Văn hóa tặng hoa

10:14 | 11/02/2022

Việc tặng hoa có từ khi con người có khả năng xem hoa không còn là thứ thảo mộc mọc bừa bãi trong thiên nhiên, mà đã biết nuôi trồng chăm sóc chúng để dùng vào những ngày lễ hội, những ngày có ý nghĩa của cuộc sống con người, thuần khiết với giá trị tinh thần, với những ý niệm đẹp gán cho mỗi một loài hoa…nhưng thực là gửi gắm trong đó những thông điệp của chính mình với sự thừa nhận giá trị của người nhận.


Không nghi ngờ gì, việc tạo nên phong tục, phong cách tặng hoa bắt đầu từ giới Thượng tầng (theo ý nghĩa đầy đủ của tính chất Quí tộc trong giới này) của xã hội. Khi cuộc sống của họ no đủ, cùng với ra đời và phát triển của Nghệ thuật ‘Cung Đình’, người ta có khuynh hướng mượn Thiên nhiên tươi đẹp và vĩ đại để mô tả, nói hộ cảm xúc và tấm lòng, tình cảm của mình…thay cho việc bày tỏ trực tiếp bằng lời nói vừa hữu hạn về ý nghĩa, và nhiều khi thô mộc quá, có thể gây ra những phản ứng không mong muốn của đối tượng. Sự thật là vỗn dĩ người ta dễ tiếp nhận những gì từ thiên nhiên và nghệ thuật hơn là từ sự thực từ chính con người. Do vậy, thông qua tặng hoa, là mượn vẻ đẹp thiên nhiên để biểu cảm, giảm được nhiều những rủi ro trong giao tiếp bằng các hình thức thông thường khác, tăng khả năng được chấp nhận vì chạm vào cảm xúc tinh thần của đối tác…hơn nữa làm những điều định bày tỏ nâng lên thành tầng văn hóa.

Ảnh minh họa: Nguồn: Getty Images

Càng về sau, việc tặng hoa trở thành nét đẹp trong văn hóa giao tiếp giữa mọi người, phổ cập đến mọi giới, lan rộng ra trong rất nhiều trường hợp. Vì cái đẹp không phải là độc quyền mà thuộc về bất kì ai yêu cái đẹp… Cùng với việc ngày càng tăng lên số lượng những ngày có ý nghĩa với mỗi người, tăng lên những cảm xúc và hoàn cảnh hay ho để người ta có lý do tặng hoa cho nhau… Nhưng tựu trung lại trong việc tặng hoa không thể thiếu : thông điệp tình cảm + biểu đạt văn hóa (là trung tâm) + ý nghĩa của ngày sự kiện… Cách của việc tặng hoa chính là chất văn hóa thực trong giao tiếp, đem đến niềm vui, sự ghi nhận, tôn vinh người được nhận. Thực ra người ta có thể giả vờ mọi thứ, bắt chước mọi thứ dở hơi và hay ho… nhưng cái chất văn hóa thực trong mỗi người thì có thể chỉ cần khoảnh khắc đã bộc lộ, một trong những hoàn cảnh khiến bộc lộ là tặng Hoa,… điều đó không đồng nghĩa với việc người ta có nhiều tiền hay chức vụ cao hay không!

Nhưng chúng ta chứng kiến việc tặng hoa rất phổ biến ở Việt Nam là không ít quan chức cấp trên đại diện tặng hoa cho những cấp dưới, những công dân tiêu biểu, thậm chí tặng hoa cho những Người Mẹ Anh Hùng,… nhân một ngày, một sự kiện nào đấy. Điều rất đáng chê trách, đáng khinh thị là nhìn họ tặng hoa không khác gì một hành động ‘ban phát’ với cái dáng điệu lãnh đạm, sờ sẩm, trịch thượng, hời hợt, vô cảm, làm cho xong chuyện…như họ vẫn thế trong điều hành việc Công, hay lắng nghe về chuyện nhân tình thế thái…. Có thể chứng kiến những người này cũng hay xuất hiện ở hàng ghế đầu trong các hội nghị long trọng, trong các Lễ văn hóa lớn… và cũng có cảm giá như vậy khi nhìn họ vỗ tay – những hành động trễ nải, nhưng tiếng đèn đẹt, đùng đục phát ra từ những bàn tay trắng ngần, mũm mĩm, núc ních thịt… giống như khán thính giả vỗ tay khi nghe giới thiệu đến tên họ vậy thôi, dù tay khán giả nhiều xương hơn, hầm hố hơn cũng chẳng vì thế mà phát ra tiếng to hơn được! Cảm tưởng là họ ngồi đó cho đủ ghế, đủ mặt, để chứng tỏ sự long trọng…mà không thực có cái tinh thần tôn vinh, ngợi ca hay văn hóa.

Tôi đã chịu khó để ý và hay ‘servey’ lại những người được tặng hoa như thế một điều nữa : Khi các quan chức tặng hoa bạn, các vị đó có nói câu gì không …thì tuyệt đại đa số trả lời: Không! Không có gì đáng để ý! Nhưng, hơn nữa, họ đều nói: giả dụ ở người tặng hoa nên có lời nói, biểu đạt văn hóa gì thực sự thì chắc chắn người được tặng hoa sẽ không thể quên được. Chỉ có cái cười nhờn nhợt cho phải phép xã giao tối thiểu với ánh đèn sân khấu chứ không phải là xã giao với con người! Bản thân tôi từng thấy có vị quan chức hai tay hai bó hoa nhặt từ mâm hoa của cô gái lễ tân mặc áo dài bưng đến, cùng lúc dúi vào hai người được tặng đứng sát nhau, cũng chẳng có cái bắt tay, không có một lời, mà nhanh nhanh dịch chuyển sang người bên cạnh!

Tôi cũng quan sát những đồng nghiệp tặng hoa cho nhau nhân ngày sinh nhật… nhiều người mua đại bó hoa bên đường (cũng được thôi), nhưng khi gặp bạn thì dúi bó hoa đó vào tay và cũng ôm hôn, cũng nói dăm câu ba điều…nhung rõ ràng là cả hai và người chứng kiến thấy điều gì đó ngượng ngùng, khiên cưỡng, thậm chí xa xỉ với cái chất thực trong quan hệ và văn hóa của họ… Người nhận cầm lấy lệ, chẳng ngó ngàng, rất nhanh để xuống ghế… bệ tường hay chỗ không xứng đáng, rồi nhanh hơn ngồi vào mâm bia và hô hai ba Dzo…Tệ nữa khi tàn cuộc bỏ quên bó hoa đó không mang về, trong khi không hề quên cầm theo ra xe những túi quà tặng lủng lẳng khác…

Ảnh minh họa. Nguồn: getty images

Tôi đã qua nhiều cái Tết thấy giáp giờ Giao Thừa người ta ế hoa vứt đầy đường và sân vận động bao nhiêu là hoa đào, hoa các loại… Nhiều người đợi giờ đó đi mua hoa cho rẻ, nhưng còn cố mặc cả đến mức người bán hoa phải phẫn uất mà ném bỏ hoa vào xe chở rác… Đấy là chưa kể cả nước đã chứng kiến bẻ vặt hoa giữa thanh thiên bạch nhật ở Thủ Đô ngàn năm văn hiến vào những ngày Lễ hội vừa qua, bên cạnh hiện diện của cảnh sát và những người bảo vệ… Trong khi không bao giờ thiếu những lời ca tiếng hát, văn thơ của đủ mọi giới người từ quan chức cấp cao đến văn nghệ sĩ, những người thường dân…ai ai cũng tán tụng hoa đào… sắc xuân… hồn Tết…. như là thấu đến tận cùng máu huyết cái vẻ đẹp tinh tế của hoa… nghe họ ca thì dường như không có hoa thì đời chả có thi vị gì hết!

Để kết, tôi xin kể: trong một buổi dạ hội Cung Đình, hoàng đế và triều thần…chăm chú, lịch sự lắng nghe một ca sĩ lừng danh hát trong sự đệm đàn của một nhạc công Pianist không được nổi tiếng gì cho lắm. Bài hát kết thức, mọi người vỗ tay hồi lâu, lần lượt tươi cười đến bắt tay và chúc tụng khen ngợi người ca sĩ đó bằng những từ ngữ sang trọng và có cánh…Hoàng Đế lại là người sau cùng, rời khỏi ghế bước đến ca sĩ ôm hôn ông và nói nhẹ nhàng đủ cho tất cả nghe thấy: “Trẫm thật hạnh phúc tối nay được nghe Khanh hát, xin cảm ơn về điều đó”. Ngài đứng đối diện, nhẹ nhàng bằng cả hai tay cầm bó hoa nhỏ xinh tươi lên ngang tầm ngực trân trọng tặng cho ca sĩ. Rồi ông quay lại chiếc bàn đặt bên cạnh ghế mình vừa ngồi, cầm lên một bông hoa Uất Kim Hương tươi đẹp nhất, đến bên người nhạc công đang đứng như bị tách ra khỏi mọi người, và nó: “Không có những tiếng đàn đệm vang lên những âm thanh thật đẹp của khanh thì Trẫm e rằng ca sĩ của chúng ta phải có tài năng gấp đôi mới có thể diễn xuất tuyệt vời như chúng ta vừa thưởng thức. Bông hoa này đã chứa đựng ý nghĩa đẹp mà ngôn ngữ của một người có thể, ta tặng khanh”. Rồi hoàng đế thậm chí còn khẽ ngả người về phía trước, hai tay trao tặng bông hoa đó cho người nhạc công. Mọi người đều thấy thú vị, buổi dạ hội đó tuyệt vời hơn rất nhiều bởi hành vi của Hoàng Đế.

Nguyễn Tất Thịnh

Cùng chuyên mục

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.