Tối 16-9, tại rạp Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa quận 6, TP HCM), vở cải lương “Vương quyền” chính thức được công diễn.
Kịch bản “Vương quyền” của nhà văn Bích Ngân đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2021, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể, đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt dàn dựng đã được công chúng đón nhận bởi nhiều yếu tố mới lạ.
Học sử từ sàn diễn
Vở cải lương “Vương quyền” là câu chuyện xoay quanh vụ án Tống Thị Quyên và một số nhân vật nắm giữ vận mệnh triều Nguyễn thời vua Minh Mạng. Nhân vật chính là Tả quân Lê Văn Duyệt, được cho là đã dìm chết Tống Thị Quyên – vợ của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh năm 1824 (năm Minh Mạng thứ 5 – theo ghi chép trong “Đại Nam thực lục”, bộ chính sử triều Nguyễn – PV).
Trong sách sử chỉ ghi tóm tắt: Có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường (con trai của Hoàng Thái tử Cảnh) tư dâm với mẹ ruột. Không rõ thực hư câu chuyện này ra sao hay chỉ là lời đồn đãi trong cung cấm, cũng không thấy có điều tra gì cả, mà chỉ thấy vua Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt thi hành án dìm chết bà Tống Thị Quyên (hay còn gọi là Tống Thị Quỳnh); đồng thời tước đoạt toàn bộ danh hiệu của Mỹ Đường, giáng làm thường dân. Người đời sau cho rằng đó là vụ án oan, do vua Minh Mạng bày ra nhằm triệt hạ thế lực dòng trưởng, bảo đảm cho ngôi vị của mình.
Theo các nhà chuyên môn, soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt đã chuyển thể tác phẩm văn học của nhà văn Bích Ngân thành một kịch bản cải lương hay. Vở diễn phân chia theo từng cột mốc lịch sử, được đặc tả khá sinh động về công, tội và nhân chứng lịch sử xoay quanh Tả quân Lê Văn Duyệt trong vụ án này.
Với cách kể chuyện phân hồi như một quyển sách giáo khoa về sự kiện lịch sử, vở cải lương “Vương quyền” cho thấy có cái để khán giả xem và chờ đợi những bất ngờ.
Làm vở sử không dễ
Giới làm nghệ thuật TP HCM nhiều năm qua luôn đau đáu câu hỏi tìm ở đâu những vở diễn chính sử để phục vụ công chúng. Bộ ba Bích Ngân – Hoàng Song Việt – Lê Nguyên Đạt đã có sự đồng cảm với câu chuyện “Học sử từ sàn diễn” vì vậy chung tay cho ra “Vương quyền”, dẫn dắt người xem đến với góc nhìn của con người thời đại về vụ án Tống Thị Quyên.
“Vương quyền” thu hút người xem bởi ca từ mượt mà, đặt đúng bài bản vào tâm lý các nhân vật. Vì chưa thể xác định là án oan nên cuộc đối thoại giữa Lê Văn Duyệt với Tống Thị Quyên, Trần Thị Đáng được mặc định trong một không gian mang tính tâm linh. Ngay cả cuộc đối thoại giữa vua Minh Mạng với Lê Văn Duyệt khi ông đã qua đời cũng được ước lệ để nói lên góc nhìn của con người thời đại về một cuộc chiến vương quyền ngày xưa.
“Thông điệp mà vở diễn “Vương quyền” mang đến khán giả chính là không thể chỉnh sửa những sai lầm của lịch sử, bất kể triều đại nào cũng gặp bão táp khi không được xây dựng bằng chính lòng nhân từ” – đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh.
NSƯT Lê Nguyên Đạt lý giải do Lê Văn Duyệt không ủng hộ việc Minh Mạng lên ngôi mà ủng hộ hoàng tôn Đán – con của thái tử Cảnh là dòng chính; sau khi vua Gia Long băng hà, do tham vọng giữ vững vương quyền, thái hậu và vua Minh Mạng ép Lê Văn Duyệt dìm chết Tống Thị Quyên, nhằm trừ hậu họa có thể có âm mưu soán ngôi.
Hành động bất khả kháng trên đã khiến Lê Văn Duyệt đau đớn, giày vò. Ông đã yêu cầu nhà chép sử Phạm Đăng Hưng phải viết đúng sự thật. Câu thoại “Quá khứ không minh bạch thì tương lai không thể nào sáng tỏ được” và “Đã làm người tức là phải có trách nhiệm. Làm một đại quan càng phải biết chịu trách nhiệm…” đã tạo dấu ấn đậm nét cho nhân vật Lê Văn Duyệt trong vở cải lương chính sử này.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng vở diễn có một vài hạn chế: thời lượng vở diễn khá dài – hơn 3 giờ, nhiều câu thoại, lời ca lặp lại, lớp diễn hạch tội Lê Văn Duyệt khi ông đã qua đời của vua Minh Mạng không cần thiết, lớp diễn Lê Văn Duyệt chứng kiến cảnh Tống Thị Quyên và con trai bị tra tấn cần tạo điểm nhấn, cảnh Lê Văn Duyệt qua đời màn ảnh LED hiện hình con rồng bay lên không phù hợp – Tả quân sống vì dân, chết cũng ở với nhân dân, không thể là mệnh thiên tử như rồng bay lên trời…
Nguồn: NLD
https://nld.com.vn/van-nghe/vuong-quyen-vo-dien-chinh-su-thu-hut-khan-gia-20220916210641402.htm