‘Văn hoá từ thiện cũng phải học’

8:59 | 16/10/2021

Ngày nay, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người, tổ chức làm từ thiện. Các hoạt động và hội nhóm, câu lạc bộ từ thiện rất đa dạng.


Ảnh minh hoạ.

Cũng đã có nhiều bài viết, nhiều chương trình, quan điểm phân tích khác nhau về từ thiện, vậy nên hiểu một cách đầy đủ về từ thiện như thế nào?

Về mặt từ ngữ, “Từ thiện” là một từ Hán Việt (慈善) được ghép bởi 2 từ: “Từ” và “Thiện”.

“Từ”: Nghĩa là thương yêu.

“Thiện”: Nghĩa là tốt lành, là hiền lành, không làm điều gì trái với đạo đức và pháp luật.

Như vậy có thể hiểu, “Từ thiện” có nghĩa là làm việc tốt xuất phát lòng yêu thương, nó có thể là những việc giúp đỡ những người yếu kém, thiếu may mắn. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là “Từ Thiện”.

Một trong những đặc điểm của “Từ thiện” là thường xuất phát từ lòng tự nguyện, nên không có những nguyên tắc bắt buộc nào. Tuy nhiên, theo quan điểm chung thì từ thiện là hành vi giúp người nhưng không phải tất cả hành động giúp người nào cũng được gọi là từ thiện. Từ thiện thường phải đi chung với bất vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt).

Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” được dấy lên trong giai đoạn cả nước chống đại dịch Covid-19 để hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, hay người bị mất việc làm. Ở đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện, từ Chính phủ đón công dân đang bị kẹt ở nước ngoài về nước đến quân đội đón người cách ly.

Nhân dân cả nước cũng đã chung tay giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn trong thảm họa thiên tai ở miền Trung với thiệt hại nặng nề về người và của. Nhiều cơ quan, tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.

Thông tin về các hoạt động từ thiện, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch COVID-19 được chia sẻ mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh ý nghĩa đầy nhân văn vẫn có những mặt trái cảnh tỉnh chúng ta cần tỉnh táo hơn với hoạt động này, ể lòng tốt được đặt đúng chỗ và để những giá trị tốt đẹp được lan tỏa xứng đáng.

Hiện nay, thường khi thấy kêu gọi từ thiện là mọi người chuyển khoản mặc dù chưa biết rõ nguồn gốc thông tin đó có chính xác không. Để rồi khi phát hiện ra có trường hợp gian dối thì nhiều người có suy nghĩ tiêu cực đối với việc từ thiện. Điều ấy cho thấy tầm quan trọng của việc xác nhận và tìm hiểu thông tin về người cần giúp đỡ từ những kênh chính thống, những cơ quan, tổ chức đáng tin cậy trước khi cùng chung tay giúp đỡ.

Mục đích của từ thiện là tăng ý thức quan tâm đến những người xung quanh trong cộng đồng, liên kết những tấm lòng hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn. Thay vì cho “con cá”, tại sao ta không cho “cầu câu”? Từ thiện bằng nhiều cách và tùy vào từng đối tượng chứ không nhất thiết phải cho tiền, tặng quà.

Các hoạt động từ thiện ở Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung vào từ thiện nhân đạo để đáp ứng nhanh những nhu cầu cấp bách của cộng đồng người bị nạn thông qua một thiên tai địch họa, rồi thôi.

Tuy nhiên, từ thiện phát triển mới là mục tiêu chúng ta cần hướng đến, để giúp cộng đồng không chỉ đứng dậy được sau khó khăn hôm nay mà còn đủ năng lực và nguồn lực chống chọi với những thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai.

Từ thiện phát triển ngoài lòng tốt, sự tử tế, còn cần phải có cả sự chuyên nghiệp – ngoài trách nhiệm minh bạch thì còn cần những báo cáo về hiệu quả của những đồng tiền từ thiện mà nhà tài trợ đã bỏ ra.

Từ thiện phát triển phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công.

Tôi cho rằng đối với những hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc, bệnh tật thì tặng tiền để họ chữa bệnh là hợp lý. Còn đối với những người khó khăn mà có sức khỏe thì nên tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra để họ yên tâm làm ăn.

Từ thiện dù ở góc độ nào cũng đều mang tính nhân văn, vì vậy chúng ta đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia, đừng vì một số cá nhân lợi dụng từ thiện để “trục lợi” mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Quan trọng là trước khi làm từ thiện, chúng ta nên tìm hiểu về đối tượng mà mình muốn giúp đỡ, rồi mới nên có quyết định làm gì cho họ. Bởi vì làm từ thiện là đem niềm vui cho người khác chứ không phải chỉ làm vì chúng ta.

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Chúng ta cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.

Thời gian gần đây, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang nhận được quan tâm rất lớn của xã hội, bởi ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập.

Việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

Trên thực tế, việc minh bạch thông tin cũng như công khai các khoản thu chi của nhiều chương trình từ thiện lâu nay vẫn còn không ít bất cập. Sự việc ngày càng nóng lên khi một số hoạt động từ thiện do các cá nhân tổ chức bị dư luận có ý kiến về dấu hiệu khuất tất.

Thay vì trả lời rõ ràng kèm bằng chứng cụ thể, có người chỉ lên mạng xã hội hứa hẹn chung chung về việc sẽ công khai sao kê ngân hàng; người thanh minh, khóc lóc; người cho rằng bị vu khống; người lớn tiếng tự bênh vực nhưng không đưa ra bằng chứng cho thấy việc đã dùng số tiền quyên góp từ thiện vào những nội dung gì…

Đây rõ ràng không phải là cách làm việc chuyên nghiệp. Bởi vì, về nguyên tắc, người tham gia các chương trình từ thiện có quyền yêu cầu giải ngân số tiền họ đã đóng góp và người nhận tiền quyên góp phải có trách nhiệm giải trình, nhất là khi số tiền quá lớn thì việc giám sát, công khai tài chính là rất cần thiết. Thực tế trên cho thấy để hoạt động thiện nguyện thực chất và hiệu quả, xây dựng được niềm tin vững chắc trong cộng đồng thì yêu cầu về tính minh bạch cần phải được đặt ra như một nguyên tắc hàng đầu.

Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện quy trình cứu trợ theo từng nhóm đối tượng tham gia, lực lượng nào tham gia bước nào, quy định nào bắt buộc, quy định nào địa phương phải xây dựng cho phù hợp với điều kiện địa phương. Các tổ chức, cá nhân tham gia ở bước nào, theo quy trình nào…, để không xảy ra hiện tượng cứu trợ tự phát, vừa nguy hiểm, vừa không hiệu quả, lãng phí công sức và không công bằng, minh bạch.

Làm từ thiện có cần quảng bá không? Có, nhưng cần được thực hiện một cách tinh tế với sự trung thực, tự nguyện…, tuyệt đối tránh khoa trương. Quảng bá để kêu gọi, cổ vũ những người khác tham gia làm từ thiện, cũng là một cách tích thiện cho bản thân và xã hội, chứ không phải để đánh bóng bản thân mình.

Thế nào là văn hóa từ thiện? Đó là, hãy làm công việc từ thiện một cách văn hóa.

 

TS. Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam)/Vietnamnet

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn