Được hai bạn Lê Thế Song, Xuân Hồng mời về Thái Bình xem vở Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một sáng tạo tâm huyết của cụ Hoàng Luyện cùng con rể Lê Thế Song và NSND Vũ Ngọc Cải, giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình. Thế là có một buổi chiều tối thật thú vị ở thành phố Thái Bình.
Rất ấn tượng với NSND Vũ Ngọc Cải, một nhà lãnh đạo chèo có lẽ vào hàng tốt nhất ở miền đất mà nghệ thuật chèo đang được giữ gìn và phát triển cũng tốt nhất hiện nay cả ở chèo chuyên nghiệp và chèo quần chúng. Nhà hát chèo Thái Bình nhiều năm nay luôn ở tốp đầu vài ba đơn vị chèo đẳng cấp nhất. Về phong trào thì ngoài ba làng chèo danh tiếng lừng lẫy: Khuốc, Hà Xá, Sáo Đền, nhiều làng chèo mới đã phát triển ở khắp các huyện thị kế tục truyền thống của 46 gánh phường hội chèo từng sinh sống bằng nghề chèo trước năm 1945. Thái Bình luôn có thể tự hào là cái nôi lớn của chèo với các vị tổ chèo như Đào Văn Só, Đào Nương, Đặng Hồng Lân, các tên tuổi chèo cự phách nhiều thời Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Mầm, Nguyễn Tích, Năm Ngũ, Hà Văn Cầu và các nghệ sĩ chèo người Thái Bình rất được hâm mộ hiện nay ở Thái Bình và các đơn vị chèo lớn nhất kể không xuể mà tiêu biểu là NSND TS Thanh Ngoan, giám đốc Nhà hát chèo VN và NSUT Quốc Phòng, Nhà hát chèo HN. Thái Bình cũng là địa phương duy nhất hiện nay còn có chương trình dạy hát chèo trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh.
Trò chuyện với Vũ Ngọc Cải mới biết các nghệ sĩ chèo Thái Bình đã gian nan thế nào trong việc tự hào giữ gìn tiếng tăm của quê chèo hôm nay và rất vui mừng nghe tin Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Thái Bình và bộ Văn hóa phối hợp lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Chèo là Di sản Văn hóa thế giới.
Đêm diễn báo cáo vở Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm với sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo tỉnh và hơn 1000 khán giả trong Nhà Văn hóa Lao động to lớn, lộng lẫy như một cung điện đã cho thấy chèo với lãnh đạo và nhân dân Thái Bình là thế nào. Sau những vở diễn về những danh nhân quê hương như Nguyễn Thị Lộ, Bùi Viện…giành được giải cao nhất trong các Liên hoan chèo toàn quốc gần đây, vở Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm chắc chắn sẽ gây ấn tượng lớn trong Liên hoan Chèo toàn quốc vào tháng 9/2022 này. Với ê kíp sáng tạo tài năng, kinh nghiệm: tác giả Hoàng Luyện – Lê Thế Song, Đạo diễn NSND Lê Hùng – NSUT Ánh Điện, Nhạc sĩ NSND Hạnh Nhân, Chỉ đạo NT NSND Vũ Ngọc Cải…và dàn diễn viên trẻ của Đoàn Biểu diễn 2, tác phẩm sân khấu đầu tiên về một danh nhân quan trọng trong lịch sử cận đại của Thái Bình và cả nước ít được nói đến đã ra mắt rất xúc động, hấp dẫn sau hơn 1 tháng dàn dựng công phu tâm huyết.
Nếu được tiếp tục gia công nghiêm túc, đây chắc chắn sẽ là vở diễn được đánh giá cao tại Liên hoan chèo 2022. Và TS Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, một cán bộ lãnh đạo trẻ (sinh năm 1970) tài năng đến từ Bình Định, người từng có công bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng và bài chòi, sẽ có dịp qua Hà Nam để chào đón sự đăng quang của Chèo Thái Bình như từng ra Vĩnh Phúc chào đón chức vô địch Quốc gia của đội bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình. Chắc chắn là như thế, cũng như với những thành tựu mới rất đáng mừng về kinh tế xã hội, Bí thư Ngô Đông Hải sẽ tìm ra một nhà bảo trợ cho Nhà hát chèo Thái Bình như đã từng trao gửi trách nhiệm của nữ bóng chuyền Thái Bình cho Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập Đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền. Khi ấy, một giai đoạn mới của Nhà hát chèo Thái Bình sẽ mở ra: các nghệ sĩ không quá khó khăn mưu sinh, các tài năng lớn nhất không phải gạt nước mắt ly hương ra thủ đô để làm nghề và Nhà hát Chèo Thái Bình sẽ mãi xứng đáng là đơn vị chèo tiêu biểu của quê lúa quê chèo đang ngày càng giàu đẹp về kinh tế và văn hóa.
Đây đã là vở diễn thứ tư của tác giả Lê Thế Song trong năm 2022. Có thể nói anh là tác giả đa năng và sung sức nhất của sân khấu VN hiện nay. Anh có thể sáng tác, phối khí ca khúc, viết kịch bản kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch, viết kịch bản và tổng đạo diễn lễ hội. Năm 2019, anh có tới 8 kịch bản được dựng trong Liên hoan chèo toàn quốc 2019. Năm 2020, 2021 dịch giã thế mà mỗi năm anh cũng có 5 kịch bản được dựng. Ở tuổi 50, con đường sáng tạo của anh còn dài. Mong sau khi thử sức ở tất cả, Song sẽ chọn dừng lại để có thể đi đến đỉnh cao nghề nghiệp ở bộ môn mà anh thấy say mê và có khả năng tốt nhất. Rất có thể đấy là chèo, đơn giản bởi anh đã sinh ra và trưởng thành từ một làng chèo nổi tiếng của Hà Nam, chèo đã ăn vào máu thịt của anh hơn 50 năm nay.
Một trong những niềm vui trong chuyến về Thái Bình là được gặp “Thần” hát Văn Đình Cương và NSND Phạm Huy Tầm mà tôi hằng mến mộ. Và cuối cùng tôi có một bản tự ghi âm vở chèo Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm để về nghe lại khi muốn bởi tôi là người hâm mộ danh nhân Kỳ Đồng và cũng là người hâm mộ chèo từ những năm 1960 khi được ở trong khu Văn công Cầu Giấy, hàng ngày được xem các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Dịu Dương…trình diễn chèo.
Nguyễn Thế Khoa/ TC VHVN