Sử gia Ngô Sĩ Liên đã trân trọng viết về vua Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là vua hiền của nhà Trần” – ” Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, Kỷ nhà Trần – Nhân Tông hoàng đế). Trần Nhân Tông được các sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên và có những chính sách trị nước công minh, hiệu quả. Không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, Trần Nhân Tông còn in đậm dấu ấn của một nhà văn hóa lớn. Cùng với thời gian, tư tưởng Trần Nhân Tông đã vươn ra toàn cầu như là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, Lòng nhân ái và Sự hòa giải.
Sau khi lãnh đạo toàn dân chiến thắng xâm lược từ phương Bắc, Vua Nhân Tông đã bắt tay vào xây dựng đất nước bằng việc khởi xướng tinh thần yêu thương hoà giải. Ngay sau khi về lại Thăng Long, vua Nhân Tông, với trí tuệ và sự nhân từ của đạo Phật kết hợp với tinh thần đoàn kết truyền thống của dân tộc Việt đã ra lệnh xoá bỏ mọi dấu tích về những người trong lúc loạn lạc yếu lòng theo giặc. Việc này có tác dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc, để rồi trong toàn bộ công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, ông đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp. Sự hoà hợp đó trở thành nền móng căn bản nhất cho việc hình thành và phát triển một nền văn hoá Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị nhân văn mang tầm vóc nhân loại. Trí tuệ sáng suốt và tình thương dân bao la của ông đã trở thành điểm tựa cho tư duy dân tộc đạt đến một tầm vóc của một triết lý sống cao cả.
Đang ở đỉnh cao của quyền lực, vua Trần Nhân Tông đã quyết định nhường ngôi lại cho con để lùi vào hậu trường, xuất gia để trở thành một nhà tu hành. Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại Vũ Lâm- Ninh Bình, và ở tuổi ngoại tứ thập, sau khi đã “thận trọng trước sự răn bảo của trời, làm hết phận sự của người” như sử gia Ngô Sĩ Liên đời sau bình luận, ông rời bỏ tất cả, thượng sơn tới núi Yên Tử để tiếp tục tu hành. Ông đã thực hiện cái di nguyện của ông nội Thiền sư Trần Thái Tông, cũng là ước nguyện của bản thân ông tự thuở hoa niên… Ông đã mở ra một dòng mới của đạo Phật, thâm sâu, thuần Việt: dòng Thiền nhập thế Trúc Lâm Yên Tử, trở thành tổ thứ nhất của dòng Thiền này, và trở thành vị Vua-Bụt duy nhất của nước ta. Đây không hề là bước ngoặt nào trong tư tưởng Trần Nhân Tông, mà là một thời kỳ tiếp nối, phát triển và hoàn thiện những nội dung cốt lõi đã được hình thành trước đó.
Nhưng là một người tu hành, vua Trần Nhân Tông vẫn cùng vua Anh Tông đưa ra những quyết sách định quốc an dân sáng suốt thời hậu chiến. Đối với ông, sức mạnh của một dân tộc không chỉ được tạo ra bởi những võ công, những vị vua quyền lực hay những danh tướng tài ba, mà còn phải được hình thành bởi những giá trị tinh thần khác như lòng nhân ái, tinh thần khoan dung và khả năng hóa giải các mâu thuẫn để tạo nên sức mạnh nội tại của dân tộc nhằm phát triển vững chắc và đủ sức chống chọi với mọi nguy cơ xâm lăng. Nhận thức đó đã giúp ông kết hợp những tinh hoa của giáo lý Phật giáo (trong tư cách là một hệ tư tưởng, một hệ thống giáo dục lớn), với những yếu tố căn bản nhất của nền văn hoá dân tộc vốn có bề dày và được thử thách.
Như vậy, tầm vóc sự nghiệp của Trần Nhân Tông, với tư cách nhà tư tưởng độc đáo, nhà thực hành lớn còn tỏa rọi ánh sáng tới ngày hôm nay, bởi đã có những đóng góp vô song vào một thời kỳ rực rỡ bậc nhất của dân tộc sau chiến tranh; đặc biệt là những nội dung cốt lõi của tư tưởng & minh triết Trần Nhân Tông: Yêu nước, yêu dân, hòa giải và yêu thương; nhất là triết lý Cư trần lạc đạo kể từ lúc nhường ngôi. Với Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo mang ý nghĩa: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức/ Sơn lâm chẳng cốc, họa kia chẳng khá đồ công”, cũng có nghĩa là hiểu được lẽ tự nhiên và lẽ đời, xây dựng niềm vui hạnh phúc trên cơ sở con người các tầng lớp hòa hợp với nhau và hòa đồng với thiên nhiên. Và vua tuy đã xuất gia mà vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước bằng văn hóa, mà trong đó, đạo Phật thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vừa là phương tiện văn hóa giản dị dễ đi vào lòng người vừa là cái đích hướng thượng cho dân chúng. Qua Trần Nhân Tông, tinh thần yêu nước Việt Nam mang nội dung rất tiến bộ, và nóng bỏng ý nghĩa thời sự: Nước không phải của vua mà là của Dân, yêu Nước là yêu Dân, yêu Nước mình đồng thời tôn trọng các dân tộc khác, quý trọng quyền độc lập, tự chủ và nền văn hóa của họ.
Môi trường xã hội và văn hóa ở Đại Việt thời kỳ đó đã có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến việc hình thành quan niệm của Trần Nhân Tông về thế giới và nhân sinh trong “Thiền phái Trúc Lâm”- một dòng tư tưởng phản ánh một cách ưu tú nhất bản lĩnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Nền tảng của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng là đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn, tôn trọng thiên nhiên, không kêu gọi lìa bỏ cuộc sống trần tục. (Trần Nhân Tông đã tu hạnh Đầu Đà chủ yếu theo tư tưởng trọng đạo nghĩa, lánh thị phi, ghê thanh sắc, sống cuộc đời thanh đạm, nhàn tản vô vi… mà “Cư trần lạc đạo phú” đã bày tỏ). Đó là sự phối hợp giữa Thiền và Nho – tức là tu giữa hư không tịch tĩnh nhưng từ bi, hỉ xả với trách nhiệm làm người, nghĩa vụ đối với Đất nước. Cho nên, với Trần Nhân Tông, Bồ Tát và Trượng Phu là một- như ông từng viết: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đó mới trượng phu trung hiếu” (Cư Trần lạc đạo phú).
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương, khi rời ngôi vua, “Trần Nhân Tông là một trong những hành giả mà phần lớn thời gian hành thiền lại ở ngoài chốn Thiền môn, theo nghĩa đen, nghĩa hẹp là ngoài khuôn viên nhà chùa… cho đến trước thời điểm viên tịch không lâu, Ngài vẫn còn tiếp tục xử lý quốc sự.”(Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ- NXB Tri thức, HN-2010). Còn Thiền sư- TS Lê Mạnh Thát đã phê phán những quan niệm cho rằng, Trần Nhân Tông đã muốn rứt bỏ những bận rộn thường tình của xã hội để tìm lẽ huyền vi trong đạo Phật, và đã đưa ra dẫn chứng hùng hồn: trong buổi truyền y cho Pháp Loa ở chùa Siêu Loại, ngoài việc giao 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, vua còn giao 100 hộp “kinh sử ngoại thư” giao cho Pháp Loa với dặn dò: “mở rộng việc học bên trong và bên ngoài”…( Trần Nhân Tông toàn tập- NXB Tôn giáo, 2010) Ngày hôm nay, chúng ta vẫn có thể mường tượng ra cái không khí đặc biệt cùng những sinh hoạt độc đáo của Phật giáo Thiền Tông Trúc Lâm thời đó trong cung đình, trong nhà chùa và trong dân gian- đặc biệt là những cuộc truyền giảng của TNT về tu tại gia theo hướng “Thập Thiện” trước đông đảo dân chúng… Đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất nước sau chiến tranh đã giúp người dân yên tâm lao động xây dựng đất nước, nổi bật nhất là việc dân sự hóa bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, “chọn quan văn chia đi cai trị các lộ” (ĐVSKTT), yêu cầu cao tinh thần thượng tôn pháp luật của quan chức, tạo mọi điều kiện cho dân sản xuất, phục hồi sau chiến tranh; song song là nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao kiên trì và đầy khó khăn với phương Bắc… Nhiều nhà nghiên cứu Phật học hiện đại đã nói về những cố gắng nhằm “khai phóng nội lực” của cá nhân và cộng đồng mà vua Bụt Trần Nhân Tông đã dày công thực hiện trong suốt cuộc đời ông, nhằm hướng tới Hoà bình lâu dài. Những điều này càng có tính thời sự đối với hôm nay. Và với cương vị một giáo chủ Phật giáo sáng suốt và giàu lòng lo cho dân, lo cho vận mệnh dân tộc, Trần Nhân Tông còn vào đất Chiêm Thành truyền bá đạo Phật, đã hứa gả Huyền Trân cho vua Chiêm để lấy đất dẫn cưới là châu Ô và châu Lý (Quảng Trị, Huế – Thừa Thiên, Quảng Nam- Đà Nẵng nay)- sẽ là một địa bàn mới của Đại Việt, và đó sẽ là bàn đạp cho việc mở đất một cách hòa bình về phương Nam liên tục từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV.
Một cống hiến lớn lao khác nữa cho văn hóa dân tộc của Trần Nhân Tông là: với tư cách là một trong những tác giả sáng tác chữ Nôm đầu tiên của văn hóa Việt, ông đã khuyến khích nhiều tác giả khác viết chữ Nôm, đã yêu cầu triều đình sử dụng cả tiếng Việt trong hành chính… Điều này có tầm quan trọng quyết định, có ý nghĩa chiến lược đối với việc xây dựng văn hóa Việt. Sáng tác, sử dụng chữ Nôm là cái gốc của việc bảo trì, phát huy văn hóa Việt.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đúc kết như sau: “Các bài học của hai thời đại Lý – Trần để lại cho hậu thế là chính quyền phải vì dân và biết lắng nghe kẻ sĩ, lắng nghe dân thì muôn việc dù khó khăn, nguy nan đến mấy cũng đều có thể vượt thoát được… vì lợi ích của muôn dân chứ không vì lợi ích hoàng gia, lợi ích nhóm… công cuộc cải cách đất nước một cách hết sức có trí tuệ, có bài bản; lấy bình đẳng, từ bi, bác ái làm động lực xây dựng xã hội, trên cơ sở “Tam giáo đồng nguyên” được triển khai bởi cương lĩnh: xã hội Nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo…” (Kẻ sĩ – NXB Phụ nữ- HN, 2015) Có thể thấy rằng: cuộc đời VUA PHẬT đã toả ra “Bóng tùng Yên Tử”- cũng chính là cái bóng kỳ diệu của tâm hồn & tư tưởng Trần Nhân Tông từ khi ông còn là thái tử thiếu niên phủ xuống toàn bộ cuộc đời ông và tinh thần dân tộc trong suốt một thời gian dài, và cho đến hôm nay vẫn còn phủ bóng, có thể giúp con cháu những bài học thấm thía về công cuộc tự giải thoát cần thiết để tồn tại và vươn lên trong tinh thần dân tộc chân chính. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương cho rằng, vị vua triều Trần đã gửi hai thông điệp hướng tới tương lai: “Thông điệp từ một vị quốc chủ: có thể bảo vệ độc lập cho một quốc gia, mưu cầu hạnh phúc cho một cộng đồng, vượt qua mọi hiểm họa khi tạo được một cộng đồng đoàn kết nhất trí. Thông điệp làm người: vẫn có thể làm một con người toàn hảo trong một thế giới chưa hoàn thiện” ( Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ- NXB Tri thức, HN-2010).
Xã hội con người hiện tại đang đứng trước vô số những mâu thuẫn, khác biệt và những hiềm khích, hận thù, xung đột tiềm ẩn những nguy cơ đẩy thế giới đến sự hủy diệt. Trong bối cảnh đó, những giá trị từ di sản tinh thần của Vua Trần Nhân Tông- nhất là từ khi ông rời ngôi vua để tu hành- phải chăng cũng chính là sự phản ánh giấc mơ nhân ái toàn nhân loại, khi các dân tộc, các quốc gia và mỗi con người sẽ chạy đua với nhau bằng tri thức, giao tiếp với nhau bằng sự hiểu biết văn hóa và sự tôn trọng những điều khác biệt. Và trí tuệ sáng suốt thấm đượm lòng nhân ái và tinh thần hòa giải của một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 13 cũng chính là những giá trị cao đẹp từng kết tinh trong nền văn hóa của tất cả các dân tộc.
Chính vì thế mà trong đợt trao Giải thưởng của Viện Trần Nhân Tông tại Mỹ vừa qua, cựu Tổng thống Latvia đã chân thành phát biểu: “Một điều thú vị trong cống hiến của vị Phật hoàng nổi tiếng là sự tôn trọng ông dành cho mọi lớp người- bất kể địa vị của họ cũng như sự tôn trọng đối với thiên nhiên và quan điểm con người nên chung sống hòa hợp với môi trường tự nhiên… Vì vậy, tôi xin chúc những lời chúc tốt đẹp nhất cho viện Trần Nhân Tông, cho niềm tự hào và sự nghiệp quảng bá ý tưởng hòa giải và yêu thương bởi tôi tin rằng đó là nền tảng để tất cả chúng ta có thể chung sống hòa bình trong ngôi nhà chung – Trái đất.” Việc nghiên cứu tư tưởng, hành trạng Vua Phật Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng là một cách đóng góp hữu hiệu vào “sự nghiệp quảng bá ý tưởng hòa giải và yêu thương” trong thời đại ngày nay. Và đối với hiện tại, khi đạo lý xã hội đương sa sút nghiêm trọng, việc xây dựng lại Con người Việt đã trở thành cấp bách, việc nêu cao nhân cách và tư tưởng Vua Phật cũng là một điều vô cùng cần thiết…
Mai An Nguyễn Anh Tuấn