Về phim “Đất rừng phương Nam”

7:40 | 31/10/2023

      Phim truyện “Đất rừng phương Nam” chính thức ra rạp khoảng mười ngày qua, nhưng đã khởi chiếu trước đó xấp xỉ một tuần. Thêm một hiện tượng mới của điện ảnh nước nhà. Có mấy biểu hiện, xét về hình thức là đáng mừng: lượng người đến rạp khá đông; doanh thu mấy tuần đầu khá cao, đến nay trên 130 tỷ đồng; dư luận về bộ phim khá sôi nổi, thậm chí ồn ào, khen nhiều và chê cũng nhiều. Có lúc, có nơi, có vấn đề như hai trận tuyến, nóng bỏng, gay gắt, được thua. Tôi lên tiếng khá muộn vì vừa có chuyến công tác ở nước ngoài về, sắp xếp thời gian để xem phim, xin nêu mấy cảm nhận.

Thứ nhất, Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi ra đời đã lâu, được rất nhiều người Việt Nam yêu quý, ngưỡng mộ, nhớ nằm lòng từng tên đất, tên người, sự kiện, hành động, tính cách, cảnh huống, phong tục tập quán. Từ nguyên tác này, năm 1997, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ Phim truyện “Đất phương Nam” (Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn). Tên phim lược bỏ chữ “rừng” hẳn là có lý do nào đó!? Phim truyền hình “Đất phương Nam” khá trung thành với kịch bản, được công chúng trong Nam ngoài Bắc ưa thích, kể cả ca khúc chủ đề của phim “Bài ca đất phương Nam” nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang.

Thứ hai, đã có những tranh cãi Phim truyện “Đất rừng phương Nam” 2023 là phim lịch sử hay phim giải trí (theo đó, có nhiều người lại bàn thêm về quyền hư cấu hay yêu cầu/nguyên tắc phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng hiện thực đời sống). Đây là những vấn đề lớn, rất lớn của văn học, nghệ thuật từ xưa đến nay và còn nhiều, nhiều năm sau nữa. Tôi thấy yếu tố giải trí của Phim truyện “Đất rừng phương Nam” nổi trội hơn yếu tố lịch sử, chính trị, nhưng không vì thế mà giới chuyên môn và người xem coi nhẹ hay bỏ qua nội dung lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán… Tác phẩm văn học thường có chức năng kép (hoặc đa chức năng). Ngay trong giải trí lành mạnh cũng đã có liều lượng nhất định chức năng giáo dục nhẹ nhàng, chức năng thẩm mỹ hợp lý. Có tác phẩm thiên về lịch sử, chính luận, giáo dục, nhưng nếu được “mềm hóa” bằng những nội dung và thủ pháp dí dỏm, hài hước, vui tươi thì hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa sẽ cao hơn.

Thứ ba, về tính hư cấu, quyền hư cấu và tính chân thật của lịch sử. Cứ nêu một câu hỏi, dù hơi kỳ, và một số câu hỏi khác nữa, có thể bị cho là rất kỳ, rất “ấm đầu”: nếu nhà văn Đoàn Giỏi còn sống, liệu cụ có đồng ý để biên kịch, đạo diễn và ê kíp làm phim đẩy thời khắc lịch sử, bối cảnh, nhân vật được phản ánh trong tiểu thuyết của cụ lên trước 25 – 30 năm không – lúc mà cụ chỉ mới 5 tuổi (cụ sinh năm 1925). Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của cụ, dù là sử dụng nghệ thuật hư cấu, vẫn lấy mốc thời gian sau 2.9.1945, chính xác hơn là từ ngày 23.9.1945 trở đi – Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2.

Dù là phim giải trí, dù có quyền hư cấu cao đến đâu thì quyền đó có lợi gì hơn cho các nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật? Nếu muốn hư cấu nhiều hơn, nếu chỉ là “lấy cảm hứng” từ Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của cụ Đoàn Giỏi, tại sao đạo diễn, biên kịch và ê kíp là phim phải bê nguyên xi tên tiểu thuyết của cụ; phải lấy tên và hình tượng, hành động, tính cách các nhân vật trong Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của cụ như cậu bé An, thằng Cò, bé Xinh, dì Tư Béo, vợ chồng Tư Mắm, ông lão bán rắn, Võ Tòng, bác Ba Phi…? Rồi hai tổ chức “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn”, sau khi dư luận ồn ào, các nhà làm phim đã sửa lại là “Chính Nghĩa hội” và “Nam Hòa đoàn”. Không nên vin vào chỗ “gia đình, người thân nhà văn Đoàn Giỏi rất hài lòng với bộ phim”, nói như thế là khiên cưỡng và võ đoán. Tôi cũng là người viết nhiều tác phẩm văn chương, kịch bản sân khấu; đã từng bàn với đạo diễn chỗ nào là quyền đạo diễn hư cấu, “tung tẩy”, chỗ nào tác giả kịch bản yêu cầu giữ nguyên. Tất cả đều có lý do của nó, lý do giữ nguyên như trong kịch bản, chắc chắn đó là các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử.

Thứ tư, một số băn khoăn khác về bộ phim “Đất rừng phương Nam”. Dù quyền hư cấu của các tác giả nhiều đến đâu chăng nữa, thì một số vấn đề như khung cảnh chợ nổi miền Tây trong phim thời đó (dù trước năm 1945 hay những năm sau đó) là quá đẹp, quá sạch sẽ, quá yên ả; trang phục, điệu bộ của các nhân vật cũng gây ra những băn khoăn, thắc mắc, có phải họ là người dân Nam Bộ không? Dường như ta đã gặp đâu đó trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Nhật Bản. Người Hoa ở Việt Nam là một bộ phận máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, điều này không cần bàn cãi. Nhưng vai trò của người Hoa trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm dù là thập niên hai mươi, ba mươi hay bốn mươi, năm mươi của thế kỷ trước ở Nam Bộ chưa hẳn đậm nét, thậm chí được tô hồng như trong phim. Lịch sử phải được tôn trọng, phải thể hiện như nó từng xảy ra, và chúng ta không được phép “bài” ai, bênh ai.

Thứ năm, công tác quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng cần đổi mới, nâng cao, nhất là năng lực, trách nhiệm của cán bộ Cục Điện ảnh. Việc biên tập phim cần người am hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội; việc thẩm định và cấp phép cho phim cần khoa học, rành mạch và chuyên nghiệp hơn. Cục Điện ảnh cấp phép cho phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp rồi, sau đó, dư luận có ý kiến chỗ này, chỗ kia thì lại vội vàng yêu cầu nhà sản xuất và nhà quảng bá phim dừng lại, yêu cầu hãng phim chỉnh sửa. Rõ ràng phim đã được thẩm định, cấp phép. Dường như sai lỗi chỉ ở phía nhà làm phim, còn Cục Điện ảnh thì vô can? Khi phim đã chỉnh sửa xong, lẽ ra phải cấp phép lại cho bản đã chỉnh sửa theo quy định của Luật Điện ảnh, nhưng điều này đã không diễn ra (hoặc chưa diễn ra?!). Làm như vậy là không công bằng, không rành mạch, thiếu nghiêm túc, từ đó đẩy dư luận “nóng” lên, phức tạp hơn.

Thứ sáu, trong hoạt động văn học, nghệ thuật, dù là người sáng tác, sáng tạo; người làm công tác lý luận, phê bình hay truyền thông, quảng bá (kể cả người xem phim), chúng ta cần trang bị cho mình tư duy, phương pháp và thái độ khách quan, bình tĩnh, trung thực, dân chủ, nhân văn. Phim truyện “Đất rừng phương Nam” đã có những nỗ lực, thành công nhất định và cả những hạn chế, thiếu sót cần nhận rõ để rút ra bài học, cho “phần tiếp theo” của phim như ý định của nhà sản xuất. Chúng ta đang đi những bước đầu của công cuộc xây dựng nền công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh. Việc góp ý, phản biện hay khích lệ, cổ vũ cho một tác phẩm, công trình, sản phẩm văn hóa, văn nghệ nào đó nếu đúng đắn, xây dựng, trách nhiệm là rất cần thiết; nếu vội vàng thóa mạ, quy chụp một cách nóng nảy, kẻ cả, võ đoán có lẽ là không nên.

“Nhân bất thập toàn”, nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu nổi tiếng của thế giới, thậm chí “bom tấn” của Hollywood, cũng có không ít hạt sạn. Họ cũng khen chê đâu ra đấy và nền công nghiệp điện ảnh, sân khấu của họ đã có những bước đi dài, rất ngoạn mục.

PGS.TS. Nhà văn, Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thế Kỷ

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/xem-phim-dat-rung-phuong-nam-i348029/

Cùng chuyên mục

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”