Hàu chứa nhiều kẽm, có tác dụng cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, làm tăng ham muốn nam giới.
Tiến sĩ dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết, hàu vốn được coi là thực phẩm tăng cường sinh lý phái mạnh do chứa nhiều kẽm. Ngoài tác dụng cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, kẽm còn được coi là nguyên tố cơ bản tạo nên các hormone nam testosterone. Đàn ông thiếu kẽm sẽ dẫn tới suy giảm ham muốn.
“Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với tuyến tiền liệt”, bà Lan cho biết. Mỗi một lần “thăng hoa”, người đàn ông có thể mất 2-6 miligam tinh dịch, đồng nghĩa với mất đi 300-900 micrôgam kẽm. Thiếu kẽm có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và những thay đổi khác ở tuyến sinh dục. Vì vậy, nam giới ăn hàu mỗi tuần để đủ cung cấp kẽm cho cơ thể.
Hàu chứa lượng kẽm cao, gấp hàng trăm lần so với các loại thịt, cá và ngũ cốc chứa kẽm khác. Ảnh: EatingWell
Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết. Ăn hàu có thể chữa được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt. Phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn… nên ăn hàu. Ngoài ra, kẽm trong hàu là vi chất thiết yếu giúp cơ thể chống lại các viêm nhiễm như cúm, nhanh lành vết thương.
Bạn có thể tự chế biến các món ăn bài thuốc tại nhà từ hàu như: hàu luộc, canh hàu rau hẹ, cháo hàu, canh hàu ngao cà rốt đậu đỏ… để cải thiện sức khỏe.
Chuyên gia Mộc Lan cho biết, ngoài tác dụng tăng cường sinh lý nam giới, hàu còn có nhiều tác dụng khác với sức khỏe cơ thể:
Tốt cho tim mạch
Trong hàu chứa nhiều axit béo không bão hòa, axit amin, lizin, góp phần sản xuất carnitine và giảm nồng độ cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Hơn nữa, hàm lượng cao magiê và kali trong hàu giúp giảm huyết áp và thư giãn các mạch máu. Vitamin E tăng tính linh hoạt và sức mạnh của màng tế bào.
Tốt cho da
Các khoáng chất kẽm trong hàu thúc đẩy collagen, hỗ trợ cấu trúc da và giảm chảy xệ. Ăn hàu, móng tay, da đầu và tóc khỏe mạnh hơn.
Cải thiện tâm trạng
Kẽm có nhiều trong vùng não Hippocampus, là nơi chịu trách nhiệm cho trí nhớ và cảm xúc. Nồng độ kẽm thấp có thể làm ức chế hoạt động thần kinh, góp phần dẫn đến các hành vi bất thường như bùng nổ cơn giận dữ, cáu gắt hay các hành vi cực đoan. Người thiếu hụt kẽm có nguy cơ mắc các chứng rối loạn như tự kỷ, hiếu động thái quá, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt.
Theo VnExpress