Những ngày mùa hạ tháng Tư luôn ở lâu bền trong ký ức tôi. Chắc bởi màu xanh của con sông, cơn gió Tây Nam cứ quẩn quanh bên đời mình và thấp thoáng bóng người yêu thương.
Bây giờ, dù đã hơn 40 năm, nhưng tôi không thể nào quên khung cảnh làng quê Mai Xá Chánh những ngày tháng 4-1975, yên bình, đẹp đẽ.
Bờ sông xanh đầy gió trưa hè
Đà Nẵng được giải phóng ngày 29-3-1975 thì đầu tháng 4 năm đó tôi đã được trở lại quê nhà. Không hiểu sao tôi nhớ nhiều về khu vực cồn Go và xóm Kênh, lúc đó cồn Go còn um tùm dứa dại, gò mả, nhìn ra cánh đồng làng. Lúc đó chưa có đập cồn Go để ngăn dòng Cánh Hòm, nước mặn vào sâu khiến con sông nhỏ xanh thẫm, từ làng chính qua xóm Kênh để về Gio Việt, Gio Hải phải qua cây cầu treo, cách ngã ba sông cái không xa.
Bên bờ sông, hàng tre rủ bóng, tiếng ve râm ram, gió Tây Nam phóng khoáng thổi về. Trên chiếc chõng bên hè, tôi ngắm làng quê cho no con mắt sau những ngày phố thị. Sông trong veo, sóng vỗ nhẹ vào bờ, dăm con đò cắm sào lặng lẽ, tiếng gà trưa xao xác từ Mai Xá Thị vọng về. Bên kia sông là màu xanh cánh đồng, bờ bụi cồn Go… Biết mình sẽ được sống với làng quê yêu thương mà vui, tôi nghĩ ngợi miên man rồi chìm vào giấc trưa nồng.
Nhưng sau đó tôi được theo bà nội lên xe ra thăm o Hướng và các bác, các chú tôi, những người con của bà tham gia kháng chiến và tập kết. Ngày miền Nam giải phóng, ở Hà Nội có o Hướng công tác tại Bộ Giáo dục; bác Khuyến công tác ở Tổng cục chính trị sau nhiều năm chiến đấu ở mặt trận Lào; có gia đình bác Tâm còn bác lại đang cùng Bộ Tư lệnh 559 tất bật với bao việc giải phóng miền Nam. Chú Vĩnh với học hàm tiến sĩ, từ Đức về giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (đến năm 1985 đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Chú Hữu công tác tại Quảng Ninh cũng về, tập trung tại nhà bác Khuyến. Có mặt chờ đón bà nội và bà Hy (em gái bà nội, mẹ của Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân nổi tiếng với bài “Xa khơi”, cùng ra Bắc thăm con cháu sau 21 năm xa cách), còn có bác Tường, một chiến sĩ Vệ quốc quân người Huế, là con nuôi bà nội tôi trong những ngày bộ đội trung đoàn 95 Bình Trị Thiên về đóng ở nhà dân những năm chống Pháp. Bác cũng tập kết và sống tại Hà Nội, vẫn giữ liên lạc với tình cảm là người con của gia đình.
Nụ cười chan hòa nước mắt
Từ Quảng Trị, xe đi ròng rã hai ngày mới ra tới Hà Nội vào đêm 28-4-1975. Xe qua cầu Long Biên, vào phố Cửa Đông, nơi bác Khuyến sống ở khu tập thể quân đội, lúc khoảng 19 giờ tối. Các o, các bác tôi kể ở trên đã có mặt đông đủ, chờ đón bà nội tôi và bà Hy. Những vòng ôm, nước mắt ràn rụa, nụ cười rạng rỡ. Hai bà ngồi giữa, các con cháu vòng quanh, mọi người hân hoan trong niềm vui đoàn tụ. Cả khu tập thể ùa đến chia vui, mừng hai bà từ miền Nam ra thăm con cháu… Bà nội tôi nhắc đến hai người con đã hy sinh là bác Luyện trong kháng chiến chống Pháp lúc chưa có gia đình; bác Thanh trong kháng chiến chống Mỹ, nay chị Kim Quy, con gái của bác được gia đình đưa ra Bắc, học Đại học An ninh, cũng về gặp mặt đoàn tụ gia đình. Trong quê thì chú Ngạn đi du kích, đã hy sinh. Chú Lạch cũng mất vì chiến cuộc, còn hai người con là ba tôi đang ở quê, chú Thạch ở miền Nam đang trên đường về lại quê nhà.
Trưa 30-4-1975, tôi – thằng bé con 12 tuổi – lang thang khắp các phố cổ Hà Nội để tìm hiểu, hình dung không khí của thời Hà Nội 36 phố phường trong văn Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài…, thì bỗng nghe tiếng trống rộn ràng khi vừa tới đầu phố hàng Đào, sát cạnh Hồ Gươm. Mọi người ai cũng kêu lên “Miền Nam giải phóng rồi. Sài Gòn giải phóng rồi”, rồi ôm chầm lấy nhau mà khóc cười, nhảy nhót. Nhiều người đi xe đạp trên phố Đinh Tiên Hoàng dừng lại, lắng nghe tiếng phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin chiến thắng, đất nước thống nhất, mừng rỡ ôm mặt, òa vỡ nụ cười chiến thắng chan hòa nước mắt.
Tôi cũng như mọi người, reo hò, nhảy nhót. Lúc này, những chiếc ô tô từ các cơ quan ngoại giao đổ về Hồ Gươm. Trên xe mui trần, các bạn Cuba căng biểu ngữ mừng Sài Gòn giải phóng, hát say sưa “Guantanamera” và những bài ca cách mạng Việt Nam. Một không khí hân hoan tột cùng, ai cũng mừng vui, xúc động dâng trào. Hà Nội, Sài Gòn và cả nước sống trong những tháng ngày tuyệt vời hạnh phúc.
Mấy hôm sau, trước khi về đơn vị, bác Khuyến hỏi: “Con có muốn ở lại Hà Nội, đi học với các anh chị ở đây không?”. Tôi thưa: “Để con xin phép ba mạ”. Bác nói bác đã hỏi ý ba mạ con rồi và ba mạ đồng ý. Thế là tôi được rong chơi những tháng ngày hè trước khi vào học ở Trường cấp hai Thanh Quan, trên phố hàng Cót, Hà Nội. Một ngôi trường xây theo kiến trúc thời xưa, đẹp một cách trang nhã. Trường xây từ năm 1910, là trường nữ tiểu học Pháp – Việt đầu tiên của Hà Nội, mang tên Brieux (Eugènne Brieux), một nhà viết kịch nổi tiếng của nước Pháp; năm 1948 được đổi tên là Thanh Quan –một nữ sĩ tài hoa của nước ta và tên trường giữ đến bây giờ.
Tuổi thiếu niên lặng lẽ đi qua
Bạn học cùng lớp 6D ngày đó (niên khóa 1975-1976) sau đó chừng 15 năm đổ lại, nổi tiếng nhất có Quản Quốc Hương (nhà trên phố Đường Thành) là cầu thủ của Công an Hà Nội (vô địch quốc gia 1984), em ruột của các danh thủ: Quản Trọng Hùng (Thể công), Quản Trọng Bắc (Phòng không – không quân). Thời đó mới học lớp 6 nhưng ra sân bóng dưới chân đê sông Hồng thì Quản Quốc Hương đã đá bóng rất hay, ai cũng thấy rõ tài năng của một ngôi sao bóng đá tương lai. Hồi đó anh Quản Trọng Hùng đã chơi cho Thể công trẻ, vào sân Cột Cờ, thấy anh và các đồng đội trên sân tập, lũ nhóc đều rất ngưỡng mộ, nhưng chỉ được nhìn các anh đấu tập từ xa. Còn cỡ Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh), Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Cao Cường, Phan Văn Mỵ, Trần Văn Khánh của Thể Công… thì lại là những ngôi sao “xa tít tắp” với đám trẻ thủ đô ngày ấy, chỉ nghe người lớn kể về các anh mà hít hà thán phục.
Nhà tôi lúc này đã về lại Quảng Trị, ba mạ tuổi còn trẻ, hăng hái lao động xã hội chủ nghĩa. Ba tôi được bầu làm đội trưởng hợp tác xã, không chỉ vì học hành giỏi giang, am tường đồng áng mà còn có uy tín trong dòng tộc, tính tình hiền hậu. Những ngày này ở quê vui lắm, chi đoàn các hợp tác xã tổ chức tập văn nghệ, thi hát, diễn kịch. Khi tỉnh chủ trương làm đập ngăn sông Cánh Hòm để giữ nước ngọt cho sản xuất, thanh niên khắp nơi kéo về rất đông, nhà tôi có một nhóm từ Gio Sơn về ở lại, đêm nào cũng hát hò tưng bừng (mà các bạn biết rồi, dân Quảng Trị ai cũng mê hát, lại hát hay, nên cũng có thể coi hát là tố chất, là đặc sản của người Quảng Trị, gặp bạn hiền là phải đãi nhau bằng đặc sản quê nhà).
Có đập, không còn cây cầu treo qua xóm Kênh và nay là đường nhựa cho xe băng băng về của Việt. Đoạn sông nước ngọt trở nên nhiều rong rêu, không còn màu nước mặn đặc trưng, một thời cũng có đò ra tận cầu Bến Ngự ở làng Lại An cho người làng tôi đi chợ Cầu, huyện Gio Linh, cũng khá thuận tiện, khỏi đi bộ trên động cát, đường xa, cát bỏng bàn chân.
Tôi từ Hà Nội về làng vì nhớ nhà, nhớ quê. Tính ra, tôi ở làng cũng không nhiều, vì từ năm 1968 đã rời quê lên Đông Hà (lúc đó là thị trấn nhỏ với những ngả đường lấm bụi, nắng gió hầm hập, nhà cửa sơ sài, mái tôn vách gỗ). Dân làng tôi quen gọi đi Đông Hà là đi chợ Ga. Đi đường bộ thì xa và đường xấu, hầu hết đều chọn đi đò máy, chừng 30 phút cho 5 km đường sông. Đò chạy phành phạch dọc bờ, bên này là huyện Gio Linh, bên kia là huyện Triệu Phong, đôi bờ xanh hoa màu, cây trái… Sống ở Đông Hà mấy tháng thì cả nhà lên sống ở thị xã Quảng Trị, năm 1972 vào Đà Nẵng, năm 1975 về lại không lâu thì tôi ra Hà Nội và sau đó trở về, rồi năm 1980 lại theo ba mạ rời quê, vào Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Ở lại quê những tháng ngày đó, dù ngắn ngủi nhưng lại rất dài, vì tôi được thực sự sống đời nông dân, tuổi thiếu niên trôi qua trong những nhọc nhằn để biết làm việc đồng áng, lặn lội bắt tôm cá trên đồng, cào đầy những ghe chắt chắt trên sông…
Đời có đủ nắng mưa, giông bão, nhưng những ngày mùa hạ tháng tư luôn ở lâu bền trong ký ức tôi. Chắc bởi màu xanh của con sông, nỗi nhớ cơn gió Tây Nam cứ quẩn quanh bên đời mình và thấp thoáng bóng người yêu thương.
Góp tranh tre làm trường
Về làng những năm đó, nghèo cực mà vui, nhiều kỷ niệm nhớ đời. Năm 1977, tôi cùng chú Trương Hữu Đãi (con ông Giáo Thông) vác vây tre thật to, thật dài, buộc thêm mấy bó tranh đi bộ lên làng Vinh Quang, phía giáp với Lòi. Trường cấp hai sẽ xây ở đó, đã có thầy Sơn (dạy Văn), cô Hòa (dạy Hóa) từ miền Bắc vào. Học trò nhiều anh lớn ngồi đánh tranh, chẻ lạt, dựng khung trường. Đám con gái và mấy đứa nhỏ thì trốn ra Lòi hái sim rồi về gánh đất, trộn rơm, trát vách. Vậy mà trường xây nên, khang trang, chúng tôi học hành tiến bộ, cùng nhau lên cấp ba rồi vào đại học, vào đời…
Bùi Phan Thảo/ Văn hiến Việt Nam