Tự hào về thăm ATK Định Hóa

8:00 | 16/12/2021

Trong niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, về những miền quê cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi về thăm ATK Định Hoá (Thái Nguyên), nơi đây là quần thể di tích lưu giữ những tư liệu lịch sử còn mãi với thời gian.


Cung đường từ thành phố Thái Nguyên đến huyện Định Hoá chừng hơn 50km, càng đi, chúng tôi càng cảm nhận được khung cảnh nơi đây đậm màu sắc Việt Bắc.

Hai bên đường là núi rừng trập trùng, gió ngàn vi vút, những bản làng nhà sàn bình yên nép mình bên sườn núi.

Cuộc sống nơi đây bình dị, thanh bình và gợi lên trong tâm hồn con người những cảm nhận về một không gian Việt Bắc trong kháng chiến.

Vùng đất Định Hoá được bao quanh bởi những “sóng núi” trùng điệp, nhấp nhô, những rừng cây xanh ngút ngàn và thanh âm trong trẻo của tiếng suối vang lên từ cánh đồng xa xa.

Tượng Bác Hồ tại nhà trưng bày truyền thống ATK Định Hoá.

Định Hoá là địa điểm vào năm 1947, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã quyết định chọn là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong trí nhớ của những bậc cao niên ở Định Hoá, vào thời gian đêm 19, rạng sáng ngày 20-5-1947, Bác Hồ về Định Hóa và đặt chân đến xã Điềm Mặc để bắt đầu cho công việc xây dựng căn cứ kháng chiến.

Hoà vào dòng lịch sử về ATK Định Hoá, chúng tôi gợi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu về vị cha già dân tộc: “”Nhớ Người những sớm tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc).

Theo chỉ dẫn của sơ đồ quần thể di tích ATK, chúng tôi đã đến thăm những địa danh ở ATK Định Hóa đã đi vào lịch sử như đèo De, núi Hồng, Chợ Chu, đồi Khau Tý, thác Khuôn Trát, lán Tỉn Keo, chùa Hang, xã Bảo Linh, bản Ròong Khoa…

Dừng chân tại nhà trưng bày truyền thống ATK Định Hoá dưới chân đèo De, chúng tôi được thăm quan những tư liệu lịch sử về Bác Hồ và cuộc kháng chiến ở Việt Bắc nơi “Thủ đô gió ngàn – Định Hoá”.

Mỗi hình ảnh, tư liệu như như những câu chuyện kể chân thực và gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào về lãnh tụ và những năm tháng kháng chiến ở ATK.

Trên đỉnh đèo De bốn bề lộng gió, phía xa xa là ngọn núi Hồng cao sừng sững, xung quanh là những đồi chè, đồi cọ xanh ngút ngàn. Nghe văng vẳng đâu đây câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.

Mái vòm cong vút in hình lên nền trời xanh của ngôi đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De tạo nên một không gian cổ kính, thiêng liêng.

Thấp thoáng bên những triền núi, bên những con suối là những địa điểm di tích trong quần thể hoà vào màu xanh của cây lá, trong những bản làng của đồng bào dân tộc Tày.

Mỗi điểm di tích là một sự kiện, một tư liệu lịch sử, một câu chuyện còn lưu giữ trong sử sách, bia đá và tâm khảm mỗi con người vùng ATK.

Theo con đường làng uốn lượn quanh cánh đồng và con suối Đình, chúng tôi đến thăm đồi Khau Tý, nơi cách đây 74 năm, Bác Hồ chọn là nơi làm việc bí mật và soạn thảo những sắc lệnh quan trọng trong cuộc kháng chiến.

Phía trên đỉnh đồi, bên lán làm việc của Bác năm xưa là khung cảnh thơ mộng, hữu tình của những cây cổ thụ toả bóng, hoa rừng và những vạt măng vầu mọc tua tủa, bạt ngàn khắp triền đồi.

Giữa khung cảnh ấy, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bộn bề công việc nhưng tâm hồn Bác luôn lộng gió, và chính ở đỉnh đồi Khau Tý, Bác đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Lắng nghe bài thơ và những câu chuyện kể về Bác Hồ, chúng tôi cảm nhận được đâu đây tiếng nói ấm áp của Người và hình ảnh Bác in đậm trong trái tim mỗi người.

Di tích lịch sử lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc thôn Nà Lọm, xã Phú Đình. Căn lán đơn sơ, mộc mạc được đồng bào nơi đây coi là “Phủ Chủ tịch của lòng dân”.

Bởi lẽ, theo lời kể của các chứng nhân lịch sử, Tỉn Keo đã đáp ứng được các tiêu chí: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”.

Tại đây, Bác Hồ, Trung Ương Đảng và Chính Phủ đã họp và chỉ đạo, bàn kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953-1954). Cuộc họp quan trọng diễn ra vào ngày 6-12-1953, để quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Còn đây, bên căn lán lịch sử, cây bưởi Đoan Hùng mà cán bộ, nhân dân Phú Thọ tặng Bác, được Bác ươm trồng ngay cạnh lán đến nay tỏa bóng xanh tốt. Lũy tre xanh do Bác trồng, hàng dâm bụt nở hoa đỏ thắm trước lán Tỉn Keo gợi lên tình yêu quê hương, xóm làng của Bác.

Dời đồi Khau Tý, chúng tôi đến thăm Chợ Chu, trung tâm của huyện Định Hoá. Mặc dù nơi đây đô thị đang phát triển và mang đến cho vùng đất này một màu sắc tươi mới nhưng phố núi vẫn lưu giữ những địa điểm di tích có giá trị lịch sử.

Cách thị trấn Chợ Chu không xa, cây đa lịch sử gắn liền với cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám vẫn xanh tốt và là “chứng nhân” lịch sử còn mãi với thời gian.

Những dòng chữ trong tấm bia lịch sử như làm dậy lên không khí sôi sục của những ngày đầu tổng khởi nghĩa: “Nơi đây, ngày 28-3-1945, đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử với hàng ngàn quần chúng cách mạng tham gia. Tại cuộc mít tinh này, Việt Minh Định Hóa tuyên bố xoá bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai”.

Lán ở và làm việc của Bác Hồ trên đỉnh đồi Khau Tý.

Phía bên triền núi uy nghi, sừng sững, tạc vào dáng núi là ngôi chùa Hang vô cùng độc đáo, chùa trong hang đá núi. Tiếng chuông chùa vang lên mỗi buổi chiều, phả vào “sóng núi” Chợ Chu chạy dài, trùng điệp bao bọc lấy phố núi.

Bước vào ngôi chùa Hang theo từng bậc đá vững chắc, chúng tôi cảm nhận được không gian độc đáo, trầm mặc, thanh tịnh vốn có. Điều đặc biệt của ngôi chùa là ngoài các ban thờ Phật, chùa dành riêng một không gian thờ Bác Hồ trên bệ đá trang trọng.

Sư thầy trụ trì Thích Thanh Thắng kể rằng trong những ngày đầu kháng chiến, chùa Hang là một căn cứ quan trọng, nơi có địa thế hiểm trở, bí mật tuyệt đối. Nơi đây, Bác Hồ đã từng chọn làm nơi ở, làm việc và luận bàn kế hoạch cho chiến dịch Thu Đông năm 1950.

Còn rất nhiều điểm di tích trong quần thể ATK Định Hóa tuy chúng tôi chưa có điều kiện đến thăm nhưng có lẽ, khi đến Định Hoá, vùng đất lịch sử, nơi Thủ đô gió ngàn, mỗi người đều dâng lên niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, về những trang sử hào hùng của cha anh trong lịch sử kháng chiến.

Thầy giáo Phạm Văn Vũ, nguyên giáo viên trường Trung học phổ thông Định Hoá chia sẻ: “ATK Định Hoá là cội nguồn cách mạng Việt Bắc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.

ATK Định Hoá, một Việt Bắc trong lòng dân tộc, một địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hướng về nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. Như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Theo Quận đội nhân dân

Video hay

Cùng chuyên mục

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong muốn đưa hợp tác với Việt Nam lên tầm cao mới, vừa toàn diện, vừa chiến lược

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong muốn đưa hợp tác với Việt Nam lên tầm cao mới, vừa toàn diện, vừa chiến lược

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023