Về Tân Yên, nghe hát ống Liên Chung

13:17 | 11/02/2022

Hát ống – một sinh hoạt văn hóa dân dã nhưng không kém phần đặc sắc ở vùng Yên Thế Hạ, tỉnh Bắc Giang. Trải qua bao thăng trầm, loại hình nghệ thuật này vẫn như một “mạch ngầm” không ngừng chảy…


Độc đáo… hát qua ống

Huyện Tân Yên là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, lễ hội văn hoá truyền thống của tỉnh Bắc Giang. Là vùng phên dậu cho đất nước từ xưa, Tân Yên hôm nay đã đổi mới, đường làng ngõ xóm cũng khác trước rất nhiều. Tuy vậy, hoà vào nhịp sống mới nhưng những giá trị trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng vẫn được người dân chú trọng gìn giữ, bảo tồn.

Một buổi sinh hoạt của CLB hát ống, hát ví.

Huyện Tân Yên có khoảng hơn 300 di sản văn hoá vật thể với nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, miền quê Yên Thế Hạ còn chứa đựng nhiều hoạt động sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, mang đậm dấu ấn con người, cảnh sắc nơi đây; trong đó có thể kể đến “cái nôi” của nghệ thuật hát ống độc đáo ở xã Liên Chung.

Hát ống (hay còn gọi ví ống) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, ra đời và tồn tại từ mấy trăm năm trước. Chưa có sổ sách ghi chép lại cụ thể thời điểm khởi phát nhưng hát ống luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân Liên Chung và trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo.

Hát ống thực chất đây là lối hát đối đáp, giao duyên, gặp mặt… tuỳ vào hoàn cảnh và tâm trạng mà những lời ca có thể được cất lên ngay trong lúc lao động, nghỉ ngơi hay những đêm gió mát trăng thanh của các cặp nam nữ trong làng. Đã có nhiều mối nhân duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy.

“Phải lòng nói trước làm ghi

Làng em làng Hậu, nhà thì ngõ Trong

Nếu ai đã hỏi thật lòng

Thời em chẳng giấu kẻo lòng hoài nghi

Bờ đê đường cũng dễ đi

Về thôn Liên Bộ nhà thì gần sông

Duyên đâu vương sợi tơ hồng

Thành ra tri kỷ, mặn nồng cũng nên”.

Hát ống về hình thức vẫn là hát ví, nhưng hai bên hát có sử dụng dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7 – 10 cm, dài chừng 15 – 20 cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu.

Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 – 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người bên kia sẽ nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ.

“Hôm qua em đi lễ chùa

Nên không trẩy hội xin thưa với chàng

Hôm nay giữa hội đình làng

Ống ta cùng hát kẻo chàng nhớ thương….”

Từ lối hát đơn giản dần dần hát ống phát triển thêm nhiều loại hình hát khác như hát hoạ, hát đố, hát giao duyên, chia tay… Với hình thức diễn xướng giản đơn có giai điệu và ca từ mộc mạc, giọng hát như giọng thơ, thường là thể thơ lục bát dễ nhẩm, dễ thuộc. Cái hay trong hát ống là lời hát có thể tuỳ cơ ứng biến, không rập khuôn một làn điệu cổ mà có thể biến đổi linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh người nghe.

“Rằng ai đi vội về đâu

Dừng chân cho hỏi đôi câu đã nào?

Quê nhà thôn xóm nơi nao

Cho anh biết để hôm nào đến chơi…”

Cứ như vậy qua hàng trăm năm, mỗi khi vui buồn, người dân Liên Chung lại tìm đến với những câu hát để vơi bớt đi gánh nặng lo toan, để hoà mình vào các làn điệu âm nhạc dân gian mà bồi đắp thêm tình yêu thương giữa người với người.

Trăn trở nỗi niềm bảo tồn

Nếu so sánh với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng khác như quan họ, chèo… thì lối hát ví, hát ống có phần hạn chế hơn bởi không gian biển diễn. Thậm chí, một số người cho rằng đây là lối giao tiếp “buồn ngủ, lạc hậu ”. Nhưng không ai phủ nhận hát ống chính là nét văn hoá truyền thống đặc sắc trong hoạt động sinh hoat văn hoá cộng đồng làng quê. Những ca từ, làn điệu, lối diễn xướng hay hình thức thể hiện đều rất mộc mạc, chân chất mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Văn Đài, 77 tuổi, người từng là đội trưởng đội văn nghệ thôn Hậu những năm 1974 -1975, cũng là người nhiều năm sưu tầm những tài liệu về hát ống cho biết: trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nên có một thời gian dài hát ống bị mai một. Hiện nay loại hình hát này cũng chỉ còn tồn tại như hoạt động văn hoá nhỏ lẻ trong thôn xóm. Sở dĩ những câu ca lời hát còn tồn tại đến ngày nay một phần được bảo lưu qua những câu ca, lời ru của bà, của mẹ, qua những câu chuyện bên mái đình, luỹ tre hay trên đồng ruộng.

Cái hay trong hát ống, hát ví của Liên Chung chính là ở hình thức thể hiện qua ống tre, ống nứa, nói như ông Đài là những “chiếc máy đàm thoại sớm nhất làng Hậu”, tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại dễ làm, dễ nghe và dễ đi vào lòng người.

Ông Nguyễn Văn Đài và dụng cụ hát ống do ông chế tác. Ảnh: Xuân Lộc.

Trong ký ức của người dân làng Hậu, nhưng buổi hội làng, sinh hoat văn nghệ nam phụ lão ấu cùng hát, cùng nghe và hưởng ứng từng câu hát giao lưu thông qua chiếc ống vừa duyên dáng, vừa uyển chuyển.

Nữ hát: “Em đố chàng/ Hoa gì sớm nở tối tàn/ Trắng, hồng, đỏ thẫm, tím than trong ngày/ Hoa gì trắng đỏ cùng cây/ Hoa gì đêm nở, ban ngày cấm cung”

Nam đáp: “Phù dung sớm nở tối tàn/ Năm màu thay đổi chan chan trong ngày/ Hoa giấy trắng đỏ cùng cây/ Hoa quỳnh đêm nở, ban ngày cấm cung ”

Những năm trở lại đây, được sự quan tâm hơn của các cấp chính quyền, để khôi phục lại hình thức sinh hoat cộng đồng độc đáo này, nhiều thôn trong xã Liên Chung đã thành lập nên những phường, hội, câu lạc bộ hát ống, ví ống. Hồi năm 2012, Câu lạc bộ hát ví, hát ống Liên Chung được thành lập. Hiện Câu lạc bộ đã có 31 thành viên với đủ thành phần, lứa tuổi và sưu tầm được nhiều bài hát cổ, phân loại và truyền dạy cho hội viên.

Trải qua thời gian hàng thế kỷ, hát ống đã chứng minh được sức sống của mình khi lạo hình nghệ thuật này không mất đi mà vẫn như một mạch ngầm không ngừng chảy. Hát ống thời điểm nhộn nhịp nhất vào tháng 3 âm lịch, sau khi đón Tết. Khi này, nhiều lễ hội được tổ chức, các đơn vị được mời đến Liên Chung để giao lưu, tổ chức hội thi. Cho đến hôm nay, hát ống tuy chưa được phổ biến nhưng thành quả của những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ cũng đã có những tín hiệu đáng mừng.

Mặc dù vậy nhưng ông Đài cũng như nhiều bậc cao niên trong làng Hậu vẫn còn trăn trở lắm. Để hát ống, hát ví ngày càng phát triển và mãi tồn tại như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá ở Liên Chung, cần lắm sự quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền.

Theo Công luận

https://congluan.vn/ve-tan-yen-nghe-hat-ong-lien-chung-post180864.html

Video hay

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN