Với khoảng 341 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều làng nghề truyền thống, huyện Việt Yên (Bắc Giang) là mảnh đất giàu tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch.
Việt Yên là một trong những huyện có nhiều làng nghề truyền thống nhất của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 làng nghề ở 02 xã Tăng Tiến và Vân Hà đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận làng nghề truyền thống và làng nghề.
Từ lâu nghề truyền thống nấu rượu làng Vân thôn Yên Viên, xã Vân Hà đã được nhiều người biết tới, làng nghề này với 300 hộ làm nghề khoảng 600 lao động, hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm được thị trường ưa chuộng tiêu thụ tốt trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân trung bình khoảng 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn xã Vân Hà còn có nghề sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem, mỳ tại làng Thổ Hà với 350 hộ làm nghề khoảng 700 lao động, thu nhập ổn định khoảng 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ xã Vân Hà, tại xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên còn có các làng nghề sản xuất mây tre đan, các sản phẩm là những hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, chẻ tăm lụa, đan lát, sản xuất mành tăm xuất khẩu tại thôn Chùa, thôn Chăm, thôn Bẩy và thôn Phúc Long với khoảng 1.370 lao động, cho thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng,…
Các sản phẩm của làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu như là rượu làng Vân và mây tre đan Tăng Tiến, và được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Vân hương mỹ tửu” cho sản phẩm rượu làng Vân, xã Vân Hà.
Những năm qua, huyện Việt Yên luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, huyện quan tâm tổ chức, tham gia các hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thu hút đầu tư.
Để các làng nghề ngày càng được bảo tồn và phát triển, tới đây huyện tập trung rà soát việc quy hoạch xây dựng các làng nghề, kết hợp du lịch theo chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề đã được phê duyệt, trong đó chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Kịp thời triển khai các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được tiếp cận các chính sách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, từng bước đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học phù hợp, chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn gắn kết với các vùng nguyên liệu để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Song song với việc bảo tồn và phát triển làng nghề, huyện Việt Yên còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đối với di sản văn hóa vật thể, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số 341 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 99 di tích đã dược xếp hạng (20 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt). Di sản văn hóa phi vật thể có 128 lễ hội truyền thống, riêng lễ hội chùa Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; dân ca quan họ và hát ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với việc đầu tư nguồn lực hình thành hạ tầng để phát triển du lịch như các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm; xây dựng đô thị tổng hợp bao gồm: Phát triển chức năng dân cư đô thị, hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại và du lịch. Việt Yên chú trọng xây dựng hệ thống tượng đài và tu bổ, tôn tạo các công trình di tích trên địa bàn theo quy hoạch. Trong năm 2021, có 13 di tích được đề nghị tu bổ, tôn tạo (đình Đồn Lương, thị trấn Bích Động; chùa My Điền, thị trấn Nếnh; chùa Vĩnh Hưng, xã Quảng Minh; chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn,…). Trong đó, riêng công trình chùa Thổ Hà, xã Vân Hà đây là di tích tiêu biểu, tổng mức đầu tư tu bổ gần 43 tỷ đồng; chùa Vân Cốc, xã Vân Trung tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng; đền thờ Danh nhân Văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 70 tỷ đồng,…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Việt Yên Thân Văn Thuần cho hay,việc tu bổ, tôn tạo di tích gắn với hoạt động du lịch có sự ảnh hưởng tích cực đến phát triển làng nghề và du lịch, bởi lẽ di tích lịch sử văn hóa nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của nhân dân. Cũng tại đó, nhiều loại hình văn hóa dân gian được tổ chức, biểu diễn và trình diễn. Những di tích được tu bổ lớn, cũng phần nào thể hiện được sự đoàn kết, đồng lòng, giàu mạnh của người dân địa phương. Thấy được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với việc thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch về du lịch do cấp trên triển khai. Vậy nên, nếu cơ sở vật chất di tích khang trang, xứng tầm thì số lượng khách du lịch sẽ tăng lên.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Yên thu hút được khoảng 1 triệu lượt khách/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 500 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trong Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, huyện Việt Yên tập trung phát triển sản phẩm, loại hình du lịch có chất lượng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, trở thành một trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh của tỉnh theo các không gian du lịch quy hoạch như: Du lịch golf, trải nghiệm ẩm thực, ngắm cảnh kết hợp vui chơi giải trí. Xây dựng chuỗi liên kết 3 nhà (nhà quản lý – điểm du lịch – hãng lữ hành) để hình thành tour du lịch trong huyện và tỉnh.
Từ nay đến năm 2030, huyện phấn đấu xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch tâm linh: Tây Yên Tử – Yên Dũng – TP Bắc Giang – Việt Yên; trong đó chú trọng quảng bá khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, đền thờ Danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung và một số điểm di tích trên địa bàn. Hình thành tour du lịch vừa tham quan di tích tâm linh vừa trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái: Tiên Sơn – Vân Hà – Nếnh – Hồng Thái – Bích Động – Minh Đức.
Thế Hiếu/ TC in Văn hiến Việt Nam