Vài suy ngẫm về những gánh nặng trần tục qua chuyện vua Sisyphus

11:20 | 20/11/2021

Trong cuộc sống, người ta thường chìm đắm trong những cám dỗ về vật chất hay những cảm xúc và ý nghĩ không bao giờ ngừng nghỉ. Những điều mà người xưa gọi là “vọng niệm” ấy khiến nội tâm con người không thể bình yên, trở thành những gánh nặng trần tục. Bởi vậy trong rất nhiều môn phái tu luyện ở cả phương Đông và phương Tây, người tu đều phải tẩy tịnh tâm linh bằng cách ngồi thiền, cầu nguyện, tụng đọc kinh sách… Một mục đích chính là để loại bỏ đi những “vọng niệm” khó lòng dứt bỏ đó.


Thần thoại Hy Lạp có kể câu chuyện về vua Sisyphus, một vị vua xảo quyệt của thành Corinth. Sisyphus luôn có một sự ám ảnh với quyền lực và thù hận, thậm chí cưới con gái của anh ruột chỉ để tìm cách giết anh. Dưới thời cai trị của Sisyphus, đô thành Corinth có sự phát triển về thương mại, nhưng cũng nổi tiếng về sự tàn bạo. Vua Sisyphus tham lam và ranh mãnh thường giết những vị khách và người lữ hành đi qua vùng đất của ông ta để duy trì một không khí khủng bố và đáng sợ. Điều này đi ngược lại với lời dạy bảo của các vị Thần trên đỉnh Olympus.

Tức giận trước hành vi của Sisyphus, các vị Thần đã phái Thần Chết Thanatos tới kéo Sisyphus xuống địa ngục. Khi Thần Chết chuẩn bị xích Sisyphus vào một tảng đá, nhà vua giả vờ tò mò về cách dây xích hoạt động. Thần Chết ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của Sisyphus đã chỉ cho ông ta cơ chế. Kết quả là chính Thần Chết bị Sisyphus xích lại.

Vì Thần Chết bị xích nên con người không còn phải chết nữa. Thế giới nhanh chóng trở nên hỗn loạn và Thần Chiến tranh Ares phải can thiệp để khôi phục lại vòng tròn của sự sống và cái chết. Thần Ares cũng bắt Sisyphus và đưa ông ta xuống địa ngục một lần nữa.

Tuy nhiên trước khi bị bắt đi, Sisyphus ranh mãnh đã chuẩn bị kế hoạch thoát thân. Ông ta yêu cầu vợ mình không được cúng tế và tổ chức tang lễ cho chồng. Sau đó, ở địa ngục, Sisyphus vờ tỏ ra bất bình và cầu xin nàng Persephone, vợ của Thần Chết, cho phép được quay trở lại dương gian để hướng dẫn vợ mình cách làm tang lễ. Kế hoạch của Sisyphus đã thành công. Ông ta được đưa về nhân gian, nhưng không có ý định quay trở lại địa ngục.

Cuối cùng Thần Hermes, vị Thần truyền tin của đỉnh Olympus và là người dẫn đường cho các linh hồn đến cửa địa ngục, đã tới bắt Sisyphus quay về địa ngục. Tại đây, các vị Thần trừng phạt Sisyphus ranh mãnh bằng một khổ hình vĩnh viễn: Yêu cầu Sisyphus đẩy một tảng đá tròn lên đến đỉnh đồi, và nếu hoàn thành, ông ta sẽ được nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi tảng đá sắp lên đến nơi, nó sẽ tự lăn trở lại xuống dưới chân đồi. Vì thế, Sisyphus sẽ không bao giờ có thể ngừng nghỉ.

Hình phạt dành cho Sisyphus trong câu chuyện này là nguồn cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ và nhà triết học suy ngẫm về sự truy cầu của con người đối với những điều “phù hoa” và gánh nặng của chúng trong kiếp nhân sinh.

Vào giữa thế kỷ 16, Titian, một họa sĩ người Ý nổi tiếng thời Phục Hưng, đã vẽ bức tranh về sự trừng phạt của Sisyphus cho nữ nhiếp chính vương Mary của Hungary và Bohemia. Bức tranh này là một phần trong quần thể tranh tại Chính điện của Lâu đài Binche, những bức tranh nhấn mạnh vào “sự khốn khổ và hình phạt vô tận dành cho những kẻ dám chống lại các vị Thần”.

Chính điện Lâu đài Binche của nữ nhiếp chính vương Mary, ngày nay đã bị phá hủy. (Tranh: Vô danh, Nhiếp ảnh JoJan, Wikipedia, Public Domain)

Trong bức tranh, họa sĩ Titian đã mô tả Sisyphus đang leo lên một dốc đá lởm chởm. Ông ta chỉ được che thân bằng một tấm vải sơ sài. Trái với truyền thuyết, Sisyphus không đẩy tảng đá lên đỉnh đồi mà vác nó trên vai và đầu. Sức nặng của tảng đá khiến vai và đầu Sisyphus chúi về phía trước.

Bức “Sisyphus” của Titian, vẽ năm 1548-1549, lưu giữ tại Bảo tàng Museo del Prado, Madrid, Tây Ban Nha. (Nguồn: Wikipedia, Public Domain)

Xung quanh Sisyphus là lửa, khói và những sinh vật kỳ lạ. Những con quái vật này dường như phụ trách việc đe dọa, không cho Sisyphus ngơi nghỉ.

Bố cục trong tranh, với viền trên của tranh tiếp xúc tảng đá, trong khi viền dưới của tranh gần chạm vào chân Sisyphus tạo cho người xem một cảm giác ngột ngạt, như số phận của ông.

Các nhà triết học sau này thường cho rằng tảng đá mà Sisyphus phải mang lên đồi tượng trưng cho dục vọng, sự tham lam, vọng niệm của con người chúng ta trong cuộc sống. Thông thường những gánh nặng trần tục này bắt đầu từ những sở thích hay ham muốn nhỏ nhặt, nhưng theo thời gian, chúng trở thành thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Điều này cũng giống như việc khi mới bắt đầu leo dốc, Sisyphus có thể cảm thấy một chút dễ dàng, nhưng càng lên cao thì tảng đá trên vai càng trở nên nặng nề và khổ nhọc hơn.

Trong cuộc sống, có những thói xấu chỉ bắt đầu từ điều nhỏ nhặt. Nghiện rượu bắt đầu từ việc vui đùa trên bàn tiệc. Cá cược đến mất nhà cửa có thể chỉ xuất phát từ hơn thua trong ván bài. Một cái liếc mắt vụng trộm mang lại cảm giác thỏa mãn nhất thời, nhưng theo thời gian nó sẽ trở thành sự dâm đãng. Khi những thứ này lớn mạnh lên, con người không còn có thể điều khiển vọng niệm nữa, mà chính chúng quay lại khống chế con người, trở thành “thói xấu”, “nghiện ngập”, thậm chí “thèm khát” đến mất lý trí.

Đối với những vọng niệm đã trở thành “chấp trước” này, có người có thể nhận ra, có người thậm chí không thể nhận ra, đã trở thành tự nhiên, coi bản thân là như thế. Khi cố gắng vượt qua những “chấp trước” này, đôi lúc chúng ta lại tái phạm, đôi lúc chúng ta cảm thấy chúng cám dỗ bản thân ngày càng mạnh mẽ hơn, giống như việc Sisyphus phải leo lên đồi không ngừng nghỉ rồi lại phải quay xuống đồi và vác tảng đá lên vai.

Tảng đá không chỉ khiến đầu và vai của Sisyphus bị co cứng dưới sức nặng, mà nó còn ngăn ánh sáng chiếu tới đầu và ngực của ông. Đầu và ngực đại diện cho trái tim và khối óc, bởi vậy gánh nặng trần tục mà chúng ta không buông bỏ đã trở thành thứ khiến chúng ta hao tâm tổn trí, che mờ ánh sáng và trí tuệ của chúng ta.

Môi trường xung quanh Sisyphus cũng khiến người ta suy ngẫm. Ông bị đe dọa bởi lũ quái vật, bị bó buộc bên trong khung tranh chật hẹp với đầy rẫy khói lửa. Nhân sinh cũng là như thế, tám chín phần mười không như ý, không mấy người hiện đại có thể có được vài ngày an ổn mà không gặp điều bực dọc, buồn bã hay khó chịu nào. Mối quan hệ trong xã hội vật chất cũng càng ngày càng khiến con người mệt mỏi. Sống trong một môi trường ấy, liệu ai có thể giữ được một tâm trí trong sạch, không vấy bẩn đây?

Sisyphus kiêu ngạo và ranh mãnh, cho rằng bản thân giỏi hơn cả Thần linh, tưởng rằng có thể thoát được kiếp nạn, có lẽ cũng giống như con người hiện đại tự hào với nền văn minh vật chất mà quay lưng với những giá trị tinh thần truyền thống hàng nghìn năm lịch sử. Thậm chí có những người mang suy nghĩ vô thần, cảm thấy tự bản thân minh bạch lắm, có hiểu biết lắm, nhưng chính nền khoa học vật chất mà nhân loại kiêu ngạo cũng chỉ có thể tìm tòi khám phá hiện tượng của vũ trụ này mà không thể nắm bắt được bản chất và cội nguồn của sự sống, cũng không thể tự chế tạo ra sự sống. Phát triển hơn nữa thì chính nhân loại lại đem đến khổ đau cho bản thân bằng những tiến bộ khoa học của mình. Bởi vì nền văn minh vật chất thoát ly nền văn minh tinh thần, khoa học không dựa trên đạo đức, đạo đức trở nên “tương đối”, nên xã hội trượt dốc hàng ngày, dục vọng và lòng tham mang đến chiến tranh và sự lạnh lẽo. Đó chẳng phải là sự trừng phạt dành cho chúng ta hay sao?

Sisyphus phải chịu đựng khổ hình vĩnh viễn trong địa ngục, còn chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể xác định được nguồn gốc của những “chấp trước”? Có cách nào để thoát khỏi những gánh nặng trần tục, những vật chất và quan niệm thực tại có thể đóng khung cuộc sống của chúng ta không? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên trong khi sống trong xã hội vốn đầy gánh nặng này?

Con người không thể dùng phương pháp trần tục để giải thoát khỏi gánh nặng trần tục. Lối thoát duy nhất cho nhân loại chính là phải tìm về với những giá trị phổ quát, tìm về với tín ngưỡng chân chính, tìm về với những điều siêu phàm thoát tục, tìm về với văn hóa tu luyện từng tồn tại trong hàng ngàn năm của chúng ta, tìm về với Thần tính, cũng là làm cho nền văn minh tinh thần nâng đỡ nền văn minh vật chất. Người xưa nói rằng con người ta khi có tâm cầu Đạo, cầu giải thoát, Phật tính một khi xuất ra thì như ánh vàng kim lóe sáng vậy, sẽ được Chư Thần giúp đỡ. Có như vậy nhân loại mới thoát khỏi viễn cảnh như nhà vua Sisyphus bên trong địa ngục.

 

Theo The Epoch Times

 

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”