ai biết chất lượng khí nitơ trong tủ còn hay mất, hay như thế nào. Bây giờ lại bơm khí nitơ vào xong tiếp tục vứt đấy 20 năm thì liệu có đảm bảo được việc bảo quản tốt hay không?”, Đại đức Thích Quang Minh nêu vấn đề.
Những thông tin mà Đại đức Thích Quang Minh nêu ra khác hẳn với những gì đã được tuyên bố cách đây gần 20 năm. Khi đó, nhóm thực hiện dự án cho biết, sau khi tu bổ, hai pho tượng được đặt vào lồng kính dày 1cm chứa khí trơ nitơ. Lồng kính đảm bảo kín tuyệt đối, có hai van xả, một van vào và một van ra. Cứ 6 tháng một lần, nhóm nghiên cứu sẽ dùng thiết bị đo lại hàm lượng nitơ trong lồng kính, để bổ sung khí khi cần thiết…
Nỗi lo không chỉ ở chùa Đậu
Từ câu chuyện ở chùa Đậu cho thấy có một thực trạng là, cùng với niềm vui được công nhận bảo vật quốc gia là nỗi lo về việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bảo vật. Theo quy định, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng không phải điều này lúc nào cũng được thực hiện đúng. Trên thực tế, sau khi được công nhận bảo vật quốc gia, đa số các hiện vật vẫn được bảo quản theo phương thức cũ, lý do vì thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị.
Côn trùng xâm nhập lồng kính bảo quản nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh.
Theo TS. Nguyễn Văn Cường – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, tuy được xếp hạng bảo vật quốc gia nhưng cơ chế về mặt đầu tư so với những thứ khác đều không thay đổi. Ông Cường cho rằng, đúng ra các bảo vật phải được đưa vào ưu tiên bảo quản, ưu tiên trưng bày bằng các thiết bị tối tân, nhưng hiện nay chỉ một vài cơ sở lớn mới có thể đáp ứng, mà cũng chỉ làm được một phần. Ngay cả các bảo tàng địa phương cũng rất khó khăn trong công tác bảo quản, còn đối với các bảo vật quốc gia nằm trong di tích thì còn khó khăn hơn nhiều.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo quản các bảo vật quốc gia, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học lưu ý rằng, các bảo vật quốc gia giá trị rất cao nhưng nhiều nơi chưa có điều kiện bảo tồn phát huy tương ứng giá trị của nó. Vì thế, cần có báo cáo định kỳ về việc bảo vật được trông nom và phát huy ra sao.
Trở lại câu chuyện ở chùa Đậu, sự việc khiến dư luận quan tâm không chỉ là công tác bảo tồn mà trước hết là ở khâu xử lý sự cố. Liệu đã đến lúc cần có một cơ chế để giải quyết nhanh chóng những tình huống phát sinh trong công tác bảo tồn bảo vật?
T.Toàn
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/xu-ly-su-co-bao-ton-qua-nhieu-khe-cham-tre-post214624.html