Sáng ngày 24/11, Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí xét xử sơ thẩm 18 bị cáo trong vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn thành phố Uông Bí.
Trước đó, khoảng 21h00 ngày 05/6/2021, do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, nhóm thanh niên thường trú tại thành phố Uông Bí và Thị xã Quảng Yên gồm các đối tượng Trần Huy Hoàng, Triệu Thế Ân, Đàm Đức Huy, Cao Duy Thành, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Văn Biên, Trần Quang Thiện, Nguyễn Đức Nam, Trần Thành Ngôn, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Bá Hạnh, Nguyễn Đức Mạnh, Trần Xuân Lộc, Phạm Đức Thông, Nguyễn Trung Hiếu, Bùi Quốc Anh và Lê Trung Kiên đã có hành vi điều khiển nhiều xe mô tô đuổi nhau với tốc độ cao, hò hét, lạng lách, đánh võng trên đường, đồng thời sử dụng dao phóng lợn, vỏ chai bia, pháo nổ tự cuốn đuổi đánh nhau đến khu vực bưu điện thành phố thì bị Công an thành phố Uông Bí ngăn chặn, bắt giữ.
Công an thành phố Uông Bí ngăn chặn, bắt giữ nhóm đối tượng trong đêm 05/6/2021.
Hành vi của các đối tượng đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại khoản 2, điều 318 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên toà ngày 24/11, sau khi công bố cáo trạng, nghe các ý kiến tranh luận, xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan các lời khai, chứng cứ và dựa vào các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo với mức án phù hợp, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm 18 đối tượng gây rối trật tự công cộng.
Thông qua xét xử vụ án “Gây rối trật tự công cộng” với 18 bị cáo trong lứa tuổi thanh thiếu niên là bài học, răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng coi thường pháp luật, tính mạng sức khỏe của người khác. Đồng thời, để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, ngoài sự vào cuộc của lực lượng công an, cần hơn hết là sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường, các tổ chức quần chúng và toàn thể xã hội trong việc quản lý, giáo dục, định hướng, trang bị những kỹ năng sống cần thiết và môi trường xã hội lành mạnh để các em không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; Đối với thanh thiếu niên có quá khứ phạm tội hoặc đang có biểu hiện vi phạm pháp luật gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể cơ sở tăng cường nhắc nhở, răn đe, giáo dục để kịp thời uốn nắn, tạo cơ hội sửa chữa sai lầm, từ bỏ ý định phạm tội, phòng ngừa vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Xuân Nhẫn