Không lẽ thế kỷ 21 hết thời cho chuyện cổ tích? Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thiếu thốn và chiến tranh khốc liệt…nhưng cũng được nuôi dưỡng nhờ rất nhiều truyện thần thoại và cổ tích! Tôi viết truyện này cũng mang màu sắc đó. Vào dịp Tết như món quà chung thay cho bánh trái đã rất nhiều…và loại bỏ các chi tiết gây hại tâm hồn, nhưng để lại nhiều “khoảng trống” để tưởng tượng tiếp thế nào thì tuỳ người đọc trên nền truyện…Qua câu truyện này, tôi cũng muốn truyền thông điệp về những ý niệm vĩnh hằng và cao quý của cuộc sống chúng ta!
Xưa kia có một làng nhỏ đơn độc trong hoang mạc. Dân cư không nhiều, chẳng có chiến tranh, họ sống bằng nghề chăn nuôi và gieo hạt…Xuân hạ thu đông…ngày tháng năm…đã nhiều đời truyền nối…mãi vẫn vậy.
Từ lâu trong tâm thức sâu thẳm của dân làng…như luôn có điều gì rất lớn sắp được thay đổi?! Nhất là lớp thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành, luôn muốn tìm kiếm tương lai tươi đẹp, cảm thấy rằng không thể tìm được điều mới mẻ gì khi chỉ ở trong làng nghèo và nhỏ này, mà cần phải đi xa, rất xa…
Những người trung niên trong làng thường chỉ tay về cuối trời thăm thẳm, nơi quanh năm in mờ dãy núi màu sắc xám nhẹ, xanh nhạt cuốn đầy mây giăng và có nhiều đỉnh núi lúc nào cũng phủ một màu trắng xoá như tuyết mây…
Nghe những người lớn trong làng bảo: Ở đỉnh cao nhất có 1 Ông già Thời gian cư ngự. Ông ấy chỉ hơn các già làng là biết tất cả quá khứ và tương lai thôi…mà không biết gì khác nên bao lâu nay trông vẫn thế…Câu chuyện truyền thuyết ấy được lưu truyền với trẻ con về sau trong làng bằng những câu truyện “…ngày xửa ngày xưa…”
Cũng có không ít trai tráng thông minh trong làng đã từng nghĩ: “Nếu có ‘Ông già Thời gian’ thật thì chắc hẳn Ông già Thời gian đang sở hữu chiếc ‘guồng thời gian’, hẳn Ông ấy sẽ biết trước trong đó đang tiềm chứa những điều gì…Nếu gặp được Ông để hỏi chuyện, được Ông nói cho biết mọi điều, thì chúng ta sẽ biết được tương lai của mình.”
Và thế là có vài người dân rất can đảm đã rời làng đi xa để tìm kiếm Ông già thời gian, mong ông sẽ cho họ biết những bí mật về lương lai – hằng mong đổi mới cuộc đời. Nhưng tất cả bọn họ đều không ai trở về làng nữa!!! Không một ai trong làng biết thêm điều gì về những người đã ra đi ấy…
Từ đó những câu truyện kỳ bí trong làng ngày càng nhiều và khiến những người dân trong làng càng trở nên lo sợ.
Đến một ngày, có một thiếu nữ trong làng vừa tròn 16 tuổi. Nàng trăn trở rất nhiều về truyền thuyết, về sự ra đi không trở lại của các trai tráng trong làng…Hơn thế, sáng chiều nào nàng cũng hướng mắt về dãy núi phía xa thăm thẳm tự hình dung về “Ông già Thời gian”, trong đầu nàng nảy sinh bao nhiêu câu hỏi không ai có thể trả lời ngay cả nàng…
Cứ thế, nhiều ngày trôi qua, nàng đã quyết chí lên đường hướng về nơi có Ông già thời gian để biết về tương lai. Nàng bày tỏ với cha mẹ điều mà nàng mong mỏi. Nhưng cha mẹ nàng không chấp nhận và gạt đi lời cầu khẩn của con gái, coi đó là cảm hứng nhất thời của con trẻ, họ còn nói thêm: “Chẳng biết tương lai thì mai vẫn phải sống, một đống ngày qua vốn đã quá buồn!” Thế rồi nàng tâm sự với Bạch Mã (con ngựa) 18 tuổi của mình! Lạ thay, vừa nghe xong ngựa như hào hứng, dựng hai chân lên hí vang, rồi cúi xuống vai nàng trìu mến biểu lộ sự ủng hộ và sẵn sàng hộ tống nàng lên đường. Vào một ngày kia, nàng đã chuẩn bị thực phẩm thiết yếu để cùng Bạch Mã của mình lên đường vào trước rạng đông…không cho một ai trong làng hay biết.
(Mọi người hãy cứ tưởng tượng về hành trình trên đường của Nàng…Chỉ tiết lộ thêm là nàng còn mang theo Chim Ưng)
Nàng còn mang theo một chú chim Ưng trưởng thành để giúp nàng dò đường phía trước và dự cảm thời tiết, báo trước cho nàng những hiểm hoạ có thể xảy đến với nàng trên đường đi.
Và nàng đã đến được chân dãy núi trùng điệp, thật kỳ vĩ vô ngần! Trên đỉnh nùi có Ông già thời gian ở đó! Nàng vỗ cho chim Ưng bay lên, sau đó nàng chọn một nơi mát mẻ bên một dòng suối, nước chảy ra từ khe núi, bên bờ suối thì có rất nhiều cây Kỳ Thảo.
Trước mắt nàng bỗng xuất hiện một cây “Kỳ thảo hoang mạc”, như các già làng từng nói: Cây Kỳ Thảo, nó sẽ tươi trở lại và sống tiếp được khi nó gặp nước và nếu nó được trồng trên mảnh đất tốt lành hơn trước.
Sau khi đã nghỉ chân bên bờ suối mát mẻ, nàng cưỡi bạch mã tiếp tục leo lên trên đỉnh núi cao nhất với sự băng giá bao quanh bởi không khí nơi đây. Nàng đi tiếp, đi tiếp thì thấy xuất hiện ngay trước mắt nàng là một hang động, cửa hang phủ mây trắng vừa dày vừa huyền ảo…nhưng khi nàng bước vào bên trong thì cảm thấy thật ấm áp lạ thường.
Băng qua làn sương mờ ảo ấy, đột nhiên nàng dừng lại bởi trước mặt nàng xuất hiện một người…An toạ vững vàng, thanh thoát trên phiến đá to, phẳng là một Ông già cao lớn quắc thước, toàn thân trong như cẩm thạch. Lúc này nàng biết ngay đây chính là “Ông già thời gian”. Nàng liền thưa với ông về ngôi làng của mình và hỏi: “Xin ông cho biết tương lai ngôi làng của con và những người sống làng sẽ như thế nào?”…Ông già thời gian vừa nghe xong, ngồi bất động nhưng cất lời từ tốn, giọng ông vang vọng cả núi rừng: “Con chỉ cần trả lời chân thành một câu này thì ta sẽ mách cho!” Nàng xin vâng và lắng nghe! Ông hỏi: “Thời gian luôn trôi đi, theo con điều gì là không thay đổi?”
Nàng trầm tư, suy nghĩ đáp: “Con không biết ạ! Nhưng từ khi đến đây, con thấy những làn mây trắng, nhẹ nhàng từ rừng núi bay đi rất xa, rồi thỉnh thoảng những cơn dông từ đâu kéo về trút mưa khắp mặt đất…mọi sinh vật cứ thế sinh thành, biến đổi.”
(Nàng nghĩ thầm, suối chảy đưa trứng cá Hồi trôi xuống cuối nguồn. Những con cá Hồi trưởng thành từ xa xôi lại mạnh mẽ, nỗ lực bơi ngược dòng để về lại đầu ngọn suối để đẻ trứng tiếp)…Nàng nói tiếp – “Có lẽ chỉ có chính Ông mới không thay đổi?”
Ông già thời gian vừa nghe xong câu trả lời của nàng liền cười vang, ông nói: “Có lẽ thế! Con đã có câu trả lời chân thành, Ta cảm được tự con Thiện Tâm. Vậy hãy cứ làm gì như mỗi ngày tự con nhận thấy nên làm và đúng cho tương lai phía trước của con cũng như của buôn làng. Ta sẽ thầm chỉ bảo cho con cách thay đổi để mọi chuyện hanh thông.”
***
Về phần Bạch Mã (con ngựa), khi vừa xuống núi, bỗng cất được tiếng nói, Bạch Mã nói với nàng rằng: “Thực ra Bạch Mã vốn là con trai trưởng Tộc, chàng chỉ trở lại thành người khi đưa được một vị Thiện Nữ đến giúp đỡ giải cứu thành công bộ lạc của mình. Gần đây có một Bộ Lạc nhỏ bị vây trói bởi yểm độc khiến họ mê muội tự hại nhau, đang trong nguy cơ lụi tàn…” Chàng kể tận tình và xin nàng cứu giúp!
Nàng nghe và liền hiểu thêm ra vấn đề. Ở bất cứ đâu dù làng của mình trên hoang mạc hay Bộ Lạc nào di nữa đều chung một tai hoạ tiềm ẩn. Sống trong hoang dã, lại bị yểm bởi mê độc, có thể nảy sinh sự tự hủy. Thế nên cần khai sáng, tương trợ nhau. Dù ở vùng miền nào, thiên nhiên cũng có vận hành theo thời gian, có đặc điểm riêng vừa nuôi sống vừa thử thách con người, nhưng giao lưu, trao đổi được mọi điều hay, quý với nhau mới là cách tiến hoá thực sự của Con Người!
Như có một Lực lượng lớn lao tiếp sức, mách bảo nàng từng ngày.
Nàng theo chân Bạch Mã, bước vào vùng Bộ lạc sinh sống, thấy trong làng xuất hiện những Kỳ thảo đang mọc lên xanh tươi, báo hiệu nơi đây đang được phù trợ cho sự tốt lành. Nàng dùng những quả Kỳ thảo chế làm thuốc giải yểm độc cho những người dân trong Bộ Lạc.
Bỗng chốc Bạch Mã biến trở lại thành chàng trai tuấn tú, mạnh mẽ. Nàng giờ đây cũng đã trở nên đằm thắm, thông minh, xinh đẹp. Họ lấy nhau và sau đó đồng hành cùng nhau đi tìm Ông già thời gian để biết về tương lai, sự thay đổi của con người và những người trong dân làng.
***
Trên đường đi nàng quyết định thả Chim Ưng về với chân trời tự do và mình sẽ cùng chồng lên đỉnh núi tìm Ông già thời gian ngự. Trước khi từ biệt, chim Ưng nhắn nhủ: “Sở dĩ trước đây đã có một số người đi không trở về được, vì họ cũng đã đến được nơi Bộ Lạc đây nhưng không giúp ai mà lại chỉ chuyên gây thù, chuốc oán, lừa lọc và dần cũng bị yểm bùa. Bộ Lạc này vốn bị yểm vào tà ác nên không kẻ nào thắng được bằng điều tương tự cả. Chính nàng và Bạch mã đã giải thoát được cho họ khỏi bùa quái ác bằng tấm lòng từ bi và sự lương thiện của mình!”. Thế rồi chim Ưng vỗ cánh bay đi.
Hai vợ chồng nàng đi ngược lên đỉnh núi nơi có Ông già thời gian ngự, nhưng không gặp ông! Chắc là Người đang vi vu ở đâu đó. Chỉ thấy trên thềm đá để lại một chiếc lá cổ thụ to rộng bốn cánh Xuân Hạ Thu Đông, cùng với câu chữ được ghi trên lá: “Dòng chảy cuộc sống từ xưa đến nay và mai sau, trong đó chỉ tiềm chứa sự thay đổi, ở mọi nơi mọi lúc. Việc của con người là tìm ra cách như thế nào, khơi thông được thế giới Hạnh phúc cho mình và cho người khác!!!”
Lúc này cả nàng và chồng nàng nhận ra điều gì đó…thấu hiểu và quyết định tự mình tạo ra tương lai, sự thay đổi cho dân làng và mọi người. Nàng và chồng nàng cúi đầu cung kính lạy tạ rồi quay đi, chiếc lá cũng lay động, bay lên hướng ra ngoài cửa hang rồi nhè nhẹ bay lên trời. Nhìn cảnh vật xung quanh là Thế giới ngút ngàn, tuyệt đẹp. Cả hai trở về làng cũ mở đường xây dựng hai ngôi làng, cùng bộ lạc tấp nập buôn bán, giao lưu hàng hóa, thực thẩm vật chất…Từ đó dân làng phát triển giàu có, những người dân trong làng cũng sống hạnh phúc, êm đềm mãi về sau.
Ngày 05/02/2016
Cổ tích nuôi dưỡng tâm hồn
Nguyễn Tất Thịnh
Biên soạn: Hà Bảo Trân/Tạp chí Văn Hiến bản in