Vài điều xung quanh trận Cẩm Sa giữa quân Tây Sơn và quân chúa Trịnh

9:18 | 08/11/2021

Trận Cẩm Sa là trận đánh đầu tiên giữa quân Tây Sơn và quân Đàng Ngoài. Dẫu phần thắng của trận đánh này không thuộc về quân Tây Sơn, nhưng những sự kiện xoay quanh trận Cẩm Sa lại ảnh hưởng rất lớn tới sự suy vong của cả hai vương triều chúa Trịnh và chúa Nguyễn.


(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Quân Tây Sơn tụ hợp

Đàng Trong sau một thời gian dài phát triển cực thịnh, lãnh thổ đã liên tục mở rộng đến tận vùng cực nam. Tuy nhiên sau khi hoàn thành công cuộc mở mang bờ cõi, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát lại sa vào tửu sắc không màng việc nước, mọi quyền hành rơi vào tay Trương Phúc Loan. Điều này khiến muôn dân oán thán, Nguyễn Nhạc nhân cơ hội tụ hợp quân ở ấp Tây Sơn vào năm 1771.

Bấy giờ có hai người Hoa từng là hải tặc mang theo quân đến gia nhập là Lý Tài và Tập Đình. Lý Tài chỉ huy quân Hòa Nghĩa, Tập Đình chỉ huy quân Trung Nghĩa, đây là lực lượng quân Tàu Ô gia nhập Tây Sơn. Nhờ có quân người Hoa này mà Nguyễn Nhạc mạnh lên trông thấy, lập nhiều công cho Tây Sơn như trận đánh thành Quảng Ngãi, núi Bích Kê, bến Đá.

Quân Nguyễn dưới thời Trương Phúc Loan không lo huấn luyện, trở nên rất yếu. Dù quân Tàu Ô chỉ có vài ngàn nhưng lại đánh bại được hàng vạn quân chúa Nguyễn.

Quân Trịnh vào nam

Nhận thấy Đàng Trong dưới thời quyền thần Trương Phúc Loan trở nên mục nát, năm 1774, chúa Trịnh Sâm giao cho Hoàng Ngũ Phúc đưa 33 doanh quân (khoảng 3 vạn), lấy cớ giúp chúa Nguyễn đánh Tây Sơn để nam tiến.

Quân chúa Trịnh tiến đến đâu đều nghe dân chúng ca thán về tội ác của Trương Phúc Loan, liền thông cáo thiên hạ tiến vào nam để diệt Trương Phúc Loan nhằm lấy lòng dân. Quân Trịnh sau một loạt chiến thắng, thẳng tiến tới Kinh thành Phú Xuân (Huế).

Nhận thấy tình thế Đàng Trong lâm nguy, một số tướng bàn với Định Vương Nguyễn Phúc Thuần mời Trương Phúc Loan đến bàn việc nước rồi bắt luôn ông ta, nộp cho Hoàng Ngũ Phúc.

Tuy nhiên Hoàng Ngũ Phúc lấy lý do muốn cùng chúa Nguyễn đánh Tây Sơn nên vẫn cho quân tiến đánh thẳng vào Phú Xuân. Định Vương không chống được phải rút vào Quảng Nam.

Quân Nguyễn bị kẹp trong gọng kìm

Lợi dụng quân Nguyễn khốn đốn vì bị quân chúa Trịnh đánh, Nguyễn Nhạc cùng quân Tàu Ô của Lý Tài và Tập Đình tiến đánh Quảng Nam.

Tháng 4/1775, Hoàng Ngũ Phúc cho quân vượt đèo Hải Vân đánh Quảng Nam.

Lúc này quân chúa Nguyễn ở Quảng Nam bị kẹp giữa hai gọng kìm, lo đối phó với cả quân Trịnh ở phía bắc và Tây Sơn ở phía nam. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định.

Quân Nguyễn rút đi để lại Quảng Nam cho quân Tây Sơn và quân Trịnh. Một cuộc đụng độ giữa hai lực lượng này là không thể tránh khỏi.

Quân Tây Sơn rút chạy

Quân Tây Sơn chiếm được đồn Trung Sơn chẳng được bao lâu thì Hoàng Ngũ Phúc cho quân đến chiếm và đóng quân tại đồn này.

Lúc này thời tiết oi nóng, quân Trịnh đường xa lại không quen khí hậu thổ nhưỡng nên ốm la liệt, lương thực cũng hết. Hoàng Ngũ Phúc không thể tiến quân tiếp, đành đóng quân tại đây chờ lương thực. Sau khi có quân lương đến, quân Trịnh tiếp tục tiến đánh.

Ngày 23/4/1775, quân Trịnh đến Biều Than (ghềnh Bầu) thì quân Tây Sơn từ trong rừng xông ra đánh. Nguyễn Nhạc và Tập Đình mang quân lội qua suối Trà Khê cũng đánh vào.

Quân Trịnh bị đánh bất ngờ, không thể sử dụng súng nên phải dùng gươm quyết chiến. Nguyễn Nhạc và Tập Đình không chống nổi phải rút chạy. Quân Trịnh đuổi theo, 4 tướng quân Tây Sơn tử trận.

Trận Cẩm Sa

Nguyễn Nhạc đến Cẩm Sa thì dàn trận chuẩn bị đón quân Trịnh, sai Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân. Ngày 24/4, quân Trịnh đến Cẩm Sa, hai bên xông vào quyết chiến.

Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mô tả rằng:

“Quân của Tập Đình đều người Quảng Đông, đầu đội vải đỏ, cổ đeo giấy vàng, giấy bạc, tay cầm lá chắn bằng mây và siêu đao lớn, cỡi trần xông pha đánh chém, thế rất mạnh tợn. Đội tiền quân của Ngũ Phúc không thể địch được, tước Quế Vũ bá (sót họ tên), nha hiệu của Ngũ Phúc, bị chết tại trận. Bấy giờ thuộc tướng là Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ đem kỵ binh nhanh nhẹn vào phá trận, Ngũ Phúc lùa quân ồ ạt tiến đánh. Tập Đình thua chạy. Văn Nhạc và Lý Tài lui quân giữ ở Bản Tân”.

Nguyễn Nhạc cho vài cánh quân mai phục ở một số nơi nhằm đánh tập hậu quân Trịnh, nhưng đều bị đánh cho tan tác. Nguyễn Nhạc thua trận chạy về Quy Nhơn.

Tập Đình thua trận chạy ra biển, rồi sợ hãi theo đường biển chạy tuốt về tận Quảng Châu (Trung Quốc). Còn quân của Tàu ô của Lý Tài thì hầu như bị chết hết nên từ đó Lý Tài bị thất sủng, bị Nguyễn Nhạc tước binh quyền. Quá bất mãn, Lý Tài quyết định hàng chúa Nguyễn.

Đứng trước tình thế bị tiêu diệt, Nguyễn Nhạc phải hàng phục quân Trịnh

Quân Tây Sơn bị kẹp trong gọng kìm

Thấy quân Tây Sơn thua trận Cẩm Sa, tướng chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp từ Bình Khang ra tiến đánh uy hiếp Phú Yên. Phía bắc quân Trịnh cũng tiến đến Chu Ô (thuộc Quảng Ngãi).

Quân Tây Sơn nguy cấp vì bị cả quân Trịnh phía bắc và quân Nguyễn phía nam đánh kẹp lại. Nguyễn Nhạc phải cho người dâng sổ sách ba phủ Quảng Ngãi, Phú Yên và Quy Nhơn đến xin hàng Hoàng Ngũ Phúc và xin được làm tiên phong cho Ngũ Phúc để đánh quân chúa Nguyễn.

Lúc này quân Trịnh tiến xa đã mệt mỏi, nên Hoàng Ngũ Phúc đồng ý, sai thủ hạ là Nguyễn Hữu Chỉnh đến phong cho Nguyễn Nhạc làm “Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân”, Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền tướng quân”.

Sự việc Nguyễn Nhạc hàng quân chúa Trịnh, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi chép rằng:

“Từ sau khi thua trận ở Cẩm Sa, đồ đảng của Văn Nhạc phần nhiều ly tán. Lại được tin Kinh quận công Tổng Phúc Hợp, lưu thủ doanh Long Hồ, từ trong Nam thống lãnh binh sĩ tiến ra càn quét Phú Yên, Nhạc sợ lắm. Lúc ấy, quân của Ngũ Phúc tiến đén đóng ở Châu Ổ. Nhạc bèn sai thuộc hạ là bọn Phan Văn Tuế đem vàng lụa đến xin hàng và xin làm tiền khu. Ngũ Phúc tin lời, nhân dâng biểu xin cho Văn Nhạc làm tiền phong tướng quân, giữ chức hiệu trưởng Tây Sơn. Rồi sai người gia khách giữ công việc thư ký là Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc, ấn, cờ và kiếm ban cho Văn Nhạc.”

Dịch bệnh bất ngờ

Trong khi quân Trịnh đứng trước cơ hội nam tiến thành công thì dịch bệnh khiến 3 đến 6 ngàn binh tướng bị chết, bản thân Hoàng Ngũ Phúc lúc này tuổi cao sức yếu cũng phải nhờ người dìu. Ông cho quân rút về Phú Xuân.

Do Hoàng Ngũ Phúc quá già yếu nên ông xin chúa Trịnh được trở về Kinh thành. Ông mất trên đường trở về, thọ 64 tuổi.

Sự việc này được ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” như sau:

“Ngũ Phúc đóng quân ở Châu Ổ lâu ngày, lúc ấy phát sinh bệnh dịch, quân sĩ nhiều người chết, bèn bí mật trù tính rút quân về. Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân đều muốn lui quân ở Quảng Nam, đặt quan trấn giữ. Ngũ Phúc không theo lời cho người chạy thư về triều xin về Thuận Hóa, để Quảng Nam đấy rồi sẽ tính sau. Trịnh Sâm y cho. Do đấy, hai phủ Thăng Bình và Điện Bàn lại bị Văn Nhạc chiếm cứ. Sau, vì Ngũ Phúc có bệnh phải triệu về triều, bèn sai Bùi Thế Đạt và Nguyễn Đình Đống trấn giữ thay, mà dùng bọn Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển và Nguyễn Lệnh Tân giúp việc.”

Bố cục cuối cùng
Sau Chiến thắng Cẩm Sa, lãnh thổ Đàng Ngoài đã kéo dài đến tận Quảng Nam, vì Tây Sơn đã quy thuận xin hàng, nên quân Trịnh cũng có thể đến đóng quân đến tận Phú Yên.

Tuy nhiên, thực tế dịch bệnh đã khiến quân chúa Trịnh phải rút về. Có thể nói là sự kiện này đã ban cho quân Tây Sơn một cơ hội cực lớn.

Quân Tây Sơn dù thua trận và phải hàng chúa Trịnh, nhưng nhờ đó không lo lắng bị tấn công từ phía bắc, tập trung quân nam tiến mà diệt được chúa Nguyễn.

Sau khi lực lượng mạnh thì quân Tây Sơn tiếp tục bắc tiến, diệt được chúa Trịnh. Nhưng sau đó nhà Tây Sơn lại gặp phải mâu thuẫn nội bộ, đồng thời phải đối mặt với sự tồn tại dai dẳng của quân Nguyễn, khiến giang sơn không thể thống nhất về một mối.

 

Theo VisionTimes

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024