Thời gian gần đây khán giả và người hâm mộ lien tục nhận được nhiều tin buồn của sự qua đời của những nghệ sĩ tài năng từ đầu năm đến nay. Họ đều là những gương mặt ấn tượng, đóng góp nhiều thành công cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Vào ngày mùng 3 tết Tân Sửu( 14-2-2021), khán giả nhận tin buồn sau thời gian chống chọi với bệnh tật NSND Hoàng Dũng đã qua đời. Bên cạnh sự nghiệp thành công trong sân khấu với các vở diễn Tôi và chúng ta, Cát bụi, Thầy khóa làng tôi, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng đàn vùng Mê Thảo , Hoàng Dũng còn là gương mặt ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả trong lĩnh vưc phim truyền hình và điện ảnh. Ông tham gia rất nhiều bộ phim tên tuổi như: Tướng về hưu, Những người sống bên tôi, Cuồng phong, Đàn trời, Tuổi thanh xuân, Người phán xử, Sinh tử, Về nhà đi con. Hai bộ phim Gái già lắm chiêu V và Trở về giữa yêu thương là hai dự án phim cuối cùng của ông.
NSND Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1978 rồi về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội. Trên sân khấu kịch, ông là người nghệ sĩ đa tài, có thể đóng nhiều vai diễn khác nhau thuộc nhiều thể loại từ vai hài đến vai bi, vai chính đến vai phụ. Nghệ sĩ Hoàng Dũng từng đảm nhiệm chức Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2002. Năm 2007 được phong tặng NSND và giữ chức vụ Giám đốc hát kịch Hà Nội, Hoàng Dũng còn là Ủy viên Ban chấp hành, ủy viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của thành phố Hà Nội. Ông về nghỉ hưu vào năm 2017.
Nghệ sĩ Trần Hạnh (tên thật là Trần Ngọc Hạnh), sinh năm 1929 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam, một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29.8.2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Ông nổi tiếng với các vai ông bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em…
NSND Trần Hạnh cũng có những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Ông từng 3 lần đoạt Huy chương vàng trong các vở kịch Nguyễn Trãi, Hamlet, Tiền tuyến gọi. Ông từng đạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến với vai diễn trong phim Ngõ lỗ thủng. Ông về hưu và rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Dù khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số liên hoan sân khấu toàn quốc nhưng NSND Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình.
Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc. Nghệ sĩ Trần Hạnh từng tâm sự cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não. Ông thân gà trống nuôi con, đi đâu làm gì thì lúc nào cũng phải trở về nhà để lo cho gia đình. NSND Trần Hạnh qua đời ngày 4-3-2021 (tức 21-1 Tân Sửu) tại nhà riêng do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 93 tuổi.
Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8-10-1930 tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 15 tuổi, nhạc sĩ đã tham gia hoạt động Cách mạng, là người phụ trách đội Thiếu nhi tuyên truyền Cách mạng. Sau đó, ông lên đường nhập ngũ và trở thành cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Đáng chú ý, ông không hề được học âm nhạc tại trường lớp chính quy nào, mà hoàn toàn dựa vào cảm nhận của mình để sángtác. Các ca khúc của ông gắn bó với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được nhiều khán thính giả các thế hệ yêu mến, như “Làng tôi”, viết năm1949, “Bên kia sông Đuống” (phỏng thơ Hoàng Cầm – 1950), “Gặt tay nhanh” (1952), “Giữ mãi tuổi xuân” (1954), “Giữ biển trời Xô viết Nghệ An” (1965), “Trên đường Hà Nội” (1966), “Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo” (1966), “Sài Gòn quật khởi” (1968), “Bến cảng quê hương tôi” (1970)…
Năm 1956, nhạc sĩ Hồ Bắc chuyển về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Đây cũng là khoảng thời gian ông viết một số tác phẩm hợp xướng như “Ca ngợi Tổ quốc”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Tổ quốc yêu thương”… Ngoài ra, nhạc sĩ còn sáng tác nhạc cho một số phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Song song với công việc sáng tác, nhạc sĩ còn kiêm nhiệm cả phần việc của một biên tập âm nhạc như viết lời giới thiệu cho các chương trình ca nhạc, bình các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác.
Nhạc sĩ Hồ Bắc vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Làng tôi”, “Giữ mãi tuổi xuân”, “Ca ngợi Tổ quốc, “Sài Gòn quật khởi” và “Bến cảng quê hương tôi” (2001). Nhạc sĩ ra đi đột ngột sau một thời gian sức khỏe giảm sút, vào lúc sáng 8-2-2021( tức 27-12 Canh Tý) hưởng thọ 92 tuổi.
Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình. Ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và dòng nhạc đỏ, thính phòng nói riêng, thể hiện thành công những nhạc phẩm bất hủ như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Cô lái tàu”, “Tình ca”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chào sông Mã anh hùng”, “Quà tháng năm dâng Người”, “Bài ca Trường Sơn”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người“… Năm 1962, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, biểu diễn cho bộ đội, chiến sĩ ở các chiến trường.
NSND Trung Kiên từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Trong sự nghiệp giảng dạy, ông là giáo sư, thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Phương Nga, Bích Hồng…Nghệ sĩ Trung Kiên trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào sáng 27-1-2021( tức 15-12 Canh Tý) vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 82 tuổi.
Mất mát của nghệ thuật múa Việt Nam là sự ra đi của nghệ sĩ múa Mai Trung Hiếu. Anh sinh năm 1992 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh biểu diễn sân khấu từ năm 4 tuổi. Từ năm 2006-2012 anh đi du học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc. Anh là diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, TP.HCM.
Mai Trung Hiếu được coi là nghệ sĩ trẻ tài năng của làng múa Việt Nam. Còn trẻ tuổi, anh đã đạt được rất nhiều thành tích. Nổi bật là các giải thưởng: giải nhất Liên hoan Múa dân tộc toàn quốc năm 2000 (khi mới 8 tuổi), giải ba cuộc thi múa Đào Lý Bôi toàn Trung Quốc năm 2009 tại Trung Quốc (khi mới 17 tuổi), huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009…
Ngoài ra, anh còn nhận bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam dành cho diễn viên trẻ đoạt giải múa quốc tế, giải nhì cuộc thi múa quốc tế Seoul năm 2018 tại Hàn Quốc, nhận đề cử Top 12 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018. Anh từng lưu diễn tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Đức…Anh qua đời ngày 6-2-2021 (tức 25 -12 Canh Tý) vì bệnh phổi khi tuổi đời còn quá trẻ 29 tuổi.
Vào ngày chiều 28-2, cả showbiz Việt và khán giả bàng hoàng, thương xót khi diễn viên Văn Thành qua đời, hưởng thọ 59 tuổi. Được biết, nam diễn viên bị tai biến nặng, phải điều trị ở bệnh viện. Trước đó, diễn viên Văn Thành từng bị bệnh gout, đi lại khó khăn, bị tai biến.
Diễn viên Văn Thành (Tên thật là Nguyễn Tiến Thành) sinh năm 1962 nghệ sĩ Văn Thành tốt nghiệp khóa 1 trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh về Nhà hát Tuổi trẻ công tác và gắn bó với sân khấu suốt khoảng hai chục năm. Là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh vào thập niên 90. Một số bộ phim để đời của diễn viên Văn Thành như Sa Ngã, Chuyện Phố Phường, Tiếng Cồng Định Mệnh… Cùng thời với ông có NSƯT Chí Trung, NSND Lê Khanh, NSND Minh Hằng, NSND Lan Hương…Không thật quá nổi trội nhưng Văn Thành luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp nên ông cũng để lại ấn tượng nhất định với khán giả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình.
Nghệ thuật Sân khấu Cải lương với sự ra đi của Nghệ sĩ Chiêu Linh( tên thật Trần Văn Su Ky), sinh ngày 7/7/1966. Ông học ca cổ và tham gia phong trào đờn ca tài tử từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông theo các nghệ sĩ cải lương lưu diễn ở các đoàn tỉnh, rèn luyện nghề và phấn đấu trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Chiêu Linh có thời gian gắn bó với các đoàn cải lương: Long Châu, An Giang, Đất Thép, Trần Hữu Trang. Ông phấn đấu từ vai kép ba, lên kép nhì rồi kép chánh. Ông được các soạn giả, đạo diễn nhận xét là “anh kép hiền như cục bột”, chịu khó học nghề và miệt mài lao động nghệ thuật.
Nghệ sĩ cải lương Chiêu Linh có nhiều vai diễn hay trong các vở cải lương trên sân khấu đoàn Thanh Nga như: Tiếng thét bên kia sông, Đưa em về quê mẹ, Sông dài, Bài học ngàn vàng, Tấm lòng của biển, Hồn ma báo mộng, Theo Phật xuất gia, Quan âm Diệu Thiện, Đức Phật Thích Ca… Gần đây, ông được gia đình cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn mời tham gia các vở kịch với chủ đề Quê ngoại, trong đó ông vào vai người cha trong vở Bông bí vàng. Nghệ sĩ Chiêu Linh bị nhồi máu cơ tim và đã trút hơi thở cuối cùng lúc 11h48 phút ngày 2-2-2021 ở tuổi 55.
Vân Quang Long tên thật là Lê Quang Hiển. Anh sinh năm 1979 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Anh nổi tiếng với vai trò thành viên của nhóm nhạc 1088 cùng các thành viên Điền Thái Toàn, Nhật Tinh Anh, Nhất Thiên Bảo, Ưng Hoàng Phúc. Trong thập niên 2000, 1088 là nhóm nhạc nam nổi tiếng bậc nhất Vpop với nhiều ca khúc nổi tiếng. Sau khi tách nhóm, Vân Quang Long hoạt động solo một thời gian rồi sang Mỹ sinh sống. Trong thời gian hoạt động solo ở Việt Nam, Vân Quang Long thuộc nhóm nghệ sĩ hoạt động nổi bật tại các tỉnh miền Tây, Nam bộ. Sau khi 1088 tan rã, các thành viên ít có dịp tái hợp trên sân khấu. Ngoài đời, mỗi người cũng lo cho cuộc sống riêng của mình, thỉnh thoảng gặp gỡ. Vân Quang Long và Ưng Hoàng Phúc từng tái hợp trên một vài sân khấu ở Hà Nội, Sài Gòn và hải ngoại.
Các ca khúc được yêu thích của Vân Quang Long bao gồm: Phút biệt ly và Nợ duyên (hát cùng Cẩm Ly), Khóc tình, Tình xa ngàn khơi, Về đi em, Mưa xuân, Tình như chiếc lá… Anh qua đời ở tuổi 41 tại Mỹ hôm 29-12-2020 vì đột quỵ .
Mới gần đây thông tin truyền thông cho hay sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư hạ họng, đêm 4-8, nghệ sĩ Giang Còi đã trút hơi thở cuối cùng. Nghệ sĩ Giang Còi phát hiện mắc ung thư hạ họng giai đoạn ba vào đầu năm nay. Bên cạnh đó ông còn bị xơ gan, xuất huyết dạ dày. Do phải điều trị nhiều căn bệnh trong cùng một lúc nên sức khoẻ của cố nghệ sĩ đã suy giảm nhanh.
Tại thời điểm nhập viện vào cuối tháng 7, căn bệnh của ông đã di căn vào phổi. Sự ra đi của nghệ sĩ Giang Còi khiến nhiều người không khỏi xót xa. Ngay sau khi nghệ sĩ qua đời, trang Fanpage của nghệ sĩ đã cập nhật tin tức với dòng trạng thái “Sống dài ngắn không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào.”
Nghệ sĩ Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang, sinh năm 1962 ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh, học cùng lớp với NSƯT Chiều Xuân, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh.Nam nghệ sĩ được khán giả yêu mến qua các vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, các vai diễn nông dân trên màn ảnh nhỏ, đặc biệt là khi kết hợp cùng các nghệ sĩ Quang Tèo, Văn Hiệp. Ngoài ra ông còn viết kịch bản, làm đạo diễn nhiều chương trình, nhiều bộ phim hài. Mặc dù không danh hiệu, nhưng rõ ràng trong lòng đông đảo khán giả, Giang Còi chính là người nghệ sĩ của họ, luôn được yêu mến gần gửi, một nghệ sĩ nhân dân thực thụ.
Lưu Vinh (T/h)