Viết để ký ức rực sáng

8:47 | 11/02/2022

’Chúng ta không thể nào đếm hết/ Những cái tên cao quý nơi này/ Khắc trên đá để những ai đến đây/ Chăm chú đọc những dòng tên vĩnh cửu/ Không ai bị lãng quên, không gì bị quên lãng’’.


Đó là những câu thơ của nhà thơ Nga Olga Berggols đã trở thành thành ngữ nói về sự tưởng niệm đối với những người hy sinh trong chiến tranh Vệ quốc. Sự tưởng niệm này đã trở thành lẽ sống thường trực trong tâm trí những người lính trở về. Những cuộc gặp mặt diễn ra hàng năm, những lần trở lại chiến trường xưa, những cuộc kiếm tìm hài cốt đồng đội…như những ánh đèn pha, rọi vào quá khứ. Những người lính còn viết hồi ký, làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc…ghi lại những tháng năm gian khổ nhưng vô cùng sáng đẹp của đời quân ngũ. Trong thời đại internet, họ làm blog, viết facebook, làm youtube… để kể chuyện chiến trận. Hàng trăm trang mạng ra đời song vẫn chưa kể hết những ký ức trận mạc. Trong phạm vi bài nay, tôi chỉ có thể viết một phần về những trang hồi ức của các cựu chiến binh sư đoàn 307 của tôi.

Những trang hồi ức của các cựu chiến binh chiến trường K đều có điểm chung là rất chân thực, rất sinh động. Đọc lên, cảm thấy các trận đánh như vừa xảy ra hôm qua. Bởi họ viết bằng chính sinh mạng của mình. Những người đồng đội viết bình luận như những nhân chứng chân chính. Họ xác nhận từng chi tiết, bổ sung cho bài viết đầy đủ hơn, tin cậy hơn. Và tất cả các cây bút , từ cấp tiểu đội đến sư đoàn đều có chung một ý nghĩa: viết không phải để trở thành nhà văn; viết để những con người, năm tháng và cuộc đời không chìm vào sự quên lãng mà luôn chói sáng giữa dòng đời cuộn trôi.

Tôi rất thích đọc hồi ức của cựu chiến binh Lê Minh Thư, một lính cối ở tiểu đoàn 7, trung đoàn 29. Anh kể chuyện lần đi truy quét mùa mưa năm 1980 giữa núi rừng Anlung Viêng. Hành quân lội nước mấy ngày. Người và ba lô ướt nhoét. Song ai cũng cố giữ vũ khí thật khô. Gặp địch tác chiến ngay. Cuối ngày, mọi người phải căng tăng che mưa giúp anh nuôi nấu cơm. Nhưng một đêm, trung đội đang mắc võng ngủ ngon lành bên suối, không ngờ lũ dâng cao. Bao nhiêu xoong nồi cùng chảo, xẻng trôi đi hết. Sáng ra, cả trung đội sửng sốt. Không có cái ăn thì đánh đấm nỗi gì. Đại phó chỉ huy điện về tiểu đoàn, xin rút quân.

Lại chuyện khác. Có lần, Thư đi cáng thương. Hai người một cáng. Hai lính gày ốm è cổ cáng một thương binh béo mập. Đang đi, bỗng rơi vào ổ phục của địch. Tiếng hoả lực B40 cùng AK nổ đanh bên tai . Thư cùng đồng đội chưa kịp tìm chỗ nấp, bỗng thấy cáng nhẹ tênh. Thì ra, chàng thương binh to con kia đã vội nhảy xuống, biến nhanh vào rừng. Khi trận đánh dứt, mãi sau mới tìm thấy. Dưới bài viết, lính tráng thi nhau bình luận.’’ Thương binh nhảy là đúng. Có kinh nghiệm dính thương rồi. Hehe…’’; “Mình biết, anh thương binh này. Khi về S’tung T’reng, vết thương lành. Ra dân tán gái như khướu’’.

Không những kể về các trận đánh, Thư còn ghi lại những ấn tượng khó quên trên đất bạn. Đây là đoạn anh viết về tiếng gọi gà của người Kh’mer: R..Rú.ú ú mọ ọ ọ!….Tiếng gọi gà của dân Campuchia đó. Nghe nó cứ hay hay, đểu đểu, buồn cười. Nhưng phải nghe trực tiếp người phụ nữ Khmer mới thấy nó hay hay, đểu đểu, buồn cười. Chúng tôi cũng nuôi gà và cũng gọi gà: RÚ MỌ. Ấy là vì thấy nó hay hay, đểu đểu, buồn cười và cũng sợ gà Miên không biết tiếng Việt nên cứ rú mọ mà gọi, gà về đầy sân…

Cuối năm 1982, tôi nhận được “Chát” đi học sỹ quan lục quân 3. Một mình đi qua phum Choăm Sre, đến cuối phum có một cây gỗ bắc qua dòng suối nhỏ. Đang bước trên cây gỗ bỗng nghe tiếng R.RÚ…MỌ của người dân gọi gà vang ra. Tôi giật mình trượt chân ngã xuống suối, cằm va vào cây gỗ dớm máu thành vết sẹo ở cằm. Tôi đứng dậy, mỉm cười và vẫn thấy tiếng gọi gà hay hay, đểu đểu, buồn cười của người dân Campuchia. Đó cũng là tiếng gọi gà cuối cùng tôi được nghe trên mảnh đất đầy gian khổ ác liệt cách đây trên bốn chục năm’’.

Trên Facebook “Hồi ức chiến binh F 307’’ có nhiều bài viết của tác giả Dương Văn Y. Anh là lính của đại đội hoả lực. Anh kể nhiều chuyện đi tuần, đi phục, nhiều khi rơi vào bẫy địch trên con đường lên chùa Preach Vihia rất gay cấn. Rồi những chuyện lên chốt biên giới Campuchia – Thái Lan, lính tráng chiến đấu lỳ lợm ra sao. Câu chuyện nào cũng đầy chất lính. Giọng văn địa phương mang sắc thái miền Trung càng bộc lộ tính cách con người vùng nắng mưa bão tố dữ dội. Đây là đoạn anh viết về khoảng thời gian nghỉ trên đỉnh dông 600 của trung đội thiếu: “Nửa tháng sáu, trời thấp hơn. Mưa nhiều. Đá bốc hơi. Sương trắng dày đặc bao phủ núi rừng, sáng sớm tầm nhìn chỉ vài chục thước. Chiều về, mặt trời chưa lặn, sương mù đã là đà sát đất. Trời tối liền liền. Gặp ngày mưa xem như ngày cũng như đêm, ngồi trong hang đá mù mờ, âm u, ẩm ướt. Chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Thằng Nhân đi lùng ở khối E bộ mượn được bộ bài cũ mèm… Đánh bài, ngủ dật dựa hoài cũng chán. Chúng tôi xách súng len lỏi theo lối mòn uốn lượn dưới chân vách đá, chắc trước đây là đường ống để đi tuần tra của địch.

Ban đầu đi gần, lần sau đi xa hơn để may ra gặp con chồn, con cheo, tỉa về nấu giả cầy. Núi đá có nhiều kỳ đà sinh sống, loại này trúng vài phát đạn vẫn trơ trơ ôm chặt thân cây, có lúc phải trèo lên gở xuống.

Hôm nọ đi đã khá xa ,chúng tôi thấy sát đường ống còn phơi nguyên bộ xương. Không thấy vũ khí , áo quần gì. Chỉ còn lại cái quần đùi gói bộ xương chậu và cái mũ lính Pol Pot bị thủng…
Tân binh đợt 1/84 về đơn vị, tạm thời ở hết chỗ tôi. Lính lần này ở nội thành Đà Nẵng, rất lạ lẫm với núi rừng. Tối, thằng Thanh nằm kề tôi. Nó nghiêng mình vào vách đá, im thin thít. Tôi tâm sự:”Ngủ rồi nê em, sao nằm cứng đờ vậy?”

– Dạ, em chưa ngủ, cựa mình sợ anh lở giấc.
– Buồn quá phải không? Nhớ bồ hay nhớ mẹ?

Thanh trút bầu tâm sự: hôm kia biên chế, biết tụi em về đơn vị này, mấy anh lính cũ nói: “Bây trúng Trung đoàn hai chán rồi. Xui xẻo!”

‘’Mấy ổng dọa, em thấy rồi đó. Ở đây chơi không, bom nổ cũng khỏi lo, yên tâm đi mấy anh sống sao, mấy em sống vậy. Không có phân biệt lính mới, lính cũ gì hết’’.

Mấy đứa lính Thành phố nhập cuộc ban đầu còn lớ ngớ nhiều việc nhưng ăn rất chăm chỉ. Như bị bỏ đói lâu ngày… Ngó thấy mấy lính mới ăn cơm mà thương. Từ hôm về đây bữa ăn nào cũng cạo xoong sột sột. Món lá mì muối chua xào cùng củ chuối mùi hăng hắc, canh nõn chuối cây chan chác cũng vét sạch nồi.

“Ăn không ngồi rồi!”. Mấy ông lính cựu quen biết nhiều ,đi lung tung cho khuây khỏa. Còn mấy đứa lính mới buồn buồn. Lạ người, khác cảnh, chẳng dám đi đâu. Quanh qua quẩn lại, ngủ. Chưa được chục hôm đã thấy xanh da, bạc mắt, ỉu xìu như cây ngô vừa bị ngập úng, cứ cái đà này sẽ chết yểu! Không thể nghỉ ngơi ở đây nữa vì sợ sốt rét. Phía trên hang, nơi để khẩu pháo, thông thoáng, gió thổi hiu hiu sao mình không ở nhỉ?

Cái khó ló cái khôn, vậy là hang đá trở thành nhà bếp. Hôm sau chúng tôi men theo vách đá nghiêng nghiêng hệt như bờ kè ở triền sông, y như taluy đê chắn sóng nơi bờ biển, “dời đô “đến trảng bằng cao nhất dông này. Chọn vị trí thuận lợi nhất, ưu tiên mấy chú lính tơ… Móc võng, đung đưa hứng từng chút nắng, sấy khô màu da bị bủng rẹt ở đỉnh dông này…’’

Tác giả Phương Trần là bút danh của người lính vận tải Trung đoàn 95. Sau khi giải ngũ, anh vào đại học. Tốt nghiệp, làm thày giáo. Song, dù kể nhiều chuyện về quê hương, tuổi thơ… Phương Trần vẫn đau đáu kỷ niệm đời lính. Đây là đoạn văn anh viết về một trận đánh của đơn vị anh bên sông Mekong: ’’Địch đã đợi quân ta đến đủ gần mới nổ súng, trung đội đi đầu chết và bị thương gần hết sau loạt đạn đầu. Cả đoàn quân biến mất gần như tức thì. Tôi không biết mình đã lăn như thế nào để nằm nép mình bên vệ đường, và mất bao nhiêu giây để cả đoàn quân tản hết vào rừng, bỏ lại mặt đường nhựa vắng tanh như chưa hề có bóng người xuất hiện. Địch ở thế cao, đạn bắn tà âm, tiếng nổ của các loại hỏa lực, tiếng đầu đạn 12li7 xé gió nghe cứ như đang xẹt ngang qua đầu, đạn cày xé mặt đường nhựa, cát đá bay rào rào phủ trên đầu như ghìm chặt người lính xuống đất. Chỉ mấy phút địch dội bão lửa mà dài như hàng thế kỉ. Đạn địch vừa ngớt đã nghe tiếng tiểu đoàn trưởng Nho giục quân tiến lên. Tôi và Thanh được lệnh lên kéo xác một chiến sĩ của C6 phía trước mặt chỉ cách chỗ tôi nằm chừng năm mét. Đồng đội này mang B40, tôi chứng kiến trọn vẹn cảnh anh xông ra theo lệnh của trung đội trưởng:

– B40! Bắn!

Sau phát đạn của anh, gần như tức thì là phát B40 của địch đáp trả. Có lẽ quân địch đã giương súng sẵn sàng nên phát đạn quá nhanh và chính xác. Tôi và Thanh đã phải kéo vạt áo lên để dập lửa đang cháy trên tóc anh. Quả đạn đã xé nát hông, vắt ngược chân lên vai.

Mặc cho tiểu đoàn trưởng Nho thúc, quân C6 vẫn không lên nổi. Tôi thấy tiểu đoàn trưởng Nho chỉa súng vào đầu anh Trang:

– D.M. thằng Trang, mày có cho lính lên không?

…Vẫn không lên được, tiểu đội đi đầu thương vong gần hết, hỏa lực quân ta rời rạc, vừa lộ hỏa điểm là đạn địch tập trung dội vào, những tràng 12li7 khoá tầm quét sát mặt đường tựa như một lưỡi dao dài phạt ngang bất kì vật cản nào nó gặp. Có lẽ đến lúc này các vị chỉ huy mới tỉnh ra, lệnh cho quân nằm yên chờ tăng T54 lên. Bọn tôi được lệnh lui xuống để tăng khai hoả, tôi đang lom khom chạy xuống thì nghe tiếng quát rất to lẫn trong tiếng gầm rú của xe tăng:

Tiếng đề pa của pháo 100 trên tăng T54 thật uy lực, rung chấn xuống mặt đường dội vào ngực. Phát đầu tiên vượt tầm vài chục mét, phát thứ hai dội ngay vào hầm 12li7 tung cả xác địch và cả khẩu 12li7 lên không. Thêm mấy quả pháo 100 nữa, cày nát vị trí chốt của địch…’’

Còn rất nhiều những trang viết của các cựu chiến binh khác như Nguyễn Thuỷ, Lê Minh Quốc, Trần Tuấn Bảo, Nguyễn Minh Toàn, Châu Ngọc Văn, Hạnh Nguyễn, Thái Hạnh, Xửng Cồ, Trần Đào Hiền Nhân… mà dung lượng bài viết này không thể trích. Đặc biệt, tác giả Nguyễn Tuấn, lính trinh sát tiểu đoàn 8, người phụ trách Facebook ‘’Hồi ức chiến binh F307’’ không những là nhà điêu khắc có tiếng, anh còn là cây viết chủ lực của trang. Những câu chuyện được anh tập hợp thành cuốn truyện có tên là ‘’Cỏ cháy vùng biên’’. Tự in kiểu photcopy rồi tặng đồng đội, bạn hữu trên Facebook. Anh dí dỏm kể chuyện lính ăn thịt kỳ đà ra sao; chuyện lính hút nhầm tài mà, cả đêm truy quét, nằm ngay bên địch mà có anh say thuốc cứ cười khùng khục; chuyện con hổ vấp mìn bị chết, nhưng lính ta mò vào lấy răng hổ, râu hổ lại bị vấp mìn tiếp; chuyện cả tiểu đội trinh sát ăn cá bị say đứ đừ vì cá ăn hạt mã tiền; chuyện thương binh trên chốt dài cổ chờ trực thăng xuống, nhưng ‘’thiên thần’’ đến lại không dám hạ cánh… Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép làm thành bức tranh toàn cảnh khốc liệt nhưng rất đẹp của những chiến binh tình nguyện trẻ tuổi trên chiến trường K.

Mỗi người lính, từ góc độ của mình, góp những câu chuyện mà mình chứng kiến, mà mình trải qua. Những câu chuyện ánh lên vẻ đẹp nguyên chất. Vẻ đẹp của sự thật. Vẻ đẹp của sự trung thực. Vẻ đẹp của sự tin cậy giữa bạn đọc và người viết. Dẫu đôi chỗ họ còn viết sai chính tả, nhưng những trang viết của họ vẫn là vàng ròng. Bởi họ viết từ chính máu xương của họ đã đổ ra trên quê hương Tình nguyện. Họ không những góp công tiêu diệt chế độ diệt chủng mà còn giúp nhân dân xứ sở Chùa Tháp hồi sinh và phát triển.

Đoàn Tuấn

Báo An Ninh Thế Giới số 169 tháng 2/2022


Cùng chuyên mục

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế