VIẾT – Abdulrazak Gurnah

13:51 | 14/12/2021

 

Nhưng viết không thể chỉ là viết về sự đấu tranh và những cuộc luận chiến, dù nó có mang lại sự khích lệ và an ủi đến đâu. Viết không phải là về một điều này, không phải là về vấn đề này hay khác, hoặc quan niệm này hay khác, và vì cuộc sống con người bằng cách này hay khác luôn là mối quan tâm của nó, nên sớm hay muộn sự tàn bạo, tình yêu và sự yếu đuối sẽ trở thành chủ đề của viết. Tôi tin rằng viết cũng phải chỉ ra cái có thể khác đi, cái mà một cặp mắt quyền uy dữ tợn không thể nhìn thấy, cái làm cho những con người vóc dáng có vẻ nhỏ bé cảm thấy tin tưởng vào chính mình bất luận sự khinh miệt của những kẻ khác. Vì vậy tôi thấy cần thiết phải viết về những cái đó, viết sao cho thật chân thực, sao cho cả sự xấu xa và sự đức hạnh đều nổi lên rõ rệt, và con người hiện ra không bị rơi vào sự giản lược và khuôn sáo. Khi làm được thế, một kiểu cái đẹp mới sẽ xuất hiện.


(Abdulrazak Gurnah sinh 20/12/1948 là nhà văn gốc Tanzania hiện sống ở Anh. Ông sinh ra tại quần đảo Zanzibar và đến Anh tị nạn vào thập niên 1960 sau cuộc cách mạng nổ ra ở quê nhà. Cùng với việc viết văn ông còn là giáo sư giảng dạy văn chương Anh và văn chương hậu thuộc địa tại Đại học Kent. Hiện nay ông đã nghỉ hưu.

Abdulrazak Gurnah viết văn bằng tiếng Anh, dù tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Swahili. Tất cả các tác phẩm của ông đều xoay quanh chủ đề thuộc địa. Ông đã in mười tiểu thuyết: Memory of Departure (1987), Pilgrims Way (1988), Dottie (1990), Paradise (1994), Admiring Silence (1996), By the Sea (2001), Desertion (2005), The Last Gift (2011), Gravel Heart (2017), Afterlives (2020).

Abdulrazak Gurnah được trao giải Nobel văn chương 2021 vì “sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy đồng cảm vào những tác động của chủ nghĩa thực dân và các số phận của người tị nạn bị kẹt trong hố thẳm giữa các nền văn hóa và các lục địa” như lời tuyên dương của Ủy ban Nobel. Ngày 7/12/2021 tại Đại sứ quán Thụy Điển ở London (Anh) ông đã nhận giải và phát biểu bài diễn từ Nobel của mình.)

*

Viết bao giờ cũng là một khoái thú. Ngay khi còn là một cậu bé đến trường tôi đã rất trông đợi những giờ học dành riêng cho việc viết truyện hay bất cứ cái gì mà các thầy cô nghĩ là sẽ chúng tôi thích thú, nhiều hơn bất cứ môn học nào khác theo thời khóa biểu. Khi đó ai trong lớp cũng đều im lặng, chăm chú cúi xuống bàn, cố moi ra trong trí nhớ và óc tưởng tượng một điều gì đó đáng để viết ra. Những nỗ lực này của các cô cậu học sinh không nhằm để nói ra một điều gì đặc biệt, để diễn tả một ý kiến mạnh mẽ hay thể hiện một mối bất bình. Những nỗ lực đó cũng không nhắm đến một độc giả nào khác ngoài người thầy đang thúc chúng làm bài tập để rèn luyện cho chúng kỹ năng viết. Tôi viết vì tôi được dạy viết và vì tôi thấy khoái thú trong việc luyện viết đó.

Nhiều năm sau, khi đã là một thầy giáo phổ thông, tôi đã có lại trải nghiệm này nhưng theo hướng đảo ngược, khi tôi ngồi im trong lớp còn các học sinh thì cúi xuống làm bài. Cảnh tượng đó gợi tôi nhớ lại bài thơ “The Best of School” của D.H. Lawrence mà tôi xin dẫn ra đây mấy câu:

Khi tôi ngồi một mình trên bờ lớp học

Quan sát các cậu học sinh mặc đồng phục mùa hè

Chúng viết bài, những cái đầu tròn cúi xuống bận rộn:

Hết đứa này đến đứa kia ngọ nguậy,

Khuôn mặt nó nhìn tôi

Suy nghĩ rất lặng lẽ

Như nhìn mà chẳng thấy.

Rồi nó lại khẽ quay mặt đi, hân hoan

Mải làm bài nó lại quay mặt đi khỏi tôi

Khi đã tìm thấy cái nó muốn, có được cái nó cần có.

Giờ học viết như tôi đang nói và như bài thơ này gợi lại, không phải là viết như thấy sau này. Nó không phải được định hướng, được chỉ đạo, được làm đi làm lại, được tổ chức lại một cách bất tận. Trong sự hưng phấn thời trẻ ấy tôi đã viết liền một mạch, có thể nói như thế, không chút do dự hay sửa chữa, với rất nhiều sự ngây thơ hồn nhiên. Tôi cũng đã đọc sách với sự tùy hứng như vậy, không theo một định hướng nào, hồi ấy tôi chưa biết là hai hoạt động này có quan hệ mật thiết với nhau. Thỉnh thoảng, khi không phải dậy sớm để đến trường, tôi đọc sách đến tận khuya khoắt khiến cha tôi, người hơi bị chứng mất ngủ, buộc phải đi sang phòng tôi bắt tắt đèn. Bạn không thể cả gan nói với ông là bố vẫn còn thức đấy thôi thì sao con lại không được thức, bởi vì bạn không thể nói với cha mình như vậy được. Bất luận thế nào thì ông vẫn mất ngủ trong bóng đêm, nhưng tắt đèn là để không làm phiền đến mẹ tôi, vì thế lệnh bắt phải tắt đèn vẫn có hiệu lực.

Việc viết và đọc về sau này có kỷ luật hơn so với kinh nghiệm tùy hứng của tuổi nhỏ, nhưng không bao giờ thôi là một khoái thú và hầu như không hề là một sự vật lộn, đấu tranh. Mặc dù dần dần nó đã là một loại khoái thú khác. Phải mãi khi sang Anh tôi mới hiểu điều này một cách đầy đủ. Chính tại đó, trong nỗi nhớ nhà dằn vặt và giữa những âu lo của cuộc sống nơi đất khách quê người, tôi bắt đầu suy nghĩ về nhiều điều mà trước không hề nghĩ đến. Để thoát ra khỏi thời kỳ ấy, thời kỳ nghèo khổ và xa lạ kéo dài ấy, tôi bắt đầu thực thi một kiểu viết khác. Tôi thấy rõ hơn điều mình cần phải nói lên, nhiệm vụ mình cần phải thực hiện, những sự hối tiếc và bất bình mình cần phải chỉ ra và xem xét.

Trước tiên tôi nghĩ đến điều mình đã bỏ lại phía sau trong chuyến bay liều lĩnh rời khỏi quê nhà. Những sự hỗn loạn sâu sắc đã ập xuống cuộc đời chúng tôi vào giữa thập niên 1960 mà những cái đúng cái sai của nó đã bị che lấp bởi những sự tàn bạo đi kèm các thay đổi do cuộc cách mạng năm 1964 đưa lại: giam giữ, hành quyết, trục xuất và vô số những sự sỉ nhục và đàn áp lớn nhỏ. Sống giữa những sự kiện đó và với tâm trí của một thanh niên, thật khó có thể suy nghĩ được rạch ròi về những hậu quả lịch sử và tương lai của những gì đang diễn ra.

Chỉ đến những năm đầu sống ở Anh tôi mới có thể suy nghĩ về những vấn đề đó, tập trung vào những việc tồi tệ mà có thể chúng tôi đã gây ra cho nhau, xem xét lại những sự dối trá và ảo tưởng mà chúng tôi đã tự phỉnh nịnh mình. Những trang lịch sử của chúng tôi chỉ nói được một phần, còn nhiều những sự tàn bạo khác đã bị lờ đi. Các đường lối chính trị của chúng tôi mang tính phân biệt chủng tộc và trực tiếp dẫn đến những sự truy bức đi liền với cuộc cách mạng, khi những người cha bị giết chết ngay trước mặt con cái mình và những cô con gái bị cưỡng hiếp ngay trước mặt mẹ mình. Sống ở Anh, cách xa những sự kiện đó nhưng tâm trí vẫn bị chúng ám ảnh, có lẽ sự kháng cự của tôi đối với sức mạnh của những ký ức như thế ít hơn là nếu tôi đang sống giữa những người vẫn đang phải hứng chịu các hậu quả của chúng trong đời sống. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức khác không liên quan đến các sự kiện đó: sự độc ác mà các bậc bố mẹ gây ra cho con cái mình, cách mọi người không dám lên tiếng thể hiện mình do những giáo điều về xã hội và giới, sự bất bình đẳng gây ra cảnh nghèo đói và phụ thuộc. Đó là những vấn đề hiện diện trong toàn bộ đời sống con người chứ không riêng gì cho chúng tôi, nhưng chúng không phải lúc nào cũng được các ngài quan tâm chừng nào các ngài chưa bị những hoàn cảnh bắt phải biết đến chúng. Tôi ngờ rằng đây là một trong những gánh nặng của những người trốn chạy khỏi cơn chấn thương và tìm cho mình một cuộc sống an toàn cách xa khỏi những người bị bỏ lại phía sau. Rốt cuộc tôi bắt đầu viết về một số những suy tư đó, chưa phải theo cách có lớp lang hay tổ chức, chưa đâu, mà chỉ cốt để giải tỏa một phần nhỏ những sự hỗn độn và bất định trong tâm trí mình.

Tuy nhiên theo thời gian rõ ràng là có điều gì đó rất đáng lo ngại đã diễn ra. Một lịch sử mới, giản lược hơn đã được viết nên, nó làm thay đổi và thậm chí xóa nhòa những gì đã diễn ra, cấu trúc lại chúng cho phù hợp với thực tế của thời điểm. Cái lịch sử mới và giản lược hơn đó không chỉ là công việc tất nhiên của bên thắng cuộc, những người tùy tiện tạo nên câu truyện theo sự lựa chọn của họ, mà nó còn thích hợp cho các nhà bình luận và các học giả, thậm chí là các nhà văn, những người không thực sự quan tâm đến chúng tôi hoặc nhìn chúng tôi thông qua cái khung phù hợp với cách nhìn thế giới của họ, những người đòi hỏi một câu truyện quen thuộc về sự giải phóng chủng tộc và sự tiến bộ.

Khi đó thì cần phải cự tuyệt một thứ lịch sử như thế, thứ lịch sử không đếm xỉa gì đến những đối tượng vật chất làm chứng cho một thời trước đó, những tòa nhà, những thành tựu và những sự dịu dàng đã làm cho cuộc sống trở nên có thể. Nhiều năm sau tôi đã đi qua những đường phố trong thị trấn mà tôi đã lớn lên và thấy sự xuống cấp của những đồ vật, nơi chốn và những con người sống đến đầu bạc, móm mém, với nỗi lo sợ bị mất ký ức về quá khứ. Cho nên cần phải nỗ lực giữ gìn ký ức đó, viết về những cái đã có ở đó, tìm lại những thời khắc và những câu chuyện mà mọi người đã sống qua và nhờ đó họ hiểu chính mình. Cần phải viết về những sự truy bức và sự tàn bạo mà những nhà cầm quyền của chúng tôi thích tụng ca chính mình cứ muốn tẩy xóa khỏi ký ức chúng tôi.

Cũng còn có một cách hiểu khác về lịch sử cần phải nêu lên, một cách hiểu mà tôi cảm thấy rõ ràng hơn khi tôi sống gần hơn với nguồn gốc của nó ở Anh, rõ ràng hơn so với khi tôi học trong hệ thống giáo dục thuộc địa ở Zanzibar. Chúng tôi, những người thuộc thế hệ chúng tôi, là những đứa con của chủ nghĩa thực dân theo cái cách mà cha mẹ chúng tôi cũng như những người đến sau chúng tôi không phải là thế, hoặc ít nhất không phải theo cách giống thế. Nói thế tôi không có ý nói là chúng tôi xa lánh những điều cha mẹ chúng tôi coi trọng hay là những người đến sau chúng tôi được giải thoát khỏi ảnh hưởng thuộc địa. Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi đã lớn lên và được giáo dục vào một thời kỳ tự tin cao độ của chủ nghĩa đế quốc, ít nhất là ở cái phần thế giới mà chúng tôi sống, khi nền thống trị ngụy trang cái “Tôi” thực của nó bằng phép uyển ngữ và chúng tôi chấp nhận rơi vào bẫy. Ý tôi nói đến thời kỳ trước khi các chiến dịch giải thực dân trên toàn khu vực đạt được những bước đi dài thức tỉnh chúng tôi chú ý đến những sự cướp bóc của giới cầm quyền thuộc địa. Những người đến sau chúng tôi có những sự vỡ mộng của họ về chế độ hậu thuộc địa và có những sự tự đánh lừa mình để tự an ủi, và có lẽ họ không thấy được rõ ràng hoặc đủ sâu sắc cái cách mà chế độ thuộc địa đã làm thay đổi cuộc đời của chúng tôi, không hiểu rằng những sự tham nhũng và cai trị tồi tệ trong chừng mực nào đó cũng là một phần của di sản thuộc địa.

Một số những vấn đề này tôi thấy rõ hơn khi ở Anh không phải vì tôi đã gặp những người làm rõ chúng cho tôi qua các cuộc chuyện trò hay trong lớp học, mà vì tôi đã hiểu rõ hơn cách mà một ai đó như tôi hiện hình trong một số câu chuyện của họ về chính họ, cả trong những bài viết lẫn trong những khi đàm đạo bất chợt, trong những câu chuyện trêu đùa về nạn phân biệt chủng tộc trên TV và ở mọi nơi, trong sự thù ghét không cố ý mà tôi bắt gặp hàng ngày ở các cửa hàng, công sở và trên xe buýt. Tôi không thể làm gì với sự chào đón như thế, nhưng cũng như tôi học đọc để hiểu rõ hơn, một ý muốn đã lớn lên trong tôi, ý muốn viết để cự tuyệt những sự tóm lược quá tự phụ của những kẻ khinh miệt và hạ thấp chúng tôi.

Nhưng viết không thể chỉ là viết về sự đấu tranh và những cuộc luận chiến, dù nó có mang lại sự khích lệ và an ủi đến đâu. Viết không phải là về một điều này, không phải là về vấn đề này hay khác, hoặc quan niệm này hay khác, và vì cuộc sống con người bằng cách này hay khác luôn là mối quan tâm của nó, nên sớm hay muộn sự tàn bạo, tình yêu và sự yếu đuối sẽ trở thành chủ đề của viết. Tôi tin rằng viết cũng phải chỉ ra cái có thể khác đi, cái mà một cặp mắt quyền uy dữ tợn không thể nhìn thấy, cái làm cho những con người vóc dáng có vẻ nhỏ bé cảm thấy tin tưởng vào chính mình bất luận sự khinh miệt của những kẻ khác. Vì vậy tôi thấy cần thiết phải viết về những cái đó, viết sao cho thật chân thực, sao cho cả sự xấu xa và sự đức hạnh đều nổi lên rõ rệt, và con người hiện ra không bị rơi vào sự giản lược và khuôn sáo. Khi làm được thế, một kiểu cái đẹp mới sẽ xuất hiện.

Một cách nhìn như thế sẽ có chỗ cho sự mỏng manh và yếu đuối, cho sự dịu dàng giữa sự tàn bạo, và cho khả năng bộc lộ sự tử tế ở những nguồn không ngờ tới. Chính vì những lý do đó mà viết đối với tôi là một phần quan trọng và hấp dẫn của cuộc đời tôi. Tất nhiên là còn có những phần khác nhưng đó không phải là câu chuyện nói hôm nay ở đây. Nhờ một phép màu nào đó mà niềm khoái thú do viết đưa lại như tôi đã nói ở đầu bài này vẫn còn ở bên tôi sau hàng chục năm qua.

Cho phép tôi bày tỏ lời cám ơn sâu sắc nhất của mình đến Viện Hàn lâm Thụy Điển vì đã ban tặng vinh dự lớn này cho tôi và công việc của tôi. Tôi vô cùng biết ơn.

 

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh – Diễn từ Nobel văn chương 2021

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình