Đại dịch Covid-19 đã đưa đến hệ lụy tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu là tình trạng thiếu hụt lao động.
Một số ngành công nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng mặc dù đưa ra một số đãi ngộ hấp dẫn.
Matt Piszczek, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Wayne (Mỹ) phát biểu rằng nhiều người bắt đầu suy nghĩ lại về sự nghiệp, các mục tiêu ưu tiên của họ sau khi đại dịch ập đến. Ông Piszczek nói: “Đại dịch đã cho họ cơ hội để suy ngẫm về những điều quan trọng. Vì vậy, những công việc có tính linh hoạt trở nên quan trọng hơn là thêm một đô la một giờ”.
Mỹ đang thiếu khoảng 4,3 triệu lao động
Nguồn lao động khan hiếm đang trở thành áp lực của nền kinh tế Mỹ. Các biện pháp tạm thời được đưa ra là định hình lại lực lượng lao động và thúc đẩy các công ty thích ứng bằng cách tăng lương, đổi mới dịch vụ và đầu tư vào tự động hóa.
Tuy nhiên, người lao động đang bỏ việc ở mức bằng hoặc gần mức cao nhất được ghi nhận trong các lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ và thương mại, vận tải và tiện ích, cũng như ngành dịch vụ và kinh doanh.
Điều này khiến các nhà tuyển dụng lớn khó đạt được các mục tiêu tuyển dụng đầy tham vọng cho kỳ nghỉ lễ. Amazon và Walmart đã công bố kế hoạch tuyển dụng hơn 300.000 công nhân trong những tháng tới, trong khi UPS và FedEx đang hy vọng sẽ thuê gần 200.000 nhân viên gói hàng và các công nhân trong lĩnh vực khác khi Giáng sinh đang tới gần.
Tình trạng thiếu công nhân tại một số nước công nghiệp tại Đông Nam Á
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại nhà nghiên cứu IHS Markit, nói trong một cuộc phỏng vấn với Insider: “Sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế ở nhiều thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ và EU, đang thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của ASEAN. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng sẽ vẫn tồn tại. Khiến các ngành lương thấp như sản xuất và nông nghiệp dễ bị tổn thương cho đến khi biên giới được nới lỏng.”
Ở Malaysia, ngành công nghiệp dầu cọ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động tương tự, nhưng với lao động nhập cư nước ngoài.
Malaysia sản xuất khoảng một phần ba lượng dầu cọ trên thế giới; Dầu cọ được sử dụng trong các sản phẩm khác nhau, từ socola đến chất tẩy rửa và dầu gội đầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu cọ của nước này từ lâu đã phụ thuộc vào lao động nhập cư từ các nước như Indonesia và Bangladesh để thu hoạch vụ mùa.
Công nhân thu hoạch cọ dầu tại Malaysia. Nguồn: Getty Images.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trong nước – tăng vọt hơn bốn lần trong hai tháng lên khoảng 25.000 trường hợp mỗi ngày vào cuối tháng 8 – quốc gia này đã đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Theo New Straits Times, người lao động nhập cư đã rời khỏi đất nước và nhiều người không thể quay trở lại, mặc dù chính phủ gần đây đã nới lỏng các hạn chế để cho phép khoảng 32.000 người lao động quay trở lại.
Nhưng đó là chưa đến một nửa trong số 75.000 lao động mà ngành đang thiếu, theo báo cáo của New Straits Times.
Các đồn điền cọ dầu ở Malaysia đã cố gắng lôi kéo những người lao động địa phương có mức lương cao hơn đến làm việc và sử dụng nhiều máy móc hơn. Nhưng người lại không quan tâm đến những gì họ coi là “bẩn thỉu, nguy hiểm và hạ thấp giá trị”, Bloomberg đưa tin.
Ở nước láng giềng Thái Lan, các nhà máy và trang trại từng tiếp nhận hơn 1 triệu lao động nhập cư từ nước láng giềng Myanmar đã phải hứng chịu một đợt thiệt hại kép.
Theo Frontier Myanmar, hàng trăm nghìn người trong số họ đã ra đi vì đại dịch. Và cuộc đảo chính quân sự của Myanmar vào đầu năm nay đã tạo ra sự nghi ngờ và gây ra sự chậm trễ trong việc gia hạn giấy phép lao động, tờ Bangkok Post đưa tin.
Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu xe cộ, phụ tùng xe hơi, thiết bị điện tử và thực phẩm, và cuộc khủng hoảng lao động đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các phân khúc cấp thấp hơn như nông nghiệp. Bộ Lao động Thái Lan đang tìm cách lấp đầy các vị trí này với lao động địa phương, Bangkok Post đưa tin.
Nhưng với ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia, Thái Lan có thể thấy sứ mệnh này là một nhiệm vụ khó khăn. “Đó là những công việc mà người lao động Thái Lan không muốn làm”, Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với Reuters.
Các nhà máy ở Việt Nam cũng đang đau đầu tìm công nhân
Sau khi thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp để về quê.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 3 năm nay, cả nước có 4,7 triệu người mất việc làm, trong đó có 1,7 triệu người thất nghiệp, tăng 532.200 người so với quý trước.
Công nhân tại nhà máy may tại Việt Nam. Nguồn: Getty Images.
Về vấn đề thiếu hụt nguồn lao động tại Việt Nam, Nikkei đưa tin: “Những đợt giãn cách trước đó đã gây ra nhiều vấn đề, trong đó có việc trì hoãn giao hàng iPhone 13 của Apple”. Nike cũng đưa ra lời cảnh báo về “những trở ngại trong chuỗi cung ứng” tại Việt Nam.
Các khu công nghiệp đang cố gắng để đưa công nhân trở lại một cách an toàn, các biện pháp an toàn đặc biệt quan trọng ở một nước như Việt Nam, nơi chỉ có khoảng 17% dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins Coronavirus.
Tuy nhiên, việc đưa công nhân quay trở lại làm việc liệu có khả thi khi chỉ còn vài tháng nữa là tới Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Người lao động có xu hướng nghỉ ngơi và bắt đầu công việc lại vào đầu năm sau.
Với rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, nhiều người đang đặt câu hỏi khi nào cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc. Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động sẽ kéo dài ít nhất vài năm nữa. Trong số 52 nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát, 22 người đã dự đoán rằng nguồn lao động sẽ không bao giờ trở lại mức trước đại dịch.
LKLinh tổng hợp