Vị giáo sư 17 năm không nhận lương hưu

9:22 | 26/11/2018

Câu chuyện về một nhà giáo rời giảng đường suốt 17 năm không nhận lương hưu “râm ran” gần đây trên mạng xã hội quả thật đã gây bất ngờ với rất nhiều người. 


 

Theo lẽ thường, trước một câu chuyện “lạ kì” như vậy, bất cứ ai cũng đều có quyền tìm cho ra nhẽ. Tại sao trong khi cuộc sống còn hết sức khó khăn, không ít người lúc nào cũng chỉ “đăm đắm” với đồng tiền, lại có người “lạnh lùng, thản nhiên” với nó như thế? Con người “kì dị” đó là ai? Ông là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Đính, giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội…

Thực ra, câu chuyện GS.NGND Nguyễn Kim Đính 17 năm liền không nhận lương hưu chỉ xuất phát từ một lý do rất bình dị. Ngày ông nhận sổ hưu do nhà trường cấp phát (năm 2001), thay vì phải đến Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân, nơi chỉ cách chỗ ở của ông chưa đầy trăm mét để làm các thủ tục hành chính cần thiết, rồi nhận tiền, ông lại cất “béng” tập hồ sơ đó vào ngăn kéo riêng với một suy nghĩ rất “giản dị”: số tiền hưu ít ỏi chỉ chưa đến 900 ngàn, nếu cứ phải hàng tháng đi lĩnh thì thật mất thời gian. Đã quen sống đơn giản, ông chúa ghét những việc “hành chính lằng nhằng”.

Thôi thì cứ để đó khi nào tiện thì lĩnh luôn thể. Ông cũng không ngờ cái “tiện thể” đó của mình kéo dài tới 17 năm. 17 năm, khi thì ông sống cùng gia đình cô em gái tại một căn hộ chật hẹp khu Vĩnh Hồ, khi thì với gia đình đứa cháu ở phố Hồng Liên, Ngọc Khánh và bây giờ là chung cư Mandarin đẹp lung linh, rất ít khi ông bị “thúc ép” bởi lý do tài chính.

GS – NSND Nguyễn Kim Đính (bên phải).

Cũng có thể sau hơn 40 năm giảng dạy đại học, ngày nghỉ hưu vị GS ấy cũng “tích góp” được chút tiền cho cuộc sống sau này của mình. Yếu tố “tiền bạc” với một người vốn sống giản dị, lại chỉ một mình lại càng đơn giản hơn.

Nhưng còn một lý do quan trọng khác, ông nói với tôi rằng: Vì mình ở với gia đình cô em gái và đứa cháu, “một thành trì tình cảm” vững chắc với ông, mà ông chả mấy khi phải dùng đến tiền riêng; rồi cũng có thể vì nhu cầu sống của một người về hưu như ông thực ra rất đơn giản, gia đình em và cháu lo cho tất cả.

Thậm chí ông còn “khoe” với tôi, trong túi ông lúc nào cũng “rủng rẻng” 6, 7 chục triệu: “Ơn trời 17 năm rồi kể từ ngày nghỉ hưu, ông khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tật gì, chiếc thẻ bảo hiểm y tế được cấp, kể từ ngày nghỉ hưu thậm chí ông cũng không cần tới nó”. Vậy nên, “sự tiện thể” đó mới kéo dài tới 17 năm. Khi tôi hỏi: “Vậy tại sao đã chấp nhận “quên” cái khoản lương hưu đó suốt thời gian qua rồi mà bây giờ thầy lại nghĩ đến nó?”.

Ông giải thích hệt như Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao: Thì năm nay đã gần 90 rồi, đã quá xa cái tuổi “xưa nay hiếm”, mình bỗng thấy cần phải có được một khoản tiền “nhỏ” để lo cho cái hậu sự về sau, không muốn làm phiền các cháu nhiều quá.

Rồi cũng còn cả chuyện, mấy người em và các cháu của ông, dù không “đòi hỏi” anh và bác bất cứ điều gì, nhưng vẫn cứ có cảm giác “ngờ ngợ” rằng suốt thời gian dài vừa qua, không thấy anh và bác nhắc gì đến chuyện lương hưu. Tại sao thế? Ban đầu chỉ là sự “tò mò”. Về sau thì lớn lên thành một “nỗi sợ hãi”. Hay là có chuyện gì xảy ra với ông trong những năm làm việc?

Hỏi thì ông trả lời: “Không, anh/bác vẫn lĩnh lương mà”. Vậy là có một cuộc “truy tìm sự thật” bí mật diễn ra. Một lần, cách đây khoảng nửa năm, trong cuộc họp tổ dân phố nơi cư trú, tôi được Giáo sư toán học Nguyễn Đức Ruận hỏi với vẻ rất bí mật: “Hinh này, cậu có biết dạo này cụ Đính ở đâu không. Có phải vì ông ấy có chuyện gì không mà anh Hồ Thuần, em rể, vừa rồi gặp đã nhờ mình hỏi những người quen trong khu về cụ?”.

Ban đầu tôi có đôi chút hốt hoảng: “Sao lại thế được, em vừa gặp cụ Đính chỉ cách đây vài tháng thôi mà. Em vẫn có địa chỉ của cụ đây. Không tin anh cứ đưa điện thoại của em cho bác Thuần, em sẽ trả lời bác ấy”. Chỉ vài tuần sau đó, tôi lại thấy râm ran ngoài phường Thanh Xuân Bắc hỏi cụ Đính không biết cụ bây giờ ở đâu.

Anh Nguyễn Ngọc Thắng, tổ trưởng dân phố, người ở cạnh nhà tôi cũng có lần hỏi. Rồi gần đây nhất, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ chính thầy. Ông nói với tôi, vài hôm tới ông muốn đến thăm tôi, nhân thể nhờ một việc. Tôi hỏi: “Có chuyện gì quan trọng không ạ?”.

Ông trả lời: “Chỉ đơn giản là xác nhận mình vốn là GS.NGND của khoa Ngữ văn, mình đã từng sống ở Kí túc xá Mễ Trì, mình là người có thật, bấy lâu nay không có chuyện gì với pháp luật”. Tôi thở phào, hóa ra là thế: “Thầy không chỉ là Nguyễn Kim Đính thật, mà còn là GS.NGND, người duy nhất trong khoa Ngữ văn được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, người hai lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua (toàn ngành và toàn quốc).

Một ngày tháng 9 vừa rồi, một cuộc gặp gỡ đã chóng vánh diễn ra. Một cái kết “có hậu” cuối cùng cũng đã đến: Ngay tại nhà tôi, với sự có mặt của ông Tổ trưởng dân phố, đại diện của Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân và Đống Đa, cùng “đương sự” là ông. Đến đây, tôi cũng muốn giải thích thêm tại sao lại có sự liên can gì đến Bảo hiểm Đống Đa.

Chuyện là thế này: Vì “nghi ngờ” anh/bác của mình nhiều năm nay không nhận lương hưu, nên mấy người em và cả cháu của thầy muốn tìm hiểu cho ra nhẽ. Chuyện nhà toán học Hồ Thuần, em rể thầy Đính “điều tra” Giáo sư Nguyễn Đức Ruận hồi đầu năm là như vậy. Nhưng may mắn và tình cờ hơn, PGS Nguyễn Kim Truy (nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội, em ruột GS Nguyễn Kim Đính) đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm việc tại Bảo hiểm quận Đống Đa.

Có lần, ông đã mạnh dạn đặt vấn đề với cô học trò nhờ “giúp đỡ”. Thực ra, việc kiểm tra sổ sách về một người lao động đã nghỉ hưu để xem việc lĩnh lương có được thực hiện hàng tháng hay không thì không khó. Nhưng có điều là, những việc “hành chính” kiểu như vậy ở nước ta, đúng ra không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhất là việc liên quan đến tiền nong.

Cách đây chưa lâu, theo tôi biết, những người nghỉ hưu thậm chí cứ mỗi 6 tháng đều phải có mặt tại phường sở tại kí vào một tờ xác nhận của cơ quan bảo hiểm, khẳng định rằng mình vẫn đang ở nơi cư trú. Chỉ làm xong thủ tục ấy, họ mới tiếp tục được nhận lương. Vậy mà “đương sự” Nguyễn Kim Đính đã bặt tăm tích tới những 17 năm. Hình như thầy không còn kì vọng gì vào việc nhận lại tiền. Thầy nói thật lòng, tất cả chỉ là do cái bệnh “ngại thủ tục hành chính” bấy lâu nay, còn bây giờ thầy muốn được nhận lương hưu hàng tháng bình thường như mọi người khác. Thầy không hề nghĩ, vượt ra ngoài sự mong đợi, thầy không chỉ được nhận lương hàng tháng, mà thầy còn nhận được cả khoản lương suốt 17 năm qua chưa hề nhận của mình. Tôi cũng không rõ khoản tiền ấy chính xác là bao nhiêu. Nghe loáng thoáng anh Phạm Quang Long, cũng là một học trò cũ thân thiết của thầy cho biết: Món tiền ấy đâu chừng gần 1 tỉ…

Câu chuyện về một vị giáo sư 17 năm liền không nhận lương hưu nay bỗng được nhận tới gần tỉ bạc, hẳn khiến nhiều người không tin, nhưng đích thị nó là có thật. Trong cuộc sống vẫn từng tồn tại những chuyện lạ như thế mà. Nhà văn Jean Paul Sartre của Pháp, hồi được trao giải Nobel với khoản tiền thưởng kèm theo gần 1 tỉ đô la, ông cũng từ chối không nhận.

Câu chuyện về thầy Nguyễn Kim Đính có thể hơi khác: khoản tiền gần 1 tỉ đồng ấy vốn là công sức “mồ hôi, nước mắt” của ông làm việc trong nhiều năm… Việc ông “thản nhiên” với khoản tiền vốn có của chính mình trong một xã hội không ít người “quay cuồng” với đồng tiền có lẽ là chuyện hiếm có. Nhưng hiếm có mà lại có thật.

Cách đây gần 1 năm, trong buổi gặp gỡ các thầy cô giáo nghỉ hưu ngày đầu xuân, tôi được may mắn chứng kiến câu chuyện do thầy Phạm Thành Hưng và Nguyễn Hùng Vĩ ở Khoa Văn kể lại. Trong buổi gặp mặt này, thầy Vĩ do vừa được bầu là Chi hội trưởng Giáo chức khoa nên ra lời kêu gọi các thầy cô đóng quỹ hàng năm.

Thực ra đây chỉ là một khoản tiền rất nhỏ: Mỗi năm các thầy chỉ phải nộp 20 ngàn đồng. GS.NGND Nguyễn Kim Đính lúc ấy móc túi lấy ra một phong bao học trò Phạm Thành Hưng vừa “mừng tuổi”, nộp ngay cho Nguyễn Hùng Vĩ. Sau khi mở phong bao và kiểm tiền, Nguyễn Hùng Vĩ công bố: “Phong bao “cụ” Đính nộp có tới 400 ngàn đồng. Năm nay đã 88 tuổi, vậy chắc thầy của chúng ta muốn đóng hội phí tiếp 20 năm. Và thầy tin chắc mình sẽ còn sống đến năm 108 tuổi”.

Thầy Nguyễn Kim Đính của chúng tôi là như vậy. Ai đã từng là học trò của thầy Đính, nghe câu chuyện này chắc sẽ tin là có thật. Còn chính bản thân GS.NGND Nguyễn Kim Đính trong lần gặp tôi gần đây nhất vẫn cứ nhắc nhở đừng viết lại chuyện này nữa. Đó chỉ là một câu chuyện bình thường với nghề nhà giáo chúng mình mà…

 

 

Theo CAND

Video hay

Cùng chuyên mục

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024