Là khu vực phát triển sau, nhưng Tây Nguyên đang cho thấy có nhiều lợi thế để tạo một sức hút rất lớn trên thị trường bất động sản Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Tây Nguyên những năm gần đây đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phố núi thu hút các ‘ông lớn’ địa ốc đầu tư.
Trải qua năm 2020 với rất nhiều thăng trầm, từ ảnh hưởng của dịch Covid 19 và những tác động từ các chính sách phát lý siết chặt hơn đã khiến thị trường bất động sản có thời gian chùng xuống trong giai đoạn nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên trong vòng 5 tháng cuối năm thì thị trường bất động sản đã trở lại một cách mạnh mẽ. Chỉ trong quý III của 2020 theo thống kê của Bộ Xây Dựng tổng lượng giao dịch địa ốc thành công trên cả nước đạt con số 36.884 giao dịch. Còn theo số liệu của nhóm thống kê FiinPro thì số tiền người mua nhà vào cuối quý III/2020 của nhiều doanh nghiệp đạt con số kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Đóng góp không nhỏ vào những số liệu thành công trên thị trường bất động sản năm vừa qua, Tây Nguyên nổi lên như một thị trường mới và rất tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Là một khu vực sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hóa cộng thêm quỹ đất còn dồi dào, khả năng sinh lời cao nên các tỉnh vùng Tây Nguyên đang thu hút nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản tìm về.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc kinh doanh Hải Phát Land chi nhánh Đắk Lắk nhận định: Xu hướng hiện tại, ngoài du lịch biển thì các du khách đang có sự chuyển dịch dần sang du lịch rừng và núi. Trong vòng 5 năm trở lại đây nhờ có tiềm năng phát triển du lịch mà các tỉnh như Nha Trang, Đà Nẵng mà bất động sản tại những nơi này đã tăng một cách phi mã. Vậy với tiềm năng du lịch còn chưa được khai phá ở các tỉnh Tây Nguyên thì trong tương lai không xa, đây sẽ là điểm đến mới của các du khách. Khi đó các lĩnh lực kinh tế tại đây đều sẽ được hưởng lợi, trong đó có bất động sản.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định các phân khúc như đất nền, tổ hợp dự án nghỉ dưỡng hay khu đô thị đồng bộ là xu hướng đầu tư được quan tâm hàng đầu tại thị trường tỉnh lẻ hiện nay. Trong đó, những khu vực sở hữu quỹ đất rộng lớn như Tây Nguyên sẽ đủ sức phát triển dự án cả về số lượng và chất lượng. Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Tây Nguyên những năm gần đây đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản khu vực này thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.
Có thể kể đến tập đoàn FLC và Asian Holding đã cùng đầu tư phát triển một dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tọa lạc giữa trung tâm thành phố Pleiku. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đang xúc tiến triển khai nhiều dự án trọng điểm khác tại địa phương.
Ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của các doanh nghiệp nhờ chủ trương tích cực tạo quỹ đất sạch của UBND tỉnh và chính sách đầu tư cho hạ tầng đô thị, mở rộng không gian thành phố. Đến nay, Kon Tum đã thu hút nhiều dự án bất động sản cao cấp.
Tại Đắk Lắk, TNG Holdings đang tập trung vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 1.700 tỉ đồng.
Tập đoàn Vingroup cũng tiến quân vào Đắk Lắk với tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Khách sạn 5 sao, Shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng… Hiện tại, Tập đoàn Capital House cũng đã ra mắt một dự án khu đô thị tại TP. Buôn Ma Thuột.
Dạo quanh một vòng các dự án ở khu vực Tây Nguyên có thể thấy bất động sản ở khu vực này thời gian tới sẽ cực kỳ sôi động.
Hiện tại lãi suất ngân hàng đang là tốt nhất trong vòng 15 năm qua, nên các nhà đầu tư nên lựa chọn đòn bảy tài chính vào thời điểm này để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Năm 2021 cũng là một năm đánh dấu một chu kỳ mới của bất động sản, mở ra rất nhiều thách thức cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư. Đối với thị trường bất động sản Tây Nguyên trong năm 2021, những khu vực có sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, có kết nối giao thông thuận tiện sẽ là nơi tiềm năng nhất. Có thể kể đến như: Đắk Lắk, Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng, Kon Tum…
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên năm 2020 khoảng hơn 23,8 nghìn ha. Đồng thời, đến năm 2030, toàn Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 27 đô thị hình thành mới.
Bá Thức/VHVN
.