Vĩnh Phúc: Hội thảo khoa học di tích Chiến khu Ngọc Thanh – Bảo tồn và phát huy giá trị

15:38 | 25/11/2021

Sáng 25/11, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học di tích Chiến khu Ngọc Thanh – Bảo tồn và phát huy giá trị.


Hội thảo Di tích Chiến khu Ngọc Thanh
Sáng 25/11, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức hội thảo Di tích chiến khu Ngọc Thanh – Bảo tồn và phát huy giá trị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nhấn mạnh, từ năm 1946-1954, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngọc Thanh được Trung ương Đảng chọn làm chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc.

Đóng ở chiến khu là các cơ quan đầu não của Trung ương và địa phương như Kho bạc Nhà nước, Trạm Quân y dược, Xưởng quân khí, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh, huyện, một số xã cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và bộ đội địa phương luyện tập, đóng quân.

Đó là những lực lượng chính trong Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950-1951, góp phần đánh bại nhiều trận càn của giặc Pháp bảo vệ vững chắc trạm tiền tiêu của Chiến khu Việt Bắc, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.

Di tích Chiến khu Ngọc Thanh
Di tích Chiến khu Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên – Vĩnh Phúc) không chỉ là nơi ghi dấu ấn về phong trào cách mạng của dân tộc ta từ năm 1941 mà còn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Không chỉ là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, Ngọc Thanh còn có tiềm năng về du lịch và sự kết tụ bản sắc, giao thoa, lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Sán Dìu… đoàn kết xây dựng quê hương đất nước.

Người Vĩnh Phúc luôn tự hào về Ngọc Thanh – vùng đất tích hợp những giá trị lịch sử – thiên nhiên – văn hóa và du lịch. Nhiệm vụ của chúng ta phải bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng như khai thác các tài nguyên du lịch quý giá ở đây một cách hợp lý, hiệu quả, theo đúng yêu cầu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các di tích của chiến khu xưa không còn, chiến khu và các địa danh liên quan chưa được quy hoạch, đầu tư tuyên truyền, quảng bá, khai thác xứng đáng với giá trị và tiềm năng của nó.

Di tích Chiến khu Ngọc Thanh
Ảnh tư liệu.

Qua hội thảo này, ngoài các tham luận về sự kiện lịch sử diễn ra tại Chiến khu Ngọc Thanh, hội thảo sẽ đặt ra việc quy hoạch, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian văn hóa du lịch của Ngọc Thanh. Đồng thời, đánh giá hiện trạng của khu di tích Ngọc Thanh và đề xuất hướng phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay, cũng như trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

15 ý kiến tham luận được đưa ra tại hội thảo như chuyên đề về lịch sử quân sự Việt Nam liên quan đến Ngọc Thanh là vị trí căn cứ địa tiền tiêu của kháng chiến chống Pháp; lịch sử địa phương liên quan đến thời kỳ tiền khởi nghĩa Trung ương đã chọn Ngọc Thanh là cơ sở cách mạng, nhiều hoạt động của Đảng, nhiều nhân vật lịch sử gắn với giai đoạn này.

Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng tập trung về giải pháp bảo tồn di tích, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển du lịch. Trong đó, có công tác bảo vệ và phát huy giá trị phong tục tập quán, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu; một số đề xuất về xếp hạng di tích, xây dựng trung tâm trưng bày diễn giải thông tin, lộ trình tham quan; các giải pháp về giáo dục di sản và phát triển du lịch bền vững…

Hội thảo khoa học di tích Chiến khu Ngọc Thanh – Bảo tồn và phát huy giá trị nhằm nhận diện tổng thể giá trị lịch sử của Chiến khu Ngọc Thanh – căn cứ địa cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp; giá trị văn hóa của di sản phi vật thể, di sản thiên nhiên cùng nguồn lực, tiềm năng để bảo vệ và phát triển kinh tế du lịch bền vững.

Qua hội thảo, khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Chiến khu Ngọc Thanh và ý nghĩa giáo dục truyền thống trong đời sống đương đại; sự cần thiết xây dựng, quy hoạch bảo tồn di tích, biện pháp và lộ trình thực hiện.

Chiến khu Ngọc Thanh - Di tích lịch sử nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Từ Ngọc Thanh có các tuyến giao thông nối liền với các vùng Thái Nguyên, Tam Đảo, Vĩnh Yên bằng đường được mở từ thời kháng chiến qua khe núi Quân Bong. Bởi vậy, Ngọc Thanh không chỉ là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội mà còn là một địa bàn chiến lược rất quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc – một trong những cái nôi của phong trào yêu nước. Nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ở thời kỳ lịch sử nào, nhân dân xã Ngọc Thanh cũng anh hùng, bất khuất. Từ khi có Đảng lãnh đạo, địa bàn xã Ngọc Thanh sớm trở thành cơ sở cách mạng bí mật, là địa bàn hoạt động của nhiều đồng chí như: Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Lam, Nguyễn Trọng Duệ. Ngọc Thanh là một tiêu bản quý về xây dựng căn cứ địa trong thời kỳ chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều”. Khắp địa bàn chiến khu, các hoạt động thời chiến đã diễn ra hết sức sôi nổi. Mỗi tấc đất, cành cây, ngọn cỏ Ngọc Thanh đều ghi dấu những sự kiện lịch sử hào hùng một thời.

Chiến khu Ngọc Thanh – hay Chiến khu I thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Phúc Yên (cũ). Sở dĩ được gọi là Chiến khu Ngọc Thanh vì những căn cứ địa chính, các cơ quan đầu não chiến khu đều đóng ở địa bàn này. Như đã nói ở trên, Chiến khu Ngọc Thanh nằm ở vị trí bản lề giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng, án ngữ con đường giao thông huyết mạch giữa Vĩnh Yên – Phúc Yên với Thái Nguyên, Việt Bắc. ở vào vị trí chiến lược hết sức lợi hại, ta dễ hoạt động mà địch khó tiến công lấn chiếm nên chiến khu này có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Đây không những là vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc mà còn là một trạm trung chuyển, đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng trung du miền núi phía Bắc – nơi đặt Trung ương kháng chiến với Thủ đô và các tỉnh đồng bằng châu thổ. Căn cứ địa Ngọc Thanh là một chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển đều về các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Đóng ở chiến khu lúc bấy giờ gồm các cơ quan đầu não của trung ương và địa phương như: Kho bạc Nhà nước, trạm quân y dược, kho lương thực, xưởng quân giới, ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và ủy ban các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh, Phúc Thắng, Cao Minh; cùng nhiều đơn vị bộ đội như: Đại đoàn 308, đại đoàn 312, trung đoàn 2, trung đoàn 46, đại đội Hoàng Văn Thụ, đại đội Trần Quốc Tuấn thuộc tỉnh đội Phúc Yên và một số đội du kích các xã lân cận. Những hoạt động hữu hiệu của các cơ quan đơn vị này đã tạo nên một diện mạo khá hoàn chỉnh về một chiến khu cách mạng; một hình ảnh tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, anh dũng và tự lực cánh sinh của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Ngọc Thanh nằm ở cuối dãy Tam Đảo, có núi non trùng điệp, sông suối uốn khúc quanh co, phong cảnh nên thơ. Vùng phía bắc chiến khu có rừng rậm rạp, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu trong lành, cây cối xanh tốt, xen kẽ là những đầm hồ, hang động (hang Dơi), thung lũng, khe suối. Phía nam và tây nam chiến khu có sông Mạn Lan, sông Ba Hanh, đặc biệt là hồ Đại Lải – một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu của Vĩnh Phúc. Tuy địa hình phức tạp, diện tích rộng song mạng lưới giao thông tại Ngọc Thanh được bố trí liên hoàn giữa các thôn xóm. Đặc biệt, Ngọc Thanh có một hệ thống các địa danh lịch sử  gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Tất cả những yếu tố trên là những tiềm năng lớn để Ngọc Thanh phát triển thành khu du lịch sinh thái – tham quan di tích lịch sử.

Nhóm phóng viên

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương