Tuấn ‘siêu nhân’ dưới chân núi Kỳ Lân

17:08 | 22/09/2021

Sau vụ nổ kinh hoàng, gia đình Tuấn đã mua quan tài, đào huyệt chờ sẵn… nhưng khát khao sống giúp anh giành lại sự sống. Và từ đây, hành trình từ một cậu nhóc chỉ còn 1 chân phải trở thành ‘siêu nhân’ bắt đầu.

Trên con đường ngoằn ngoèo, um tùm cây cối, mặt đất chi chít những dấu chân, chúng tôi níu vào từng gốc cây ngọn cỏ, dò dẫm từng bước tiến vào khu trang trại của anh Trần Đình Tuấn dưới chân dãy núi Kỳ Lân, thuộc phường Cộng Hòa, TP Chí Linh (Hải Dương).

“Siêu nhân” dưới chân núi Kỳ Lân

Anh bạn dẫn đường, cũng là bạn thân của anh Tuấn nhăn nhó chỉ vào những dấu chân, dấu nạng gỗ trên mặt đất nói: “Đó là những dấu vết của Tuấn để lại trong quá trình mang vác những bao cám lớn trên vai về trang trại. Nó thuộc từng ngả đường, quen từng hốc cây, khe núi ở đây”.

Chừng gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được “đại bản doanh” của Tuấn. Đó là khu đồi rộng hơn 4ha, với nhiều dãy chuồng trại. Đây cũng là nguồn sống, là chỗ trú thân, là cả cuộc đời của Tuấn sau một biến cố từ hơn 30 năm trước.

Trên con đường mòn in hằn những vết chân, dấu gậy gỗ, Tuấn vui vẻ đón chúng tôi.

Sau cơn mưa giao mùa, cánh rừng dưới chân núi Kỳ Lân mát rượi. Trong căn nhà gọi là khang trang với đầy đủ Internet và các vật dụng, Tuấn chống nạng ra tận ngõ vui vẻ tiếp chúng tôi.

Trên khuôn mặt lã chã mồ hôi, Tuấn bắt đầu kể về biến cố xảy đến với cuộc đời anh. Và cũng từ đây, một hành trình đầy gian nan đã biến anh từ một người tưởng như bỏ đi, trở thành một “siêu nhân” chiến thắng chính số phận.

Đó là một vụ nổ khủng khiếp cách đây 31 năm khiến cho anh chỉ còn lại 1 bên chân phải, 2 tay và chân trái đã bị mất đi. Cũng từ đó, người dân nơi đây thán phục đặt cho anh cái biệt danh Tuấn “siêu nhân”.

Tuấn sinh năm 1978, từ nhỏ anh vốn là một cậu bé lành lặn và nhanh nhẹn, cho đến một chiều hè năm 1990… Tai nạn kinh hoàng ập đến đã cùng lúc cướp đi 2 người bạn và người hàng xóm của anh sau tiếng nổ chát chúa từ một quả bom bi còn sót lại.

“Đó là ngày 6/5 âm lịch, vào khoảng 1h chiều”. Anh nói vậy, bởi sở dĩ đây không chỉ là biến cố làm cho cuộc đời anh rẽ sang ngả khác, mà đó còn là ngày giỗ của 2 người bạn lúc thiếu thời, một người 11 tuổi, người còn lại vừa lên 8.

Tuấn nằm viện, người ở nhà đã dựng rạp, chuẩn bị quan tài, đào huyệt chờ sẵn. Nhưng với khát khao sống mãnh liệt của cậu bé tuổi 12, anh đã vượt qua. Biến cố ấy còn làm cho việc học hành của anh dừng lại ở hè lớp 6.

Tuấn vẫn nhớ như in cái ngày tai họa ập đến với mình.

Anh kể, sau khi thoát chết, với thân hình tàn tật, anh bỗng dưng biến thành gánh nặng cho cả gia đình vốn cũng đang khốn khó. Sau những ngày bò lê trên đất, Tuấn dùng cánh tay phải đã cụt lủn gần đến khuỷu để làm quen với cây nạng gỗ.

“Ngày đó, cả người tôi chi chít vết thương. Hễ cứ đứng lên là ngã xuống như bổ củi. Sẹo trên đầu chưa kịp lành, lại mọc thêm vết khác. Đau đớn vô cùng”, Tuấn nói.

Ngày đó, mẹ anh nhận khoán 4ha rừng, chủ yếu trồng khoai sắn để lấy lương thực cho cả gia đình. Nghỉ học giữa chừng, Tuấn khó nhọc băng qua Quốc lộ 37, đi tầm 2km men theo chân dãy Kỳ Lân vào rừng để trông nom cây cối.

Trong đó có một ngôi nhà nhỏ xếp lên bằng đá để làm nơi trú mưa, trú nắng. Những chiều muộn quá không về, ngôi nhà ấy thành nơi tá túc qua đêm. Anh kể, có những buổi chiều, mưa rừng sầm sập đổ, dòng suối ngầu đục trước nhà cuồn cuộn chảy, anh chịu ướt, ngồi ủ rũ ở bờ bên này chờ nước rút rồi mới có thể lết về.

1 năm ở rừng, anh bình tâm trở lại, đã quen với hình hài mới và xác định, cánh rừng này, dòng suối này sẽ là nơi dung dưỡng mình. Đến năm sau, Tuấn vào ở hẳn trong rừng.

Vốn có người chăm sóc nhưng khi vào rừng, từ nấu nướng, giặt giũ, Tuấn chỉ có một mình lo liệu. Biết bao lần miếng ăn đến miệng lại rơi, lúc thì nồi canh đổ ụp xuống bếp tro, khi thì không thể mở nắp lọ tương lọ cà dù ở ngay trước mặt…

Trên con đường dẫn chúng tôi về một khu trang trại nuôi gà vừa hoàn thiện ở giữa lưng chừng dốc, Tuấn nhẹ nhàng vác bao thức ăn gia súc khiến mọi người ngơ ngác.

Tuấn lầm lũi, cả năm không bước ra khỏi cánh rừng. Nhiều lúc “thèm” cả tiếng người. Đó là khoảng thời gian nhọc nhằn, khổ ải nhất mà đến giờ và mãi mãi sau này anh không thể nào quên.

Cuộc sống cô độc rồi cũng chấm dứt, khi Tuấn đến với một cô gái cùng quê. Năm 2003, cậu con trai cả ra đời thắp lại nguồn hy vọng tưởng như đã tan biến cùng tiếng bom nổ năm nào.

Những tưởng vợ con đã đề huề, êm ấm, thì khi con vừa 2 tuổi, người vợ lẳng lặng rời xa anh không một lời giải thích. Cuộc sống vốn khốn khổ, giờ lại thêm vất vả biết bao khi Tuấn vừa phải gà trống nuôi con, vừa phải trồng rừng kiếm sống.

Có lúc anh đã quên mọi thứ bằng hơi rượu, muốn quên đi những tai ương liên tiếp đổ ập xuống đầu mình. Nhưng rồi tiếng đứa con không còn mẹ khóc ngặt giữa đồi gió hú làm Tuấn như bừng tỉnh.

Anh bắt đầu lao vào làm việc như một con thiêu thân…

Hồi sinh từ trong đau thương, nước mắt

Không có tiền thuê nhân công nên việc trồng cây gây rừng gần như Tuấn phải tự tay làm. Hàng ngày, từ lúc tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất bóng, anh một mình hì hục trong rừng đào hố.

Chiếc chân phải còn lại cùng cây nạng anh di chuyển khắp quả đồi. Tay phải cụt lủn dần cũng sử dụng thành thạo chẳng khác nào một bàn tay lành lặn.  Những cánh rừng thưa cằn cỗi, dần được phủ xanh bằng những vườn keo, dãy cây ăn quả. Đây là một kỳ tích với một người tàn tật như Tuấn.

Vượt lên số phận, Tuấn bắt những khu đồi cằn cỗi thành những cánh rừng bạt ngàn. Anh cũng xây dựng nhiều khu truồng trại cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP Chí Linh, hàng nghìn cây keo cũng được anh thu hoạch cuốn chiếu, xuất bán lãi vài chục triệu đồng. Có vốn, những việc nặng nhọc trước kia như mang vác, phát quang rừng tạp, cưa cành đốn củi được anh thuê những người khỏe mạnh đến làm.

Cũng từ đó, cái tên Tuấn “dị” hay Tuấn “siêu nhân” được mọi người khoác cho anh. Nhưng những cái tên này không phải do sự kỳ thị về ngoại hình, mà vì anh làm được những việc thật dị thường, “siêu nhân” đến người lành lặn cũng phải bái phục.

Trên con đường dẫn chúng tôi về một khu trang trại nuôi gà vừa hoàn thiện ở giữa lưng chừng dốc, chỉ vào đống thức ăn gia súc vài chục bao xếp vuông vức trong sân, anh nói: “Tiện các anh tham quan trang trại, tôi vác chúng lên luôn”.

Nhìn ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi, Tuấn cười cho biết, đây là công việc thường ngày của anh. Làm nhiều nó thành quen. Miệng nói tay làm, Tuấn cầm một chiếc móc sắt kẹp sẵn vào nách bổ phập xuống, cùng một cái nhún người là bao cám đã được nhấc bổng lên vai.

Anh kể: “Khoảng vài năm sau khi phủ xanh hơn 4ha đồi, tôi bắt đầu nghĩ đến việc chăn thả lợn, gà để lấy ngắn nuôi dài. Đến bây giờ, 8 trại gà nằm rải rác khắp các cánh rừng”.

Khi được chúng tôi hỏi vì sao không xây dựng tập trung để tiện bề đi lại thì Tuấn lý giải phải xây cách xa nhau để phòng ngừa bệnh dịch. Nếu trại này phát bệnh thì dễ dàng cách ly để chữa trị.

Với cách làm khoa học của Tuấn, từ ngày đầu khởi nghề chỉ có vài trăm con gà, giờ mỗi trại của anh Tuấn cũng có đến cả nghìn con lớn nhỏ.

Mọi người đều thán phục nỗ lực phi thường của người đàn ông chỉ còn lại một bên chân dưới chân núi Kỳ Lân.

Vốn ham mê tìm tòi học hỏi, giờ nhìn đàn gà là anh có thể biết được chúng khỏe mạnh hay ốm yếu, nên việc anh chữa trị cho chúng khá đơn giản. Mỗi năm 1 vạn con gà Hồ thịt được xuất bán đi sẽ mang về cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng tiền lãi. Nếu không có bệnh dịch, chăn thả thuận lợi thì mỗi năm sẽ xuất được 3 lứa gà thịt.

Những cánh rừng xanh mướt cho thu nhập, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở là niềm an ủi, động viên anh sau những ngày gian khổ.

Gần đây, 2 niềm vui lớn đã đến với cuộc đời anh. Cậu con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh của anh đã tốt nghiệp cấp 3 và ước mơ của cậu là được nhập ngũ.

Đặc biệt hơn, anh đã tìm được một nửa của riêng mình là cô gái người Mường ở Hòa Bình. Một mối duyên mới, một mảnh ghép muộn màng nhưng đã khỏa lấp đi những thiếu hụt trong cuộc đời Tuấn. Anh khá tự hào về mình.

Tuấn nói: “Từng là gánh nặng, giờ anh lại là chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già. Nay gia đình có công to việc lớn hay bố mẹ ốm đau, tôi là người đứng ra lo liệu”.

Điều người dân nơi đây thán phục gọi anh là “siêu nhân” là chưa bao giờ thấy anh than trách số phận, chưa khi nào thấy anh chùn bước trước khó khăn. Trong đôi mắt người đàn ông không lành lặn này luôn sáng rực những đam mê và khát vọng chinh phục.

Chia tay Tuấn, chúng tôi mỗi người ôm chặt anh vào lòng, thì thầm: “Siêu nhân”.

Đoàn Tân


Cùng chuyên mục

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động