Chùa mới to với nhiều kỷ lục lớn nhất, nhưng lại chỉ xây trên một phần đất được giao. Vậy lợi nhuận thực sự của những khu du lịch tâm linh này về túi ai?
Chùa to nhưng lại… rất bé
Nhiều năm trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều khu tâm linh đã và đang chuẩn bị được xây.
Điểm chung của các khu du lịch tâm linh này là chỉ xây trên một phần phần diện tích đất được giao từ hàng chục đến hàng trăm ha.
Nguồn vốn của các khu tâm linh này đều được công bố với những con số hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Khu Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…
Tuy nhiên, quần thể chùa này chỉ chiếm diện tích 80ha trong tổng quần thể khu Bái Đính có diện tích lên đến 1700ha.
Tương tự như Bái Đính, chùa Tam Chúc đang nổi lên là một địa điểm du lịch tâm linh mới cũng với hàng loạt kỷ lục khác nhau và đang được cho là… to nhất thế giới.
Tuy được cho là to nhất thế giới nhưng mặt bằng chùa Tam Chúc chỉ rộng 144ha, trong khi đó diện tích đất được giao lên tới 5.100 ha.
Tại Hải Phòng, dự án tại đảo Cái Tráp có diện tích lên đến 450ha, trong đó khu tâm linh chỉ chiếm 88,7ha.
Các hạng mục của khu tâm linh này bao gồm: chùa Cái Tráp, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, điện Pháp chủ, điện Tam quan, hai nhà tả hữu vu, nhà tăng ni…
Và cũng có một kỷ lục thế giới khi có tượng phật cao nhất thế giới.
Tại Thái Nguyên, khu quy hoạch tâm linh Hồ Núi Cốc được duyệt quy hoạch lên đến khoảng 18.940 ha.
Trong khu quy hoạch này cũng có một công trình phật giáo được khoác lên mình danh hiệu “nhất thế giới” khi có Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000 m2 (1ha)
Khu du lịch tâm linh Hương Sơn cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận khi diện tích giao đất lên đến 1.000ha, và trong quy hoạch cũng có một công trình phật giáo mang tâm cỡ quốc tế để thờ xá lợi phật.
Điểm chung của các siêu dự án này đều lấy tâm linh làm lõi khu tâm linh và đều chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích đất được giao.
Tiền công đức cho ai, đất để làm gì?
Chuyện quản lý tiền hòm công đức ở chùa từ lâu đã có nhiều khúc mắc, đây cũng được cho là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao tỉnh Ninh Bình phát biểu trên Báo Lao động: Chùa Bái Đính hiện tại đã được giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý, việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở đây cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao chúng tôi cũng không nắm được.
“Đụng vào tiền bạc tại chốn tâm linh là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Hơn nữa, chùa đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng và quản lý nên việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở đây như thế nào là do doanh nghiệp tự tính toán”, ông Cường nói.
Trước đây, câu chuyện thu phí tham quan tại khu Danh thắng Yên Tử cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận khi tiền danh thắng đi về đâu.
Chỉ biết rằng mỗi năm, nhà chùa trích 4% trong tổng số tiền công đức cho Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, còn tiền giọt dầu thì nhà chùa quản lý, sử dụng. Tiền công đức là bao nhiêu, chỉ nhà chùa mới biết.
Bây giờ, chùa to, tượng lớn đang thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoài việc thành tâm kính phật thì không ít người đến với tâm lý tò mò xem to và hoành tráng thế nào.
Với quần thể danh thắng Tràng An, năm 2017, theo thống kê, điểm du lịch này đã đón hơn 6,1 triệu lượt khách cả trong nước lẫn quốc tế.
Dù chỉ bắt đầu mở cửa, bán vé tham quan từ ngày mồng Một Tết Kỷ Hợi nhưng trung bình mỗi ngày khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao bán ra trên 2.000 vé.
Điều không thể phủ nhận là những công trình to và kỷ lục như vây đang thu hút rất nhiều khách du lịch tham quan.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý thu chi tiền công đức đưa vào những cơ sở thờ tự do tư nhân đầu tư xây dựng vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm và phức tạp.
Bên cạnh đó, về mặt tổng thể chung các dự án như Bái Đính, Tam Chúc, Cái Tráp… diện tích chùa triền, tâm linh chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ trong khi đó diện tích giao đất cho doanh nghiệp cực kỳ lớn.
Không khó để nhận ra những gì sẽ được xây lên phần diện tích còn lại. Đó là nhà hàng, là khách sạn, là sân golf…. Thậm chí ở Cái Tráp (Hải Phòng) có cả Casino dưới chân nhà Phật.
Phát triển ồ ạt và thương mại hóa tại các khu du lịch tâm linh như hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi. Phần doanh thu doanh nghiệp được hưởng và doanh thu thuộc về các tổ chức tôn giáo sẽ được tính như thế nào? Khu “du lịch tâm linh” hay “khu du lịch dựa vào tâm linh”?
Xây chùa to nhưng thực chất lại rất bé với diện tích đất được giao, phải chăng chùa, thần phật đang chỉ là phương tiện để người ta kiếm tiền, kiếm đất?
Chùa to không phải văn hóa Việt Nam Ông Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho biết: “Ngôi chùa nó gắn bó với làng quê Việt Nam ở cái tính bình dị. Bây giờ đi lại tất cả những ngôi chùa ở vùng Bắc Ninh rất bình dị không có gì to tát không có gì vượt lên khỏi cái làng, nó vẫn nằm trong làng… Nếu xây những công trình chùa đồ sộ, nhiều cái nhất thì đó không còn là một ngôi chùa làng như vốn dĩ nữa… Nếu lấy cái to là cái nhất thì Việt Nam không có cái gì to tát đối với thế giới. Nếu làm không tốt nó sẽ lấn át vấn đề văn hoá”. |
Theo GDVN