Thiên hạ thái bình, ngủ đêm không phải đóng cửa, lân bang e sợ phải thần phục và cống nạp, đó chính là thời kỳ Hồng Đức thịnh trị của vua Lê Thánh Tông.
Lên ngôi Vua giữa cảnh Triều đình loạn lạc
Năm 1442 xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, vua Lê Thái Tông mất, vua Lê Nhân Tông lên ngôi. Đến năm 1459, con trai trưởng của vua Thái Tông là Lê Nghi Dân dẫn quân vào cung cấm giết cả Vua và Thái hậu. Lê Nghi Dân cướp ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hưng, nhưng tin dùng bọn nịnh thần, thay đổi nhiều pháp chế khiến người người oán giận.
Năm 1460, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân. Rồi cùng nhau chọn người kế vị.
Trước đó năm 1445, vua Lê Nhân Tông từng hạ chiếu phong Lê Tư Thành là Bình Nguyên vương, làm phiên vương vào ở kinh sư. Ông dáng điệu đường hoàng, sống kín đáo, yêu thích sách Thánh hiền, vì vậy được lòng người.
Bấy giờ các đại thần bàn nhau: “Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết.” (Đại Việt Sử ký toàn thư)
Do vậy các đại thần đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua, đây chính là vua Lê Thánh Tông.
Vua sáng tôi hiền, Giang Sơn cực thịnh
Lên ngôi Vua trong cảnh Triều đình liên tục biến động, nhiều quan chức tham nhũng từ Triều đình đến địa phương, vua Lê Thánh Tông đã tạo nên một sự thay đổi toàn diện. Ông khuyến học, trọng dụng hiền tài, rời xa nịnh thần, đưa Đại Việt đến thời kỳ toàn thịnh.
Vua sáng ắt gặp tôi hiền, thời kỳ vua Lê Thánh Tông xuất hiện rất nhiều nhân tài đi lên từ khoa cử như Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Thân Nhân Trung, v.v…
Giang Sơn cường thịnh cũng giúp Đại Việt bảo vệ vững chắc biên giới. Đáp lại sự quấy nhiễu của Chiêm Thành, Vua cho quân đánh đến tận Kinh đô, bắt sống vua Chiêm, khiến Chiêm thành sau đó phải quy phục. Khi Bồn Man, Lan Xang (Lào ngày nay) không thần phục, cất quân quấy nhiễu cướp phá vùng biên giới, Vua đưa quân đánh chiếm cả Bồn Man lẫn Lan Xang, truy đuổi đến tận vùng đất giáp Miến Điện ngày nay.
Các nước Đông Nam Á như Chiêm Thành, Chân Lạp (Campuchia ngày nay), Lan Xang (Lào ngày nay), Chiang Mai (Thái Lan ngày nay), Ayutthaya và Java (Indonesia ngày nay) phải thần phục (Theo “Lịch sử Việt Nam” tập 3 của Viện sử học).
Sử sách có ghi nhận rằng thời kỳ này “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”. Dân gian có câu rằng:
Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông,
Thóc lúa đầy đồng, chẳng mất mát chi.
Vua Lê Thánh Tông ở ngôi 37 năm (1460-1497), lịch sử xem đây là giai đoạn thịnh trị, là tấm gương cho đời sau. Nhiều ghi chép của hậu nhân trong và ngoài nước đều nhắc đến đến thời kỳ Hồng Đức thịnh trị và ca ngợi tài đức của vua Lê Thánh Tông.
Đánh giá của hậu nhân
Sử thần Vũ Quỳnh đánh giá về Vua như sau:
“Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học của Thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các lịch, toán, những việc Thánh Thần, không có gì không bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần.”
Sau khi Vua mất, đại diện cho các hiền thần là Thân Nhân Trung (tác giả câu nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”) đã viết về Vua như sau:
Giữ báu nắm phù,
Phát lệnh chính vị.
Giữ trung: học tổ,
Dựng cực: thừa thiên.
Nhân bồi hậu thế,
Hiếu kính tổ tiên,
Văn sáng Khuê, Bích,
Học sâu uyên nguyên.
Theo điển, dùng lễ,
Lánh gian, thân hiền.
Trị nước, chín kinh,
Dùng quan: tám bính.
Triệu dân vỗ yên.
Trăm việc chấn chỉnh.
Văn giáo rộng ban,
Vũ công đại định.
Vua Tự Đức xem Lê Thánh Tông như một tấm gương để học hỏi, Vua viết trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” rằng:
“Lê Thánh Tông sáng lập chế độ mới mẻ, văn học và nhân vật bấy giờ rất khả quan; đất đai và bờ cõi nước nhà càng thêm rộng. Vào khoảng niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức, nước nhà trong ngoài đều vô sự, và hàng năm lúa thóc được mùa luôn, cho nên người ta gọi là đời thái bình thịnh trị vậy”.
Còn Phan Bội Châu trong tác phẩm “Việt Nam quốc sử bình diễn ca” của mình đã đánh giá vua Lê Thánh Tông rằng:
Lại xem sử đời vua Lê đế,
Như Thánh Tôn còn kể ai hơn.
Trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20”, Giáo sư Lê Thành Khôi viết về vua Lê Thánh Tông như sau:
“Với Lê Thánh Tông (1460-1497), nền quân chủ của Việt Nam đạt tới đỉnh điểm. Ba mươi bảy năm trị vì, một triều đại dài một cách khác thường, đã giúp Thánh Tông có thể thực hiện một công trình khổng lồ trong mọi lĩnh vực hành chính, kinh tế và xã hội. Hoàn tất việc tập trung chính trị, thống nhất các thể chế, dùng đồn điền mở rộng diện tích canh tác, đồng thời, bảo đảm cho người dân một mức sống ổn định bằng biện pháp quân điền theo định kỳ”.
Còn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” nhận xét rằng: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược.”.
Học giả người Pháp Alfred Schreiner trong “Đại Nam quốc lược sử” của mình đã nhận xét rằng: “Vua nầy công bình, thông minh, oai nghiêm, và cần quyền lắm, người xem xét cùng quy chế mọi việc trong nước lại trúng cách, hơn các vị vương đế khác”.
Giáo sư người Pháp Henri Emmanuel Souvignet trong cuốn “Bắc Kỳ tạp lục” đã nêu bật nhiều thành tựu đạt được được dưới thời vua Lê Thánh Tông và đánh giá giá đây là “vị vua vĩ đại của nước An Nam”.
Theo Trithucvn