Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

9:22 | 22/07/2024

Các chị hãy ở đây

Vũ Đình Liên

Kính tặng hai chị Đinh Thị Vỹ + Bùi Thị Thanh Vân và các chị đã bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam

Tôi gặp hai chị trên đường đê Quảng Bá
Áo cánh bà ba nón lá quê hương
Tôi tưởng như là tất cả miền Nam
Đã trở về trong lòng nôi miền Bắc
Nghỉ một giờ giữa hai ngày bão táp
Hương mát hồ Tây quyện lấy gót chân
Dường như miền Bắc như thảm lụa nệm nhung
Trải cho dịu cho êm những bàn chân các chị
Ơi! những bàn chân, gai đâm rào xé
Bao nhiêu năm dẫm trên lửa đỏ, than hồng
Những nhà tù và những trại giam

Cuối mùa hè nước sông Hồng dào dạt
Các chị ơi! Đầy như lòng Tổ quốc
Như lòng Bác Hồ thương nhớ miền Nam
Thương những đứa con Bình Định Phú Yên
Tôi biết hai chị buồn vì ra đây không gặp Bác
Bác chờ các chị như chờ mong nửa nước
Tháng năm dài quyện thành kén nhớ mong
Bác vẫn còn đây, đón những người con
Các chị ơi! đường miền Bắc, các chị đi mỗi bước
Có hơi thở Bác Hồ trong mây, trong nước
Có hình ảnh Bác Hồ trong mỗi giấc mơ
Có tình thương Bác Hồ trong mắt mỗi trẻ thơ
Có Bác Hồ chỉ đường cho tôi đi tìm các chị
Như tôi đã tìm miền Nam một phần thế kỷ
Tôi gặp miền Nam ở khắp các ngả tư
Như gặp các chị sáng nay, gặp các chị bây giờ

Tôi biết các chị nhớ Phú Yên Bình Định
Nhớ miền Nam muốn về miền Nam lắm
Nhớ những ngày cay đắng gian lao
Nhớ tình thương đồng chí đồng bào
Những ngày nước suối lá rừng cầm hơi khỏi lả
Một cuống rau gửi vào thùng tiêu mát lòng mát dạ*
Một hạt muối đồng bào như cơm giỗ béo ngon
Lòng nào bây giờ ngồi ăn những miếng đỉnh chung
Tôi biết những người con gái miền Nam như thế cả
Tình nghĩa keo sơn thuỷ chung vàng đá!
Như đứa trẻ thơ nghe tiếng mẹ từ xa
Các chị nhận ra từng tiếng nói thiết tha
Của miền Nam bừng bừng nông thôn thành thị
Tiếng những nhà tù sục sôi khí thế
Của các chị năm xưa, các đồng chí bây giờ
Nên dưới hàng cây râm mát thủ đô
Các chị thấy trong đầu như lửa bốc
Ngọn lửa miền Nam quyến rũ
Như chị Vân khi ở Côn Đảo về
Thăm Phú Yên thăm mẹ thăm quê
Mẹ già chị một giây không rời chị
Biết chị sẽ đi nên chăm lo cho chị khoẻ
Biết chị khoẻ rồi, chị sẽ lại đi

Miền Bắc hôm nay cũng là mẹ là quê
Thương các chị như miền Nam thương các chị
Còn giữ được một ngày, sớm một ngày không để
Các chị về miền Nam, chị Vỹ chị Vân ơi!
Cho da chị lại hồng cho máu chị lại tươi
Cho những trái tim lửa địa ngục trăm lần thử thách
Lại được tôi thêm một lần trong nước mắt tình thương
Ôi những người con gái miền Nam!
Mà trái tim rắn hơn sắt, đẹp hơn vàng
Làm bằng những kim loại không thấy đâu trong trời đất
Chỉ có trong lòng người kiên trinh bất khuất!.

Trại sáng tác Hội Nhà văn, Quảng Bá, 9/12-8-1970.

Đây là một bài thơ mà chúng tôi được biết đến của nhà thơ Vũ Đình Liên qua tâm sự của chị Đinh Thị Vỹ, một nữ tù chính trị, nguyên là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua nghiên cứu, đối chiếu, chúng tôi tin rằng tác giả Vũ Đình Liên ở đây chính là nhà thơ nổi tiếng với thi phẩm “Ông đồ” bất hủ, mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đánh giá là “một kiệt tác”đã làm nên tên tuổi Vũ Đình Liên trên Thi đàn Việt Nam.

Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên.Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên.

Theo chị Vỹ, bài thơ “Các chị hãy ở đây”, được nhà thơ Vũ Đình Liên viết tặng chị và chị Bùi Thị Thanh Vân. Chị Vỹ đã đọc thuộc lòng bài thơ cho tôi chép vào sổ tay. Thể theo tình cảm của chị và ý nguyện của mình, tôi xin có mấy lời hầu mong gửi được bài thơ này đến với bạn đọc cả nước.

Theo lời kể của chị Vỹ, đó là từ một sự gặp gỡ hết sức tình cờ. “Hôm đó, tôi và chị Vân vừa đi thăm một người bạn về, đang đi bộ trên đường đê Quảng Bá, gần nơi ở, chúng tôi gặp một người đàn ông cùng đi dạo bộ. Chắc biết chúng tôi là những phụ nữ miền Nam bởi giọng nói và trang phục khác lạ với phụ nữ miền Bắc, anh quan tâm thăm hỏi với thái độ rất vui vẻ và rồi chúng tôi làm quen với nhau. Khi anh biết chúng tôi vừa ở nơi tuyến lửa miền Nam được đưa ra miền Bắc điều dưỡng tại K5, Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Nội (Khu điều dưỡng dành cho cán bộ trung, cao cấp ở chiến trường miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh, dưỡng sức), anh rất xúc động và hẹn sẽ đến gặp lại. Sau đó anh đã đến thăm chúng tôi một đôi lần; anh có giới thiệu minh là thầy giáo có làm chút ít thơ phú. Chúng tôi trò chuyện cởi mở và tôi đã kể cho anh nghe cuộc chiến đấu gian khổ của đồng bào miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những năm tháng đầy thử thách cam go trong ngục tù của Mỹ ngụy. Chúng tôi biết anh còn đến gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều đồng chí cán bộ miền Nam khác ở K5 hồi đó. Một thời gian ngắn sau, anh lại đến thăm chúng tôi, và trao tặng tận tay tôi (Đinh Thị Vỹ) bài thơ chép tay “Các chị hãy ở đây”, với câu đề tặng “Kính tặng hai chị Đinh Thị Vỹ và Bùi Thị Thanh Vân và các chị đã bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam”. Đọc bài thơ trên, chúng ta có thể hiểu được xúc cảm của nhà thơ mạnh mẽ như thế nào trước những câu chuyện kể về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các nữ tù nhân cộng sản trong các nhà tù của Mỹ ngụy. Hẳn bài thơ ra đời như một tất nhiên từ sự rung cảm sâu sắc của một hồn thơ dào dạt Vũ Đình Liên.

Qua bài viết này, mạn phép hai chị Đinh Thị Vỹ và Bùi Thị Thanh Vân – hai người chị đã đi xa năm sáu năm trước, tôi xin “cung cấp” cho bạn đọc được biết một chút về hai nguyên mẫu – đối tượng thẩm mỹ – nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Về lịch sử đất nước, chúng ta ai cũng biết, năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn nằm trong vùng tạm chiếm của địch; sau hai năm sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng địch đã âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ hòng chia cắt lâu dài đất nước ta…

Theo sự phân công của Đảng, chị Vỹ và chị Vân đều ở lại miền Nam cùng đồng bào tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau khi chiếm miền Nam, bọn Mỹ-Diệm đã tàn sát đẫm máu đồng bào ta, chúng đặt “diệt cộng” là quốc sách và lê máy chém đi khắp miền Nam để tiêu diệt cộng sản và những người kháng chiến cũ. Chị Vỹ và chị Vân cùng hàng chục ngàn cán bộ kháng chiến cũ đã bị địch bắt tù đày trong các nhà tù Quy Nhơn, Côn Đảo, Phú Lợi, Thủ Đức… Các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù giam giữ trong những khu biệt giam “hầm đá”, “hầm nổi” chật chội, nóng nực, hôi thối. Chúng đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man… nhưng các chiến sĩ cách 144 VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 5+6 (352+353) 2024 mạng đã quyết không khai báo, một lòng một dạ trung thành với cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chính phủ độc tài Ngô Đình Diệm sát hại người dân yêu nước, chống ly khai Đảng, đòi trả tự do…

Về riêng chị Bùi Thị Thanh Vân, chị Đinh Thị Vỹ cho biết: năm 1955, khi bị địch bắt, chị Vân đang là Thường vụ Hội phụ nữ Việt Nam tỉnh Phú Yên. Sau khi ra tù năm 1962, chị Vân tiếp tục hoạt động cách mạng và làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Giải phóng Liên khu V.

Còn ở Bình Định, không mấy ai là không biết chị Đinh Thị Vỹ. Mọi người thường thân mật gọi chị là chị Hương, chị Tám, chị Sáu. Chị Vỹ tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945. Thời kỳ chống Pháp, đầu những năm 50 của thế kỷ XX, chị Vỹ là Thường vụ Hội phụ nữ tỉnh Bình Định. Chị bị địch bắt tháng 11 năm 1955, chúng tra tấn chị vô cùng dã man như lột hết quần áo, nhận nước đến chết ngạt, tra điện, đóng đinh đốt lửa mười đầu ngón tay…Dù sức khỏe bị suy kiệt trầm trọng, thường ói ra máu, lên cơn mê sảng, chết di sống lại nhưng chị vẫn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trước tinh thần đấu tranh bất khuất của chị, năm 1961 địch đã phải “trả tự do cho can cứu chính trị Đinh Thị Hương với lý do “thi hành lệnh của Bộ Nội vụ.” Ra tù, bắt được liên lạc với Đảng, chị tiếp tục hoạt động cách mạng, làm ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định, Phó ban Dân vận tỉnh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh, Bí thư Đảng đoàn hội phụ nữ tỉnh Bình Định, Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng Khu V. Năm 1967, chị Vỹ được bầu vào ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, phụ trách công tác đấu tranh chính trị, làm Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ tỉnh.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, chị Vỹ làm Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Nghĩa Bình, chị Vân làm Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Phú Khánh.

Chắc chắn rằng, tấm gương đấu tranh kiên cường bất khuất của hai nữ chiến sĩ cách mạng là nguồn cảm xúc mãnh liệt cho sự ra đời của bài thơ “Các chị hãy ở lại đây”. Chị Vỹ kể :nhà thơ Vũ Đình Liên đã đến K5 trao tặng chị bài thơ chép tay còn tươi màu mực và chị đã rất vui, trân trọng đón nhận, gìn giữ. Hiện chị Vỹ không còn giữ bản gốc bài thơ , nhưng với sự trân trọng cảm kích một nhà thơ, và với trí nhớ tuyệt vời của một nữ cán bộ hoạt động hợp pháp trong lòng địch, chị Vỹ đã thuộc làu bài thơ, mà cho đến năm 2011- khi tuổi đời đã thượng thọ 87 chị vẫn còn nhớ như in. Chính chị Vỹ đã đọc lại bài thơ cho tôi ghi từng chữ từng câu, trong sự hồi tưởng hết sức đau thương nghẹn ngào và niềm tự hào về những năm tháng kháng chiến gian lao, anh dũng tuyệt vời của những chiến sĩ cộng sản kiên cường, xả thân vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong bài thơ có câu “Một cuống rau gửi vào thùng tiêu mát lòng mát dạ”. Có thể bạn đọc rất khó hiểu. Xin được thay mặt chị Vỹ “giải mã” cho câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Số là trong các nhà tù, địch thi hành “ép xác”, cho tù nhân trại 1 (lao cộng sản, chống ly khai) đói khát, không cho ăn chất tươi… để tù nhân chết dần chết mòn. Vì vậy, các tù nhân trại 2 sản xuất rau tươi thường bí mật giúp đưa một ít rau tươi qua “con đường” giấu trong các thùng đổ cầu tiêu của tù nhân chính trị trại 1, để tù nhân trại 1 chia nhau nhai nuốt chút chất tươi để sống và tiếp tục đấu tranh…

Chị Vỹ cho biết chị đã trân trọng giữ bài thơ nhà thơ Vũ Đình Liên tặng đến năm 1981. Khi nghỉ hưu, chị Vỹ rời thành phố Quy Nhơn (Nghĩa Bình ) vào sống tại thành phố Nha Trang (Phú Khánh). Chị Vỹ ở gần nhà chị Bùi Thị Thanh Vân, hai chị thường qua lại thăm nhau, chia sẻ cùng nhau những kỷ niệm kháng chiến và cuộc đời. Và, theo nguyện vọng của chị Vân, chị Vỹ đã chuyển cho chị Vân giữ bản gốc bài thơ này. Khoảng mươi năm sau, chị Vỹ lại về sinh sống tại thành phố Quy Nhơn. Khi chị Vỹ hỏi chị Vân về bài thơ nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai chị, chị Vân bùi ngùi nói là đã làm thất lạc, rồi sau đó chị Vân có gửi cho chị Vỹ bài thơ ấy bằng bản chép tay của mình.

Cầm bản chép tay bài thơ nét mực xanh trên tờ giấy ố vàng của ngày xưa hằn nếp gấp tám mảnh sắp bị rời ra mà lòng tôi đầy xốn xang. Bên dưới tựa đề bài thơ “Các chị hãy ở đây” có dòng chữ “Kính tặng 2 chị Đinh Thị Vỹ + Bùi Thị Thanh Vân và các chị đã bị giam ở Côn đảo và các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam”. Cuối bài thơ, bên cạnh ghi tên tác giả Vũ Đình Liên, có thêm dòng chữ “Trại sáng tác Hội Nhà văn, Quảng Bá, 9/12-8-1970”.

Hẳn là nhà thơ Vũ Đình Liên của chúng ta đã viết bài thơ này trong thời gian dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá; rất có thể bài thơ đã được đăng ở đâu đó trong các tạp chí hoặc báo Văn Nghệ, (người viết chưa có điều kiện sưu tầm được); hoặc nếu nhà thơ chưa gửi đăng thì có thể cũng đã đọc chia sẻ niềm vui về đứa con tinh thần này với các nhà thơ cùng thời, và có thể nhiều người đã từng nghe bài thơ, trước hoặc cả sau khi nhà thơ đã tặng cho chị Vỹ, chị Vân…

Mong rằng những việc đó đã được thực hiện.


BÙI THỊ XUÂN MAI

 

Cùng chuyên mục

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

THƯƠNG TIẾC NSUT, ĐẠO DIỄN BÙI PHƯƠNG NGA, MỘT NGHỆ SĨ LỚN CỦA KỊCH NÓI VN.

THƯƠNG TIẾC NSUT, ĐẠO DIỄN BÙI PHƯƠNG NGA, MỘT NGHỆ SĨ LỚN CỦA KỊCH NÓI VN.