Nạn săn bắn ở Châu phi để lấy ngà voi dẫn tới một hiện tượng lạ: nhiều voi con sinh ra không có ngà. Đây là một hiện tượng biến hoá để thích nghi hay tiến hoá?
Nạn săn bắn, giết hại động vật luôn là mối lo ngại của chính phủ các nước, đặc biệt là những quốc gia tại Châu Phi. Mới đây, một hiện trạng vô cùng đáng lo lắng đang diễn ra, loài voi Châu Phi cũng không ngoại lệ và có vẻ như chúng đang dần tiến hóa để thích nghi với môi trường sống đầy những kẻ tham lam, tàn bạo. Những lần sinh sản gần nhất, các bé voi con ra đời mà không hề có ngà.
Những kẻ săn voi chỉ để lấy ngà, họ dùng trực thăng để bắn hạ nên cơ hội trốn chạy hay phản kháng của voi gần như bằng không. Chỉ vì những chiếc ngà – theo quan niệm của nhiều người là thần dược chữa vô số bệnh, vết thương mà bao nhiêu chú voi phải hi sinh đáng tiếc.
Lệnh cấm săn bắn ngà voi trái phép đã được thực thi vào năm 2017, trong y học phương Tây, bất kể sự thật rằng không có cơ sở khoa học nào cho việc sử dụng ngà voi chữa bệnh nhưng việc săn bắt trái phép vẫn diễn ra. Trung Quốc và Châu Phi đang vẫn là những nơi săn lùng ngà voi nhiều nhất. Ở những quốc gia này, ngà voi thậm chí còn quý giá hơn vàng. Bột mịn xay ra từ ngà được người ta rao bán như một phương thuốc vừa chữa được bách bệnh, vừa tăng cường sức mạnh và khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, có vẻ như mẹ thiên nhiên đang chiến đấu bảo vệ những đứa con bằng món vũ khí độc nhất – sự tiến hóa. Theo như một công bố gần đây của National Geographic, sự chọn lọc tự nhiên dường như rất ưu ái những chú voi sinh ra mà không có ngà.
Voi đang tiến hóa để chống lại nạn săn trộm
Theo National Geographic, các nhà khoa học ở Mozambique hiện đang khẩn trương trong việc nghiên cứu, nắm bắt đặc điểm di truyền của loài voi không ngà cũng như kết quả về sau của nó. Hiện nay, gần một phần ba số voi cái ở Mozambique không có ngà trong khi trước đây con số ấy là từ 2% đến 4%. Theo các nhà khoa học của National Geographic giải thích rằng nạn săn trộm có ảnh hưởng rõ rệt đến voi – không chỉ về số lượng cá thể mà còn về mặt tiến hóa.
Tại Vườn quốc gia Gorongosa, nạn săn bắn đã cho những con voi không mọc ngà một lợi thế về mặt sinh học. Bởi vì những kẻ săn trộm chỉ tập trung vào những con voi có ngà và sẽ bỏ qua những con không có. Đến đầu những năm 2000, 98% trong khoảng 200 con voi cái không có ngà. Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng rõ ràng về sức ép săn bắn và cách mà nó có thể ảnh hưởng đến một quần thể, dẫn đến sự tiến hóa đáng kinh ngạc.
Trong quá trình sinh tồn, nhiều loài động vật đã trở thành bậc thầy ngụy trang đích thực, điển hình như gấu Bắc Cực và cáo tuyết Bắc Cực. Để bảo vệ bản thân khỏi kẻ thù, cả hai loài động vật này đã tự ngụy trang để hòa lẫn vào môi trường xung quanh.
Voi sinh ra không còn ngà chỉ là một cá thể trong rất nhiều cá thể đang bị đe dọa do những xâm phạm trái phép từ con người. Cần có những phương án ngăn chặn triệt để và cứng rắn hơn bởi vì phải mất 3 triệu năm nữa hệ sinh thái mới được khôi phục nếu chẳng may rơi vào trạng thái tuyệt chủng.
BÌNH LUẬN
1/ Tư tưởng chủ đạo của bài báo nói trên là sự lên án hành động săn bắn động vật − một hành động tàn ác xuất phát từ lòng tham, sự ích kỷ, bất nhân, vô đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong loài người. Với hành vi đó, những người này đang phá vỡ sự cân bằng sinh thái, huỷ hoại môi trường sống của loài người nói chung, bao gồm chính bản thân họ.
2/ Tuy nhiên, làm thế nào để chứng minh rằng sự xuất hiện những chú voi con không ngà là hệ quả trực tiếp của việc săn bắn? Dữ liệu nêu trong bài báo chưa đủ để tôi tin chắc rằng đây là “phản ứng” của loài voi để “đáp lại” tình trạng săn bắn lấy ngà voi. Vì thế một mặt tôi không phản đối nhận định của bài báo nhưng mặt khác tôi cũng thấy chưa đủ dữ liệu để tin chắc rằng sự biến mất ngà voi ở những chú voi con là hệ quả trực tiếp của nạn săn bắn lấy ngà voi. Cần có những dữ liệu đầy đủ hơn để chứng minh việc này.
3/ Tuy nhiên, có thể giả định rằng sự biến mất ngà voi ở những chú voi mới ra đời là hệ quả trực tiếp của nạn săn bắn lấy ngà voi, thì đây cũng không phải là bằng chứng của sự TIẾN HOÁ (evolution), mà đơn giản chỉ là sự biến hoá, hoặc biến đổi (transformation) để thích nghi mà thôi. Việc sử dụng khái niệm “tiến hoá” để giải thích hiện tượng này là một sự LẠM DỤNG thuật ngữ “tiến hoá” rất phổ biến mà những người tin vào thuyết tiến hoá thường làm một cách vô thức hoặc cố ý. Xin nói rõ hơn về vấn đề này dưới đây.
Darwin và những con chim sẻ
Năm 1835, Charles Darwin đặt chân đến quần đảo Galapagos ở Đông Thái Bình Dương, nay thuộc Ecuador, để nghiên cứu động vật ở đây. Ông nhận thấy ở đó có nhiều giống chim sẻ khác nhau: mỏ ngắn, mỏ dài, mỏ nhọn, mỏ tù,… Những loại mỏ khác nhau này giúp các giống chim thích nghi với môi trường sinh sống của chúng, chẳng hạn giống mỏ dài và nhọn giúp chim kiếm được mồi trong những hõm sâu, chim mỏ ngắn kiếm ăn ở những chỗ kiếm mồi dễ dãi,… Từ đó Darwin nêu lên nhận xét rằng sinh vật có khả năng biến hình để thích nghi với môi trường. Nhận xét này đúng(1) , tuy nhiên, Darwin phạm 2 sai lầm lớn:
Ông không hiểu rằng sự biến đổi để thích nghi là có giới hạn – mọi sự biến đổi chỉ diễn ra bên trong trong loài (chỉ có biến đổi trong loài).
Vì không hiểu rằng sự biến đổi là có giới hạn nên ông đã nêu lên “Giả thuyết Biến hình” (TRANSFORMISM), trong đó cho rằng sự biến đổi có thể tích luỹ dần dần sau một thời gian dài để biến một loài này thành một loài khác.
Xin nhấn mạnh rằng “Giả thuyết Biến hình” là một suy đoán của Darwin, hoàn toàn mang tính giả thuyết (hypothetical), không hề có một bằng chứng thực tế nào để chứng minh.
Ngay từ khi Darwin còn sống, ông đã công khai bày tỏ mối băn khoăn lo lắng vì không có bằng chứng hoá thạch nào chứng minh sự biến đổi loài này thành loài khác. Đến nay, sau hơn 150 năm, “Giả thuyết biến hình” (transformism) vẫn hoàn toàn vô bằng chứng:
Hội nghị khoa học quốc tế ở Istanbul ngày 28/04/2018 đã công bố một giải thưởng trị giá 3 triệu USD cho bất cứ ai đưa ra được bằng chứng hoá thạch chứng minh sự biến đổi loài. Đây là một thách thức lớn đối với Thuyết tiến hoá, và các nhà tiến hoá đã im lặng trước thách thức này (2) .
Công trình nghiên cứu “Why should mitochondria define species” (Tại sao ty thể sẽ xác định loài?) của hai nhà tiến hóa là Mark Stoeckle thuộc Đại học Rockefeller ở New York và David Thaler tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, công bố trên tạp chí “Human Evolution” (Sự tiến hóa của con người), số 1-2 (1-30), Tập 33, năm 2018, đã CHỨNG MINH rằng không có sự tiến hoá, không có sự biến đổi loài này thành loài khác (3) . Nói cách khác, “Giả thuyết Biến hình” của Darwin HOÀN TOÀN SAI!
Ấy thế mà “Giả thuyết Biến hình” (Transformism) của Darwin đã được hậu thế biến thành cái gọi là “tiến hoá” (evolution). Khái niệm này được tuyên truyền rộng rãi đến mức rất nhiều người sử dụng khái niệm này một cách phổ biến và tuỳ tiện mà không hiểu thực chất “tiến hoá” là gì.
Vậy “tiến hoá” là gì? Hãy hỏi Google, “What does evolution mean?”, và Google trả lời:
Tiến hoá (4)
1. quá trình trong đó những dạng sinh vật khác nhau được cho rằng đã phát triển và đa dạng hoá từ những dạng trước đó trong suốt lịch sử trái đất
2. sự phát triển dần dần từng tí một của một cái gì đó, đặc biệt từ một dạng đơn giản tới một dạng phức tạp hơn.
Google đã rất thông minh khi trả lời rằng “tiến hoá” là một quá trình “được cho rằng”một dạng sinh vật này đã phát triển thành một dạng sinh vật khác. Có nghĩa là quá trình được gọi là “tiến hoá” ấy không phải là một hiện thực khách quan ai cũng thấy, mà chỉ là một ý nghĩ, tư tưởng, quan niệm, nhận định của một số người nào đó mà thôi. Cụ thể, đó chỉ là ý nghĩ của Darwin và những môn đệ của ông mà thôi, thay vì một sự thật được mọi người thừa nhận.
Căn cứ theo định nghĩa trên, nói một cách ngắn gọn, “tiến hoá” có nghĩa là sự biến đổi của một sinh vật đơn giản hơn thành một sinh vật phức tạp hơn. Chẳng hạn như Darwin nói: bò sát tiến hoá thành động vật có vú; vượn tiến hoá thành người. Vậy ta không thể nói chim sẻ mỏ ngắn “tiến hoá” thành chim sẻ mỏ dài; voi có ngà “tiến hoá” thành voi không ngà;… Nói như thế là đã lạm dụng chữ “tiến hoá” mà không hiểu “tiến hoá” là gì.
Tóm lại, nạn săn bắn voi để lấy ngà voi là một hành vi độc ác, tán phá môi sinh của động vật và của chính loài người. Hiện tượng voi không ngà xuất hiện là một hiện tượng rất lạ, đáng được nghiên cứu. Nếu quả thật đây là sự biến đổi của voi để tránh bị tàn sát thì đây là hiện tượng biến hoá để thích nghi chứ không phải tiến hoá!
Cần tỉnh táo để nhận thức sự thật, chớ lạm dụng khái niệm “tiến hoá”!
CHÚ THÍCH:
(1) Darwin không phải là người đầu tiên nêu lên thuyết biến đổi để thích nghi. Người đầu tiên nêu lên thuyết này là Jean-Baptiste Lamarck. Darwin chịu rất nhiều ảnh hưởng của Lamarck, bao gồm những tư tưởng sai lầm về di truyền.
(2) Xem: Tin Thứ 3 trong bài “Very Bad News For Evolution / Những tin rất xấu cho Thuyết tiến hóa” https://viethungpham.com/2018/08/29/very-bad-news-for-evolution-nhung-tin-rat-xau-cho-thuyet-tien-hoa/
(3) Xem: Tin Thứ 2 trong bài “Very Bad News For Evolution / Những tin rất xấu cho Thuyết tiến hóa” https://viethungpham.com/2018/08/29/very-bad-news-for-evolution-nhung-tin-rat-xau-cho-thuyet-tien-hoa/
(4) Nguyên văn tiếng Anh: Evolution: 1. the process by which different kinds of living organisms are thought to have developed and diversified from earlier forms during the history of the earth. 2. the gradual development of something, especially from a simple to a more complex form.
Tác giả: GS Phạm Việt Hưn
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences. |