Từ tín ngưỡng đến mê tín dị đoan

9:00 | 25/03/2019

Trong tâm vẫn luôn sợ hãi hoặc mong cầu quá nhiều, quá tham lam đều dễ trở nên mê muội và bị những kẻ buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan dẫn dụ.


Đại đức Thích Trúc Thái Minh

Liên tiếp gần đây xảy ra 2 sự kiện làm đau lòng phật tử chân chính và gây hoang mang dư luận: chùa Phúc Khánh (TP Hà Nội) ra bảng giá cúng sao giải hạn, từ chối người thiếu lễ; chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, thu hàng chục tỉ đồng… Vì sao có nhiều người tin một cách mê muội vào những chuyện trái với giáo lý nhà Phật, chấp nhận mất tiền, thậm chí nhiều tiền một cách dễ dàng?

Lo sợ và lòng tham

Mê tín gắn với con người từ ngàn xưa, tồn tại phổ biến và đa dạng trong các nhóm người khác nhau, từ các bộ tộc cổ xưa đến những người hiện đại mà trong đó yếu tố xã hội hóa góp phần quan trọng. Ban đầu là do nhận thức còn thấp kém, thiếu tri thức khoa học nên con người tin vào sự tồn tại của thế giới thần linh, ma quỷ, “cõi âm”.

Rồi khi xã hội phát triển cũng ẩn chứa bên trong nhiều mặt trái, tiêu cực, thay đổi bất thường, chiến tranh, thảm họa… khiến người ta thiếu niềm tin, cảm thấy bất an nên tìm đến thế giới siêu nhiên, cầu mong sự phù hộ, che chở. Hay khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không tự quyết định, kiểm soát được, người ta tin vào thần thánh để lấp đi khoảng trống sợ hãi và cảm thấy tốt hơn, tự tin hơn.

Nghịch lý ở chỗ vào thời đại con người đã lên cung trăng, lý giải hầu hết các hiện tượng thiên nhiên, có nhiều phát minh vĩ đại… nhưng sự cuồng tín, mê muội không mất đi mà vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng nhiều, khiến con người không phân biệt đúng sai, chân lý, thiếu sự kiểm soát.

Chỉ có thể lý giải chính là do lòng tham và sự mong cầu quá lớn khiến người ta mất lý trí, bị mê tín dị đoan chi phối. Những người thiếu hiểu biết hoặc thường gặp hoạn nạn, khó khăn, bất hạnh tìm đến sự che chở của thế lực siêu hình, mong cầu bình an, yên ổn đã đành; người làm ăn buôn bán, công việc thuận lợi, thậm chí học cao hiểu rộng, có công danh sự nghiệp… cũng vẫn rất tin vào những lời bói toán, cúng sao giải hạn, thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, vung tiền để được phước báu.

Cứ nghe ở đâu có miếu, có chùa thiêng là liền đến lễ bái cầu xin, cúng dường. Đơn giản chỉ vì quá tham lam, lo sợ vuột mất những gì đang có hoặc muốn giàu nhanh và nhiều hơn, lên chức cao hơn. Nhờ vậy mà những kẻ truyền bá mê tín bày ra nghiệp chướng này nọ để “khủng bố” tinh thần của tín đồ, dẫn dụ họ phải cúng bái.

Biển chỉ dẫn đến nơi thỉnh giải nghiệp ở chùa Ba Vàng (hiện đã được cất đi). Ảnh: MAI PHƯƠNG

Trách nhiệm quản lý ở đâu?

Những vụ việc đã và đang diễn ở chùa Phúc Khánh, chùa Ba Vàng tồn tại một thời gian dài chung quy cũng chỉ vì sự cuồng tín, u mê của nhiều người tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo, trục lợi tâm linh phát triển rầm rộ. Nhưng còn vai trò quản lý xã hội của các cơ quan có thẩm quyền ở đâu trong khi vụ việc chùa Ba Vàng nói riêng và những hoạt động tín ngưỡng trá hình khác nói chung rất công khai, rầm rộ, tác động xấu đến an ninh trật tự?

Vì sao chỉ khi dư luận truyền thông lên tiếng phản đối, chính quyền địa phương mới chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ những thông tin trên công luận? Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa thời gian qua như thế nào mà không phát hiện kịp thời để chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn, thậm chí vi phạm quy định pháp luật của chùa Ba Vàng và có thể còn có ở một số cơ sở thờ tự khác…?

Nhiều câu hỏi được đặt ra và rất cần có câu trả lời nghiêm túc, trách nhiệm cũng như những biện pháp xử lý nghiêm minh. Đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để ngăn chặn những hành vi mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với truyền thống Phật giáo Việt Nam.

 

Yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt giảng pháp
Ngày 24-3, UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết vừa gửi Công văn khẩn số 675/UBND về việc chấp hành danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đến chùa Ba Vàng.

Về việc phật tử Phạm Thị Yến tuyên truyền giảng pháp, UBND TP khẳng định những hoạt động đó đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, bất bình trong dư luận và không có trong danh mục những hoạt động tôn giáo năm 2019 đã được đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Qua đó, TP yêu cầu chùa Ba Vàng phải chấm dứt toàn bộ hoạt động trên. Công văn còn nêu rõ chùa Ba Vàng phải sớm có biện pháp chấn chỉnh việc giảng pháp của tăng ni, phật tử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

T.Đức

 

Theo NLD

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024