Vốn tín dụng chính sách sát cánh, kề vai cùng Đắk Nông giảm nghèo bền vững

16:34 | 22/08/2022

Sau 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP (Nghị định 78), ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tín dụng chính sách tại Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của địa phương.


NHCSXH tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004 theo Quyết định số 92/QĐ-HĐQT ngày 17/3/2004 của Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 15/4/2004. Sự ra đời và phát triển của NHCSXH tỉnh Đắk Nông cùng với sự ra đời và phát triển của tỉnh Đắk Nông ngày 01/01/2004.

Các cá nhân vinh dự nhận được giấy khen của NHCSXH Việt Nam – Ảnh: Nguyễn Lương.

Đắk Nông nằm ở vị trí phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Đắk Nông có 07 huyện và 01 thành phố; có 71 xã, phường, thị trấn; 789 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố, với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân số là 677.616 người với 163.450 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 45.707 hộ, chiếm tỷ lệ 31,73% dân số toàn tỉnh.

Ngay sau khi thành lập, NHCSXH tỉnh đã tập trung củng cố bộ máy tổ chức từ tỉnh đến huyện, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, huyện thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) để quản lý, chỉ đạo giám sát đối với hoạt động của NHCSXH, đồng thời tiến hành nhận bàn giao dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Công thương, với dư nợ là 29,155 triệu đồng.

Các cá nhân vinh dự nhận được giấy khen của Ban đại diện NHCSXH Đắk Nông – Ảnh: Nguyễn Lương.

Triển khai thực hiện Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong những năm qua, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác cho 04 tổ chức chính trị – xã hội là: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là chương trình  cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm, đến 30/6/2022, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách. Một số chương trình có tỷ trọng cho vay lớn như chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 17,1%, chương trình cho vay hộ cận nghèo là 13%, chương trình cho vay hộ thoát nghèo là 13,5  %, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường là 16,6 %, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm là 23,2%, chương trình cho vay học sinh sinh viên chiếm là 3,5%…

Người dân phấn khởi khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo – Ảnh: Nguyễn Lương.

Với mô hình quản lý và hoạt động gồm: 01 Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và 8 BĐD HĐQT NHCSXH huyện và thành phố Gia Nghĩa; 04 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác; 71 Điểm giao dịch tại 71 xã phường, thị trấn trên toàn tỉnh; 1.580 Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), kể từ khi triển khai Nghị định số 78, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ nói chung và hoạt động của NHCSXH tỉnh Đắk Nông nói riêng đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng tăng (bình quân tăng hàng năm từ trên 8 đến 10%) đưa dư nợ từ 29.155 triệu đồng ban đầu lên 3.527.883 triệu đồng, tăng 121 lần khi mới thành lập.

Hiện có trên 69 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 42% số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh (163.450 hộ). Trong đó, dư nợ của hộ người dân tộc thiểu số đạt trên 1.230 tỷ đồng, chiếm 35 % tổng dư nợ…

Nguồn vốn của NHCSXH tại tỉnh đã giúp hơn 430.198 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp 62.195 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; xây dựng được 156.930 công trình nước sạch & vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; và xây được 3.123 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở…. Giúp cho tỷ lệ nghèo của tỉnh Đắk Nông từ 56% (2004) xuống còn 11,19% (2022) hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Cũng thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn “tín dụng đen ở nông thôn”, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Mặt khác, ngoài sự tăng trưởng về nguồn vốn thì chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại.

20 năm triển khai Nghị định số 78, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHCSXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành; cùng sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả từ các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu, hoạt động của NHCSXH tỉnh Đắk Nông ngày càng đạt được những kết quả đáng trân trọng và ghi nhận, đã minh chứng cho một chủ trương chính sách đúng đắn kịp thời hợp với ý Đảng – lòng dân, là địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách tại Đắk Nông có thể đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của địa phương, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Thế Hiếu/ VHVN


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu