Họ sống hướng nội nhưng không thu mình, nếu có thu mình thì cũng như dáng con hổ rình mồi, thu lu một góc thuyền, một góc nhà để khi có cơ hội là bật căng như cái lò xo…
Xóm Bồ Lô ở quê tôi còn có tên gọi khác là xóm Long Hải (Rồng biển). Tên địa chính này có trong các văn bản hành chính, còn cái tên lâu đời, đã ăn sâu vào trí nhớ và ký ức của mọi người, là xóm Bồ Lô.
Đó là một cộng đồng cư dân từ hải đảo vào sống ngụ cư ở làng biển quê tôi hơn 100 năm nay. Người Bồ Lô, như các cụ nói, là “Sinh ư giang thượng, thác táng ư giang tâm” (Sống trên mặt sông, chết chìm dưới nước).
Tuy sống chung ở một vùng biển nhưng họ lại có nhiều thứ đặc thù, riêng biệt, đến nỗi xưa kia, người dân biển quê tôi đã coi họ là một “tộc” riêng. Ngày đó, tất cả cuộc sống người Bồ Lô gói gọn trong một con thuyền. Cuộc sống thường xuyên biến đổi, nhiều cái cũ mất đi, nhưng cũng có nhiều yếu tố vẫn được bảo lưu lâu dài, nhất là những thứ đã gắn chặt với đời sống hoặc gắn với tâm linh.
Con thuyền là ngôi nhà của người Bồ Lô đã tạo cho họ những ứng xử phù hợp với không gian trên thuyền, khu biệt với nếp sống trên bờ trong ngôi nhà của người Việt miền biển và cũng khác kiểu sống “Thượng gia hạ thuyền” sau này khi họ chuyển lên bờ.
Xóm Bồ Lô ngày trước là xóm thuyền câu. Có một điều lạ là, người Bồ Lô chỉ biết câu cá không biết đóng thuyền. Con thuyền người Bồ Lô dùng là do những người làm nghề đóng thuyền ở trên cạn sản làm. Người Bô Lô chỉ biết chọn thuyền sao cho hợp ý mình, đó là: Mũi thuyền phải cao, lái phải thấp và bè, thuyền lái vút dài, rỉnh hông rộng đáy, vững chãi, chịu được độ lắc của sóng biển.
Thuyền thường được sạm bằng vỏ cây tràm và bã nâu non để nước không thấm được. Người Bồ Lô thích gỗ đóng thuyền là săng lẻ làm đáy, táu mật làm be. Thuyền thường được chia thành 3 ngăn, ngăn rộng nhất ở giữa thuyền đi về phía mũi là “phòng ở”. Có một bàn thờ để ở góc trái, phủ vải đỏ trên để bát hương, gọi là “Trụ nhang”.
Ngăn tiếp theo hẹp hơn, dùng để củi khô, nước ngọt và một cái bếp khuôn bằng gỗ lim, đắp bằng đất sét, có cái kiềng sắt chắc chắn. Bếp nặng để khi thuyền lắc không chao đảo. Ngăn tiếp theo đầu lái được chia thành ô nhỏ làm nơi để cá biển khi đánh bắt được gọi là “Kiếc” nước biển.
Thuyền thường có 4 mái chèo, hai đầu mũi, hai bên lái song song, tạo ra nhịp đẩy cộng hưởng và người chèo thuyền có thể vừa chèo vừa trò chuyện rôm rả cho quên đi mệt nhọc. Khi lên bờ lập xóm Bồ Lô những dấu ấn sắp đặt ở dưới thuyền cũng được người dân vị theo thói quen của mình…
Xóm Bồ Lô còn được gọi là xóm “Cục Động”, vì đất ngày trước ở đây chủ yếu là các đụn cát, gò cát được bồi đắp do gió biển. Khi người Bồ Lô lên lập xóm, trên bờ không có đất ở, họ đành san bằng các gò cát để lấy mặt bằng.
Người Bồ Lô có hình dáng bên ngoài khá đặc biệt, tóc xoăn, mũi thấp và tất nhiên là có nước da nâu rám do nhuộm nắng, nhuộm muối. Người Bồ Lô vồng ngực, vồng tay cuồn cuộn vạm vỡ vì quen kéo lưới nhưng bắp chân teo lại do ít vận động.
Đặc biệt, đôi mắt nhìn cứ nheo nheo như sợ chói nắng và thỉnh thoảng họ lấy bàn tay khum khum che lên mí mắt để tập trung tinh lực nhìn ra xa. Mắt họ tinh lắm, có người bảo vì họ hay ăn gan cá nhám nhiều Omega 3. Lại có người cho rằng họ nhìn trong không gian mênh mông biển khơi để tìm luồng cá qua sắc màu nước biển hay tìm cây rạo của mình giữa biển nên tinh mắt là phải.
Cái kiểu họ gọi tên các loại gió biển cũng lạ: Tránh gió bão thì gọi là “Tháo gió”, gió mà cũng tháo được mới tài, như tháo then cài đóng chốt. Rồi có khi họ gọi “Nạm gió chìa vôi”, là loại gió thổi giằng co nhau trái ngược chiều, tạo ra các vũng xoáy khá nguy hiểm. Họ ví von với con chim chìa vôi hay cái dao chìa vôi để ngoáy têm trầu cứ tưng tửng như không.
Người Bồ Lô ít nói. Họ gọi nhau, ám hiệu cho nhau cũng khá đặc biệt, thường là tiếng tù và ốc biển. Cái vỏ ốc phát ra âm thanh “xoắn lòng, xoán ruột” đó cứ thổn thức nhưng không bao giờ cạn lòng mà cứ vơi đầy, da diết như linh hồn của con ốc, như linh hồn người chết biển.
Họ đã sống một cuộc sống dài hơn đời họ, bởi âm thanh vang vọng của những mảnh đời vẫn gắn chặt với số phận của cộng đồng đang sống. Họ dựng cột sào, buộc vào đó manh áo để làm “chiêu”. “Chiêu” có thể báo tin có người bị nạn cần được cứu giúp. “Chiêu” có thể thông báo việc tìm ra mẻ cá lớn, cần huy động thuyền bạn đến đánh chung. Tùy theo hoàn cảnh buồn vui mà mảnh vải làm “chiêu” sắc màu cũng khác.
Thuyền Bồ Lô, những ngày mưa bão quy tụ lại ở mũi gò biển làng tôi, có cái tên gọi khá mỹ miều là Kim Đôi (gò vàng). Các thuyền câu buộc vào nhau như bè, như mảng, trong mưa bão cứ dập dềnh, dập dềnh liên kết với nhau. Các mai thuyền được kéo kín lại. Mùa bão là mùa sinh đẻ nhiều, bọn trẻ con cứ bò lổm ngổm như cua. Khi lên bờ, người Bồ Lô đi như chạy, chân vòng kiềng, không biết có áp lực nào buộc họ luôn chúi người về phía trước.
Họ sống hướng nội nhưng không thu mình, nếu có thu mình thì cũng như dáng con hổ rình mồi, thu lu một góc thuyền, một góc nhà để khi có cơ hội là bật căng như cái lò xo…\
Người Bồ Lô lên bờ sống quần tụ với nhau. Nhà này ngăn cách nhà kia có khi chỉ căng tấm lưới, nghĩa là hằng ngày mắt người nhìn nhau qua mắt lưới, Và đêm đêm khi “Sao trời bủa lưới”, họ trải chiếc chiếu lên lưng thuyền thúng đã hỏng úp ở góc sân để thả mình trong một không gian phóng khoáng, chân đánh nhịp theo điệu dân ca, phát ra từ chiếc loa thùng mở ra nhiều hướng gió.
Trong những ngày cách ly dịch Covid-19, nhà cách ly nhà, xóm cách ly xóm, thì khá phù hợp với tính cách sống của người Bồ Lô. Họ thích nghe tiếng người qua qua đài radio hơn là hình người trên ti vi. Thỉnh thoảng, chiếc tù và ốc biển vẫn vang lên…
Trong những ngày này, tôi đến xóm Bồ Lô, gặp “Sói biển”, đó là ông Chắt Hóa, còn gọi là ông “Biến Hóa”. Ông có tên là biến hóa là do đã biến hóa, tàng hình khi một thời làm lính đặc công thủy đánh tàu giặc ở cảng Cửa Việt. Xóm Bồ Lô có rất nhiều trai tráng tham gia đặc công hải quân vì họ bơi lội rất giỏi và đặc biệt các giác quan di truyền khá nhạy cảm với sóng nước. Họ có thể nghe được các tiếng động khi lặn vào lòng biển để phán đoán chính xác hướng tàu giặc chạy, phấn đoán được cả trọng tải của tàu như khi họ đi biển, lặn xuống nước để nghe mà đoán định được luồng cá, loại cá.
Ông Chắt Hóa đã lập được nhiều chiến công, đáng lẽ được phong anh hùng. Nhưng khi đơn vị cử đi học văn hóa để đào tạo nguồn thì ông dứt khoát xin về với lý do: “Học cái chữ khó quá, tui quen học cách câu cá kéo lưới, cách nhìn sao đoán sóng, “nghiện” biển mất rồi. Xong chiến tranh cho tui xin về quê để làm nghề, bởi vì tui nhớ biển nhớ cái xóm Bồ Lô làng tui”. “Không được! Phải bồi dưỡng để phục vụ quân đội lâu dài, phải học, đó là chỉ thị cấp trên”. Thế là ông Chắt Hóa nghĩ ra cái “mẹo” và sau đó thành sự thật là yêu một cô gái y tá khá xinh cùng đơn vị và lỡ có bầu, buộc phải ra quân.
Bây giờ, hai ông bà vẫn đi một chiếc thuyền câu nhỏ, chuyên câu cá đặc sản, bởi vợ ông say sóng không ra khơi xa được và chỉ có ông “Sói biển” xóm Bồ Lô mới đủ tài, đủ mẹo nhử cá đặc sản loại đắt tiền ở trong các rạn đá. Trên tường nhà ông vẫn còn treo những tấm huân chương bọc giấy bóng và đặc biệt là tấm ảnh ông mặc bộ đồ nhái. Đôi mắt ông vẫn lanh lợi như xưa.Đãi tôi bữa cơm bằng loại cá đặc sản, ông nổi hứng đọc mấy câu vần vèo:
“Cá Nhở thì hấp hành tươi
Cá Ngứa thêm nấm, cá Buôi thêm ngò
Cá Thiều thì nấu măng chua
Một chút cái thừa cũng chớ bỏ đi”.
Thì ra đây cũng là “đặc sản” của người Bồ Lô, đó là… nói thơ!
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú