Giữ chân trên bàn côn liên tục, đạp côn khi chờ đèn đỏ là thói quen xấu nên tránh khi lái xe số sàn.
Nhiều lái xe cho biết, đang di chuyển bình thường bỗng nhiên xe ỳ dần và rồi không còn chạy được nữa. Thậm chí có khi gài số, đạp ga thả hẳn chân côn, vòng tua máy vẫn lên cao nhưng xe không di chuyển được. Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của việc đạp chân côn liên tục làm hư bộ côn/ly hợp và hộp số sàn.
Hiện nay, có khá nhiều tài xế lái xe số sàn vẫn thường tác động lực lên bàn đạp côn, khi xe đã di chuyển. Thói quen này, vô tình ta sẽ tác động lực lên chân côn khiến việc tiếp xúc giữa 2 bề mặt ly hợp không được chặt chẽ. Lâu dần bộ ly hợp sẽ bị mòn và không còn hoạt động trơn tru, gây nên hiện tượng trượt ly hợp.
Đã có không ít chủ xe gặp phải trường hợp tương tự. Nhiều trường hợp nặng phải sử dụng xe cứu hộ để đưa xe về đại lý để khắc phục. Thông thường, để thay các lá bố ly hợp. Lái xe phải bỏ ra số tiền dao động từ 2-3 triệu đồng tuỳ từng loại xe.
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều chủ xe thuộc các thương hiệu khác, gặp những trường hợp như trên. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chiếc xe của bạn trở nên ỳ ạch , không còn độ vọt như lúc đầu.
Do đó, khi xe đã di chuyển, không nên rà chân côn quá nhiều như thói quen của không ít tài xế. Chỉ nên đạp chân côn khi chuyển số. Sau khi đã chuyển số, ta nên bỏ chân rời khỏi bàn đạp ly hợp.
Bên cạnh đó, khi di chuyển hằng ngày, các lái xe nên kết hợp nhuần nhuyễn giữa chân ga và chân côn, đặc biệt là khi leo dốc, hoặc trong địa hình gập ghềnh. Việc này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của bộ phận này trên xe.
Theo Baogiaothong