Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Xứ Thanh đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, từng bước hiện thực hóa khát vọng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tại các nhiệm kỳ Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các đề án, nghị quyết về phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để tập trung chỉ đạo. Cụ thể, Kế hoạch số 85-KH/TU ngày 04/4/2014 về tổ chức, quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020; Kế hoạch hành động số 130/KH-UBND ngày 18/9/2015, thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của BTV Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh hóa giai đoạn 2017-2025; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021 về Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″,…
Lễ hội Lam Kinh là một trong những sự kiện văn hoá lớn của tỉnh Thanh Hoá.
Các phong trào: “Xây dựng gia đình văn hoá”; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Các mô hình hỗ trợ giáo dục nhà trường, giáo dục ngoài nhà trường và các mô hình khuyến học, khuyến tài được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực, phát huy được sức mạnh của toàn dân xây dựng con người trong thời kỳ mới phát triển toàn diện.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các lĩnh vực: Giáo dục – đào tạo; khoa học – công nghệ; y tế; dân số – gia đình; văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao; giảm nghèo bền vững; phòng, chống các tệ nạn xã hội… Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai rộng rãi ở tất cả các khu dân cư, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thu hút đông đảo người dân tham gia, đạt được nhiều kết quả tích cực; Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh đi vào thực tiễn, có sức lan tỏa rộng khắp. Nhiều mô hình CLB văn hoá – nghệ thuật, thể dục, thể thao, CLB liên thế hệ, CLB âm nhạc, CLB hát chèo cổ, CLB ca trù… ra đời theo phương châm xã hội hoá làm cho đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 79.1% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; có 80.5% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”; có 2.228/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá cấp huyện, đạt tỷ lệ 50,4%; 1.351/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 30.6%. Nhiều cấp uỷ, chính quyền đã gắn xây dựng địa phương, đơn vị văn hoá, kiểu mẫu với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, đời sống kinh tế- xã hội của người dân có nhiều chuyển biến, nếp sống văn hoá trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh quan tâm. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1.535 di tích lịch sử danh thắng đã được kiểm kê, phân loại và xếp hạng, trong đó có 852 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: 01 di sản văn hoá thế giới, 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 707 di tích cấp tỉnh; 08 bảo vật quốc gia.
Nhiều di tích, danh thắng, lễ hội dân gian đã phát huy hiệu quả trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng, độc đáo và hấp dẫn du khách như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn; di tích quốc gia Gia Miêu – Triệu Tường, Phủ Trịnh; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Bến En, thác Ma Hao, Thác Mây, thác Muốn.
Một hoạt động tích cực trong phong trào văn hóa văn nghệ của Hội phụ nữ thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn.
Hoạt động lễ hội, sự kiện văn hoá, du lịch được tổ chức quy mô, sôi động, chất lượng cao, tạo sức lan toả mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh như: Năm Du lịch Quốc gia Thanh Hóa; 990 năm Thanh Hóa, 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, 60 năm Đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu; lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Bánh Chưng bánh dày, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Trò Chiềng, lễ hội du lịch biển Sầm Sơn…
Các loại hình sản phẩm du lịch mới của địa phương từ tài sản văn hóa có tính hấp dẫn, chân thực trên nền tảng gìn giữ văn hóa truyền thống. Công tác bảo tồn phục dựng các lễ hội đặc sắc, mang tính đại diện, tiêu biểu của cộng đồng cư dân cũng được chú trọng (phục dựng được lễ hội Chá Mùn, Mường Xia, Nàng Nga Hai Mối; bảo tồn Khặp Thái, Mo Mường, hát ru Mường, cồng chiêng séc bùa, trống giàm, Pồn Pông, Kin chiêng bọc mạy, trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, hát Ca Trù, trống hội cung đình…) đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của Nhân dân, một số loại hình văn hoá, lễ hội đã khai thác phục vụ phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa- thể thao cơ sở đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đến nay, có 08 thiết chế, công trình văn hóa cấp tỉnh phục vụ cộng đồng; 04 thiết chế phục vụ công nhân, viên chức người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; 02 thiết chế nhà văn hoá thiếu nhi cấp huyện chiếm 7,4%; 21/27 đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện, chiếm tỉ lệ 77,8%; 446/559 đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hoá – Thể thao xã, Hội trường đa năng, chiếm tỉ lệ 79,7%; 4.150/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà Văn hóa-Khu Thể thao thôn, bản, khu phố, chiếm tỷ lệ 95,2%,…
Có thể nói, việc triển khai Nghị quyết 33-NQ-TW đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, trình độ dân trí; tinh thần yêu nước, tính năng động và tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy.
Thế Hiếu/ Tạp chí Văn Hiến Việt Nam