Từ ngày 15/3, Việt Nam dự định mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế

10:07 | 17/02/2022

Ngày 16/2, theo Thông báo số 43 của Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Việt Nam mở cửa hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Trong kế hoạch mở cửa du lịch, giới hạn cấp visa do dịch COVID-19 dự kiến được dỡ bỏ cùng thời điểm.


Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills.

Về việc mở cửa du lịch quốc tế, tại cuộc họp ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết sau 4 tháng thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, Việt Nam đón gần 9.000 lượt khách (trong đó khoảng 50% là người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước).

Đại diện nhiều bộ ngành tham gia cuộc họp đã đề xuất mở cửa hoạt động du lịch quốc tế với nhiều chính sách nới lỏng hơn từ ngày 15/3/2022.

Cụ thể, các biện pháp trong việc kiểm soát di chuyển của người dân và hành khách quốc tế được dỡ bỏ; dừng các biện pháp giới hạn về cấp visa và trở lại chính sách như trước khi có dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương từ ngày 15/3. (Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương đối với 13 nước và song phương đối với 88 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Ngoài ra, khách quốc tế đến Việt Nam không cần phải đăng ký theo tour như trong thời gian thí điểm.

Về điều kiện nhập cảnh đến Việt Nam, tại cuộc họp này, ông Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc-xin, vì Việt Nam chưa thực hiện tiêm cho đối tượng này”.

Bên cạnh đó, hành khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (24h đối với kết quả test nhanh; 72h đối với kết quả test bằng RT-PCR); cài ứng dụng quản lý y tế theo quy định (hiện nay là ứng dụng PC-Covid).

Đối với vấn đề hành khách quốc tế chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin COVID-19 nhập cảnh vào Việt Nam, theo quy định trước đó của Bộ Y tế Việt Nam, hành khách quốc tế nhập cảnh từ ngày 1/1/2022 sẽ không bị cách ly tập trung, thay vào đó là cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày (khách nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19) hoặc 7 ngày (khách nhập cảnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin).

Trong quá trình nhập cảnh, hành khách quốc tế nếu có triệu chứng nghi ngờ phải thực hiện xét nghiệm nhanh tại sân bay. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Về giải pháp khi xảy ra trường hợp du khách bị nhiễm COVID-19 trong quá trình du lịch tại Việt Nam, Bộ VHTTDL Việt Nam đề xuất cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế địa phương, phương thức cách ly và điều trị tương tự đối với người dân Việt Nam. Đồng thời, du khách khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm bắt buộc mức 10.000 USD (chi phí đóng gói bảo hiểm trung bình khoảng 30 USD/người).

Cuối buổi họp, ông Đam cho biết sau 2 năm dịch bệnh, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần nhanh chóng mở cửa lại hoạt động du lịch. Ông Đam yêu cầu các Bộ VHTTDL, Bộ Y tế,… nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn về việc nhập cảnh đối với việc mở cửa du lịch sắp tới.

Về phía các doanh nghiệp hàng không ở Việt Nam, Vietnam Airlines nhận định đến cuối tháng 4/2022, khách nhập cảnh vào Việt Nam chủ yếu vẫn là khách Việt Nam về nước và một số ít khách công vụ, chuyên gia – báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Hiện nay, Vietnam Airlines duy trì các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia gồm: Mỹ, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia (hiện tại, chỉ riêng Trung Quốc là từ chối mở lại đường bay thường lệ với Việt Nam, mặc dù phía Việt Nam đã đưa ra đề xuất nối lại đường bay từ tháng 12/2021). Tần suất bay các đường bay nêu trên khoảng 1-5 chuyến/tuần/đường bay, riêng đường bay với Nhật Bản là 7 chuyến/tuần.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Saigontourist cho biết hiện nay có những thị trường với điều kiện du lịch rất thông thoáng, thậm chí không cần giấy chứng nhận hay hộ chiếu vắc-xin. Saigontourist sẽ mở lại hoạt động du lịch đưa khách đi du lịch với những thị trường này trước, theo báo Tuổi Trẻ.

Với thông báo về việc mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ ngày 15/3 nói trên, Chính phủ Việt Nam dự định kết thúc giai đoạn thí điểm du lịch quốc tế đã được thực hiện từ tháng 11/2021.

 

(t/h)

Video hay

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023

Cần Thơ: Tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư

Cần Thơ: Tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Du lịch làng nghề cần ‘đánh thức’ tiềm năng sẵn có ở các địa phương – Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Du lịch làng nghề cần ‘đánh thức’ tiềm năng sẵn có ở các địa phương – Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế