Tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 16-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11-2020, có những cam kết thỏa thuận từ tháng 9-2020 nhưng đến nay nước ta mới có vắc xin. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9-2021.
Riêng trong tháng 7-2021, nước ta sẽ tiếp nhận khoảng gần 8,9 triệu liều. Tính đến ngày 13-7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tổng số hơn 8,16 triệu liều cho các đơn vị, địa phương.
Toàn bộ số vắc xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước mắt, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố có dịch, các đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội để bảo đảm đạt được mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.
“Khi có vắc xin được phân bổ về, các tỉnh, thành phố phải triển khai ngay kế hoạch tiêm chủng, lựa chọn tiêm đúng đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, quyết định về đối tượng tiêm của địa phương phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong ngày 15-7, có thêm 21.815 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng được hơn 4,18 triệu liều vắc xin, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là hơn 3,89 triệu và hơn 294.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Trước bối cảnh tình hình dịch phức tạp, lan rộng, số ca mắc tăng rất nhanh, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong cách ly như giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày; thí điểm cách ly F1 tại nhà. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố có thể áp dụng theo hướng dẫn nếu bảo đảm đủ tiêu chí, chuẩn và điều kiện.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược về xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, trước đây thực hiện xét nghiệm RT-PCR là chính, nay thực hiện test nhanh là chính. Điều này giúp giảm thời gian, tối ưu hóa xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng.
Thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, độ nhạy, độ đặc hiệu của test nhanh gần tương đương với xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn.
Để bảo đảm tiết kiệm và đẩy tốc độ trong sử dụng test nhanh, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Bộ Y tế cho phép các địa phương có thể gộp mẫu 3, 5 trong 1 lần test nhanh, tùy vào điều kiện, kỹ thuật lấy mẫu.
“Đây là sự thay đổi rất căn bản, quan trọng trong xét nghiệm. Chúng ta cách ly những vùng lõi, phong tỏa vùng nguy cơ rất cao; thực hiện test nhanh 3 – 5 ngày/lần, khi phát hiện ca nghi nhiễm là lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR khẳng định. Mục tiêu của chiến lược này là làm sao trả kết quả xét nghiệm càng nhanh càng tốt để giảm tốc độ lây nhiễm với cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng được người đứng đầu ngành Y tế đưa ra tại hội nghị, đó là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra quan điểm “4 tại chỗ” nhưng tại một số nơi vẫn trông chờ, ỉ lại, ngại mua sắm… Do đó, các địa phương cần chủ động, thực hiện quan điểm “4 tại chỗ”, trong đó phải chuẩn bị, kiểm tra lại năng lực các phòng xét nghiệm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ cấp thêm máy móc, sinh phẩm xét nghiệm trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, các địa phương không được bị động, trông chờ vào trung ương.
P.V