VŨ HOÀNG HOA, TẠ TUẤN MINH, NHÀ HÁT KỊCH VIỆT NAM VÀ CÚ VƯỢT VŨ MÔN “BÓNG RỐI”

17:19 | 19/11/2023

Nguyễn Thế Khoa

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nếu được hỏi trong 10 năm qua vở diễn nào của sân khấu VN được tôi đánh giá cao nhất về sự mạnh dạn bứt phá để hòa nhập vào dòng chảy chóng mặt về tương lai của kịch nghệ thế giới, tôi xin trả lời ngay: Đó là vở kịch “Bóng rối” (tác giả: Vũ Hoàng Hoa, đạo diễn: Tạ Tuấn Minh, chỉ đạo nghệ thuật Xuân Bắc), một vở kịch xã hội hóa 50% của Nhà hát kịch VN.

1.

Khi được NSUT, đạo diễn Tạ Tuấn Minh mời xem sơ duyệt vở kịch Bóng rối rồi biết tác giả kịch bản là nhà văn Vũ Hoàng Hoa, con gái NSUT Kim Thư, nghệ sĩ thuộc thế hệ sáng lập Nhà hát kịch VN, cháu nội học giả Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương, cháu gọi GSVS Vũ Tuyên Hoàng và họa sĩ Vũ Giáng Hương là cô chú, tôi nghĩ đây sẽ là kịch bản không tầm thường. Bởi tôi đã từng đọc Vũ Hoàng Hoa cách đây 15 năm, năm 2008. Đó là sau khi GSVS Vũ Tuyên Hoàng mất, tôi được TS Hồng Nga, vợ GSVS Vũ Tuyên Hoàng, đưa cho xem một đoản văn rất hay Vũ Hoàng Hoa viết về chú mình, nhà nông học của đất nước và thế giới. Tôi đã lấy một số ý của đoản văn ấy đưa vào ký sự tâm đắc tôi viết về người bạn lớn của nông dân, nông thôn và nông nghiệp VN cũng như chương trình “Vũ Tuyên Hoàng trên cánh đồng mơ ước”, chương trình tưởng niệm 100 ngày ông đi xa do tạp chí Văn hiến VN tổ chức rất trọng thể tại Nhà hát Lớn HN đêm 3/6/2008. Từ đấy, tôi đã tin cái tên Vũ Hoàng Hoa chắc chắn là một tài năng của văn chương Việt.

Những người con của học giả Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương ngoài họa sĩ Vũ Giáng Hương chọn con đường nghệ thuật còn lại đều là những nhà khoa học nổi tiếng. Tuy vậy, họ đều mang gien trội của bố mẹ, đều rất yêu văn chương nghệ thuật. GSVS Vũ Tuyên Hoàng làm thơ, vẽ, viết tản văn đều hay. Bố Hoa, TS Vũ Hoài Tuân, anh trai cả trong nhà, một nhà hóa học quân sự hàng đầu đất nước, từng học ở Liên xô nhiều năm, cũng rất ham viết văn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng viết kịch bản phim Thời niên thiếu và các ký sự hồi ký Nhớ những ngày C1, Cái tết của người trình sát. Sau khi ông mất vì tai nạn máy bay ở Sơn Trà, Đà Nẵng năm 1979, khi mới 47 tuổi, gia đình từng tập hợp các tác phẩm của ông xuất bản với cái tên chung “Ra đi từ Hà Nội”. Em ruột ông, GSTS Vũ Triệu Mân đã tặng tôi cuốn sách quý này.

Quả đúng với suy nghĩ của tôi, trước đó, năm 2006, Vũ Hoàng Hoa viết tiểu thuyết “Thảo – Những hạt cát đời” giống như một cuốn tự truyện về tuổi trẻ đầy sóng gió và bi kịch gia đình và sau đó là cuốn thứ hai tựa đề “Thạch anh vàng” kể lại cuộc đời của mẹ chị – NSƯT Nguyễn Kim Thư khắc họa chân dung những người đàn bà làm nghệ thuật đích thực trong thời kỳ đất nước đổi mới mà hình mẫu là mẹ chị, một phụ nữ góa bụa phải một mình nuôi hai đứa con thơ qua bao ghềnh thác. Cả hai cuốn sách trên đều đã được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản.

Vũ Hoàng Hoa từ nhỏ đã sống với mẹ trên sàn tập, bên cánh gà sân khấu nên chị đã viết kịch và diễn kịch cùng bạn bè lúc mới 13 tuổi. May mắn sau đó, Vũ Hoàng Hoa gặp và kết duyên với một kiến trúc sư người Pháp, người động viên chị theo đuổi những ước mơ dang dở thời con gái. Sang quê chồng, chị học miệt mài từ tiếng Pháp đến triết học Trung Hoa và có cơ hội gặp gỡ nhà văn Pháp Patrick Austréaux, người đã khơi dậy tinh thần ham học, viết lách trong chị và trở thành bạn tri kỷ của Hoàng Hoa. Khi vợ chồng chuyển sang định cư tại Úc, chị theo học lý luận phê bình nghệ thuật rồi biên kịch ở khoa Sân khấu và Biểu diễn, Đại học UNSW, Sydney, chị lại có cơ duyên được bà Clare Grant giảng dạy. Bà là một trong những người sáng lập ra nhóm kịch đương đại mang tên Sydney Front, hoạt động sôi nổi vào những năm 80 và đi vào lịch sử kịch nghệ của Úc như nhóm kịch tiên phong với sự cách tân mạnh mẽ. Đến khi được về với thế giới kịch, Vũ Hoàng Hoa mới thực sự cảm thấy hạnh phúc, nguồn cảm hứng tự nhiên tuôn chảy, làm chị như cá gặp nước thỏa sức vẫy vùng. Thủa mới là soạn giả, Vũ Hoàng Hoa quyết định theo học cả đạo diễn ở trường NIDA (Viện Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Úc).

2.

“Bóng rối” là kịch bản đầu tay được Vũ Hoàng Hoa bắt đầu viết từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021. Vở kịch không có cấu trúc, không có diễn biến, nó thể hiện một phần trải nghiệm của chị để nói rằng con người thường sống ẩn dật trong bóng rối. Viết được bóng rối đã không dễ, Đối với chị có vẻ như “Bóng rối” là một câu chuyện rất riêng tư, nhưng lại hé mở nhiều điều: có những ẩn mật mà chúng ta giấu kín trong lòng, những khao khát thầm kín mỗi người không dám thể hiện và chạm tới vì những cấm kỵ, ràng buột có khi là rất vô lý của bản thân và xã hội.

Viết được bóng rối đã không dễ, đưa được “Bóng rối về nước” về nước để lên được sàn diễn còn khó khăn bội phần. Mặc dù “Bóng rối” (hay “Shadow of the Puppets”) là một trong 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Australia) tổ chức hằng năm (“Bóng rối” vinh dự đứng thứ hai) được Hội đồng chuyên môn của nhà hát đánh giá rất cao về chất lượng văn học của kịch bản này. Tuy vậy, khi Vũ Hoàng Hoa gửi kịch bản về Việt Nam cho một số người, trong đó có cả bạn bè thân thiết nhưng họ chỉ lắc đầu bảo rằng ở Việt Nam chẳng ai xem những vở kịch dạng này sợ không có khán giả nên khuyên chị mang lại về Úc .Nhưng may mắn Vũ Hoàng Hoa được giới thiệu “Bóng rối” với đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh và được anh trân trọng đón nhận, khẳng định vở kịch hoàn toàn có thể dựng ở Việt Nam cho người Việt Nam, nhất là lớp trẻ xem. Chị rất bất ngờ khi Tạ Tuấn Minh còn là người thấu hiểu vở kịch hơn cả tác giả của nó. Chính Tạ Tuấn Minh luôn vững vàng bảo vệ “Bóng rối” trước những ý kiến trái chiều ngay cả khi Vũ Hoàng Hoa bị chao đảo và mất lòng tin. Nhờ có anh, Vũ Hoàng Hoa quyết định không sửa kịch bản để chiều theo thị hiếu đám đông, thử dũng cảm tin tưởng hướng tới trái tim người xem.

Đạo diễn Tạ Tuấn Minh là nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc hạng nhất hiện nay tại Nhà hát kịch VN. Tuy mới tốt nghiệp đạo diễn và dựng vở đầu tay “Người tốt nhà số 5”, kịch bản khó dựng diễn nhất của nhà viết kịch kỳ tài Lưu Quang Vũ cho Nhà hát của mình, anh đã được trao giải đạo diễn xuất nhất Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020. Theo Tạ Tuấn Minh, chúng ta đang thật sự thiếu những vở kịch hay về đề tài đương đại. Cũng có những vở kịch dám đụng chạm đến những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, của thời đại… song dường như mới chỉ đi lòng vòng, minh họa chứ không dám đấu tranh trực diện vào bản chất vấn đề. Hoặc có những kịch bản tác giả dù dũng cảm đặt ra những vấn đề lớn, nổi cộm trong xã hội nhưng khi dàn dựng thì vì nhiều lý do đã không thể truyền tải hết tinh thần đó khiến vở diễn thiếu thuyết phục. Từ đây đã nảy sinh tâm lý an toàn. Không ít nhà hát và đạo diễn chỉ dùng những câu chuyện lịch sử để nói chuyện bây giờ, hoặc chọn những kịch bản cũ để dàn dựng lại. Đối với Tạ Tuấn Minh, “Bóng rối” là một “viên ngọc quý”, một kịch bản hay về đề tài đương đại, nhất là với giới trẻ, không chỉ của thế giới mà còn cả ở VN hôm nay. Từ câu chuyện một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vở kịch muốn bàn về quyền con người, về sự tự do trong tư tưởng, tình cảm, dám vượt qua những định kiến của xã hội và chính mình để vươn tới hạnh phúc đích thực. Đừng ẩn mình trong những chiếc bóng để trở thành những con rối cam chịu cho người khác điều khiển. Đây là vở kịch thiên về ý niệm và được viết theo cách phi lý. Nhưng cái hay của cái tưởng là phi lý lại rất có lý. Anh quan tâm đến phản ứng giữa sự khát khao của con người với thế giới không có sự khát khao ấy. Anh thích dàn dựng kịch theo lối ẩn dụ và mang tính biểu tượng. Nó gợi cho khán giả sự tưởng tượng, liên tưởng thú vị và đó cũng chính là đặc trưng của một sân khấu VN hiện đại giàu chất truyền thống mà anh muốn hướng tới. Tất nhiên, “Bóng rối” sẽ là một vở kịch không dễ xem khi mọi mâu thuẫn và xung đột ẩn chìm sâu bên trong, không lộ ra rõ ràng như những thể loại kịch thông thường. Bởi vậy đây cũng là một bài toán khó với các đạo diễn.

3.

Tuy vậy, dù chỉ sơ duyệt, đêm 8/10/2023, “Bóng rối” đã thành công hơn mọi mong đợi. Sau vài cảnh đầu có vẻ còn gờn gợn, gần 2 tiếng đồng hồ sau khi diễn viên thực sự vào vai, tình huống, nhân vật phát triển, kết thúc đầy bất ngờ, vở diễn đã thực sự hấp dẫn và khán phòng đầy chật bạn trẻ luôn bùng nổ những tràng pháo tay tán thưởng.

Câu chuyện kịch kể về hành trình Kiên (diễn viên La Thiên) nhận tin bố đột ngột qua đời mà không ai trong gia đình nói cho anh biết lý do vì sao. Đến khi giam mình trong studio của bố, một nghệ sĩ điêu khắc, đặt mình vào không gian gần với bố hơn, quay ngược về quá khứ về bố, về mẹ, chị và những người thân trong gia đình, Kiên dần dần bóc tách các lớp sương mù cho phủ, lờ mờ nhận ra một sự thật lớn: Trong gia đình mình, kể cả bố mẹ, không phải ai trong quá khứ cũng được hạnh phúc, được sống như mình muốn, mình khao khát, ai cũng tự bóp nghẹt mình cho vừa những khuôn mẫu trách nhiệm, bổn phận trước gia đình và xã hội nhiều khi đã lỗi thời. Suốt gần 120 phút, nhân vật Kiên có mặt trong các mốc thời gian, không gian đa chiều. Anh được trở về khoảnh khắc hạnh phúc, ngắm hình ảnh của mình ngày thơ ấu khi nằm trong lòng mẹ, chơi đùa cùng bố. Đồng thời, Kiên cũng nhận ra hôn nhân của bố mẹ thực ra đã đổ vỡ từ lâu. Anh biết được mối tình của bố với nhà văn Cedric (Thế Nguyên) – bạn thân của mẹ, cũng là người mẹ và cô ruột anh đều yêu say đắm. Không ít người nghĩ “Bóng rối” là vở kịch nhằm mục đích ủng hộ tình yêu của người đồng giới, bởi mối tình của bố Kiên với nhà văn Cedric. Nhưng thực ra thì không hẳn. Trong vở kịch có rất nhiều mối tình tay hai tay ba cả đồng giới và khác giới. Thông điệp của tác giả, đạo diễn, ê kíp sáng tạo và các nghệ sĩ của Nhà hát kịch VN rộng lớn và phổ biến hơn nhiều: Con người đừng tự lừa dối mình, lừa dối người khác, hãy dám sống theo bản thể của mình, theo ham muốn, tình yêu và khát vọng chân chính của mình cho dù thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh. Thông điệp ấy được một tập thể nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, xiết chặt tay say sưa tạo nên cái mới cho sân khấu Việt, thể hiện khá hấp dẫn qua những nhân vật đa tính cách ở ba thế hệ, kết hợp các thủ pháp của kịch phi lý, kịch hình thể, rối mặt nạ, rối người, khá phức tạp về nghệ thuật biểu diễn, rất sáng tạo, biến hóa về trang trí sân khấu, ấn tượng về âm nhạc và múa trong một cuộc chơi bất vụ lợi cho sự phát triển và tương lai của sân khấu VN…

Đó là tác giả Vũ Hoang Hoa, đạo diễn Tạ Tuấn Minh, họa sĩ thiết kế sân khấu Hà Nguyên Long,  nghệ sĩ Lê Chí Kiên làm đạo diễn rối, nghệ sĩ múa đương đại Duy Thành làm biên đạo, Xuân Bắc – giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam – chỉ đạo nghệ thuật. Đặc biệt, ý tưởng xây dựng sân khấu chuyển động với 26 lớp màn và nhiều bối cảnh của đạo diễn Tạ Tuấn Minh và họa sĩ Hà Nguyên Long là cách thể hiện rất mới mẻ và phù hợp. Với cách thể hiện này, sân khấu luôn chuyển động như sự chuyển động của ký ức. Càng về sau, thông điệp về thời gian của vở kịch càng chứng tỏ tác dụng. Bối cảnh sân khấu trở thành một lớp nghĩa thứ ba, lớp nghĩa gián tiếp… góp phần rất quan trọng vào việc kể câu chuyện của vở kịch. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh và NSƯT Lê Chí Kiên cũng sử dụng những con rối mang tính ẩn dụ dẫn dắt khán giả vào những điều ẩn chứa sâu thẳm bên trong mỗi con người, mở dần ra những bí mật của họ. Việc biến những con rối thành những “nhân vật biết nói”, biểu đạt trạng thái cảm xúc của nhân vật hoặc nói hay diễn như con người cho thấy công phu của các nghệ sĩ trẻ Nhà hát kịch. Họ đã như những nghệ sĩ rối cạn đích thực mà chắc Giám đốc, NSND Nguyễn Tiến Dũng đang tìm kiếm trên con đường tạp kỹ hóa và nâng cao khả năng nghệ thuật của cả nghệ thuật rối cạn và nước của Nhà hát Múa rối VN.

Và những người đóng góp lớn nhất cho thành công của “Bóng rối) chính là những nghê sĩ của Nhà hát Kịch VN. Đó là hai NSND Việt Thắng (vai Dượng hói), Lan Hương (vai Bà ngoại) tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn hào hứng về nhập cuộc chơi kịch xã hội hóa free case  rất hết mình cùng khối diễn viên trẻ đang là chủ nhân tài năng mới của Nhà hát kịch Quốc gia, tất cả đều tỏ ra rất phấn khích với vai diễn, vở diễn của mình. Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng, mẹ Kiên), Nguyễn Vũ (vai Duy, bố Kiên), Thế Nguyên (vai Cedric), La Thiên (vai Kiên), Thanh Hường (vai bà nội), Minh Thu (vai Linh), Thảo Trang (vai Bi – Kiên lúc bé) Vũ Tuấn (vai Baku)… Riêng Khuất Quỳnh Hoa đã có một vai diễn vào loại xuất sắc nhất trong cuộc đời của một nghệ sĩ tài năng yêu nghề luôn tìm mọi cơ hội được sống trên sân khấu.

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú